16/07/2013 07:15 GMT+7

Gian nan đường nhập quốc tịch

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
VIỄN SỰ - SƠN LÂM

TT - “Biết bà con là người Việt nhưng nhiều người từ đời cha mẹ, ông bà đã sinh ra trên đất Campuchia, không còn biết gốc tích ở đâu tại Việt Nam, cũng không có tấm giấy tờ Campuchia nào mang theo nên việc xác minh quốc tịch rất gian nan” - ông Phan Hòa Nông, trưởng phòng tư pháp huyện Tân Hưng (Long An), chia sẻ về những khó khăn trong hành trình nhập quốc tịch cho Việt kiều từ Campuchia trở về.

xWmiyBAJ.jpgPhóng to
Dù đã trở về nước nhưng bà Võ Thị Đẹp (77 tuổi) ở xóm Việt kiều Tuyên Bình (Vĩnh Hưng, Long An) vẫn không biết quê quán mình ở đâu nên không thể làm giấy tạm trú và rất khó khăn trong việc nhập quốc tịch - Ảnh: Sơn Lâm

Những thân phận vô danh

Chúng tôi đã tìm thấy ngọn nguồn câu chuyện mà ông Phan Hòa Nông nói trong chuyến đi đến những xóm Việt kiều ở Biển Hồ. Ông Châu Văn Chi - chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Vương quốc Campuchia - cho biết để tìm được một tấm giấy lận lưng trong người những Việt kiều từ Campuchia trở về nước, đặc biệt từ Biển Hồ, là điều rất khó. Tất cả đều là những số phận vô danh vì từ đời cha mẹ, ông bà đã không có giấy tờ tùy thân. Chỉ biết họ là người Việt từ giọng nói, tập quán sống, từ những chuyến ngược xuôi tìm về thăm quê cũ. Theo ông Chi, khó ai có thể trả lời chính xác có bao nhiêu Việt kiều đang sống trên đất Campuchia. Và những thân phận người Việt trên đất Campuchia chưa thể xác minh được ấy đều là những người không có giấy tờ, đang lặn ngụp mưu sinh ở Campuchia hoặc đang tìm về cố xứ theo những ngả đường biên giới.

Đi sâu vào những làng Việt xa xôi ở Biển Hồ càng đau lòng khi biết vài chục năm trước, một số ít bà con có giấy tờ tùy thân do phía Việt Nam và Campuchia cấp đã tự đốt sạch vì phải che giấu thân phận người Việt dưới thời Khmer Đỏ. Ở xóm chài Sa Son thuộc huyện Kan Dieng (Pursat) có hơn 1.000 Việt kiều sinh sống nhưng chỉ duy nhất ông Nguyễn Tinh - thư ký chi hội Việt kiều - còn giữ được tấm giấy bầu cử Quốc hội Việt Nam năm 1976. Còn lại không Việt kiều nào có nổi mảnh giấy tùy thân, cho dù là của Việt Nam hay Campuchia. Ông Kiều Văn Danh - phó chủ tịch Hội Người Việt tỉnh Pursat - còn cho biết năm 1987 chính quyền địa phương ở đây có yêu cầu bà con Việt kiều giao toàn bộ giấy tờ để xem xét nhập quốc tịch. Nhưng thời điểm đó điều kiện đất nước Campuchia còn nhiều hạn chế nên không may toàn bộ giấy tờ bị thất lạc và thân phận người dân Sa Son từ ngày đó càng trôi nổi, lênh đênh khi không còn ai giữ được giấy tờ gì.

Để giúp bà con Việt kiều chứng minh là người Việt khi làm ăn trong cộng đồng, theo sự đồng ý của Bộ Nội vụ Campuchia, Hội Người Việt Nam tại Vương quốc Campuchia đã tiến hành cấp thẻ hội viên. Nhưng theo ông Châu Văn Chi, tấm thẻ này chỉ có giá trị để Việt kiều giúp đỡ lẫn nhau, không có giá trị pháp lý đối với chính quyền Campuchia hay rút ngắn được quá trình xác minh quốc tịch khi trở về Việt Nam.

huE3u5Sg.jpgPhóng to
8dFo2R8z.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Tinh (thứ hai từ trái qua) - Chi hội Việt kiều ở Sa Son (Pursat), người duy nhất ở Sa Son có tấm giấy tờ mang tên mình nhờ còn giữ được thẻ cử tri kỳ bầu cử Quốc hội Việt Nam năm 1976 - Ảnh: Viễn Sự

Khó khăn xác minh quốc tịch

Hệ lụy từ việc không giấy tờ ở Campuchia đã theo Việt kiều về nước gây khó khăn rất lớn cho những người làm công tác tư pháp, hộ tịch trong quá trình xác minh để nhập quốc tịch cho Việt kiều. Ông Võ Minh Thành, phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, cho biết số Việt kiều Campuchia trở về sinh sống tại các huyện biên giới ở Long An hiện là 1.714 nhân khẩu. Nhưng số Việt kiều trở về từ Campuchia trong thực tế có thể lớn hơn vì bà con về Long An theo kiểu thích thì ở không thích lại chống xuồng sang tỉnh khác, nên không có con số ổn định.

Tuy nhiên, ông Thành nói phần gian nan và bế tắc nhất là việc xác minh của công an về từng trường hợp vẫn còn ở phía trước. Điển hình của những khó khăn ấy là việc xác minh để làm thủ tục nhập quốc tịch những đứa trẻ sinh ra ở ấp Hà Thanh, xã Hưng Hà (Tân Hưng) mà chúng tôi đã nêu ở kỳ trước. Lẽ ra đã có thể ghi quốc tịch cho các em theo điều 17 Luật quốc tịch Việt Nam. Nhưng ở Long An có tới 238 trẻ em như ở ấp Hà Thanh, có cha mẹ trở về từ Campuchia, được sinh ra tại Long An nhưng chưa thể có quốc tịch vì không biết cha mẹ các em có quốc tịch Campuchia hay chưa.

Ở xã Tuyên Bình (Vĩnh Hưng, Long An), ông Tô Văn Chảnh, chủ tịch UBND xã, cũng ngao ngán khi 24 hộ Việt kiều từ Campuchia trở về đều khai quê quán ở các tỉnh lân cận. Nhưng khi công an cho người đi xác minh tại các tỉnh thì chỉ xác minh được sáu gia đình. “Số còn lại chúng tôi tìm đủ cách mà không biết họ có nguồn gốc ở đâu nên đến sổ tạm trú cũng không thể cấp được. Chỉ biết giúp bà con bằng ít gạo, mắm, rồi “ngó lơ” cho họ cất chòi dọc mé kênh” - ông Chảnh cho biết.

Xác minh hộ tịch trong nước đã khó, sưu tra lại quá trình sinh sống ở Campuchia càng gian nan. Bởi việc xin được con dấu từ Campuchia là một quãng đường thăm thẳm mà đôi khi có tiền bà con Việt kiều cũng không làm được. Về những khó khăn này, ông Võ Minh Thành cho biết UBND tỉnh Long An sẽ làm việc với phía Campuchia để tạo điều kiện thuận lợi hơn. “Chi phí để kiểm tra và làm các thủ tục liên quan đến xác minh ước tính khoảng 300 triệu đồng, tỉnh Long An sẽ hỗ trợ bà con” - ông Thành gieo một tin vui trên con đường gian nan tìm quốc tịch của Việt kiều trở về từ Campuchia.

Chính sách về quốc tịch của Việt Nam tốt nhất trong khu vực

Sáng 9-7, 576 người tại TP.HCM đã nhận quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước, phần lớn là người từ Campuchia sang, trong đó có rất nhiều người gốc Việt, đã sống tại TP trên 20 năm. Tại Long An, Sở Tư pháp tỉnh cũng cho biết đã đề xuất lên Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch 144 Việt kiều từ Campuchia, không có quốc tịch và đã sinh sống trên 20 năm tại địa phương.

Theo ông Vũ Anh Sơn - trưởng phái đoàn Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn tại Việt Nam, Việt Nam là quốc gia làm tốt nhất vấn đề quốc tịch cho những người không quốc tịch so với khu vực. Việc cho phép nhập quốc tịch Việt Nam đối với những công dân không quốc tịch là một chính sách rất tiến bộ. “Từ việc sửa Luật quốc tịch đến hàng loạt chính sách đối với người không quốc tịch ở Việt Nam đã giúp hàng ngàn người trở thành công dân Việt Nam hợp pháp với đầy đủ quyền lợi và chính sách an sinh như bất kể công dân Việt Nam nào” - ông Sơn nói.

HOÀNG ĐIỆP

_____________________

Một kế hoạch riêng của Long An đang được xúc tiến, với mức hỗ trợ có thể còn hơn cả mơ ước của nhiều Việt kiều từ Campuchia trở về.

Kỳ cuối: “Hãy xem họ là công dân biên giới!”

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên