10/06/2017 10:46 GMT+7

Sạt lở ở miền Tây - Kỳ 4: Khóc cười với 'bà thủy'

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TTO - Sạt lở, bồi tụ cũng gây ra cảnh dở khóc dở cười. Có người chỉ qua một mùa lũ bị lở cả công đất, vừa mất của, vừa phải lo tiền trả lại người thuê.

Khu vực bờ sông Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang) bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: Nguyễn Trường
Khu vực bờ sông Vàm Nao (Chợ Mới, An Giang) sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: Nguyễn Trường

Tui tưởng đã mất trắng, giờ lại được cấp đất cũ mà mới, phù sa màu mỡ, trồng cây gì cũng trúng bể tay, coi như niềm vui nhân lên gấp đôi

Ông TƯ THẠNH  (nông dân ở cồn Long Tả)

Lại có trường hợp hơn 100ha đất của một cù lao bị sạt lở khiến người dân tản cư khắp nơi, vài chục năm sau phù sa về bồi đắp lại, ai nấy trở về sinh sống, trở thành hàng xóm như xưa...

Đất mới, chủ cũ

Mấy năm trước, UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã đồng loạt cấp quyền sử dụng đất cho cả trăm hộ dân ở cù lao Long Tả, xã Long Khánh A. Hộ ít thì vài trăm mét vuông, người nhiều lên tới cả hecta. Điều đáng nói phần lớn trường hợp được cấp đất từng là chủ hoặc người thừa kế đất tại đây.

Có nhầm lẫn gì chăng hay địa phương cấp đất hai lần cho cùng một chủ? Bà Hồ Thị Phấn, 60 tuổi, nông dân gắn bó với cù lao này, giải thích: Cách đây khoảng 50 năm, Long Tả là vùng đất trù phú, đâu cũng thấy ruộng rẫy, vườn tược xanh um, người dân đến sinh cư lập nghiệp rất đông.

Rồi không hiểu sao nạn sạt lở rùng rùng kéo tới, từ đầu cù lao lở dài xuống sâu vô 700-800m, mạnh ai nấy dời nhà lùi vô, chen chúc nhau mà ở hoặc rời đi nơi khác sinh sống.

May thay tới năm 1990-1991, phù sa về bồi đắp dần, tạo thành dải đất bãi bồi lấn rộng ra sông Tiền.

Đến năm 2007 thì tạo hóa đã “trả” dư diện tích đất đã lấy trước đây, nhiều chỗ bãi bồi còn mở rộng ra sông hơn cây số.

Đất bồi đến đâu, chủ đất năm xưa lại quay về khai thác theo nguyên tắc “nối dài tiếp giáp”, trở thành hàng xóm của nhau như thời cha mẹ, ông bà họ từng sinh sống.

Một số người trước khi cù lao bị lở đã sang nhượng hoặc không có đất cũng vào khai mở, canh tác. Cùng lúc này, chính quyền địa phương phối hợp với các ngành liên quan, tiến hành khảo sát, định vị, đo đạc và cắm mốc quản lý với tổng diện tích trên 100ha, chia thành ba lô theo tiến trình bồi tụ.

Trên diện tích này, một phần xã tạm thời giao cho người dân tiếp tục sử dụng theo hiện trạng đã khai mở; phần còn lại đưa vào quỹ đất nông nghiệp của xã quản lý theo quy định, đồng thời cho dân ký hợp đồng thuê để sản xuất.

Từ đây đã xảy ra tranh chấp liên tục, kéo dài. Từ một “điểm nóng” về sạt lở, Long Tả sau khi được bồi tụ đã trở thành “điểm nóng” về khiếu kiện đất đai!

“Khi được giao nhiệm vụ giải quyết xung đột này, tôi đã nhiều lần xuống địa bàn đối thoại với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Dân nói đây là đất lan bồi, kết nối từ đất cũ ra lòng sông, đúng ngay diện tích cũ mà ông bà, cha mẹ họ để lại chứ không phải đất mới bồi thành cái cồn, nổi lên độc lập giữa sông nên xin Nhà nước cấp lại chủ quyền cho họ là cũng hợp tình, hợp lý.

Hơn nữa, với người nông dân, đất đai không chỉ đơn thuần là tài sản mà còn là quê hương, là nơi lưu giữ bao kỷ niệm, chất chứa mồ hôi, công sức mà gia đình, dòng họ đã khai phá nhiều năm mới có được. Bây giờ nếu Nhà nước lấy giao cho người khác sử dụng thì lòng dân sẽ không yên” - ông Nguyễn Trạng Sư, phó chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, nhớ lại.

Từ tình hình thực tế này, UBND huyện Hồng Ngự đã mạnh dạn kiến nghị và được tỉnh đồng ý giao cấp lại cho dân.

Đến nay, phần lớn đất bãi bồi ở cồn Long Tả (tổng diện tích trên 100ha) đã được cấp quyền sử dụng lâu dài cho khoảng 150 hộ dân theo hiện trạng khai mở và phù hợp với vị trí, diện tích đất mà người dân đã có khi chưa xảy ra sạt lở.

Nông dân được tái cấp đất sản xuất trên cồn Long Tả - Ảnh: TẤN ĐỨC
Nông dân được tái cấp đất sản xuất trên cồn Long Tả - Ảnh: TẤN ĐỨC

Với những trường hợp có tranh chấp, địa phương đã thuyết phục các bên “nhường cơm sẻ áo”, chia đều diện tích đất cho nhau để ai cũng có một phần đất canh tác.

“Tui tưởng đã mất trắng, giờ lại được cấp đất cũ mà mới, phù sa màu mỡ, trồng cây gì cũng trúng bể tay, coi như niềm vui nhân lên gấp đôi” - ông Tư Thạnh, nông dân được giao cấp gần 6 công đất ở cồn Long Tả, khoe với chúng tôi.

Nơi lở nơi bồi

Hơn 800 hộ dân ở Hồng Ngự, Đồng Tháp phải di dời khẩn do sạt lở

Cùng nằm trên địa bàn huyện Hồng Ngự nhưng so với dân ở cồn Long Tả thì dân tại cù lao Châu Ma, xã Phú Thuận B lại rơi vào tình cảnh trớ trêu. “Ai sanh đẻ ra ở Châu Ma, không ít thì nhiều đều dính hiểm họa sụp nhà, lở đất” - một nông dân cố cựu ở cù lao Châu Ma nói chắc như đinh đóng cột.

Mà thật vậy. Mỗi lần trở lại Châu Ma, chúng tôi lại nghe vài câu chuyện “cười ra nước mắt” liên quan đến sạt lở. “Có đất cho thuê, giờ vừa bị lở, vừa phải lo kiếm tiền mà thối lại cho người ta” - ông Ba Lén, nông dân mà chúng tôi gặp trên đò từ thị trấn Chợ Vàm (An Giang) qua Châu Ma, than vãn.

Rồi ông phân trần: “Tui già rồi, có 2 công đất làm không nổi nên cho vợ chồng thằng cháu mướn với giá 5 triệu đồng/công.

Tiền đã nhận trước, nhưng khi đứa cháu ra vun liếp chuẩn bị tỉa bắp, đậu xanh nó thấy ngờ ngợ, tưởng tôi giao đất thiếu nên kéo thước đo lại, mà thiếu thật, chỉ còn hơn một công.

Khi đó tui mới hay đất của mình bị “bà thủy” ăn vô nhanh quá, đâu ai ngờ nên bây giờ phải thối tiền lại chứ nó mướn 2 công mà giao có hơn 1 công coi sao được”.

Ngược sông Tiền, cách cù lao Châu Ma khoảng 30 cây số là xép Cỏ Găng thuộc xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu. Nơi đây nhiều hộ dân cũng đang trong tình cảnh đứng ngồi không yên vì “bà thủy”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1993 đến nay sạt lở đã lấy đi hơn 240ha đất của trên 1.000 hộ dân nơi đây, làm 700 căn nhà thiệt hại hoàn toàn hoặc phải di dời khẩn cấp.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là trong khi đất bờ sông bị lở thì đồng thời ở giữa sông Tiền (ngang vị trí sạt lở), cồn Vĩnh Hòa cũng dần nổi lên.

Ban đầu cồn này do tỉnh Đồng Tháp quản lý, sau đó (khoảng cuối năm 2004) cơ quan chức năng khảo sát và giao về cho An Giang.

Hiện tại toàn bộ 172ha đất có thể sản xuất trên cồn đã được cho thuê, trong đó có ba doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thuê tổng diện tích 120ha để trồng cây ăn trái, nuôi cá thịt và sản xuất giống thủy sản; phần còn lại cho hơn 88 hộ dân nghèo, gia đình chính sách bị ảnh hưởng của sạt lở thuê để trồng rau màu.

Thế rồi cuối năm 2016, người dân nhận được thông báo địa phương sẽ ngưng cho thuê. Nhiều người đã tỏ ra lo lắng trước thông tin này.

“Tôi cũng như hầu hết bà con đang thuê đất đều thuộc diện bị sạt lở, mất hết đất đai. Cách đây khoảng 20 năm, từ khi cồn Vĩnh Hòa mới nổi lên, chúng tôi đã bỏ công sức khai phá, sau đó được địa phương kêu lên ký hợp đồng thuê đất, hứa sẽ xem xét cấp quyền sử dụng lâu dài.

Bây giờ Nhà nước không cấp đất cũng không cho thuê nữa, chúng tôi biết làm gì để sống đây?”- ông Dương Tấn Thành, một nông dân đang thuê đất, phân trần.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Minh, chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa (Tân Châu), cho biết: “Đất thu hồi ở cồn Vĩnh Hòa sẽ giao cho doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp làm du lịch sinh thái.

Đây là chủ trương của tỉnh nhưng phía địa phương chúng tôi sẽ đề đạt nguyện vọng của dân nhằm giải quyết vụ việc một cách hợp tình, hợp lý”.

Kỳ 1: Khi dòng sông giận dữ
Kỳ 2: Những cù lao... lở
Kỳ 3: Hiểm nguy rình rập

_________

Kỳ tới: “Bức tử” rừng phòng hộ

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên