19/05/2015 08:30 GMT+7

Người thăm Dân, Dân thăm Người

TT - LTS: Hai bài báo thú vị trên báo Cứu Quốc. Một, kể chuyện vị Chủ tịch âm thầm đi chúc tết người dân Hà Nội trong năm độc lập đầu tiên. Hai, câu chuyện của một nhân sĩ khu IV lên Việt Bắc thăm Người...

Hồ Chủ tịch đến thăm một trại nhi đồng ở Việt Bắc (1960) - Ảnh: TTXVN

Đêm 30, tết độc lập đầu tiên

Tết mọi năm, thui thủi trên đất khách hoặc trốn tránh ở núi rừng, người chiến sĩ già đó bên lòng nặng nỗi đau thương, nào có biết xuân là gì?

Nhưng năm nay, ánh tự do đã mang cho con người cằn cỗi chút ít xuân tươi.

Ba mươi tết! Tối ba mươi đen như mực! Cụ Hồ thình lình tới chúc tết mấy nhà trong thành phố.

Thoạt đầu, vào nhà một cụ già. Cụ Từ Lâm bán sách ở Cửa Nam. Cả nhà ngạc nhiên. Ông cụ bán sách rối rít mời Cụ Hồ ngồi, sau khi chúc ông cụ tăng thọ. Ra khỏi hiệu này, Hồ Chủ tịch tới Cố vấn Vĩnh Thụy (tức cựu hoàng Bảo Đại - BTV), Cố vấn đi vắng. Cụ tới thăm một nhà nghèo ngõ Hàng Đũa phố Sinh Từ. Trời tối om, đường mấp mô, nhưng Cụ vẫn lần bước tới cuối ngõ. Qua cổng tre, có tiếng chó sủa. Cúi mình bước vào gian nhà hẹp, leo lắt ngọn đèn dầu lạc. Đây không phải là một gia đình. Mà là nơi ở chung của mấy gia đình. Mới đầu họ cũng chẳng biết ai vì có ngờ đâu... Khi biết là vị Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì những người đó cảm động chẳng biết nói gì. Họ bàng hoàng đến nỗi lúc Cụ ra, họ vẫn đứng lặng yên, quên cả tiễn chân Cụ.

Cụ tới thăm nhà một công chức ở phố Hàng Vải. Nhưng giật chuông mãi cũng chẳng có tiếng đáp, chẳng thấy bóng đèn. Chắc nhà này về quê cả. Liền đó Cụ tới một nhà buôn bán ở phố Phúc Kiến. A đây mới thấy tết, chậu cúc cành đào, cây quất nặng trĩu quả. Gia đình đang ngồi nói chuyện. Thấy Cụ họ tưởng khách vào mua hàng. Khi biết ra, họ ngẩn người, chẳng kịp chúc lại Cụ được lời nào. Cụ đã ra xe. Xe đi, họ còn trông hút mãi.

Tới phố Harmand, tìm nhà một người công chức thì họ cũng lại đi vắng nốt. Cụ sang phố Hàng Lọng gõ cửa một nhà công chức nghèo. Mãi họ mới mở cửa. Cụ vào, họ ngơ ngác quá vì họ chẳng biết Cụ vào làm chi lúc khuya vắng. Sau thấy Cụ nói tới chúc tết họ mới sung sướng làm sao. Ở đây chẳng thấy gì là tết. Trên dây thép giữa nhà vẫn phơi mấy chiếc quần áo chưa khô. Lúc Cụ ra về, họ đứng tiễn theo, chắc trong lòng vui hơn tết.

Bữa cơm đạm bạc tại chân đèo De (Thái Nguyên tháng 10-1948). Từ phải sang:  Tổng bí thư Trường Chinh, Đại tướng tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đảng Lê Đức Thọ, trước ngày ông Lê Đức Thọ được cử vào Nam bộ công tác - Ảnh: tư liệu

Thế là Cụ đã chúc tết từ vua tới dân, từ người nghèo đến người giàu sang, buôn bán có, công chức có.

Cụ cũng vui sướng như những người Cụ vừa tới thăm.

Năm nay người chiến sĩ già thân mến của chúng ta muốn hưởng đầy đủ những phong vị của những ngày tết. Nên hồi gần 12g, cụ cũng áo quần chỉnh tề, đầu chít khăn, quần là hộp ra đền Ngọc Sơn lễ lúc giao thừa. Cụ vui sướng lắm. Chen vai thích cánh với đồng bào. Cùng đứng với mọi người trông lên bàn thờ nghi ngút khói hương. Đông quá và vui quá! Người ta có ngờ đâu Cụ cũng chen chúc nơi đây. Dạo qua đền một lúc, Cụ hân hoan trở về, qua mấy phố, nhà cửa đóng kín mít.

Sáng mồng một, Cụ vẫn dậy sớm như mọi ngày và công việc cũng vẫn thế. Sau khi tập thể thao xong, Cụ ra bàn làm việc, viết lại bài chúc tết nhân dân và chiến sĩ.

Và đúng giờ, cụ tới chỗ làm việc.

Trước 10g, khách đến đông chúc tết Cụ, và 10g đúng Cụ tới Nhà hát lớn chúc tết đồng bào cả nước giữa những tiếng hoan hô như sấm...

...Ngày mồng hai tết, vẫn đúng 7g rưỡi Cụ tới sở và 7g tối Cụ về. Và ngày mồng ba cũng thế.

Cả ngày Cụ cặm cụi với giấy má. Và theo dõi Cụ trong mấy ngày tết, tôi mới rõ hết ý nghĩa của tết độc lập, tết kháng chiến và tết kiến quốc.

LÔI VŨ (Báo Cứu Quốc số 156, ngày 6-2-1946)

Những tờ báo Cứu Quốc (cơ quan của Tổng bộ Việt Minh) Ảnh: tư liệu

“Thờ dân xin tận hiếu, thờ nước xin tận trung”

Sau khi đã dự các hội nghị: giáo dục toàn quốc, văn hóa toàn quốc, tôi lên Việt Bắc thăm Hồ Chủ tịch. Tôi đến trước cửa, Cụ ra đón tiếp một cách niềm nở, vui vẻ, chân thành và có ý trọng đãi nữa.

Tôi ở lại bên Cụ hai ngày. Cụ hỏi han, dặn dò nhiều việc. Cụ chú ý nhất là cuộc "thi đua ái quốc". Tôi được Cụ đãi cho theo tư cách một thân sĩ lão thành, chứ không phải một nhân viên trong một cơ quan của Chính phủ.

Cách sinh hoạt của Cụ đồng bào ai cũng đã biết là giản đơn, rất điều độ bây giờ vẫn không thay đổi, chỉ có thêm phần vui vẻ, mạnh khỏe hơn mà thôi.

Lúc tôi ra về, Cụ đưa ra tận ngoài sân, với vẻ mặt chân thành lưu luyến mà nói: "Chúc cụ đi vào cho được mạnh khỏe nhá".

Tôi chưa kịp nói lại được một tiếng cảm ơn... thì vị Cha già của dân tộc đã đổi vẻ mặt rất cảm động, với giọng nói rất cảm động: “Cụ nhá, tôi nhờ cụ về thưa lại với các cụ, các bà cụ, các ông, các bà, các anh chị, các em trẻ trong khu IV rằng tôi xin chúc cho tất cả được mạnh khỏe".

Tôi cảm động quá, không thốt được một lời gì nữa, đành chịu ngoảnh mặt ra đi...

...Tôi sang bên Bộ Nội vụ được ba ngày thì Cụ gửi sang một cái danh thiếp sau có đề bài thơ Hoài Liêm Sơn lão tiên sinh:

Thiên lý công tầm ngã
Bách cảm nhất ngôn trung
"Sự dân nguyện tận hiếu
Sự quốc nguyện tận trung"
Công lai ngã hân hỉ
Công khứ ngã tư công
Tặng công chỉ nhất cú
“Kháng chiến tất thành công”.

Nghĩa là: Ngàn dặm ông tìm tôi. Một lời nói ông có trăm phần cảm động, là ông nói "Thờ dân xin tận hiếu, thờ nước xin tận trung”. Ông đến đây tôi vui mừng, ông đi tôi nhớ ông. Tôi đưa ông chỉ một câu: "Kháng chiến tất thành công”.

Tôi liền họa lại gửi hầu Cụ:

Phùng công hỉ công kiện
Chiến sự bách mang trung
Đối thoại duy dân quốc
Tương kỳ tại hiếu trung.
Hùng tài nguyên bất thế
Đại đạo bản vi công
Tương kiến trùng lai nhật
Kháng chiến dĩ thành công.

Nghĩa là:

Gặp Cụ mừng Cụ mạnh. Lúc chiến sự rối bung. Trò chuyện chỉ dân nước. Hứa hẹn nỗi hiếu trung. Hùng tài nguyên hiếm có. Đạo lớn cốt làm chung. Chắc khi gặp lại Cụ. Kháng chiến đã thành công.

Tôi xin các cụ, các ông học chữ Hán hãy đọc kỹ bốn câu đầu trong bài thơ Hồ Chủ tịch đã cho tôi. Các cụ sẽ thấy thật là lời nói "do trung” nghĩa là từ trong lòng thành sâu kín mà phát ra, không phải một người đạo đức thì không bao giờ có được.

Trong lúc tôi họa thơ Hồ Chủ tịch, cũng nhờ có các cụ Phan Kế Toại, cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Vi Văn Định, cụ Tôn Đức Thắng, các cụ giúp tôi thêm hứng. Các cụ cũng đều ở gần Cụ Hồ, vui vẻ và tin tưởng.

 Sau này, tôi xin độc giả chuyển lời chúc của Hồ Chủ tịch cho tất cả đồng bào khu IV ta. Tôi chắc đồng bào khu IV sẽ có ngày được hân hạnh như tôi, được tai nghe những lời nói tha thiết, được mắt trông thấy vẻ mặt chân thành của vị lãnh đạo của dân tộc, để mà cảm động thêm, yêu mến thêm.

VÕ LIÊM SƠN  (Báo Cứu Quốc số 1071, ngày 21-10-1948) 

Không gây oán thù với ai

(Trích trả lời phỏng vấn của Ellie Maissie, phóng viên hãng tin Mỹ International News Service - người từng yết kiến Hồ Chủ tịch khi ở Pháp)

Hỏi: Tại sao đến nay Chủ tịch vẫn chưa tìm cách đưa vấn đề Việt Nam ra trước Liên Hiệp Quốc?

Đáp: Là vì chúng tôi vẫn tin ở sự khôn ngoan của nhân dân Pháp.

Hỏi: Nếu một ngày gần đây mà không có cuộc điều đình thì thái độ của Chủ tịch sẽ thế nào?

Đáp: Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi giành được độc lập, thống nhất cho Tổ quốc chúng tôi.

Hỏi: Thưa Ngài, Ngài có tin rằng nước Việt Nam mà Ngài quyết đòi cho được độc lập có đủ khả năng làm tròn nhiệm vụ của một nước độc lập mà lại ở vào một vị trí quân sự quan trọng ở Đông Nam Á châu không?

Đáp: Tôi tin chắc chắn là có đủ.

Hỏi: Xin Ngài cho biết những đường lối chung trong chính sách ngoại giao của Việt Nam, đặc biệt là chiểu theo hoàn cảnh hiện thời...

Đáp: Thân thiện với tất cả các nước dân chủ và không gây oán thù với ai

(Báo Cứu Quốc chi nhánh liên khu III số 703, ngày 18-9-1947)

_____________

Kỳ tới: Một câu di chúc gửi gắm bao điều

* Các tít trong bài do Tuổi Trẻ đặt

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên