22/01/2015 14:36 GMT+7

​“Người tình” của Jean-Jacques Annaud

NGUYỄN TRƯỜNG UY
NGUYỄN TRƯỜNG UY

TT - Tự truyện Người tình của Marguerite Duras đã là kiệt tác, đạo diễn Jean-Jacques Annaud càng làm nó trở thành kiệt tác hơn khi chuyển thể đặc sắc tác phẩm văn học lên phim.

Jean-Jacques Annaud chỉ đạo diễn xuất cho Jane March và Lương Gia Huy đóng cảnh gặp gỡ trên bến phà - Ảnh: MGM

Annaud đã kể lại đúng trình tự câu chuyện Duras đã kể, từ đầu phim cho đến cuối phim, một bài thơ hình ảnh trên nền giọng đọc khàn khàn của nữ minh tinh Jeanne Moreau thay cho lời tự sự của Duras: “Ðể tôi nói thêm với bạn. Năm ấy tôi 15 tuổi rưỡi. Trên chuyến phà qua sông Mekong...”.

Đi tìm chiều sâu

Bến phà nhỏ ven sông Mekong đó được quay tại... Cát Lái (TP.HCM).

Ðạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, một trong ba phó đạo diễn của các cảnh quay tại VN của phim Người tình, cho biết tại bến phà ấy đoàn làm phim chỉ cần dựng thêm một cái cổng, một khu chợ và vài cái nhà nhỏ phía trước là thành cảnh của bến phà qua sông Mekong những năm đầu thế kỷ 20.

“Jean-Jacques Annaud là một nhà văn hóa, một đạo diễn luôn đương đầu với thử thách, tìm những đề tài cũng như cảnh quay hóc búa mà các nhà làm phim thường ngại ngần” - đạo diễn Vinh Sơn nhớ lại hai năm dài theo đuổi đoàn làm phim Người tình hơn 25 năm trước.

Sau vô số thư qua tin lại, một năm trước khi bấm máy, đoàn làm phim của Renn - Films A2 - Burrill từ Pháp sang TP.HCM nhờ Hãng phim Giải Phóng hợp tác làm dịch vụ. Khi họ đến TP.HCM, đi chọn cảnh ở Nam bộ, thì họ đã hiểu lắm vùng đất này rồi.

Nhà văn Sơn Nam, cố vấn lịch sử của phim, kể lại trong cuốn sách ghi chép Theo chân người tình (NXB TP.HCM, 1991): “Khi đạo diễn Annaud chưa qua, tôi làm việc với anh chàng Fredo (Frederic Auburtin - phó đạo diễn), khoảng 28 tuổi, sinh quán miền Nam nước Pháp, lần đầu tiên đến Sài Gòn và Nam bộ, cố xông pha trận mạc xa lạ. Không biết nhóm làm điện ảnh này đã tập ăn đũa từ bao giờ? Ðến Sài Gòn là sành sỏi, phải chăng họ đã mò vào quán Việt bên Pháp vài lần rồi?”.

Vinh Sơn đã phải phát khổ với Annaud khó tính khi đòi hỏi chăm chút chi li từng chi tiết nhỏ làm nên chiều sâu cuốn sách và bộ phim: chiếc nón phớt con trai, đôi giày kim tuyến, chiếc nhẫn kim cương của mẹ chàng trai Hoa kiều...

Annaud đòi Vinh Sơn phải tìm cho được một ông lái đò ngoại hình coi được, biết chèo đò mà lại ca vọng cổ hay để rồi lên phim khi đôi tình nhân ngồi ăn trong nhà hàng, bên ngoài sông chỉ thấy thấp thoáng xa xa chiếc đò ấy với câu vọng cổ văng vẳng.

Annaud còn yêu cầu phải tìm cho ra ông già đóng vai cặm cụi khâu giày có ánh mắt ngước nhìn xa xăm ngồi trước cửa căn nhà trong khu người Hoa mà đôi tình nhân đến khám phá nhau mỗi ngày...

“Annaud đã nghiên cứu khá sâu và dùng trực giác để thâm nhập vũ trụ quan và nhân sinh quan phương Ðông. Diễn đạt bằng hình ảnh và động tác, điều quan trọng là đánh động bằng chất thơ”, nhà văn Sơn Nam từng kể.

Trong một lần đi chọn cảnh cô gái Pháp đưa tình nhân đến xem lại vùng đất phèn mặn mà cha mẹ cô đã mất trắng tài sản vì bị lừa, và cũng trong ánh chiều tà đó cô gái đã quyết định viết sách về cuộc đời mình, Annaud nói đây là cảnh quan trọng nên phải lùng sục các nơi.

Sơn Nam kể khi đi qua Hòn Chông, bỗng dưng Annaud “ra lệnh dừng xe, đến một góc vườn dừa, nhìn ra đồng hoang cỏ dại, lấp loáng vài vũng nước.

Ðây là xóm Trà Ðuốc. Ðạo diễn, các trợ lý, người chịu trách nhiệm thiết kế mỹ thuật kiên nhẫn đứng nhìn mặt trời đang lặn, phía sau những ngọn đồi. Họ muốn tìm chiều sâu của biển phía Tây”.

Mãi mãi là “Người tình”

Jean-Jacques Annaud đã bị dư luận phản ứng dữ dội khi phim Người tình nói tiếng Anh, nhưng ông lý giải: “Tôi là một họa sĩ, tôi có thể dùng màu vẽ, cọ của Anh, nhưng đó là một bộ phim Pháp”.

Việc 90% cảnh Người tình quay ở VN lúc đầu cũng bị Marguerite Duras bất bình, bởi bà muốn Người tình được quay ở một miền quê nước Pháp với quy mô nhỏ như một câu chuyện tình riêng tư của lòng bà mấy mươi năm, như bộ phim Hiroshima tình yêu của tôi năm 1959 của Alain Resnais mà bà viết kịch bản.

Nhưng Annaud muốn có một bộ phim hoành tráng, tầm cỡ thế giới kiểu Hollywood và phải rất VN, mà muốn rất VN thì phải sang nơi đó, dù thời điểm đó đưa cả đoàn làm phim cùng một chiếc tàu lớn, ba chiếc xe cổ cùng vô số đạo cụ vượt đại dương sang VN để quay quả là một thử thách vô cùng lớn.

Về sau, Người tình trở thành bộ phim nước ngoài thấm đẫm chất VN. Ðạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nhớ lại ngày đó, do các cảnh quay như Chợ Lớn, bến Nhà Rồng, đường Tôn Ðức Thắng, khách sạn Majestic, Trường THPT Lê Hồng Phong và Lê Quý Ðôn... đều còn giữ nguyên không gian xưa cũ, đi đến đâu cũng được người dân sẵn lòng giúp đỡ nên chi phí làm phim rất rẻ.

Annaud cũng là một người hiểu văn hóa và cư xử đúng mực.

Hôm quay cảnh đám cưới chàng trai Hoa kiều, vào giờ ăn, những người đóng vai ông Tây bà đầm được ngồi ăn trong quán, trong khi những người sắm vai người Việt mặc áo dài khăn đóng, trong đó có con cháu của ông Huỳnh Thủy Lê, thì lại phải ngồi ngoài chợ ăn cơm hộp. Sơn Nam phản đối, vậy là Annaud xin lỗi và đưa toàn bộ vào quán ngồi ăn như nhau.

Bộ phim gây xôn xao dư luận sau đó có phần vì những cảnh yêu đương trong phim quá táo bạo. Khi Người tình hoàn thành vào năm 1991, Annaud chọn VN là nơi công chiếu đầu tiên như lời thâm tạ với vùng đất đã làm nên Duras, làm nên cuốn tự truyện và bộ phim.

Hôm đó, sau buổi chiếu đầu tiên tại rạp Rex (TP.HCM), nhà báo Nguyễn Ngọc Trân có hỏi Annaud câu mà dư luận khắp nơi lúc đó thắc mắc là diễn viên trong phim có làm tình thật không thì Annaud đã trả lời với câu hỏi ý nhị: “Vậy khi quay phim chiến tranh, diễn cảnh đánh nhau thì diễn viên có chết thật không?”.

Mãi về sau, khi bộ phim đã thu về doanh thu lớn, Annaud mới lên tiếng khẳng định toàn bộ những cảnh tình dục trong phim đều được quay trong phim trường ở Pháp, toàn bộ đều phải nhờ các diễn viên đóng thế.

Năm năm sau Người tình ra mắt, Duras qua đời, khi những tiếng vang của bộ phim vẫn tiếp tục len lỏi khắp nơi trên thế giới.

Ngày ấy, Jane March vào vai cô gái Pháp khi mới 19 tuổi, hơi già hơn khuôn mặt cô gái 15 tuổi rưỡi trong phim nhưng đúng văn của Duras là “tôi có một gương mặt tả tơi”. Lương Gia Huy khi đóng vai chàng Hoa kiều giàu có mới ngoài 30 tuổi.

Còn Annaud năm đó hừng hực sáng tạo ở tuổi 48. Sau Người tình, Jane March tiếp tục đảm nhận những cảnh táo bạo trong Sắc màu của đêm (Color of the night), Lương Gia Huy nổi bật trên bầu trời điện ảnh Hoa ngữ, Annaud tiếp tục đương đầu với các phim thử thách khác như 7 năm ở Tây Tạng (7 years in Tibet), Quân thù trước cổng (Enemy at the gate), Hai anh em (2 brothers)...

Nhưng với họ và êkip làm phim Người tình, những năm tháng gắn bó với bộ phim mãi là những ký ức dai dẳng, dẫu 25 năm đã qua hay hơn nữa, như ký ức người tình.

Annaud cũng phải cúng trước khi quay

Một cảnh quay kỳ công mà đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nhớ mãi là cảnh dòng sông Mekong mênh mông đỏ ngầu phù sa xuất hiện ở đầu phim, được quay ở cửa Ðại Ngãi (Sóc Trăng), với lục bình, dừa nước, trâu chết và cây cổ thụ trôi trên sông.

Chủ con trâu đã khóc rưng rức khi bán trâu cho đoàn làm phim dìm nước chết để thả, riêng ba cây cổ thụ thì đoàn yêu cầu phải bứng luôn gốc, nhưng khi quay do gốc nặng nên ba cây chìm không quay được. Ðoàn phải chuyển về Cát Lái, gắn thùng phuy vào dưới gốc để cây nổi.

Nhà văn Sơn Nam yêu cầu đoàn làm phim phải cúng trước khi quay cảnh này, bởi theo Sơn Nam, “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” vậy là trời đất không thuận.

Annaud không chịu nghe vì cho là mê tín. Nhưng cả ba ngày mở máy trời đều mưa và âm u, không quay được. Ðến ngày cuối cùng, nước chảy đẩy thùng phuy cột dưới ba cây chui vào đội sà lan đặt máy quay nổi lên khiến cả đoàn làm phim suýt rớt xuống sông.

Ngay sau đó, ông Annaud đồng ý cúng. Cả đoàn làm phim đứng nghiêm trang bên mâm cúng nhỏ, Sơn Nam mặc áo dài khăn đóng thắp hương khấn nguyện và rải gạo cùng rượu xuống sông...

Trời sau đó bỗng hửng nắng. Sơn Nam rỉ tai với Vinh Sơn: “Tao nói mà không nghe. Giờ thì tụi Tây hiểu thế nào là tâm linh phương Ðông!”.

NGUYỄN TRƯỜNG UY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên