15/03/2016 09:20 GMT+7

Ngày tưởng niệm đồng đội, những anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TT - Sáng 14-3, nghĩa trang liệt sĩ phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) khói hương nghi ngút. Quanh mộ anh hùng liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương, 64 ngọn nến được thắp lên sáng rực.

Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma được tổ chức tại phần mộ anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương sáng 14-3   - Ảnh: Quốc Nam
Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma được tổ chức tại phần mộ anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương sáng 14-3 - Ảnh: Quốc Nam

 

Đúng 9g sáng, gần 100 người từ khắp nơi đến viếng chuẩn bị cho phút mặc niệm thì từ phía xa, một người đàn ông tóc đã hoa râm mới hớt hải dựng xe vừa đi vừa chạy vào. Khựng đi vài giây, cả mấy cựu binh Gạc Ma đang chuẩn bị hương khói thắp lên mộ liệt sĩ Phương mới ồ lên và cùng đứng cả dậy bước ra ôm chầm lấy người vừa đến: “Thằng Lục đây mà”.

Hội ngộ nơi nghĩa trang

Phải mất mấy phút chào hỏi trò chuyện, người mới đến mới được giới thiệu. Đó cũng là một cựu binh Gạc Ma, đồng đội cũ của liệt sĩ Trần Văn Phương tên Nguyễn Văn Lục. Anh Lục trông già hơn tuổi. Có lẽ bởi sương gió biển khơi mấy năm đi bộ đội hải quân và sau đó là cuộc mưu sinh khá chật vật mà anh phải vượt qua sau khi giải ngũ về nhà.

Anh Lục làm nghề nông. Vợ chồng anh quanh quẩn với mấy sào ruộng từ mấy chục năm nay. Thời gian gần đây cuộc sống khó khăn khiến anh phải theo một nhóm thợ hồ đi khắp đó đây để kiếm thêm thu nhập. Mấy hôm nay nhóm thợ của anh nhận một công trình nhà ở thành phố Đồng Hới. Từ nhà vô thành phố Đồng Hới khoảng 50km. Mỗi ngày anh phải quần quật từ sáng tới tối mịt nên thường thì anh ở lại mấy ngày mới về nhà một bữa.

Mới hôm qua, anh vừa làm vừa liên lạc với mấy đồng đội cũ ở Quảng Bình trong trận hải chiến Gạc Ma thì được biết hôm nay có lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hi sinh trong trận Gạc Ma ngay tại phần mộ anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương. Anh quyết định gác lại mọi chuyện để về.

“Đây là ngày đồng đội tui đã lần lượt ngã xuống trước họng súng của bọn xâm lược Trung Quốc. Có một nơi để về thắp hương tưởng nhớ hay ho như rứa thì cớ chi không về. Cần chi chờ ai phải mời mọc” - anh Lục nói.

Thời tiết ở Quảng Bình mấy hôm nay rất lạ. Mới nắng mấy ngày đó rồi đến sáng nay lại trở rét ngay. Gió từng đợt cứ đánh quần quật. Tuy nhiên, tại khu mộ liệt sĩ Phương thì càng trưa càng nhiều người đổ về thắp hương. Ngay phía ngoài cổng nghĩa trang là một băngrôn dài với dòng chữ lớn thông báo về lễ tưởng niệm. Bên dưới tượng đài trong nghĩa trang, ngay trước phần mộ liệt sĩ Trần Văn Phương, 64 ngọn nến được đặt vòng quanh phần mộ này. Cũng ngay phía sau ngôi mộ là tấm phông màn được phóng rất to in hình những người lính Gạc Ma tạo thành “vòng tròn bất tử”.

Ngoài anh Lục mới đến còn có thêm năm cựu binh Gạc Ma khác đã có mặt từ trước đó. Đó là các anh Nguyễn Văn Thống, Lê Văn Đông, Lê Thanh Miện (cùng ở Bố Trạch), Trần Đức Thanh (quê xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa) và Lê Hữu Thảo, quê tận Hương Khê, Hà Tĩnh (nay sống tại thành phố Hà Tĩnh).

Người đến sớm nhất là cựu binh Lê Hữu Thảo. Anh Thảo cho biết mấy hôm nay anh đi Hà Nội có việc nhà. Nhưng từ chiều 12-3 anh đã tạm gác lại mọi việc tại Hà Nội để lên xe đò vào Quảng Bình cho kịp dự lễ tưởng niệm.

Theo anh Thảo, đúng là rất khó khăn khi anh phải sắp xếp công việc để về. Nhưng anh không thể không về khi mà mỗi năm cứ đến dịp này trong lòng anh lại như lửa đốt. Nỗi ám ảnh về những loạt đạn cướp đi sinh mạng của 64 đồng đội anh ngày 14-3 gần 30 năm trước lại hiện về. “Khi đi trên tàu HQ-604 từ Cam Ranh ra Gạc Ma, chúng tôi ăn cùng mâm, ngủ cùng chăn, hút chung điếu thuốc. Và 64 người nằm lại giữa biển khơi trong cùng một ngày. Nên anh em chúng tôi dặn nhau rằng dù ở bất cứ nơi đâu đến ngày này cũng phải gắng về để anh em, đồng đội ấm lòng” - anh Thảo nói.

Nghĩa tình Gạc Ma

Cũng đến nghĩa trang từ sớm là bà Hồ Thị Đức, mẹ liệt sĩ Phương. Mẹ Đức nay đã ngoài 80 tuổi, nên dù từ nhà mẹ ra nghĩa trang chỉ khoảng 500m nhưng phải có người dìu. Mẹ Đức là người xúc động nhất khi thấy các đồng đội của con từ khắp nơi đổ về bên mộ.

Suốt buổi lễ tưởng niệm, mẹ Đức cứ ngồi thẫn thờ hết nhìn tấm bia trên mộ con lại nhìn tấm hình lớn trên phông màn vẽ 64 liệt sĩ tạo thành một vòng tròn bất tử để bảo vệ đảo Gạc Ma. Mẹ Đức nói rằng chưa khi nào thấy ấm lòng như thế. “Con tui đã nằm lại với biển đảo. Đã gần 30 năm nhưng vẫn được nhiều người về tưởng nhớ ri là tui mãn nguyện rồi”. Anh Thảo nói đã từ lâu mấy anh em lính Gạc Ma còn sống trở về đã coi mẹ Đức như mẹ mình.

Đây không phải là lần đầu tiên lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma tại phần mộ liệt sĩ Phương được tổ chức. Mà bảy năm qua buổi lễ này đã âm thầm diễn ra. Người khởi xướng nên lễ tưởng niệm này là ông Phạm Phú Thép, giám đốc Công ty truyền thông Phú Mạnh, đóng tại thị xã Ba Đồn. Điều an ủi lớn nhất đối với ông Thép là lễ tưởng niệm năm nay có mặt lãnh đạo UBND thị xã Ba Đồn.

Ông Thép kể cũng từ hai chữ “nghĩa tình” với các liệt sĩ mà có lễ tưởng niệm này: “Trong 64 liệt sĩ Gạc Ma thì Quảng Bình có đến 13 liệt sĩ. Không có lý gì ngày mất của các liệt sĩ lại bị lãng quên”. Ban đầu, ông Thép chỉ tổ chức cho nhân viên trong công ty mình cứ đến ngày 14-3 hằng năm là về bên phần mộ liệt sĩ Trần Văn Phương thắp hương và mặc niệm. Đến ba năm nay, khi có chính quyền phường cùng dự, ông Thép làm lễ tưởng niệm quy mô rộng hơn. Trước mỗi khi làm lễ, ông đều thông báo trên trang Facebook cá nhân. Và năm nào lễ tưởng niệm này cũng có thêm nhiều người từ khắp mọi miền đất nước đến dự...

“Chúng tôi nguyện noi gương các anh”

Sáng 14-3 tại Đà Nẵng, ban liên lạc công binh Hải quân đã tổ chức buổi tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ hi sinh trong trận chiến bảo vệ Gạc Ma ngày 14-3-1988. Các cựu binh từng làm nhiệm vụ ở Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ có đồng đội hi sinh và nhiều người dân đã cùng đến cầu cảng Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Đà Nẵng) để thắp nén nhang tưởng nhớ người đã khuất.

Tại buổi tưởng niệm, trước bàn thờ có tên 64 liệt sĩ, ông Hoàng Văn Hoan, nguyên bí thư Đảng ủy, phó chỉ huy chính trị trung đoàn 83 (giai đoạn 1988-1997, nay là lữ đoàn 83 Quân chủng hải quân), bùi ngùi nhớ lại sự hi sinh của đồng đội trong trận chiến không cân sức. “Những ngày này chúng ta lại nhớ về các anh, những đồng đội đã hiến dâng tuổi xuân để bảo vệ biển đảo. Chúng tôi mãi mãi nhớ công ơn của các anh và nguyện noi gương, tiếp nối truyền thống vẻ vang của các anh trong sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ” - ông Hoan phát biểu.

Trong không khí xúc động, họ cùng hướng mắt về phía biển nơi 64 chiến sĩ anh hùng vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Một vòng hoa tươi với dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma - Trường Sa ngày 14-3-1988” và đèn hoa đăng cũng được những người đồng đội thả xuống biển xanh tưởng nhớ những anh hùng nằm lại với biển mẹ.

TRƯỜNG TRUNG

Ông Nguyễn Đình Trung - chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh (phải) - trao số tiền 1,28 tỉ đồng cho ông Tăng Hữu Phong - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Tự Trung
Ông Nguyễn Đình Trung - chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh (phải) - trao số tiền 1,28 tỉ đồng cho ông Tăng Hữu Phong - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Tự Trung

Ủng hộ gia đình các chiến sĩ Gạc Ma 1,28 tỉ đồng

Chiều 14-3, đại diện Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh đã đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ trao số tiền 1,28 tỉ đồng ủng hộ gia đình 64 chiến sĩ đã hi sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. Ông Nguyễn Đình Trung - chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc công ty - chia sẻ dù đã xem đi xem lại nhiều lần nhưng hình ảnh từ những thước phim tư liệu về sự kiện ngày 14-3 vẫn khiến lòng ông rưng rưng xúc động.

“Được sống trong hòa bình, được yên ổn làm ăn - đó là niềm hạnh phúc. Khi được biết nhiều gia đình của những chiến sĩ Gạc Ma vẫn còn nhiều khó khăn, chúng tôi muốn góp một phần thiết thực hỗ trợ để bù đắp phần nào những mất mát, đau thương” - ông Trung nói.

Ông Tăng Hữu Phong, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết báo Tuổi Trẻ hoan nghênh và trân trọng tấm lòng của tập thể Công ty Hưng Thịnh. Sau khi tiếp nhận số tiền ủng hộ, Tuổi Trẻ sẽ có bước kết nối với các gia đình liệt sĩ, khảo sát nhu cầu bức thiết nhất của các gia đình để phối hợp với công ty nhằm hỗ trợ đúng nhu cầu, đúng đối tượng.

MAI HƯƠNG

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên