14/04/2016 11:03 GMT+7

Vụ Panama: Quá nhanh, quá nguy hiểm

DŨNG NGUYÊN
DŨNG NGUYÊN

TTO - Trước mối nguy từ việc các thiên đường thuế vẫn nhởn nhơ tồn tại dù đã bị tấn công, chỉ trích, các biện pháp quyết liệt và nhanh chóng lần này là điều được những người dân tử tế vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.

Những người biểu tình đóng hoạt cảnh về thiên đường tài chính bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels (Bỉ) ngày 12-4 - Ảnh: Reuters
Những người biểu tình đóng hoạt cảnh về thiên đường tài chính bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels (Bỉ) ngày 12-4 - Ảnh: Reuters

“Tôi thấy thật sự phẫn nộ với những gì vừa được tiết lộ. Nạn gian lận, trốn thuế, lách thuế là một thứ tai họa

Ông Pierre Moscovici (Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thuế)

 

Ai sợ hãi nhất trong vụ rò rỉ “Tài liệu Panama”? Câu trả lời có lẽ không quá khó. Điều khiến người dân đóng thuế đàng hoàng nói chung hoan hỉ nhất là một số quốc gia đã quyết liệt điều chỉnh luật, quy định để ngăn chặn tình trạng những kẻ giàu có tìm cách trốn tránh việc thực thi nghĩa vụ đóng thuế “ích nước, lợi dân”.

Quyết liệt nhất có lẽ là các quốc gia châu Âu vì tình trạng gian lận thuế của các tập đoàn đa quốc gia đang gây thiệt hại hàng tỉ USD cho ngân sách các nước mỗi năm.

Xài luật cứng

Hôm 12-4, Ủy ban châu Âu (EC) đã trình các giải pháp của mình ra Nghị viện châu Âu (EP) tại Strasbourg (Pháp). EC, trong vai trò hành pháp, đã chỉ đạo các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) phải công bố các dữ liệu kế toán và thuế của các tập đoàn đa quốc gia hoặc doanh số, lợi nhuận, ngưỡng trần tính tiền thuế mà tập đoàn đa quốc gia phải nộp ở mỗi nước thành viên.

Các biện pháp này được hai Ủy viên châu Âu là Pierre Moscovici, người phụ trách vấn đề thuế, và người đồng nhiệm đặc trách bình ổn tài chính Jonathan Hill chuẩn bị từ lâu để ngăn chặn các tập đoàn lớn đặt trụ sở và khai thuế ở nước thành viên áp thuế ít. Nay là dịp quá tốt, quá phù hợp để các giải pháp của họ được xem xét nghiêm túc và nhanh chóng nhất.

Theo các biện pháp mới mà EC đề xuất, tất cả tập đoàn đa quốc gia có chi nhánh tại EU, nếu có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ phải công bố các thông tin về doanh số, kế toán và lợi nhuận... Lợi nhuận thu được ở quốc gia nào sẽ phải nộp thuế ở ngay đó. Tất cả những thông số này sẽ được cơ quan thuế của các nước thành viên EU chia sẻ cho nhau một cách tự động.

Các tập đoàn không có chi nhánh ở EU cũng bị yêu cầu cung cấp thông tin hoạt động tầm toàn cầu của mình và đặc biệt phải cung cấp chi tiết các hoạt động của mình tại những quốc gia nằm trong danh sách các thiên đường thuế.

Hàng loạt công ty đa quốc gia như Amazon, Google, Facebook, Coca-Cola..., sắp tới sẽ phải ra trước EP để trình bày ý kiến của họ về các đề xuất mới nói trên của EC.

Dù vậy các giải pháp này vẫn bị các tổ chức phi chính phủ xem là chưa mạnh tay nhằm đạt được tính minh bạch từ các tập đoàn đa quốc gia.

Chẳng hạn Tổ chức phi chính phủ One đặt những câu hỏi khó trả lời: tại sao chỉ những “ông lớn” có doanh thu trên 750 triệu euro mới phải công bố thông tin? Liệu có kiểm soát được hoạt động của các tập đoàn ở những nước không là thành viên của EU? Tổ chức One chỉ rõ: “Không có được những thông tin đó thì sẽ không thể biết được gì nhiều hơn về hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia ở các thiên đường tài chính và do đó cũng không thể phát hiện các cơ chế trốn thuế”.

Bộ giải pháp lần này của EC thật ra đã được thai nghén sau vụ rò rỉ thông tin về các trường hợp trốn thuế trong vụ bê bối được gọi tên là LuxLeaks hồi tháng 11-2014. Vụ đó đã lật tẩy vai trò hỗ trợ của một số quốc gia, trong đó có Luxembourg, cho các tập đoàn trốn thuế.

Vụ việc đã làm hoen ố ngày nhậm chức chủ tịch EC của ông Jean-Claude Juncker bởi lẽ vào thời điểm xảy ra vụ bê bối, ông Juncker là thủ tướng kiêm nhiệm bộ trưởng tài chính của Luxembourg!

Trong giải pháp mới đệ trình, EC cũng đề nghị thành lập một danh sách mới về các thiên đường tài chính cho EU. Ông Moscovici lý giải: “Cứ xem trường hợp Panama. Nước này chỉ bị chín nước thành viên EU (Pháp mới điều chỉnh) xem là thiên đường tài chính. Như thế là không ổn. Chúng ta rất cần có một danh sách chung cho EU với những tiêu chí phân loại như nhau và các biện pháp trừng phạt mạnh như nhau”.

Panama - vì đâu nên nỗi?

Từ khi Tổng thống Juan Carlos Varela lên nắm quyền vào tháng 7-2014, chính quyền có vẻ rất biết cách quảng bá cho quyết tâm bài trừ tình trạng tội phạm có tổ chức và rửa tiền: mỗi lần bắt được các vụ ma túy lớn, báo chí đều được mời đến đưa tin hoành tráng về chiến lợi phẩm cảnh sát thu được cùng các hoạt động tiêu hủy...

Tuy nhiên riêng hoạt động được cho là “rửa tiền” liên quan các công ty bình phong thì chính quyền Panama ít thấy minh bạch được như chuyện chống các băng đảng. Quốc gia nhỏ bé chỉ 76.000km² này, nằm nối giữa Trung Mỹ và Nam Mỹ, gần như bất hợp tác với các chính sách chống gian lận thuế và trốn thuế toàn cầu. Panama rõ ràng không thể chối bỏ hình ảnh không tốt đẹp trong mắt các nước khác bởi nơi này có đến 100.000 công ty bình phong hoạt động không minh bạch và không phải đóng đồng thuế nào.

Từ hai năm qua, các lãnh đạo nhóm G20 cũng như ban lãnh đạo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vẫn tiến hành gây sức ép mạnh mẽ với chính quyền Panama, buộc Panama phải thực thi biện pháp trao đổi tự động các dữ liệu tài chính của các công ty vào khoảng trước năm 2018, như các nước khác vốn bị xem là thiên đường tài chính như Luxembourg, Liechtenstein, Singapore và hầu hết các quốc đảo nhỏ ở Caribbean và Thái Bình Dương (quần đảo Virgin thuộc Anh, Samoa...) đã và đang làm.

Ông Pascal Saint-Amans, giám đốc Trung tâm chính sách và điều hành tài chính của OECD, kết tội thẳng: “Panama giờ đây chẳng khác một tay chuyển tiền lậu trong một thế giới đang đi vào quy củ. Chuyện này không thể kéo dài được nữa. Để cuộc chiến chống nạn gian lận và trốn thuế đi vào hiệu quả thì mọi người cần đồng tâm hiệp lực”. Nhưng cũng nên biết thêm là ngoài Panama còn có ba anh chàng “cứng đầu” khác là Bahrain, Nauru và Vanuatu, đến nay vẫn từ chối chuyện tham gia trao đổi tự động dữ liệu thuế.

Nhưng trong số này Panama bị tấn công nhiều hơn cả. Gần cuối tháng 2 vừa qua, nhân hội nghị Bộ trưởng tài chính G20 tại Thượng Hải (Trung Quốc), đánh giá của OECD công bố tại đây được cho là “rất xấu”. Bằng chứng là trong ba năm qua, Panama đã nhận hơn 100 yêu cầu thông tin từ các nước thành viên OECD đối với những trường hợp tài chính đáng ngờ đang có tài khoản tại Panama.

Các nước đang ngóng xem cách hành xử của Panama trong việc hợp tác chống trốn thuế. Các chuyên gia cho rằng câu trả lời còn nằm ở thái độ của Mỹ và Anh vốn là đồng minh truyền thống của Panama. Có vẻ thái độ của hai anh cả này cũng đã thay đổi.

Gần nhất là Thứ trưởng Tài chính Mỹ Robert Stack đã nói thẳng: “Chúng tôi trông đợi Panama hành xử theo các quy định cho thành viên của Diễn đàn toàn cầu (cơ quan của OECD chuyên kiểm tra việc áp dụng các chuẩn mực về hợp tác tài chính), kể cả quy định về minh bạch”.

Phải chăng chính quyền Panama cũng phải nhanh chóng chịu phép lần này trước áp lực của thế giới? Tối 12-4, cảnh sát và các công tố viên Panama đã tiến hành khám xét trụ sở và các chi nhánh của Công ty luật Mossack Fonseca trên khắp đất nước. Phía công tố viên cho biết đang nỗ lực tìm kiếm các bằng chứng và tài liệu cho thấy công ty đã thực hiện “những hành vi bất hợp pháp” liên quan đến việc hỗ trợ nhiều khách hàng giàu có trên thế giới “rửa tiền” và trốn thuế.

-----------------------

Kỳ 10: Góc tối Đông Nam Á

DŨNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên