28/11/2016 08:20 GMT+7

“Người con nuôi” Việt Nam của Fidel Castro

QUỲNH TRUNG ghi
QUỲNH TRUNG ghi

TTO - Ông là Nguyễn Đình Bin - nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

Lãnh tụ Fidel Castro và phiên dịch
Nguyễn Đình Bin - Ảnh: NVCC
Lãnh tụ Fidel Castro và phiên dịch Nguyễn Đình Bin - Ảnh: NVCC

“Tôi thân thiết và có nhiều kỷ niệm đối với Fidel đến nỗi mà nhiều tờ báo ở Việt Nam gọi tôi là “con nuôi của Fidel” - đó là đặc ân và diễm phúc của tôi” - Ông Nguyễn Đình Bin xúc động nói.

“Ông hay gọi tên Cuba của tôi là Raphael và thường gọi tôi là “tú” (mày) bằng tiếng Tây Ban Nha theo cách xưng hô thân mật như trong gia đình” - nhà ngoại giao kỳ cựu kể về vị lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Cuba, những kỷ niệm cả công việc lẫn cuộc sống ùa về...

Chuyên phiên dịch cho Fidel

Trong suốt chặng đường gần 40 năm, từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất khoa văn Trường đại học La Habana (Cuba), đến khi làm việc trong ngành ngoại giao, tôi đã nhiều lần được gặp gỡ lãnh tụ Cuba Fidel Castro nhờ được phiên dịch cho ông trong các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, hội đàm với đại sứ nước ta tại Cuba cũng như với lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trong nhiều sự kiện lịch sử.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên được phiên dịch cho Fidel là khi ông đến dự chiêu đãi Quốc khánh 2-9-1965, khi đó tôi còn là sinh viên năm nhất.

Năm 1966, đại sứ Ngô Mậu trình quốc thư làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cuba, bác ấy kéo sinh viên “Bin” về làm phiên dịch.

Một năm sau đó, do công việc sứ quán quá nhiều, tôi được vào biên chế của Bộ Ngoại giao với chức danh là phiên dịch viên. Kể từ đó, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với Fidel.

“Câu chuyện đáng nhớ nhất liên quan đến Fidel trong trí nhớ của tôi chính là lúc ông đích thân lái xe jeep đưa Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị đến trang trại nuôi bò Picadura ở La Habana tháng 8-1967.

Trong chuyến đi, ông thăm hỏi về việc chăn nuôi ở vùng Tây nguyên Việt Nam và tặng Việt Nam những con bò giống, gà giống để Việt Nam có sữa và có thịt mà dùng. Đó là một việc làm hết sức thiết thực, nghĩa tình, thể hiện tấm lòng của Fidel đối với Việt Nam”.

(nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin)

Đối với tôi, Fidel còn là người cực kỳ nhân hậu và giản dị, một lãnh tụ rất uyên bác và có lý tưởng.

Xuất thân trong một gia đình đại điền chủ, tốt nghiệp tiến sĩ luật, Fidel đã từ bỏ cuộc sống vương giả để cống hiến trọn đời cho độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân Cuba và cho lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng con người, bình đẳng, bác ái, chống lại mọi áp bức, bất công trên toàn thế giới.

Ông đã lập nên một kỳ tích có một không hai: dẫn dắt nhân dân Cuba và trực tiếp chiến đấu thắng lợi cùng với nhân dân mình, đem lại và bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, đồng thời xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp trên tổ quốc Cuba.

Fidel không chỉ là vị lãnh tụ, tổng tư lệnh, người anh hùng dân tộc vĩ đại của nhân dân Cuba mà còn là nhà cách mạng, người chiến sĩ quốc tế kiệt xuất, uyên bác, đầy nhiệt huyết, hào sảng, nghĩa hiệp.

Những ký ức lịch sử

Năm 1973, Fidel là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam khi chiến tranh chưa kết thúc. Lúc đó tôi là người phiên dịch cho Fidel và lãnh đạo ta. Ngày 12-9-1973, Thủ tướng Fidel Castro đến Việt Nam.

Ra đón đoàn tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) có rất nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta: Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Hai bên đường, hàng vạn đồng bào tay cầm cờ hoa đón chào Fidel, không ngừng hô vang: “Viva Cuba! Viva Fidel!”.

Ông Nguyễn Đình Bin (thứ ba từ phải sang) trong một lần phiên dịch cho lãnh tụ Fidel Castro nhân chuyến thăm Việt Nam - Ảnh: NVCC

Trong chuyến thăm năm đó, Fidel nhất quyết yêu cầu được đi thăm “thủ phủ” của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, Quảng Trị để được trực tiếp chứng kiến chiến trường, thăm hỏi và động viên đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Lúc đầu, lãnh đạo nước ta chần chừ vì lo ngại an ninh cho Fidel khi chiến tranh vẫn còn diễn ra ác liệt. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của Fidel, lãnh đạo ta cuối cùng cũng đồng ý.

Trên đường về Vĩnh Linh, có bom Mỹ thả, dân ta có mấy chị phụ nữ bị thương. Fidel yêu cầu đoàn xe dừng lại ngay và đến thăm hỏi những người bị thương. Điều đó cho thấy ông ấy là một người cực kỳ nhân hậu.

Có một điều Fidel vô cùng tiếc nuối là chưa được gặp Bác Hồ. Khi Bộ Chính trị công bố ngày mất của Bác là 3-9-1969, Fidel không thể sắp xếp đến viếng vì bận việc nước. Ông cử một đoàn đại biểu cấp cao Cuba đến Hà Nội, đồng thời đến sứ quán Việt Nam tại Cuba để viếng, vô cùng xúc động.

Trong tiệc chiêu đãi trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam năm 1973, Fidel nói rất tiếc là ông không gặp Bác. Ông ước gì đến Hà Nội trước ngày 2-9-1969 để được gặp Bác. Tuy hai vĩ nhân không có cơ hội gặp nhau, nhưng họ có gửi nhiều tặng phẩm cho nhau.

Cũng trong chuyến thăm lần đầu tiên này của Fidel đến Việt Nam, Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế - xã hội với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD.

Bao gồm: khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam - Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình), đường Xuân Mai, trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ; tặng bò giống, gà giống và chi hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại, đồng thời cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh, và giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học và cao học...

Ngày 27-3-1974, Bác Tô - Thủ tướng Phạm Văn Đồng - dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm Cuba.

Tôi còn nhớ lúc đó, đích thân Fidel đến khu nhà ở dành cho các nguyên thủ nước ngoài ở Cuba và tặng bác Tô một đồng hồ điện tử. Còn gặp tôi thì lúc nào ông cũng ôm vai bá cổ thân thiết, thậm chí mời tôi đến nhà ăn cơm.

Trong cuộc mittinh lịch sử ngày 2-1-1966 chào mừng lần thứ 7 Cách mạng Cuba thành công tại quảng trường Cách mạng José Marti, trước hơn 30 vạn quần chúng và các đoàn đại biểu các nước Á, Phi, Mỹ Latin tham dự Hội nghị đoàn kết ba châu lần thứ nhất tổ chức ở La Habana, tôi có vinh dự làm phiên dịch cho đoàn đại biểu Việt Nam do ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trần Danh Tuyên dẫn đầu.

Tôi cũng chính là người phiên dịch câu nói lịch sử của lãnh tụ Fidel Castro về mối quan hệ với Việt Nam tại cuộc mittinh năm đó: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình”.

--------

* Đón đọc kỳ 3: Fidel trong ký ức của một đại sứ

QUỲNH TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên