07/04/2015 11:18 GMT+7

Gạo vào bếp dân

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Ông Lữ Minh Châu, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, người cùng bà Ba Thi lo chạy gạo cho TP.HCM, vẫn nhớ Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt rất trăn trở chuyện người dân bị đói.

Đến giữa những năm 1980, gạo miền Tây đã về TP.HCM nhiều hơn - Ảnh tư liệu

Khi gạo về rồi, ông lại lo phân phối thế nào cho đúng người cần, cho công bằng.

Nếu không cẩn thận, hạt gạo đẫm mồ hôi từ nông dân miền Tây khó nhọc lắm mới về được thành phố lại rơi vào tay đầu cơ kiếm lời.

“Gạo tổ” xuống khu phố

Bà Ba Thi cũng hiểu rất rõ vấn đề nhạy cảm này. Khâu phân phối còn phức tạp hơn cả khâu thu mua, vận chuyển vì đụng chạm đến từng bữa đói bữa no của người dân nghèo khó.

Mọi lý lẽ chính trị đều trở thành sáo rỗng, thậm chí là lừa gạt, khi cái bụng người dân bị đói.

Trong mỗi gia đình phụ nữ luôn là người căng thẳng nhất với nồi cơm đầy vơi của chồng con mình. Từng sát sao với hội phụ nữ từ hồi kháng chiến, bà Ba Thi suy nghĩ phải tận dụng chính hệ thống này để đưa gạo đến tay người dân.

“Một hôm cô Nguyễn Thị Một, người từng tham gia cách mạng từ thời Mặt trận Bình dân và chịu tù đày, tới thăm chúng tôi kể chuyện mình về hưu rảnh rỗi, ngồi sàng sẩy gạo sạch chia lại cho bà con ăn. Hồi những năm đầu 1980 phẩm cấp gạo còn tệ lắm, đa số đều lẫn lộn vỏ trấu, đá sạn, bông cỏ, phân gián, cứt chuột...

Nhiều người bị đau bao tử hay mẻ cả răng vì nhai phải cơm trộn... đá này. Trước khi nấu ăn, người ta phải mất thời gian đổ gạo ra mâm, ngồi lựa lại mất rất nhiều thời gian.

Cô Một biết chuyện nhận làm việc này, chỉ lấy lại chút đỉnh gọi là tiền công. Người dân bận bịu, thích lắm, vì tính ra vẫn rẻ hơn mua gạo sạch ở chợ” - bà Nguyễn Thị Kim Anh, một trong những thành viên đầu tiên cùng bà Ba Thi chạy gạo cho thành phố, nhớ lại.

Nghe bà Một kể chuyện, bà Ba Thi lóe lên suy nghĩ nói sẽ giao thử 1 tấn gạo cho người chị kháng chiến này để tổ chức phụ nữ làm sạch lại gạo bán cho người tiêu dùng. Nguyên tắc là không đặt nặng lợi nhuận mà chỉ bù đắp công.

Chuyện trơn tru, bà Ba Thi đích thân đi nghe dư luận tốt đẹp, rồi bắt đầu mở rộng mạng lưới đại lý gạo xuống tận phường, tổ. Thay vì sử dụng mậu dịch viên cồng kềnh biên chế và chịu nhiều điều tiếng như ở miền Bắc, bà Ba Thi bàn với Thành hội Phụ nữ phát huy sức mạnh của hệ thống này.

Những người trực tiếp làm việc ở đại lý trao gạo đến tay dân đều được ưu tiên tuyển chọn từ gia đình chính sách. Thậm chí chính quyền địa phương còn xác nhận họ đủ ba tiêu chuẩn: tin cậy về tiền bạc, nhiệt tình cách mạng và có hoàn cảnh khó khăn.

“Hồi đầu một số cán bộ, cựu chiến binh cũng nhìn chị em chúng tôi bằng ánh mắt dè dặt lẫn giám sát. Hình như họ đã có định kiến với mậu dịch viên nhà nước. Tuy nhiên sau đó mọi người thay đổi hẳn, tin tưởng nhau thiệt tình như con cháu, chị em trong nhà”.

Bà Nguyễn Thị Hồng kể thay vì lãnh lương nhà nước và được ưu tiên cấp mặt bằng để kinh doanh như mậu dịch viên, hầu hết người trong hệ thống đại lý gạo của hội phụ nữ chỉ nhận hoa hồng từ nguồn cung cấp gạo.

Họ tự lấy nhà mình làm điểm buôn bán, thậm chí đạp cả xe ba gác chở gạo đến từng tổ dân phố. Mọi chi phí kinh doanh đều được giảm thiểu để giá gạo đại lý luôn rẻ hơn gạo “chợ trời” 15-20% dù phẩm cấp ngang bằng.

Để tránh tình trạng lợi dụng tuồn gạo ra tư thương, mỗi đại lý chỉ đảm nhiệm khu vực khoảng 100 hộ dân (tương đương 500 nhân khẩu). Tuy mua nhanh bán gọn, nhưng tất cả vẫn được ghi chi tiết sổ sách để có thể kiểm tra hạt gạo đến đúng nồi cơm người dân.

Cạnh tranh gạo chợ

Những năm cuối thập niên 1970 và thập niên 1980, thị trường TP.HCM liên tục lên cơn “sốt” khan hiếm hàng hóa với giá cả leo thang phi mã.

Ngoài “sốt” thật do đổi tiền và hoàn cảnh thực tế khó khăn còn có lý do từ tin đồn. Một số mặt hàng người dân còn thắt lưng buộc bụng, nhưng thứ quá thiết yếu như lương thực thì không thể được.

Nó sẽ dẫn đến những hệ quả xã hội không thể lường. Chính ông Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Công ty Kinh doanh lương thực thành phố (khởi đầu là tổ thu mua lúa gạo của bà Ba Thi) phải góp phần quan trọng trong việc giảm “sốt” thị trường để lo đời sống người dân.

Từ đại lý gạo ở phường, tổ, hệ thống này đã vào cả các chợ mà trước đây luôn là thế mạnh tư thương.

Đến cuối tháng 3-1985, gần 2.700 đại lý bán gạo đã tiếp cận các khu dân cư cùng 791 đại lý xuất hiện ở các chợ. Số lượng gạo và giá cả đến tay người dân đã giảm hẳn những cơn “sốt” ảnh hưởng đến bữa ăn người dân.

Tổ thu mua có rất nhiều kỷ niệm vui với nông dân, nhưng cũng có số kỷ niệm ngậm ngùi mà những người trong cuộc như bà Kim Anh, ông Quang không thể nào quên.

“Một lần bà Ba Thi về huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang mua lúa. Chị Bảy Minh Châu, chủ tịch hội phụ nữ tỉnh, nhiệt tình kêu thêm chị em địa phương đi giúp. Hai chiếc ghe cỡ 100 tấn được các chị Hương, Đèo, Út, Dung giữ máy chạy đến chợ Ngã Năm để mua lúa gạo.

Ghe đến chợ Bún Tàu thì hết xăng, người xuống sông đẩy, người ở trên tìm xăng châm thêm.

Có lẽ lúc máy nổ, ghe rung mạnh nên can xăng bị lật, bốc cháy. Chị Đèo vì cố cứu 5.000 đồng tiền mua lúa nên bị phỏng nặng và không qua khỏi” - ông Quang tâm sự có những kỷ niệm xúc động về tình người địa phương như vậy.

“Tình hình có vẻ tạm ổn, nhưng thật sự chúng tôi vẫn còn lo lắm. Miếng ăn nhạt nhẽo, khô cứng của hạt bo bo vẫn còn ám ảnh người dân thành phố.

Chiến tranh hai đầu biên giới rồi bão lũ, mùa vụ thất bát vẫn triền miên. Cảnh người dân sống nay biết nay, ngày ngày cắp rá đi mua vài ký gạo vì không có tiền vẫn đại trà khắp thành phố” - ông Nguyễn Văn Quang, thành viên thời kỳ đầu tổ thu mua lúa gạo, kể chuyện chạy gạo cho thành phố là nỗi lo luẩn quẩn không dứt.

Để đảm bảo nguồn cung gạo không bấp bênh, tổ thu mua phải cử người cắm chốt cùng nông dân miền Tây. Tuy nhiên, họ không chỉ nằm chực chờ lúa chín mà còn phải hiểu địa phương cần gì để trao đổi hai chiều một cách thiết thực.

Trong nhiều trường hợp, họ đã chủ động xé rào ngăn sông cấm chợ, đem cái tồn từ nơi này đến nơi thiếu hụt và ngược lại. Khi Cửu Long, Tiền Giang cần phân bón, họ xoay tìm 4.000 tấn chở xuống tận tỉnh.

Biện pháp thiết thực đem lại hiệu quả nhanh chóng. Ngay vụ mùa đó, họ được địa phương ưu tiên bán lại lúa gạo.

Khi các nhà máy xay xát dưới tỉnh cạn kiệt xăng dầu hoạt động, họ lại tìm nguồn nguyên liệu để giao cho họ làm việc. Rồi sau đó các nhà máy này lại trở thành chỗ thân thiết của Công ty Lương thực thành phố.

Ngày nay nâng chén cơm trắng không biết mấy người đứng tuổi còn ký ức về hai loại quốc doanh và gạo chợ một thời khó khăn. Nhưng ngày ấy chuyện này ám ảnh từng bữa cơm người dân.

Gạo quốc doanh lấy từ kho ra luôn đầy sạn và “man mác” mùi ẩm mốc, phân gián, phân chuột. Người cầm sổ nhà nước đi mua, mà đặc biệt là các bếp ăn tập thể ở xí nghiệp, ký túc xá thường xuyên được thưởng thức chén cơm đầy “hương vị” khó ngửi này.

Còn những người đủ điều kiện hơn có thể ăn loại gạo chợ bao giờ cũng hơn hẳn phẩm cấp trắng sạch.

Ông Quang kể bà Ba Thi vào bếp ăn người dân, hiểu rõ thực tế này, nên luôn cố gắng trao đến tay người dân loại gạo tốt hơn hẳn cái mác “quốc doanh”.

Khi nhận gạo từ các tỉnh, Công ty Kinh doanh lương thực TP.HCM luôn yêu cầu được xay trắng hoặc xát lại cho đạt tiêu chuẩn gạo sạch.

Thậm chí bà Ba Thi còn chủ động xuất mua một số máy lau gạo để trang bị cho các cửa hành kinh doanh lương thực của mình. Hình ảnh xấu về gạo “quốc doanh” được thay đổi, giới tư thương cũng không còn độc quyền gạo ngon.

Chén cơm của người dân được cải thiện rõ rệt.

____________

Kỳ tới: Bo bo từ đâu ra?

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên