06/04/2015 10:16 GMT+7

Xé rào và chạy gạo trong đêm

 QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - “Bắt đầu sang năm 1977, trên giao về thành phố lượng gạo không đủ phân phối theo tiêu chuẩn hằng tháng, phải dùng hàng vạn tấn khoai lang, khoai mì, bo bo thay cho lượng gạo tiêu chuẩn...

Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, bà Ba Thi và ông Lữ Minh Châu (đứng thứ hai, ba, tư từ phải sang) - Ảnh tư liệu của ông L.M.C.

Những lúc tình hình lương thực căng thẳng quá, thành ủy, ủy ban họp ngày họp đêm để tìm cách giải quyết. Đồng chí Võ Văn Kiệt, bí thư Thành ủy TP.HCM, chỉ thị dứt khoát: “Không để một người dân nào chết đói”.

Đó là một đoạn viết về tình trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng ở TP.HCM trong cuốn sách Chuyện kể về chị Ba Thi.

Quyết định “xé rào”

Một hôm Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, tức ông Sáu Dân, gọi điện mời vài người sang nhà ăn sáng để bàn chuyện gấp. Bữa ăn sáng vừa xong, ông Sáu Dân liền nói mời mọi người tới đây là để bàn tính việc chạy gạo cho 4 triệu dân TP.HCM.

Tình hình căng thẳng lắm rồi, lượng gạo dự trữ chỉ còn đủ vài ngày. Nguồn cung cấp của Bộ Lương thực hứa thì không chắc, mà thực tế là luôn trễ và thiếu hụt rất lớn. 4 triệu dân thành phố chỉ không có gạo để ăn một ngày là thảm họa.

Ông Sáu Dân nói tiếp, Sở Lương thực thì có đó mà phải chịu ngồi chờ bộ, vì chỉ là cơ quan quản lý, không có cơ chế để kinh doanh. Miền Tây có gạo nhưng lại không thể mua về cho dân thành phố ăn được. Và chính nông dân cũng không muốn bán theo nghĩa vụ cho Nhà nước vì bị thiệt thòi quá.

Cái thế kẹt, thế bí là chỗ này... Ông Sáu Dân yêu cầu mọi người góp ý tháo gỡ làm sao để nhu cầu muốn mua của người thành phố gặp được nhu cầu muốn bán của nông dân theo giá thỏa thuận. Còn cuối cùng mức giá mua bán thế nào thành ủy và ủy ban sẽ quyết định.

Mọi người bàn tới bàn lui thấy có hướng đến vựa gạo rồi nhưng lại vướng mắc nhiều rào cản. Ông Châu, ông Năm Ẩn đồng tình với bà Ba Thi, nhưng nói rõ chiếu theo quy định thì cái nào cũng sai. Muốn gỡ tình thế nồi cơm hết gạo chỉ còn cách phải xé rào.

Cuối cuộc họp bàn quan trọng này, mọi người hiểu rõ trách nhiệm rất nặng nề. Bà Ba Thi nói với bí thư Sáu Dân rằng với cách làm thông thoáng này sẽ thực hiện được, nhưng nếu trung ương biết là đi tù. Ông Sáu Dân nửa thật nửa đùa mọi người vì chạy gạo cho dân ăn mà phải đi tù, ông sẽ mang cơm đi thăm nuôi.

Và đúng như mong muốn của những người có mặt trong buổi họp, ông Sáu Dân khẳng định sẽ chịu trách nhiệm cao nhất về chủ trương vượt rào này, kể cả những việc cụ thể như quyết định mức giá thỏa thuận với nông dân.

“Tổ thu mua lúa gạo - tiền thân của Công ty Lương thực TP.HCM ra đời từ đây. Vì thực tế nồi cơm độn bo bo, khoai mì thúc bách, nó phải xé rào các chính sách nhưng hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Chính Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt là người nảy ra ý tưởng ban đầu và nhận lãnh trách nhiệm cao nhất về chuyện xé rào, chạy gạo cho dân ăn này” - ông Lữ Minh Châu tâm sự.

Đưa gạo về thành phố

Tuy nhiên, từ đề án trên bàn họp đi đến hiện thực, tổ thu mua gạo đầu tiên của TP.HCM gặp không ít khó khăn. Ông Châu nhớ ngay chuyện giao dịch bằng tiền mặt hay qua ngân hàng rất đơn giản ở thời điểm này nhưng hồi đó cũng rất nan giải.

“Ban đầu cứ nghĩ có kế toán của Sở Tài chính và thủ quỹ ngân hàng đi theo kiểm soát việc chi tiền rất dễ dàng mà thực tế lại quá rắc rối. Ngân hàng dưới các tỉnh miền Tây lúc nào cũng cạn kiệt tiền mặt.

Phương thức ngân hàng TP.HCM làm thủ tục chuyển tiền nhanh cho ngân hàng địa phương, để tổ thu mua của bà Ba Thi lấy tiền tại chỗ giao dịch bị phá sản ngay từ đầu. Chúng tôi buộc phải kè kè bao bố tiền từ TP.HCM xuống tận người dân miền Tây trong tình hình giao thông khó khăn, an ninh hết sức phức tạp”.

Sau cái khó của đồng tiền, tổ thu mua gạo lại gặp vướng ở khâu thủ tục vận chuyển gạo về TP.HCM trong thời kỳ đầu. Tình hình các chốt kiểm soát dày đặc có toàn quyền bắt bớ bất kỳ ai. Thời ngăn sông cấm chợ mà đưa được bao gạo xách tay, chứ đừng nói xe tải gạo, về được TP.HCM là cực kỳ khó.

Đặc biệt, tổ thu mua gạo lại càng không có danh nghĩa gì rõ ràng theo chủ trương của Nhà nước. Một anh trưởng ấp hay du kích xã cũng có thể hạch sách, cản trở, thậm chí kết tội họ là con buôn.

Chính bà Trần Ngọc Điệp, vợ ông Lữ Minh Châu, quê Minh Hải, có lần chỉ mang 10kg gạo của con cháu làm ruộng tặng cũng bị bắt tại trạm kiểm soát Tân Hương, Long An.

“Tuy nhiên, trong cái khó cũng ló cái may. Bà Ba Thi quan hệ rất tốt với các địa phương. Nhiều lãnh đạo tỉnh từng là bạn kháng chiến của bà nên dần cũng giải được bài toán trạm kiểm soát. Hơn nữa chúng tôi không ép dân, mua gạo rẻ mạt theo giá Nhà nước quy định, nên uy tín lan nhanh xuống các địa phương. Nông dân khoái bán cho mình. Lãnh đạo địa phương cũng nhận thức rõ đôi bên cùng có lợi nên tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi” - ông Châu vẫn chưa quên những ngày đầu mang tiền đi “buôn lậu” gạo.

Bà Kim Anh, người đang học Trường Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội thì được gọi về Sài Gòn lo chạy gạo - Ảnh: Q.V.

Tổ thu mua

Đang tình hình nhiều nồi cơm ở TP.HCM thiếu cái để nhóm lửa, từng xe tải gạo ở miền Tây theo tổ thu mua của bà Ba Thi (Nguyễn Thị Ráo) ồ ạt đổ về. Có lãnh đạo chưa tin, trực tiếp xuống kho vốc gạo xem tận mắt.

Nhiều cựu chiến binh đang bức xúc con cháu bị thiếu ăn gọi điện cho bà Ba Thi: “Ba Thi, bà đi buôn lậu hả? Coi chừng tù à nghen. Nhưng làm gì cũng được, miễn sao cho dân no bụng là quý rồi”.

Lần lại những tấm ảnh đã ố màu thời gian, bà Nguyễn Thị Kim Anh, cán bộ thu mua lúa gạo từ thời kỳ đầu năm 1978, nhớ mình đang học Trường Nguyễn Ái Quốc thì được gọi về chạy gạo với bà Ba Thi. Bà Kim Anh là dân kháng chiến trong bưng ra. Bà Bà Thi thích những người làm nhiều hơn là hô hào rỗng tuếch...

“Nhìn nhóm người lôi thôi lếch thếch, quần xắn ống thấp ống cao quá đầu gối, khăn rằn, nón lá lùm xùm... người ta tưởng là dân buôn lậu. Hồi đầu tổ thu mua chỉ vỏn vẹn có tám người.

Bà Ba Thi làm tổ trưởng, một tài xế, hai kế toán và thủ quỹ, còn lại đều là nhân viên thu mua” - bà Kim Anh kể tổ thu mua lúa gạo đi Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, chỉ khoảng ba ngày sau là gạo về đến thành phố.

Có đi tận nơi bà mới thấy quá nhiều cảnh bất cập, tai hại do cơ chế ngăn sông cấm chợ và Nhà nước tự định giá thu mua rẻ mạt, không tuân theo quy luật thị trường.

Trong khi nhiều tỉnh thành rơi vào cảnh đói khát đến khoai mì độn bo bo cũng thiếu ăn thì nhiều nơi lại dư lúa gạo. “Chỗ dư lúa, thừa gạo, lúa để ẩm mục làm phân, gạo đem cho gà heo ăn không hết, mà không cho nông dân đem lúa gạo dư thừa đó đến những nơi đang thiếu”!

Sau một thời gian đầu mua gạo từ nông dân bằng tiền mặt, bà Ba Thi chuyển hướng sang hàng đổi hàng. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ hoàn cảnh nông dân rất khan hiếm hàng hóa thiết yếu.

Nhiều khi cầm tiền trong tay họ cũng không thể tìm mua được những thứ hàng mình cần như xăng, dầu hỏa, vải vóc, thuốc tây, bột ngọt... Là một trong những thành viên của tổ thu mua lúa gạo thời kỳ đầu, ông Trần Văn Quang kể thật ra phương thức hàng đổi hàng cũng gặp khó.

Hồi ấy với các mặt hàng thiết thực trong đời sống thì chỉ có nơi thiếu ít, nơi hụt nhiều chứ chẳng có nơi nào dư dả. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt và những lãnh đạo thành phố phải họp hành ngày đêm với các đơn vị sản xuất, tính toán, cân đối trước sau thật kỹ, bà Ba Thi mới có thể đem được hàng hóa về nông thôn đổi gạo.

_________

Kỳ trước: Thiếu đói khắp nơi

Kỳ tới: Gạo vào bếp dân

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên