19/12/2014 11:00 GMT+7

6 đứa con đều khai sinh ngày 7-5

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Ông Trần Văn Lai kết hôn với người vợ đầu tiên là con cháu một gia đình tư sản theo sự sắp xếp của tổ chức để ông có thể hợp pháp hoạt động trong nội thành Sài Gòn.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Năm Lai mới đưa được vợ con về quê thăm mẹ - Ảnh tư liệu gia đình
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Năm Lai mới đưa được vợ con về quê thăm mẹ - Ảnh tư liệu gia đình

Người vợ này chưa kịp có con với ông thì hi sinh.

Người vợ thứ hai là bà Đặng Thị Thiệp (Tuyết Mai), là con của một gia đình cách mạng quê ở Quảng Ngãi. Ông Trần Văn Lai và bà Đặng Thị Thiệp có sáu người con. Làm vợ, làm con một chiến sĩ hoạt động bí mật họ cũng chịu không ít thiệt thòi...

Gọi ba bằng bác

Đề nghị truy tặng danh hiệu 

Anh hùng LLVT cho ông Trần Văn Lai Chủ tịch UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng về việc đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) cùng với năm cá nhân khác, vì đã có những đóng góp tích cực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ngoài việc đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho sáu cá nhân trên, UBND TP.HCM cũng đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho sáu tập thể và hai cá nhân khác.

Người vợ đầu của ông là bà Phạm Thị Chinh (tên khác là Phạm Thị Phan Chính), vốn được sinh ra trong một gia đình tư sản ở Hà Nội. Bà Chinh là cháu gái ruột của chủ tiệm vàng Phú Xuân và bà sớm đi theo cách mạng. Khi muốn đưa ông Trần Văn Lai vào hoạt động nội thành Sài Gòn, tổ chức đã sắp xếp cho ông Lai kết hôn với bà Chinh, tạo nên một vỏ bọc gia đình tư sản.

Cũng nhờ “danh gia” đằng vợ mà ông Trần Văn Lai đã tạo dựng được một thân thế nhà tư sản và có trong tay các hợp đồng xây dựng béo bở để tạo được vỏ bọc nhà thầu khoán, một nhà tư sản, vừa có tiền cung cấp cho cách mạng dưới tên Mai Hồng Quế.

Ông Lai và bà Chinh sống với nhau nhưng chưa kịp có con thì bà Chinh hi sinh năm 1964. Chuyện gặp gỡ giữa bà Chinh và ông Trần Văn Lai được nhà văn quân đội Nguyễn Trần Thiết kể lại trong tác phẩm Nhà thầu khoán nằm trong tập truyện Chuyện về anh Năm Mộc, và phần gặp gỡ này được thể hiện trong phần đầu bộ phim Biệt động Sài Gòn.

Tuy cuộc hôn nhân do tổ chức sắp đặt nhưng sau này ông Trần Văn Lai rất yêu thương bà Chinh. Mặc dù vậy, vì công tác cách mạng nên họ chưa thể có con. Vì bảo lãnh cho hai người đồng chí của mình từ nhà tù Phú Quốc trở về nên bà Chinh bị nghi ngờ là cộng sản, bà bị bắt sau đó, bị tra tấn dã man nhưng vẫn giữ bí mật cho tổ chức.

Không khai thác được gì, bà được trả về cho ông Trần Văn Lai. Chỉ một thời gian ngắn sau, bà hi sinh trên tay ông. Thấm thía nỗi đau từ đòn roi của kẻ thù, trước khi nhắm mắt bà Chinh nắm tay ông dặn dò nếu ông lấy vợ nữa, hãy chọn người nào hết lòng bảo vệ ông, cho công việc bí mật của ông.

Khi đó bà Đặng Thị Thiệp còn rất trẻ, con của một đảng viên ở miền Trung, được tổ chức giới thiệu cho ông Lai. Để che mắt mật thám, ông mua cho bà Thiệp một căn nhà trên đường Nguyễn Kiệm (Phú Nhuận) và luôn nói bà Thiệp là bà bé, là tình nhân chứ không phải vợ, ngay cả việc gặp nhau cũng lén lút. Bà Thiệp lần lượt sinh cho ông Lai năm người con nhưng cả năm người đều không có giấy khai sinh và không biết ba mình là ai.

“Tôi nhớ mãi những năm tháng anh em tôi không có cha mà chỉ biết có một người bác, hồi đó chúng tôi gọi là bác Năm. Đến tận hòa bình, sau ngày giải phóng Sài Gòn chúng tôi vẫn phải gọi ba bằng bác cho đến khi được làm giấy khai sinh. Lúc ấy chúng tôi mới được là con của ba trên giấy tờ, nhưng bởi quen gọi ba bằng bác nên anh chị em chúng tôi ngọng nghịu, phải mất nhiều thời gian mới có đứa kêu ông bằng ba, đứa gọi ông là bố...

Nhiều lúc tôi cũng buồn và tủi thân vì thấy hoàn cảnh anh em chúng tôi đặc biệt quá. Nhưng sau này lớn, nghĩ lại, tôi nhủ lòng thôi không buồn bởi tại chiến tranh mà anh em chúng tôi mới có hoàn cảnh như thế, chứ bản thân ba luôn yêu thương và chăm sóc anh em tôi” - anh Trần Vũ Bình kể câu chuyện về cha mình như thế mà không khỏi ngậm ngùi.

Vì vậy, sau này khi đã hòa bình, việc của ông là chăm lo tốt nhất cho những đứa con của mình được học hành đàng hoàng. “Ổng bênh con dữ lắm, cả sáu đứa chỉ tập trung học, vậy nên cả sáu đứa con đều học hành đàng hoàng, tử tế, đứa nào cũng ngoan ngoãn, hiếu nghĩa” - bà Thiệp nói thêm.

Anh Trần Vũ Bình (con trai ông Năm Lai) và đại tá  Trần Minh Sơn - Ảnh: Hoàng Điệp
Anh Trần Vũ Bình (con trai ông Năm Lai) và đại tá Trần Minh Sơn - Ảnh: Hoàng Điệp

6 đứa con làm khai sinh trong một ngày

Như trên đã nói, để xây dựng cơ sở và để giấu mình, năm 1966 ông Trần Văn Lai và bà Đặng Thị Thiệp trở thành vợ chồng sau khi cả hai người đã báo cáo tổ chức. Kể từ năm 1967-1972 năm đứa con lần lượt ra đời, cả trai và gái nhưng bề ngoài bà Thiệp chỉ là vợ bé nên hai người không có hôn thú.

Bởi vậy mỗi lần bà Thiệp đi sinh con đều không dám lấy giấy khai sinh. Bà Thiệp kể: “Nếu lúc ấy làm khai sinh thì chỉ ghi tên mẹ thôi không có cha, vậy nên ông nhà tôi bảo chờ đến khi nào đất nước thống nhất thì làm khai sinh cho con luôn thể”.

Năm 1975 sau khi đất nước thống nhất, do còn phải đưa vợ con về quê ở Thái Bình, rồi công việc tổng kết sau chiến tranh nhiều nên vợ chồng ông Quế vẫn chưa đăng ký kết hôn được. “Mà chưa đăng ký kết hôn được thì chưa thể nào làm khai sinh cho mấy đứa trẻ, vậy nên ba má tôi phải xin xác nhận ở rất nhiều người về việc hai người là vợ chồng thực tế, nhưng vì cần giữ bí mật nên không thể đăng ký kết hôn theo luật pháp của chính quyền cũ” - anh Trần Vũ Bình kể.

Năm 1977, sau khi sinh thêm người con út, ông bà mới xin được xác nhận của đơn vị là phòng tổng kết chiến tranh thuộc Bộ tư lệnh TP.HCM xác nhận tình trạng hôn nhân của mình. Và phải đến năm 1979 vợ chồng ông Trần Văn Lai và Đặng Thị Thiệp mới chính thức được đăng ký kết hôn.

“Vừa hợp thức hóa được hôn thú thì ba tôi đi khai sinh cho cả sáu  đứa con, vậy nên cả sáu đứa cùng được làm khai sinh một ngày, ngày 7-5-1979” - anh Trần Vũ Bình nói.

Anh Bình và những người anh em khác của anh không bao giờ quên được hình ảnh người cha cặm cụi chế máy xay cua, máy xay rau má để bán kiếm thêm tiền nuôi các con ăn học.

“Rồi cả nhà tôi đi xách cặn cơm về để nuôi heo ngay trong ngôi nhà nhỏ ở hẻm chợ Tân Định. Ba tôi, nhà tư sản đã hiến dâng tất cả tài sản cho cách mạng, hòa bình về, bỏ lại tất cả sau lưng, trở thành một ông già giữ xe cho khách đi chợ, hết buổi thì phụ má tôi xay cua, xay rau và nuôi heo...” - anh Bình nói.

Việc của anh bây giờ là tìm mua lại những chiếc ôtô cũ ba đã đi rồi phục chế, mua lại những căn nhà đã từng là nơi chứa vũ khí rồi tìm các hiện vật, giấy tờ liên quan của ba anh và đồng đội.

Anh nói: “Việc ấy trước hết là để thực hiện mong muốn lớn lao vào cuối đời ba tôi. Di nguyện của ông để lại là mong muốn chúng tôi tìm lại những nơi in dấu kỷ niệm hoạt động bí mật một thời của ông, của má lớn (Phạm Thị Phan Chính) và má tôi - cũng là một cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Thực hiện di nguyện của ông cũng là tâm nguyện của bản thân tôi...”.

 

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên