07/12/2016 09:06 GMT+7

Cuộc đổi thay kỳ diệu trên con đường Phan Xích Long

YẾN TRINH - TIẾN LONG
YẾN TRINH - TIẾN LONG

TTO - Tính từ sau cuộc đại cải tạo năm 2002 đến nay, chỉ trong vòng 14 năm, con đường Phan Xích Long trở nên “nhận không ra” theo lời những người đang sống ở đây. 

Tuyến đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM nay trở thành những khu phố ẩm thực nhộn nhịp - Ảnh: Tự Trung

Trên các diễn đàn ăn uống vui chơi, nhiều người gọi đùa đây là “San Francis... Long”, phỏng theo tên TP San Francisco của Mỹ.

Diện mạo con đường hiện nay ra sao, tại sao nhiều người lại đổ về chốn này đến vậy?

Lộc của con đường

Thật ra đường Phan Xích Long tính từ bờ kè kênh Nhiêu Lộc băng ngang đường Phan Đăng Lưu, kéo dài một đoạn về phía đường Nguyễn Kiệm mới kết thúc. Nhưng phần tiếp nối đó như “đứa con ghẻ”, bởi nhắc đến Phan Xích Long người ta hầu như chỉ nhớ đoạn sầm uất của nó phía bên bờ kè.

Những ao rau muống, nhà sàn, đường đất đỏ sình lầy giờ chỉ còn trong trí nhớ những “bô lão”. Không còn dấu vết nào để chứng minh nơi này từng là chốn - nói theo lời cư dân lâu năm - không biết đi đâu nên mới dạt về đây.

Điều người ta hay bàn luận khi nhắc đến Phan Xích Long là giá đất lên chóng mặt. Một số cư dân đã chứng kiến cuộc đổi dời cho biết ngày xưa giá đất nơi này rẻ như cho bởi chỉ được xem là vùng trũng của thành phố, dân tình bất đắc dĩ mới đến đây sinh sống. Nhưng bây giờ mọi thứ khác hẳn.

Đưa tay chỉ căn nhà chừng 40m2 ngay đầu đường Cù Lao giao với Phan Xích Long, ông Nguyễn Ngọc Minh (56 tuổi, bán quán phở gần đó), tặc lưỡi: “Hôm bữa hỏi chơi cho biết thôi, giá là 24 tỉ đồng. Còn giá thuê cỡ 200 triệu đồng/tháng, mà chẳng kịp mở miệng hỏi là có người thuê liền rồi”.

Con đường Phan Xích Long chỉ dài chừng cây số nhưng giá nhà đất phân chia đẳng cấp như một đô thị thu nhỏ.

Đoạn “trung tâm” con đường, nơi giao với các đường Cù Lao, Hoa Lan, Hoa Sứ... giá nhà đất cao ngất ngưởng. Còn đoạn đầu và cuối đường giá rẻ hơn 20-30%.

Nhà trong các con hẻm cũng có giá vài tỉ trở lên, căn nào kiểu dáng sang trọng thì ít nhất 6-7 tỉ đồng. Cũng vì lẽ đó, các con hẻm trong khu “San Francis... Long” này nhìn rất thoáng đãng, lịch sự.

Khu vực quanh đường Phan Xích Long rất tiện lợi cho việc đi lại, khung cảnh đẹp một cách hài hòa, giản dị. Hiện nay khu vực này mọc lên nhiều nhà hàng, khách sạn, có thể di chuyển bằng đường thủy (kênh Nhiêu Lộc) và cả đường bộ, lại gần sân bay Tân Sơn Nhất.

Đây là địa điểm tốt để phát triển làng du lịch, ẩm thực tầm cỡ Đông Nam Á

Tiến sĩ sử học  Nguyễn Nhã

Chừng sáu, bảy năm trở lại đây, các công ty môi giới nhà đất mọc lên khá nhiều ở khu này. Chúng tôi liên hệ với một chủ công ty tên Hùng, người này cho biết mình “làm ăn” ở đây đã ba năm.

Hiện tại nhà mặt đường thường có xu hướng cho thuê mặt tiền, chỉ hồi mới giải tỏa, dân tình còn khổ nên việc mua bán nhà mới diễn ra thường xuyên. Tuy vậy, Hùng nói nghề môi giới nhà đất ở khu này sống khỏe. Hùng nhận làm “cò” giới thiệu cho thuê mặt bằng, nhà nguyên căn, phòng trọ... 

Hùng nói: “Sống khỏe lắm vì nhu cầu thuê mướn nhiều vô kể, từ đường Phan Xích Long dẫn qua rất nhiều đường, một đống đường tên các loại hoa như Hoa Phượng, Hoa Mai, Hoa Hồng, Hoa Sứ, Hoa Sữa... rồi Nhiêu Tứ, Phan Tây Hồ, Nguyễn Công Hoan...”.

Tương tự, một số dịch vụ thuê bán nhà đất ở khu này còn tấn công rầm rộ trên mạng với những lời quảng cáo có cánh, hứa hẹn cảnh sống thượng lưu với đủ loại dịch vụ sinh hoạt, giải trí...

Cần gì cũng có

Sau cuộc “thay máu”, đường Phan Xích Long cùng với hai tuyến đường rộng Hoàng Sa, Trường Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè kết nối tạo mạch giao thông nối liền Phú Nhuận và các quận nội thành như quận 1, 3, 10, Tân Bình, Bình Thạnh. Lần lượt các ngân hàng, khách sạn mọc lên.

Quán ăn hội đủ tinh hoa ẩm thực ba miền Bắc, Trung, Nam. Ốc đảo biệt lập Phan Xích Long hồi xưa chuyển mình thành nơi tìm đến của các thương hiệu ẩm thực của Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc của thế giới như cà phê Starbucks.

Hiếm có con đường nào ở Sài Gòn quy tụ khá đầy đủ dịch vụ từ giáo dục, y tế (các trường quốc tế, trung tâm tiếng Anh, bệnh viện tư nhân...), ngân hàng, công ty kinh doanh nhiều lĩnh vực, dịch vụ lưu trú du lịch và hàng chục khách sạn, trung tâm thể hình...

Riêng lĩnh vực ăn uống, nơi đây thật sự là một “thiên đường” ẩm thực bởi vô số nhà hàng, quán ăn với đa dạng các món ăn ba miền.

Và chỉ riêng các nhà hàng, quán ăn bán món ăn ngoại, dọc con đường Phan Xích Long này đếm cũng trên dưới 20 chỗ.

Theo lời người dân nơi đây, chừng 4-5 năm nay, các món ăn ngoại tràn ngập bởi nhu cầu thực khách Sài Gòn đổ về con đường này ngày càng nhiều.

Điển hình là các nhà hàng bán món Nhật Bản, bài trí sang trọng, giá không dưới 100.000 đồng/món như đĩa sushi, lẩu cho một người là 200.000 đồng, các món cuốn.

Các quán lẩu nướng Hàn Quốc, Mông Cổ cũng “đổ bộ” điểm tô thêm cho sự phong phú của ẩm thực chốn này.

Với quán nướng Hàn Quốc GH ở gần cuối đường, thường xuyên khách phải xếp hàng để đợi có chỗ ngồi. Quán lẩu TJ cũng tương tự. Những quán bò Mỹ, bò Úc... cũng chen chân khu này với giá khá mềm.

Các món ăn Việt Nam phong phú không kém. Có thể kể đến các nhà hàng món Huế, món Đà Nẵng, món Quảng Nam, bánh cuốn Tây Hồ Hà Nội, cơm tấm cao cấp... san sát.

Buổi trưa, người từ các văn phòng công ty, trường học, ngân hàng... trên đường và gần đó đổ vào các quán này như đi hội.

Chị Trần Thị Phụng, chủ một quán bán món Huế, cho biết: “Ở đây tuy nhiều quán bán nhưng khách đông nên không ngại. Tôi mở quán ở đây đã ba năm, nói chung con đường này ngày đêm gì cũng xôm tụ cả”.

Các dịch vụ kể trên không chỉ đông đúc ở mặt đường Phan Xích Long, mà ăn sâu vào các đường nhánh, các ngõ hẻm, tạo thành một tổng thể sinh động. Câu nhận xét “ở Phan Xích Long cần gì cũng có” là hoàn toàn có cơ sở. Mọi ngả đường đổ về khiến nơi đây bỗng chốc trở thành trung tâm.

Khi nói về sự đổi thay, những người sống lâu năm nơi đây cho biết đó là những tín hiệu tốt đẹp, dù cái gì cũng có giá của nó, như cái giá mà nhiều người lao động nghèo phải trả khi nhận tiền đền bù không nhiều để rồi phải rời bỏ nơi chốn cũ để đi nơi khác như kẻ tha hương...

Ngay đầu đường Phan Xích Long là quán cà phê của vợ chồng ông Huỳnh Tấn Trí (59 tuổi). Ông bà không có ý định mở rộng việc buôn bán, chỉ bán lai rai sống qua ngày trong căn nhà mà nếu chỉ cần bán đi phân nửa vợ chồng ông có thể trở thành tỉ phú.

“Không ngờ bây giờ con đường này đẹp và cao giá quá vậy. Nó thay đổi quá nhiều. Hồi xưa đi qua ao rau muống còn sợ té. Giờ thì đông khách mỗi ngày, cả khách nội lẫn khách ngoại” - ông Trí cho biết.

Xem các kỳ trước

>> Kỳ 1: Xóm nước đen

>> Kỳ 2: “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư

>> Kỳ 3: Giấc mơ của ông Mười Điềm

 

YẾN TRINH - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên