27/11/2015 11:51 GMT+7

Lúa ma huyền thoại - Kỳ 2:  Nửa đêm đi gặt lúa trời

VÂN TRƯỜNG (vantruong@tuoitre.com.vn)
VÂN TRƯỜNG (vantruong@tuoitre.com.vn)

TT - Lúa ma chỉ trổ bông duy nhất một lần trong năm, thường là từ tháng 10 hoặc tháng 11. Đó là khi nước lũ bắt đầu rút đi. Có điều muốn thu hoạch được lúa ma thì phải đi vào lúc nửa đêm như... ăn trộm.

Ông Sáu Lương chuẩn bị đi gặt lúa ma - Ảnh: V.Tr.
Ông Sáu Lương chuẩn bị đi gặt lúa ma - Ảnh: V.Tr.

Chúng tôi về Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) để xem cách thu hoạch lúa ma mà người dân Đồng Tháp Mười từng làm xưa kia.

Xuống xuồng lúc 3g sáng

Đã hẹn trước với ông Trần Văn Lương (Sáu Lương, 57 tuổi, ngụ xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), 3g sáng chúng tôi thức dậy ra bến tàu của Vườn quốc gia Tràm Chim. Nghe hơi người, muỗi bu lại “tấn công” khiến chúng tôi không thể ngồi mà phải di chuyển liên tục để né bớt.

Một lúc sau ông Sáu Lương cầm đèn pin đi tới. Ông ôm một đống vật dụng chuẩn bị sẵn đem xuống bến để lắp ráp chiếc xuồng thu hoạch lúa ma.

Ông Sáu Lương kể chiếc xuồng thu hoạch lúa ma (nông dân ở đây gọi lúa ma là lúa trời) mà ông đang lắp ráp đúng y chang kiểu dáng, kích thước xuồng của người dân vùng này dùng cách đây hơn 40 năm.

Giữa xuồng gắn một miếng manh bồ cao chừng 1m, dài 2m. Phía đuôi xuồng gắn hai cây tre cong hướng về phía mũi xuồng giống như chiếc cần câu. Ở đầu hai cây tre này có cột dây thòng xuống để giữ cố định hai khúc tre đặt hai bên mạn xuồng.

Người ngồi sau xuồng sẽ điều khiển hai khúc tre này lùa những cây lúa ma ở hai bên mạn xuồng ngả vào trong. Khi bông lúa chạm với manh bồ ở giữa xuồng, những hạt chín sẽ rụng xuống.

Ráp xong, ông Sáu Lương cột dây cố định chiếc xuồng vào bên hông vỏ lãi rồi kéo ra kênh Phú Đức 2.

Ông quay sang nói với tôi: “Giờ mình ra khu A1, khu vực xã Phú Hiệp. Ở đó mới có lúa ma”. Chiếc vỏ lãi phóng đi trong màn đêm. Chim, cò đang ngủ nghe tiếng động giật mình kêu oang oác rồi bay đi...

Vỏ lãi chạy khá nhanh, nước từ kênh bắn tung tóe cộng với gió ngược chiều đủ khiến chúng tôi run lập cập. Ông Sáu Lương kể vào những năm 1970-1980 người dân vùng này sống và bám trụ lại được là nhờ lúa ma. Mùa nước lụt không ai trồng được lúa nên nhà nào cũng thiếu ăn. May là khi nước ngập thì lúa ma ở đây lại mọc rất nhiều.

Thường là tháng 3 âm lịch lúa ma bắt đầu đâm chồi mọc rất nhiều trên những cánh đồng hoang, khi những cơn mưa đầu mùa làm ướt đất. Nước dâng cao tới đâu thì cây lúa ma ngoi lên tới đó.

Khoảng tháng 9 âm lịch lúa ma trổ bông. Chừng 2-3 tuần sau thì bắt đầu chín. Nhưng mỗi ngày chỉ chín 1-2 hạt. Khi lúa chín hết bông thì mất khoảng hai tuần. Nước ngập mênh mông nên muốn vào đây thu hoạch chỉ có cách duy nhất là đi bằng xuồng.

Hạt lúa ma rất dễ rụng nên người dân không thể cắt rồi đem về nhà đập mà phải tìm cách rung cho lúa rụng vô xuồng luôn. Những năm đó ba của ông Sáu Lương chống xuồng, còn ông ngồi sau xuồng điều khiển hai cây tre lùa lúa ma vào xuồng. Có hôm thu được gần cả giạ lúa, nhưng có hôm chỉ vài lít.

Mọi người cứ chống xuồng chạy bừa vô ruộng rồi huơ đại, may thì trúng cây lúa có hạt chín, không may thì coi như... tập thể dục. Ông Sáu Lương nói nhờ theo cha đi thu hoạch lúa ma nhiều năm nên ông mới biết lúa ma chín từng hạt và sẽ rụng khi nắng lên.

Ông giải thích: “Trên đường đi tui nhìn thấy và đánh dấu những chỗ có lúa chín, định sáng trở về sẽ thu hoạch nhưng kỳ lạ là khi quay về thì chẳng còn hạt chín nào. Từ đó tui để ý và phát hiện khi nắng lên thì những hạt lúa ma đang chín tự nhiên rụng xuống dù không ai đụng chạm gì tới”.

Không giống như lúa trồng, hạt lúa ma ở Tràm Chim (loài Oryza rufipogon) chỉ dài khoảng 3-4mm (hạt lúa trồng dài trung bình 6-7,5mm) và có đuôi dài gấp 3-4 lần hạt lúa thường nên sau khi thu hoạch phải ngâm ba ngày cho râu mềm rồi dùng một khúc cây hoặc con dao “dần” cho đuôi lúa rụng.

Xong, người ta đem lúa phơi khô. Muốn ăn thì đem lúa giã cho bong vỏ trấu ra mới nấu cơm được.

“Cơm lúa ma vùng này có mùi thơm nhưng hơi cứng. Nhờ nó mà gia đình tui và người dân vùng này sống được, nếu không có lúa ma thì không biết ra sao, nhất là sau trận lụt kinh hoàng năm 1978 khiến người dân các nơi đói khổ” - ông Sáu Lương nhớ lại.

Chiếc xuồng với dụng cụ gặt lúa ma nhưng không thể tìm thấy lúa chín khi mặt trời lên - Ảnh: V.Tr.
Chiếc xuồng với dụng cụ gặt lúa ma nhưng không thể tìm thấy lúa chín khi mặt trời lên - Ảnh: V.Tr.

Cơm lúa ma: chỉ còn trong ký ức

Sau một tiếng ngồi vỏ lãi chúng tôi cũng tới được khu vực mà ông Sáu Lương nói là có nhiều lúa ma nhất trong Vườn quốc gia Tràm Chim. Ông mở dây rồi chống xuồng ba lá vào trong ruộng. Chị Hằng (người thân ông Sáu Lương) ngồi phía sau xuồng làm nhiệm vụ lùa cây lúa ma vào xuồng.

Trong bóng tối lờ mờ chúng tôi căng mắt nhìn để học cách ông Sáu Lương chống xuồng, cách chị Hằng lùa lúa ma hai bên mạn xuồng. Nước lũ năm nay khá thấp nên chiếc xuồng di chuyển rất khó khăn.

Chống một hồi, ông Sáu Lương đứng ở mũi xuồng thở dốc vì mệt. Chợt nhớ điều gì đó, ông bật đèn pin rọi vào trong xuồng: chỉ có vài hạt lúa ma! Ông liền rọi đèn ra đám ruộng kiểm tra: lúa ma thì ít, cỏ thì nhiều.

Chúng tôi ngồi trên xuồng chờ trời sáng. Cánh đồng bạt ngàn hiện ra trước mắt. Nhưng hỡi ôi, lúa ma chỉ mọc lưa thưa xen trong những đám cỏ năn và các loại cỏ khác. Những bông có màu sáng mà chúng tôi nhìn thấy trong đêm thực chất là bông cỏ. Hèn gì huơ cả buổi chỉ được mấy hạt lúa ma.

Tôi sốt ruột: “Còn khu nào có nhiều lúa ma nữa không chú Sáu? Mình phải đến đó trước khi mặt trời mọc”. Ông Sáu Lương quả quyết: “Những năm trước khu này lúa ma nhiều lắm. Tui từng đưa các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến đây nghiên cứu. Ngoài khu này thì không còn chỗ nào có”.

Ông Sáu Lương bảo rằng mấy chục năm nay không còn ai đi gặt lúa ma để ăn nữa. Khu A1 ở Vườn quốc gia Tràm Chim là nơi có rất nhiều lúa ma và được bảo tồn nghiêm ngặt, không ai vào thu hoạch được. Lúa chín tự rụng rồi tự mọc... Mới năm trước lúa ma bạt ngàn mà năm nay lèo tèo như vậy khiến ông cũng bất ngờ.

Mặt trời lên cỡ cây sào. Nắng chói chang. Chim, cò trong các khu rừng tràm nguyên sinh gọi nhau bay đi tìm thức ăn. Chiếc vỏ lãi quay về nơi xuất phát lúc nửa đêm. Trên đường đi chúng tôi nhìn thấy nhiều lúa ma mọc lác đác hai bên bờ kênh.

Đang mùa lúa trổ, chúng tôi hái vài bông lúa để quan sát kỹ hơn. Đuôi hạt lúa non có màu hồng pha chút nâu trông rất đẹp. Còn đuôi của hạt lúa chín lại chuyển sang màu trắng như râu ông già. Trung bình mỗi bông lúa ma có 7-9 nhánh sơ cấp, mỗi nhánh có gần 10 hạt lúa nhỏ xíu.

Tôi hỏi ông Sáu Lương: “Trên mạng có bài viết nói hạt lúa ma ở Tràm Chim to hơn hạt lúa trồng nhưng sao hạt lúa ma này chỉ bằng một nửa hạt lúa thường thôi?”.

Ông Sáu Lương cười khà khà: “Nhà báo nào viết hạt lúa ma to hơn hạt lúa trồng chứng tỏ họ chưa bao giờ nhìn thấy. Mấy nhà khoa học vô đây nhìn thấy và nói hạt cỡ này là to hơn các loài lúa ma khác rồi”.

______________

Kỳ tới: Người Nhật đi tìm lúa ma

VÂN TRƯỜNG (vantruong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên