30/10/2015 10:30 GMT+7

Cuộc diễn tập không kích của "hổ mang chúa"

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Ngày thứ ba tại căn cứ không quân Biên Hòa, phóng viên Tuổi Trẻ được dự khán một ban bay nhiệm vụ của trung đoàn 935, khi họ diễn tập với sư đoàn bộ binh 330 của Quân khu 9.

Đại tá Phan Xuân Tình - phó trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng trung đoàn không quân 935 - Ảnh: Thuận Thắng
Đại tá Phan Xuân Tình - phó trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng trung đoàn không quân 935 - Ảnh: Thuận Thắng

Hồ sơ Ngày và đêm ở căn cứ "hổ mang chúa"

>> Kỳ 1: Không để tổ quốc bị bất ngờ

>> Kỳ 2: Xuất kích ban đêm

Trong lần diễn tập này, không quân điều máy bay Su-27, Su-30MK2 tham gia. Riêng trung đoàn 935 sẽ bay biên đội 2 chiếc Su-30MK2 ném bom vào mục tiêu giả định tại một ngọn núi gần biên giới.

Áp lực giữa bầu trời

Đến giờ G. Biên đội Su-30MK2 xuất kích, mang theo hai quả bom thật treo dưới bụng, cơ động đến trường bắn.

“Trong khi mình bay, đại diện Bộ Quốc phòng, cả quân chủng và sư đoàn tập trung theo dõi. Nhiệm vụ của phi công là phải ném bom chính xác nên áp lực với phi công rất lớn.

Mai diễn tập, tối nay phải chuẩn bị lại lần nữa để thực hiện nhiệm vụ tốt nhất”, trong lúc theo dõi chuyến bay nhiệm vụ của đồng đội, đại tá phi công Trần Quốc Toản nói.

Bốn phi công được chọn bay diễn tập lần này đều là những phi công cấp 1 dày dạn kinh nghiệm và bản lĩnh: trung tá Ngô Quốc Tiến, thượng tá Nguyễn Hữu Trọng, thượng tá Đào Thành Khang và trung tá Nguyễn Khắc Hoàng.

“Chúng tôi phải xuyên từ độ cao 4.200m xuống ném bom vào mục tiêu. Nếu đi một chiếc kiểu gì cũng được, nhưng đi biên đội thì phải tạo điều kiện cho số 2 bám được đội và hoàn thành nhiệm vụ.

Hôm nay thời tiết rất xấu: trời mù, tầm nhìn hạn chế chỉ trong 4km (bình thường phải 6km - PV), mây nhiều tầng nhiều lớp. Có những màn mây dày vài trăm mét”, biên đội trưởng Ngô Quốc Tiến kể.

Biên đội trưởng Ngô Quốc Tiến xin cho từng chiếc vào cắt bom. Xuyên từ độ cao 4.200m xuống, xuống hết mây, hết mù ở độ cao rất thấp mới tìm được bia. Lúc này biên đội tách ra.

Chiếc Su-30MK2 do đại úy phi công Vũ Đình Thi và biên đội trưởng Ngô Quốc Tiến vọt lên phía trước, lấy độ cao khóa mục tiêu, bổ nhào trút rocket vào vị trí “quân địch”.

“Khi máy bay nghiêng mình, nhìn xuống thấy khu vực bia phát nổ, khói cuộn mù mịt, biết là đã trúng mục tiêu” - trung tá Nguyễn Quốc Tiến kể. Gần như cùng lúc, chiếc Su-30MK2 số 2 cũng lao xuống ném hai quả bom rồi vọt lên.

Đó là tình huống mới nhất trong bay diễn tập có sử dụng vũ khí thật mà các phi công trung đoàn 935 đã trải qua và xử lý thành công. Đối với phi công chiến đấu, bắn ném (bắn rocket và ném bom) huấn luyện là một khoa mục khó, đòi hỏi phi công phải tích lũy nhiều giờ bay và kinh nghiệm.

Tuy nhiên, bắn ném diễn tập còn khó hơn gấp nhiều lần, nhất là lần đầu tiên áp dụng phương pháp bắn ném mới: bắn ném tọa độ.

8g40. Đợt diễn tập kết thúc. Biên đội Su-30MK2 trở về căn cứ an toàn. Vừa rời máy bay, bốn phi công thực hiện nhiệm vụ say sưa trao đổi về tình huống lúc vào công kích mục tiêu.

Trung đoàn trưởng Trần Văn Dũng đã đứng chờ sẵn trước cửa phòng họp giao nhiệm vụ, tươi cười bắt tay chúc mừng từng phi công đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết rất xấu. Tất cả phi công có mặt tại phòng họp đều đến bắt tay chúc mừng biên đội.

Nhớ lần diễn tập trước đó vào cuối tháng 12-2013 tại trường bắn Mây Tào, phối hợp giữa sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) và sư đoàn không quân 370. Biên đội Su-30MK2 sẽ bắn rocket (thật) vào mục tiêu giả định.

Bốn phi công được chọn làm nhiệm vụ đều là những gương mặt trẻ của trung đoàn 935.

Cái khó trong lần diễn tập này là lần đầu tiên phi công Su-30MK2 chỉ được thông báo tọa độ vị trí đặt bia, thời gian công kích. Còn mục tiêu phải... bay đến mới biết, sau đó phải quyết định bắn ném thật nhanh!

“Hổ mang chúa” có tốc độ bay nhanh gấp hai lần vận tốc âm thanh nên phi công chỉ có 2 - 5 giây để tìm bia, sau đó phải nhanh chóng chỉnh hướng, nhắm, bóp cò... Nếu không xác định được bia hoặc vào sai hướng thì không thể không kích được.

Còn nếu xác định sai vị trí, bấm nút bắn rocket nhanh hay chậm đều có thể gây nguy hiểm cho đồng đội đang ém quân gần mục tiêu...

Thế nhưng biên đội Su-30MK2 đã hoàn thành nhiệm vụ đầy thử thách này với kết quả xuất sắc, dù thời tiết đầy bất lợi: trời mù nước, độ phủ của mây cao 4 - 6 phần hướng công kích, tầm nhìn chỉ còn 4-5km.

Nhóm nhân viên kỹ thuật gắn bom cho máy bay Su-30MK2 trước giờ bay diễn tập phối hợp tác chiến với Quân khu 9 - Ảnh: Thuận Thắng
Nhóm nhân viên kỹ thuật gắn bom cho máy bay Su-30MK2 trước giờ bay diễn tập phối hợp tác chiến với Quân khu 9 - Ảnh: Thuận Thắng

Tác chiến trên biển

Câu chuyện về biên đội Su-30MK2 tham gia diễn tập trong lần đầu tiên quân đội tổ chức bắn ném trên biển xa tháng 4-2014 cũng được các phi công nhắc lại đầy tự hào.

Lần đó, biên đội bay do phi công Lê Văn Hợi (hiện là chủ nhiệm chính trị trung đoàn), Nguyễn Gia Nhân, Trần Quốc Toản và Nguyễn Hữu Trọng điều khiển.

Theo kế hoạch, không quân tấn công trước làm “mềm” trận địa để hải quân bắn tên lửa. Biên đội Su-30MK2 mang bốn quả bom ném tiêu diệt mục tiêu giả định trên biển. Hôm đó thời tiết rất xấu. Mưa. Mây thấp, che khuất tầm nhìn và mục tiêu.

Mục tiêu trên biển chỉ cỡ ba thùng dầu chụm lại, cách đảo X 3km. Nếu không có mây, cứ bổ nhào xuống cắt bom. Nhưng hôm nay đáy mây quá thấp, chỉ 400 - 500m.

Muốn vào tìm mục tiêu thì phải bay dưới đáy mây rất nguy hiểm. Trong khi đó dưới mặt biển, tàu hải quân rất nhiều. Nếu ném bom không trúng mục tiêu sẽ gây ra hậu quả không lường trước được.

Trước tình huống đó, chỉ trong mấy giây phi công Trần Quốc Toản (bay vị trí số 1 trong biên đội) bàn với tổ bay số 2 tách ra, vô từng chiếc một ném bom.

Anh xin chỉ huy bay chuyển hướng công kích từ hướng tây thay vì hướng đông và chọn phương án bay bằng ném bom chứ không theo phương án bổ nhào như lúc đầu.

Đại tá Trần Quốc Toản cho máy bay bay bằng ở độ cao thấp 400 - 500m, vừa bay vừa tránh mây và quan sát tìm mục tiêu.

“Cái khó là nếu đến gần quá, không có thời cơ cắt bom vì ở độ cao thấp rất khó phát hiện mục tiêu, nhưng nếu bay trên 500m thì khó tìm được mục tiêu”, đại tá Trần Quốc Toản nói.

Bằng kinh nghiệm và cả bản lĩnh khi bay trong tình huống tiềm ẩn nhiều rủi ro này, tổ bay đã phát hiện được mục tiêu. Máy bay số 1 bay với vận tốc gần 700 km/giờ, cắt bom rồi thoát ly để số 2 vào công kích tiếp. Chỉ trong một phút, bốn quả bom lao xuống. Mục tiêu bị hủy diệt hoàn toàn.

Trước khi về hạ cánh ở sân bay Biên Hòa, biên đội bay 2 vòng, nghiêng cánh chào bộ đội và người dân trên đảo...

Người bay thử nghiệm vũ khí mới

Ở trung đoàn 935, có một nhân vật được “chọn mặt gửi vàng” trong tất cả những lần sử dụng bắn vũ khí mới. Đó là đại tá Phan Xuân Tình (phó trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng).

Tám năm trước, khi lần đầu tiên Việt Nam bắn thử nghiệm tên lửa tinh khôn không đối hạm KH31A ở Cam Ranh (Khánh Hòa), anh và phi công Nguyễn Văn Phượng được chọn để điều khiển Su-30MK2 bắn tên lửa này.

Đây là tên lửa mới, lần đầu tiên được Việt Nam sử dụng và trong đợt diễn tập ấy chỉ cho phép bắn một quả tên lửa này để kiểm tra tính năng vũ khí. Áp lực rất lớn, nhưng hai phi công của trung đoàn 935 đã bắn trúng ngay mục tiêu.

Năm 2012, trong đợt diễn tập ở Thanh Hóa, anh và phi công Lê Văn Hợi được chọn để ném thử nghiệm, kiểm tra bom tinh khôn KAB-500.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử không quân Việt Nam, bom KAB-500 được sử dụng. Và ngay từ lần đầu tiên đó, Phan Xuân Tình cùng đồng đội của mình đã sử dụng thành công loại vũ khí này.

Hỏi chuyện, anh Tình khiêm tốn bảo: “Lần đầu tiên Việt Nam mình mới mua vũ khí này. Nga thì chưa đào tạo. Mình chỉ mới đọc sách mà bay bắn nên áp lực cũng rất lớn. Tôi phải đọc rất nhiều tài liệu bằng tiếng Nga để nghiên cứu phương án bay”.

__________

Kỳ tới: Chuyện chưa kể về phi công tiêm kích

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên