28/09/2016 13:30 GMT+7

Làng Thái Bình dưới chân núi Chư Mom Ray

TẤN VŨ - MINH TỰ, tanvu@tuoitre.com.vn
TẤN VŨ - MINH TỰ, tanvu@tuoitre.com.vn

TTO - Dưới chân núi Chư Mom Ray ở huyện biên giới Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) có một câu lạc bộ (CLB) hát chèo của những người Thái Bình được lập ra trong nỗi nhớ quê da diết.

Người Thái Bình đem lúa nước, con trâu cái cày lên vùng cao nguyên Ea Sup để biến nó thành vựa lúa của Đắk lắk - Ảnh: TẤN VŨ
Người Thái Bình đem lúa nước, con trâu cái cày lên vùng cao nguyên Ea Sup để biến nó thành vựa lúa của Đắk Lắk - Ảnh: TẤN VŨ

Hơn 30 năm trước, cộng đồng người Thái Bình vào đây mở đất, lập điền theo chương trình kinh tế mới.

Họ đi nhưng không quên mang theo linh hồn của xứ sở, để rồi ngày nay giữa cao nguyên bạt ngàn nắng gió, làn điệu chèo “đặc sản” Thái Bình vẫn được cất lên thiết tha sưởi ấm lòng người xa xứ.

Những ngày gian khổ

Theo quốc lộ 14 đến ngã ba Trung Tín, TP Kon Tum rồi rẽ về phía biên giới hơn 30km sẽ gặp một bình nguyên nằm ven sông Pô Kô được che chắn bởi dãy núi Chư Mom Ray điệp trùng.

Những sườn đồi bát úp phủ một màu xanh mướt của cà phê, cao su đang hứng những cơn mưa dịu mát. Những xóm nhà chen ra sát mép hồ thủy điện Yaly.

Đó là làng Thái Bình - làng của những người dân đến từ tỉnh trung tâm đồng bằng Bắc bộ - thuộc xã Yaly, huyện Sa Thầy.

Ông Nguyễn Trọng Đức, 69 tuổi, chủ tịch Hội cựu chiến binh của xã Yaly, cho biết 30 năm trước (1986) ông cùng vợ con, hàng xóm ở tận thôn Nam Đường (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, Thái Bình) vào đây lập nghiệp.

Ông còn nhớ như in hai chuyến xe ca chở 60 hộ từ huyện Kiến Xương ì ạch suốt hai ngày hai đêm mới vào đến nơi. Yaly khi đó là những cánh rừng bạt ngàn, hoang vu và đầy dã thú.

Những căn lều tranh vách nứa được thanh niên xung phong dựng lên giữa rừng cho các hộ gia đình đi kinh tế mới trú ngụ. 

“Ngoài quê phát cho sáu tháng lương thực, mỗi khẩu được 13kg gạo/tháng. Chúng tôi phải phát rừng, chặt cây, khoai hoang để trồng ngay sắn khoai ngô đậu cho kịp có cái ăn trước khi khẩu phần gạo cấp phát vừa hết. Khi có cái ăn hằng ngày rồi thì bắt đầu trồng cây dài ngày cà phê, cao su” - ông Đức nhớ lại.

Ban đầu Nhà nước chia cho mỗi hộ một thửa đất 20m chiều ngang, chiều dài chừng 50m để làm nhà và sản xuất. Nước uống phải mang từng xô từ dưới suối lên nhà trên sườn đồi. Nồi cơm chỉ thấy toàn sắn. Nhiều người không chịu được khốn khó đã lặng lẽ quay về quê cũ.

“Tôi là trưởng thôn, đội trưởng đội sản xuất số 1, nên phải gương mẫu ở lại. Nhưng có về cũng không còn nhà nơi quê cũ vì đã bán hết rồi” - ông Đức nói.

Ngày thủy điện Yaly tích nước, những cánh đồng dưới những thung lũng là vựa lúa chính của người làng Thái Bình cũng chìm theo.

Bà Chu Thị Mây, 62 tuổi, người làng Thái Bình, kể gia đình bà phải thuê lại các thửa ruộng của đồng bào thiểu số để trồng lúa.

“Hồi mới lên đây, bà con dân tộc thiểu số trong vùng còn đóng khố, ngực trần, địu con trên lưng vừa tỉa lúa trên rẫy. Đồng bào thiểu số ở đây chỉ biết làm lúa rẫy thôi, chẳng ai làm lúa nước dù các thung lũng bằng phẳng và đất bùn rất tốt để cấy lúa” - bà Mây kể.

Người dân tộc Ja Rai giỏi làm nương rẫy nên người Thái Bình “quê lúa” đã giúp cho họ biết làm lúa nước. Hai bên giúp nhau và sống chan hòa. Thủy điện Yaly tích nước, làng Thái Bình rời khỏi làng cũ ở lòng hồ từ năm 1995 và di dời lên trên đồi là chỗ ở bây giờ.

Do quê hương cũ vẫn canh cánh trong lòng, người dân nơi đây quyết định đặt tên cho hai thôn mới với tên gọi Đông Hưng và Kiến Xương (tên hai huyện của tỉnh Thái Bình).

Một căn nhà nhỏ, tường vôi mái tôn, rộng chừng 40m2 được xây dựng giữa hai thôn với dòng chữ Hội trường làng Thái Bình. Ông Đức bảo căn nhà này là nơi hội họp mỗi khi lễ, tết hoặc các đoàn ở quê Thái Bình vào thăm.

Câu chèo vọng cố hương

Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Phạm Văn Trưởng nằm cuối thôn Đông Hưng, khuất hẳn giữa rừng cao su. Lủng lẳng trên vách tường là các loại đàn to nhỏ, những cái trống và hình ảnh của đội chèo Thái Bình. Ẩn sau nét vạm vỡ của người đàn ông cường tráng này là nét chân chất của người nghệ sĩ.

Anh Trưởng bảo rằng dù công việc làm nông đầu tắt mặt tối nhưng những điệu hát chèo đặc trưng của người Thái Bình đã ngấm vào máu, dù đi đâu về đâu người quê anh vẫn cứ mang theo.

Anh Phạm Văn Trưởng, người lưu giữ hồn chèo trên cao nguyên - Ảnh: TẤN VŨ 

Anh Trưởng kể mình chỉ là người kế thừa việc quản lý CLB hát chèo do cha anh trao lại. Trong những ngày khó khăn nhất trên đất Tây nguyên, cụ Phạm Văn Hoán, cha anh Trưởng, đã lập ra CLB chèo để nguôi ngoai nỗi nhớ làng quê.

Và câu hát những ngày đó như một niềm an ủi duy nhất để người dân bám trụ, xua đi cái buồn bã, lạc lõng giữa núi rừng.

“Những đêm trăng sáng, tôi theo cha cùng các cô chú trong làng giải chiếu ngồi uống chè rồi hát đến khuya” - anh Trưởng kể.

Mấy chục năm qua nếp xưa vẫn giữ, anh Trưởng bây giờ là chủ nhiệm một CLB chèo Thái Bình của gần 20 diễn viên trong làng Thái Bình. Người nhỏ nhất 18 tuổi, người già nhất 70 tuổi, hằng tuần họ đều tập luyện ở nhà truyền thống.

Những buổi liên hoan, mừng năm mới, hội hè ở xã, huyện, tỉnh, đoàn chèo của anh Trưởng đều có mặt.

“Bây giờ thì mọi thứ dễ rồi, ngày trước để có một cây đàn trên núi, cha tôi phải viết thư về cho chú ngoài quê. Chú tôi mua đàn, đóng gói gửi xe đò vào huyện Sa Thầy. Nhà xe gửi lại ở bến xe để cha tôi đạp xe xuống nhận. Có khi nửa tháng, 20 ngày cây đàn mới lên đến làng. Đêm đó cả xóm ngồi hát để cha tôi đàn đến khuya” - anh Trưởng kể.

Sa Thầy là xứ sở của những loài tre trúc và rừng già. Mỗi chuyến về quê, món quà quý giá của anh Trưởng mang theo là một bó trúc để biếu người làng làm sáo. Những ống trúc ở Tây nguyên phải qua tay những người thợ ở Đông Hưng mới cho ra tiếng sáo hợp với làn điệu chèo.

Anh Trưởng cho biết trai gái trong ngôi làng Thái Bình xa xôi trên cao nguyên này ai cũng mê chèo. Những đứa trẻ mới sinh ra trên Tây nguyên này đã nghe tiếng hát chèo của mẹ khi còn nằm trong nôi.

Vựa lúa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk của người Thái Bình

Không chỉ có làng ở Sa Thầy (Kon Tum), người Thái Bình còn có làng ở Đắk Lắk. Đến xã Ea Bung, huyện Ea Sup (Đắk Lắk), bạn sẽ bắt gặp những cánh đồng lúa nối tiếp nhau trải dài đến tận chân núi - một hình ảnh khác biệt giữa cao nguyên đất đỏ bazan bạt ngàn cà phê, cao su.

Đó là xã kinh tế mới của người Thái Bình nổi tiếng với nghề trồng lúa. Thung lũng Ea Súp bằng phẳng, đất màu mỡ, cùng với nguồn nước thủy lợi Ea Súp Hạ sau này có thêm Ea Súp Thượng, gặp bàn tay trồng lúa thiện nghệ của người Thái Bình, chỉ một thời gian sau rừng hoang đã thành những đồng ruộng tốt tươi, vựa lúa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk.

>> Kỳ tới: Làng Ninh Bình ở Gia Lai

TẤN VŨ - MINH TỰ, tanvu@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên