13/04/2016 12:39 GMT+7

Tài liệu Panama: Không phải tất cả đều “mơ hồ”

DŨNG NGUYÊN
DŨNG NGUYÊN

TTO - Câu chuyện bức họa giá trị cao vừa bị bên tư pháp Thụy Sĩ giữ lại để điều tra là một bước tiến cho thấy “Tài liệu Panama” hoàn toàn là chứng cứ đáng tin để luật pháp can thiệp.

Trưng bày “Những chân dung đàn ông” trong một triển lãm của danh họa Ý Modigliani - Ảnh: AFP
Trưng bày “Những chân dung đàn ông” trong một triển lãm của danh họa Ý Modigliani - Ảnh: AFP

Nhiều trường hợp bị nêu tên trong “Tài liệu Panama” đã chọn cách phản ứng đầu tiên là im lặng hoặc chối bỏ cho rằng những thông tin cung cấp trên truyền thông không đáng tin cậy.

Câu chuyện liên quan bức tranh có tên Người đàn ông ngồi tựa trên cây gậy (vẽ năm 1918) của danh họa người Ý Amedeo Modigliani cho thấy ý nghĩa công việc của các nhà báo điều tra khắp thế giới.

Số phận ly kỳ 70 năm

Bức tranh mô tả một người đàn ông quý phái ngồi nghỉ ngơi thư thái nhưng số phận thật long đong. Theo hồ sơ câu chuyện, bức tranh ước trị giá khoảng 25 triệu USD này thuộc tài sản của ông Oscar Stettiner, một nhà buôn đồ cổ người Anh cải đạo sang Do Thái.

Trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai, ông Stettiner sinh sống ở Pháp và tài sản của ông bị Chính phủ Vichy (thân Đức) cướp lấy và đem bán đấu giá tại Paris trong khoảng năm 1941-1944. Bức tranh Người đàn ông ngồi tựa trên cây gậy khi đó bị bán đi với giá 16.000 francs.

Chiến tranh kết thúc, ông Stettiner tìm cách đòi lại tài sản và phát hiện thấy bức tranh của mình nằm trong tay một người mua tên John Van der Klip. Stettiner làm đơn khởi kiện đòi lại bức tranh năm 1946 nhưng chưa được gì thì ông qua đời hai năm sau đó.

Bức tranh tái xuất hiện trong một phiên đấu giá của nhà Christie’s tại London năm 1996 và về tay một công ty Panama có tên International Art Center (IAC) với giá 3,2 triệu USD. Công ty IAC, từ khi được thành lập năm 1995 thông qua Công ty luật Mossack Fonseca, là thuộc quyền sở hữu của gia đình tỉ phú David Nahmad.

Con cháu gia đình Nahmad vài lần đem tranh trưng bày sau đó nên đã gây sự chú ý từ Mondex Corp, một công ty của Canada chuyên về thu hồi tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp. Năm 2009, chủ tịch và cũng là nhà sáng lập Mondex Corp là ông James Palmer đã liên lạc với cháu nội của ông Stettiner để xin điều tra về vụ việc này.

Người cháu nội tên Philippe Maestracci, 71 tuổi, một người làm nông ở Dordogne (Pháp), đồng ý và còn tuyên bố trên báo chí: “Tôi kiện không phải vì tiền mà là để tưởng nhớ đến ông tôi”.

Năm 2011, Maestracci đã khởi kiện ra tòa dân sự ở New York (Mỹ), tố cáo ông David Nahmad, một trong những nhà sưu tập nghệ thuật và cũng là nhà buôn có tên tuổi của thế giới, đang sở hữu bức tranh đã bị bán trái phép, không có sự đồng ý của chủ sở hữu thật sự.

Trước tòa ở Mỹ, luật sư của ông David Nahmad khăng khăng rằng thân chủ của mình không biết gì về bức tranh và bức tranh thuộc sở hữu của Công ty IAC.

Tư pháp Thụy Sĩ nhanh chóng vào cuộc

Thế rồi từ “Tài liệu Panama”, các nhà báo của nhật báo Pháp Le Monde cùng đồng nghiệp trong Liên minh Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) đã tìm ra các tài liệu chứng minh rằng Công ty IAC là thuộc quyền sở hữu của gia đình đại gia Nahmad. Rồi từ năm 2014, David Nahmad là cổ đông duy nhất của Công ty IAC!

Khi được hỏi về các tài liệu mang tính bằng chứng trên, luật sư Richard Golub của David Nahmad lấp liếm: “Ai sở hữu Công ty IAC cũng chẳng quan trọng hơn việc biết xem ai đang ở trên hành tinh Pluton!”.

Nhà buôn Nahmad cùng luật sư của mình còn chọn cách phản công theo kiểu đặt nghi vấn về quyền sở hữu bức tranh của ông Oscar Stettiner. Họ công nhận đúng là vào kỳ Triển lãm nghệ thuật ở Venise (Ý) năm 1930, ông Oscar Stettiner từng giới thiệu bức tranh này. Nhưng phía Nahmad lập luận kiểu bức tranh họ đã mua được và bức tranh từng thuộc sở hữu của gia đình Stettiner chưa chắc đã là một!

Báo Le Monde của Pháp soi rọi các tài liệu và thấy rằng người đã mua bức tranh chân dung của danh họa Modigliani vào năm 1944 và người đã bán bức tranh Người đàn ông ngồi tựa trên cây gậy vào năm 1996 là thuộc cùng một gia đình. Dù không có bằng chứng tuyệt đối nhưng những chi tiết ấy cũng buộc người ta có sự liên tưởng.

Bên tư pháp Thụy Sĩ đã ra tay nhanh chóng vào ngày 8-4, tức chỉ ba ngày sau khi thông tin từ báo chí nêu ra liên quan bức tranh. Đến ngày 11-4, công tố viên của thành phố Geneva ra thông cáo tuyên bố đã tạm giữ một bức tranh Modigliani được cho là đã bị cướp trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai và đã được một công ty bình phong giấu đi từ năm 1996.

Bộ Tư pháp Thụy Sĩ cho biết đã tiến hành thủ tục hình sự “nhằm kiểm tra các chi tiết” liên quan đến bức tranh Người đàn ông ngồi tựa trên cây gậy của danh họa Modigliani đang có mặt tại Geneva.

Trong thông cáo phát đi, Bộ Tư pháp khẳng định bức tranh này đang được cất giữ tại kho ngoại quan của thành phố. Thông báo này được xem là một bước tiến quan trọng trong hồ sơ kiện tụng liên quan đến việc sở hữu bức tranh trên.

Truyền thông Thụy Sĩ cho biết hôm thứ sáu (8-4), các thẩm phán Thụy Sĩ đã lấy lệnh vào kiểm tra kho hàng của Công ty Rodolphe Haller đặt tại khu kho ngoại quan ở Geneva. Kho này chứa hàng ngàn bức tranh quý giá của gia đình Nahmad.

Dẫu đến giờ chưa ai chắc họ hành động theo yêu cầu của tòa án từ Mỹ vì phía công tố Thụy Sĩ chọn giải pháp “không bình luận gì thêm do vụ việc đang trong quá trình điều tra”.

Nhưng với báo giới, đây là bước đi rất cụ thể đầu tiên hi vọng giúp giới cất giữ tài sản quý ở Thụy Sĩ phải phá vỡ quy luật “im lặng” bất di bất dịch để làm rõ những điểm “mơ hồ” trong rất nhiều vụ việc liên quan đến những bức tranh quý bị cướp bóc trong thời chiến hoặc bị lừa đảo, bị cướp những năm sau này.

CIA cũng nhờ Mossack Fonseca

Báo Đức Sueddeutsche Zeitung ngày 12-4 đưa tin điệp viên của một số quốc gia, trong đó có cả những nhân vật trung gian từng hợp tác lâu dài với Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), đã sử dụng các dịch vụ của Mossack Fonseca ở Panama để mở những công ty vỏ bọc nhằm che đậy hoạt động của mình.

“Tài liệu Panama” còn tiết lộ những quan chức cấp cao đang tại vị hoặc đã nghỉ hưu thuộc các cơ quan tình báo của ít nhất ba quốc gia là Saudi Arabia, Colombia và Rwanda nằm trong danh sách các khách hàng của công ty trên. Trong số đó có Kamal Adham, cựu trùm tình báo Saudi Arabia, đã qua đời năm 1999.

Adham là một trong “những nhân vật trung gian chủ chốt của CIA trong thập niên 1970” ở Trung Đông.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 11-4, Tổng công tố Venezuela Luisa Ortega đã yêu cầu các ngân hàng phong tỏa tài khoản của những đối tượng nằm trong diện điều tra của chính phủ liên quan tới “Tài liệu Panama”.

Phát biểu trên Đài truyền hình Globovision, bà Ortega cho biết các công tố viên đang cân nhắc việc ra lệnh bắt giữ những nhân vật bị “điểm mặt chỉ tên” dù bà không cho biết cụ thể nhân vật nào.

Theo thống kê, trong số 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ có 241.000 tài liệu đề cập đến Venezuela. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hồi tuần trước đã chỉ thị bà Ortega điều tra vụ việc trên.

Trong số các công dân Venezuela dính líu tới vụ bê bối này gồm một cựu sĩ quan quân đội cấp cao, một cựu quan chức của công ty dầu khí quốc doanh...

________________

Kỳ 9: Quá nhanh, quá nguy hiểm

DŨNG NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên