26/06/2015 08:34 GMT+7

Những bà mẹ ở “làng mồ côi”

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Làng có tất cả 14 nhà, mỗi căn mang tên một loài hoa. Chủ nhân là những “bà mẹ” có chung hoàn cảnh: không chồng, chưa một lần sinh nở, nhưng ai cũng có tới hai quyển sổ hộ khẩu mới đủ ghi tên những người con của mình.

Gia đình mẹ Tím quây quần bên bữa cơm chiều (người ngồi bìa phải là thạc sĩ Phạm Văn Tráng) - Ảnh: Tấn Đức

Các con của mẹ cũng lạ: đứa cùng mẹ khác cha, đứa cùng cha khác mẹ, đứa không biết cha mẹ ruột là ai! Nhưng dưới một mái nhà, họ coi như anh em ruột thịt, cùng giúp nhau học hành thành đạt...

Mồ côi khổ lắm ai ơi/ Đói cơm không ai biết, lỡ lời không ai phân... (ca dao VN). Nhưng chuyện đời không hoàn toàn như câu hát, ít ra là với những trẻ em ở Làng SOS Cà Mau!

Ngoài việc tính toán, cân đối để không bị thiếu hụt với khoản chi tiêu hạn hẹp được cấp hằng tháng, cái khó của các bà mẹ là phải vừa làm mẹ vừa làm cha, dạy con nên người, rèn con tinh thần tự lập, biết tự lo cho bản thân, có ý chí vươn lên trở thành người có ích cho xã hội. Thời gian qua mẹ Thu, mẹ Tím và nhiều bà mẹ khác trong làng đã hoàn thành xuất sắc vai trò đó

Ông Trương Văn Nhiệm (giám đốc Làng trẻ em SOS Cà Mau)

Một mẹ... 20 con

Chúng tôi chọn ngẫu nhiên căn nhà gợi tưởng mùa xuân - nhà Hoa Mai - làm điểm đến đầu tiên. Đám trẻ con chừng chục đứa, sàn sàn tuổi lớp 4, lớp 5, cả nam lẫn nữ đang chơi ngoài hiên thấy khách lạ đứng cả dậy, lễ phép khoanh tay chào.

“Hổm rày tụi nhỏ được nghỉ hè nên nhà cửa đông vui vậy, chớ lúc trước vắng tanh hà, buồn lắm” - bà Phạm Hồng Tím (57 tuổi), chủ nhà Hoa Mai, tạm ngưng việc chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả nhà, cất tiếng.

Có thời gian làm việc tại nhà khách Minh Hải (Cà Mau), cô Tím ngày xưa từng được không ít thanh niên “để ý”. Nhưng đùng một cái khoảng cuối năm 1996, người ta thấy Tím khăn gói ra Hà Nội học rồi quay về nhận nhà, nhận đám trẻ gần chục đứa trong Làng SOS Cà Mau làm con. Từ dạo đó, cô Tím trở thành “mẹ Tím”!

Lo cho đám con của mình, ngày nào bà Tím cũng dậy từ 4g-5g sáng lui cui nhóm bếp, vệ sinh nhà cửa. Ăn xong, các con cắp sách tới trường, bà lại quay ra dọn dẹp, chuẩn bị bữa trưa, bữa chiều.

7g tối, cơm nước xong xuôi, bà lại bắc ghế ngồi bên cạnh nhắc nhở, kèm cặp các con học bài. Từng ấy công việc cứ thế xoay dần, hết ngày, hết tháng, hết năm; từ lúc tóc bà còn xanh, giờ đã lốm đốm sợi bạc. Những đứa con của bà lần lượt lớn lên.

Nhiều người học hành thành đạt, ra trường làm cử nhân, thạc sĩ. Nhưng bà thì không được nghỉ ngơi bởi khi những người con “đủ lông đủ cánh” rời khỏi tổ ấm Hoa Mai, bà lại đón nhận thêm những đứa con mới.

Giờ đây sau gần 20 năm gắn đời mình với những đứa trẻ không may, bà Tím đã là mẹ của hơn 20 đứa con - trên phương diện tinh thần và cả về mặt hành chính (theo hồ sơ quản lý nhân khẩu của chính quyền địa phương).

“Ở làng này không riêng gì tôi đâu, mẹ nào cũng đông con như... gà, cần tới hai quyển sổ hộ khẩu mới ghi đủ tên họ tụi nó - bà Tím vừa nói vừa xòe tay đếm số con của mình - Tổng cộng là 18 đứa, chưa tính 5 đứa vô đây rồi được người thân bắt trở lại”.

Bà Hữu Thị Thu (58 tuổi, quê Thới Bình, Cà Mau) mồ côi cha mẹ từ lúc lên 7. Tuổi thơ của bà là chuỗi ngày lên rừng bắt cá, đốn củi cùng các anh.

Tuổi thanh niên, bà tham gia công tác tại MTTQ tỉnh Minh Hải (tên cũ, trước khi chia tách thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu). Rồi bà trở thành mẹ của những đứa trẻ ở nhà Hoa Cúc tới nay cũng ngót 18 năm, với số con lên tới 23 người!

Đang trò chuyện thì một bé trai lứa tuổi mẫu giáo mon men đến sà vào lòng bà lí nhí: “Mẹ à, mở phim hoạt hình cho con coi đi”. Cứ tưởng thằng bé sẽ bị rầy vì “tội” mè nheo, nhưng bất ngờ bà xoa đầu nó, giọng đầy trìu mến: “Lát nữa mẹ cho. Giờ mẹ đang có khách”.

Rồi quay sang chúng tôi, bà kể tiếp: “Đây là con út của tôi. Cách đây bốn năm, lúc xế chiều, khi tôi đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều cho tụi nhỏ thì bất ngờ nhận được cuộc gọi đến thông báo có một bé trai mới sinh chừng vài giờ, người còn nguyên cuống rốn, bị bỏ rơi tại thị trấn Giá Rai.

Tôi cùng các vị quản lý của làng xuống đó, thấy thằng bé khóc ngặt nghẽo liền ẵm về. Không biết cha mẹ ruột của nó là ai, chúng tôi thống nhất lấy họ của tôi đặt tên cho nó là Hữu Duy Khang”.

“Tuổi già nuôi con mọn liệu có kham nổi?” - chúng tôi hỏi.

Bà Thu cười: “Quen rồi. Hồi lượm Trần Quang Duy (đặt tên theo họ của vị giám đốc đầu tiên của Làng trẻ em SOS Cà Mau) trong thùng rác ở P.2, TP Cà Mau về nuôi tôi còn cực hơn nhiều.

Lúc đó tuy nó đã mọc hai răng cửa nhưng mình mẩy bị kiến cắn sưng vù, thể trạng ốm yếu đến độ không khóc nổi thành tiếng, chỉ ụ ụ trong họng, chăm sóc nó còn khó hơn nhiều”.

Bây giờ Duy đã lớn bự chảng, đang làm công nhân một xưởng cán tôn ở TP Cà Mau, thỉnh thoảng vẫn ghé qua nhà thăm mẹ Thu và các em.

Làng trẻ em SOS Cà Mau hiện có 14 gia đình, mỗi gia đình có một bà mẹ được toàn quyền dưỡng dục, chăm sóc các con. Khi vào đây, các bà mẹ đã tự nguyện tuyên thệ không lập gia đình, không để tình cảm riêng chi phối.

Mỗi khi nhà có trẻ trưởng thành (đủ 18 tuổi), các mẹ lại nhận thêm con (dưới 10 tuổi) về nuôi để số trẻ trong nhà lúc nào cũng duy trì 8-10 em.

Những nụ hoa đã nở

Như những chú chim non trưởng thành qua dông bão, nhờ bàn tay chăm nom, dưỡng dục của các mẹ, nhiều trẻ em ở làng đã không ngừng nỗ lực vươn lên.

Câu chuyện của hai chị Nguyễn Ngọc Hi, Nguyễn Thanh Thúy thật đáng ngợi khen. Sinh ra tại một vùng quê của huyện Đầm Dơi (Cà Mau), khi cha mẹ chia tay, chị em Hi ở với mẹ.

Rồi một ngày mẹ Hi phát bệnh, đôi khi rơi vào trạng thái lơ mơ không ý thức được việc mình làm. Mất chỗ dựa, chị em Hi về sống với bà ngoại, sau đó được gửi vào Làng SOS Cà Mau.

Từ hoàn cảnh riêng của gia đình, không biết từ lúc nào trong đầu cô bé Hi đã nung nấu ước mơ được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ và cho những người thân yêu. Để biến ước mơ thành hiện thực, Hi đã miệt mài học.

“Từ hồi phổ thông con bé đã siêng học đến quên ăn quên ngủ. Nhiều khi nửa đêm thức giấc, ngó đồng hồ đã thấy gần 2g sáng mà con bé vẫn còn miệt mài ngồi làm bài tập, tui phải lựa lời năn nỉ nó đi ngủ cho có sức mai còn đến trường” - bà Thu kể.

Năm 2006, Hi trở thành học sinh đầu tiên của làng thi đỗ vào hai trường đại học. Cô chọn học trường y và giờ đã là bác sĩ đa khoa giỏi, đang làm việc tại một bệnh viện lớn ở TP Cần Thơ. Mới đây, cô đã được cử đi học chuyên khoa 1 tại TP.HCM.

Em gái của Hi giờ cũng đã tốt nghiệp đại học, hiện đang làm việc cùng bệnh viện với chị. Hai chị em đã thực hiện được mong ước khi đón mẹ từ quê lên ở cùng để tiện việc phụng dưỡng.

Theo thống kê, hiện Làng trẻ em SOS Cà Mau có gần 30 sinh viên, học sinh đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng thuộc nhiều ngành nghề đào tạo trong cả nước.

Cũng chừng ấy người đã tốt nghiệp đại học hoặc các trường dạy nghề chuyên nghiệp, đang có việc làm ổn định. Thành quả này trước hết thuộc về các bà mẹ ở Làng SOS Cà Mau.

Bà Hữu Thị Thu bày tỏ: “Nỗi bất hạnh lớn nhất của một đứa trẻ là không thuộc về đâu cả. Thiếu thức ăn, quần áo và giáo dục còn dễ dàng cho một đứa trẻ đương đầu hơn là việc bị cô đơn, không có nhà và không thuộc về ai.

Những người mẹ ở làng trẻ em SOS như chúng tôi luôn tâm niệm điều đó và cố gắng hết sức mình, bù đắp tình thương yêu cho chúng để chúng được lớn lên như những con người bình thường”.

Không ai biết rằng về phần mình, những bà mẹ này sau khi về già không có gia đình để nương tựa, mà sẽ sống nốt những ngày cuối đời mình ở nhà dưỡng lão của làng.

Phạm Văn Tráng - đứa con điển hình của làng mồ côi

Ba anh em Tráng mồ côi mẹ từ lúc còn ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Trước cú sốc tinh thần vì mất người vợ trẻ, bố Tráng bỗng dưng trở thành con người khác, thường xuyên uống rượu và đánh mấy anh em Tráng.

Thấy tình cảnh đáng thương của đám cháu, bà nội và một người bác ruột của Tráng đưa các cháu từ quê hương Ninh Bình vào Đồng Nai sinh sống. Ở đó một thời gian, bà nội già yếu, người bác gặp thất bại trong việc kinh doanh, anh em Tráng lại được gửi đến một người bà con ở Cà Mau nuôi giúp.

Rồi cuộc sống rơi vào khó khăn triền miên, anh em Tráng được đưa vào Làng SOS Cà Mau khi Tráng vừa tròn 10 tuổi, còn người em Phạm Văn Mạnh lên 7.

“Hồi mới vô, có lẽ do ảnh hưởng của môi trường bên ngoài nên Tráng rất nóng nảy, hay la hét, bắt nạt các em, nhưng dần dà dưới sự uốn nắn của các cô chú trong làng, Tráng đã trở nên ngoan hiền, rất thương yêu, giúp đỡ các anh em trong nhà và đặc biệt rất ham học” - bà Phạm Hồng Tím, người trực tiếp nuôi dạy Tráng, nhớ lại.

Hằng ngày ngoài giờ học ở trường, Tráng giúp mẹ Tím lo chuyện ăn uống, giặt giũ cho các em. Rồi đêm đêm cậu lại dành thời gian cùng mẹ kiểm tra, hướng dẫn các em làm những bài tập khó ở trường.

Rồi Tráng đỗ vào Đại học Cần Thơ khoa quản trị kinh doanh. Suốt bốn năm đại học, để có thêm tiền lo việc ăn học và gửi về quê cho bố, cho ngoại, Tráng không ngại làm đủ nghề: giữ xe, dạy kèm tại nhà, chạy bàn cho quán ăn đêm...

Vậy mà năm học nào cậu cũng đạt học lực cao, được nhận học bổng của nhiều tổ chức và cũng là một trong số ít sinh viên có thành tích xuất sắc, được nhà trường phát triển Đảng từ năm học thứ 3.

Câu chuyện về sự nỗ lực vươn lên của một đứa trẻ rơi vào nghịch cảnh chưa dừng lại ở đó. Sau khi tốt nghiệp đại học, Tráng đã dành thêm hai năm hoàn thành chương trình thạc sĩ kinh tế.

Ngày nhận bằng thạc sĩ, Tráng đã bỏ qua tất cả lời mời làm việc tại các doanh nghiệp lớn, chấp nhận nộp hồ sơ thi tuyển công chức vào Trường cao đẳng Cộng đồng Cà Mau để được ở gần làng, biến ước mơ ngày nào thành hiện thực: quay về giúp đỡ mẹ, giúp đỡ những trẻ kém may mắn tại làng.

Và như một câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu, giờ đây ngoài thời gian làm việc tại trường, Tráng lại chạy ù về thăm mẹ Tím, thăm hỏi động viên các em gắng sức học hành.

Noi gương Tráng, người em ruột Phạm Văn Mạnh giờ cũng đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh thương mại, hiện đang vừa làm vừa học lên thạc sĩ tại TP.HCM.

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên