30/05/2013 02:40 GMT+7

Để xóa nghèo bền vững

HOÀNG TRÍ DŨNG thực hiện
HOÀNG TRÍ DŨNG thực hiện

TT - Tiếp theo loạt bài “Nghèo trên vựa lúa”, Tuổi Trẻ đã trao đổi với thạc sĩ Trần Hữu Hiệp, vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - cơ quan được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo, tham mưu đề xuất và kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Ông Hiệp nói:

Kỳ 1: Xoay xở mưu sinhKỳ 2: Người nghèo “khát” đấtKỳ 3: Tìm hướng thoát nghèo

aOhVwAML.jpgPhóng to
Nhiều đất nhưng gia đình ông Lê Văn Lô, 76 tuổi, ngụ ấp 3, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) không có được căn nhà đàng hoàng để ở - Ảnh: Thanh Tú

- Cần phải khẳng định là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đạt được những thành tựu ấn tượng về giảm nghèo. Trong 62 huyện nghèo của cả nước, toàn vùng không có địa phương nào. Tăng trưởng về kinh tế, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL và ổn định xã hội đã mang lại sự cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của số đông người dân. Số hộ nghèo trong vùng đã liên tục giảm, từ khoảng 50% (so với tiêu chí đối chiếu tương ứng) đầu thập kỷ 1990 xuống còn khoảng 10% hiện nay, thấp hơn Tây Bắc và Tây nguyên. Song, một nghịch lý là vẫn tồn tại sự nghèo khó ngay trên vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản và vùng sản xuất nông sản hàng hóa sôi động nhất của cả nước.

* Vậy ông nhìn nhận thế nào khi người dân ĐBSCL sống ngay trên vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất nước mà cuộc sống vẫn khốn khó?

- Có nhiều nguyên nhân nghèo khó: do người dân không có đất, thiếu đất sản xuất, người có đất nhưng thiếu vốn, thiếu kiến thức, không biết cách làm ăn, gặp rủi ro, thiếu phấn đấu vươn lên... Kể cả chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa hợp lý, cách làm cứng nhắc khiến nhiều hỗ trợ của Nhà nước chưa đến được người nghèo; thiếu lồng ghép các chính sách phát triển kinh tế với giải quyết vấn đề xã hội... Thực trạng đó đang đặt ra bài toán cần lời giải tổng thể từ cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội, các giải pháp, cách thức thực thi hiệu quả, thiết thực hơn.

HVSZ28g4.jpgPhóng to
Thạc sĩ Trần Hữu Hiệp - Ảnh: H.T.D.

* Có ý kiến cho rằng cái gốc để giải quyết vấn đề nghèo đói ở ĐBSCL là vấn đề văn hóa. Phải tập trung nâng cao dân trí, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm?

- Theo tôi là cả văn hóa lẫn kinh tế, thể chế chính sách và thực thi cần được quan tâm và giải quyết đồng bộ. Nhưng gốc rễ vẫn là vấn đề kinh tế. Trong đó, cần giải quyết các vấn đề xã hội trong kinh tế, nhất là phải quan tâm yếu tố đặc thù riêng của ĐBSCL. Ở vùng này, ít nhất là trong nhiều thập niên qua, không còn tình trạng nghèo đói mà chỉ có nghèo khó. Nghèo khó ở vựa lúa miền Tây khác nhiều nơi.

Vùng này không có huyện nghèo để được nhận hỗ trợ, đầu tư và nhiều chính sách an sinh xã hội khác theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo của cả nước. Không có ai đói nhưng nghèo đều, cận nghèo nhiều; là vùng trũng về giáo dục - đào tạo, chất lượng nhân lực... Cần có chính sách giảm nghèo phù hợp đặc thù nghèo của vùng này, không thể quá cứng nhắc với chuẩn, diện nghèo chung, đặc biệt là mở lối thoát nghèo, làm giàu từ phát triển kinh tế.

Tôi quan tâm đến một số bức xúc của vùng ĐBSCL và cần cơ chế đặc thù. Làm sao để hạt gạo không bị cắn chia làm tám phần, con cá tra, cây mía không bị chặt làm nhiều khúc, phần của người nông dân, người cận nghèo được nhận phải tương xứng với công sức họ bỏ ra.

Thu nhập của những người làm ra kỳ tích cho nền nông nghiệp VN vẫn đang bấp bênh theo giá cả thị trường. Một kết quả nghiên cứu về “Chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo” của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho thấy với bình quân đất sản xuất 0,4 ha/hộ, nông dân khó làm giàu. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ nên 30% lợi nhuận của nông dân (nếu có) chia cho số nhân khẩu trong hộ còn thấp hơn mức thu nhập 1 USD/người/ngày! Nghịch lý khi tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng chưa được giảm tương ứng với tỉ lệ tăng theo sản lượng lúa được cha mẹ chúng làm ra cũng như tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn là vấn nạn.

Yêu cầu nâng cao chất lượng - quản lý quy hoạch, thông tin dự báo thị trường, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị... để nâng cao thu nhập của người nông dân, yêu cầu “doanh nhân hóa nông dân”, làm ra chén cơm ngon thay cho chén cơm đầy... vẫn đang đặt ra nhiều thách thức hơn là chiếm vị trí số 1, số 2 thế giới về xuất khẩu gạo. Đó là vấn đề căn cơ, lâu dài để giảm nghèo, làm giàu ở miền Tây.

* Theo ông, chính sách về chuẩn hộ nghèo, tín dụng, đào tạo nghề nông thôn... của Nhà nước thời gian qua đã hợp lý chưa?

- Cần khẳng định những năm qua nhiều chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tín dụng chính sách, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề lao động nông thôn, hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất... đã được thực thi, mang lại hiệu quả. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách và thực thi trong công tác giảm nghèo, cần rà soát điều chỉnh như: đào tạo nghề nhưng chưa gắn được với tạo việc làm bền vững, có tình trạng học nghề cũng ngồi nhầm lớp.

Một số nơi việc thực thi chính sách rập khuôn, cứng nhắc, như việc áp chuẩn nghèo mà vụ việc một người dân ở Cà Mau phải tìm đến cái chết vì chính quyền địa phương máy móc trong bình xét hộ nghèo mới đây là một ví dụ điển hình. Vì vậy, cần nhận thức “chuẩn” và “diện” cũng chỉ là quy định có tính kỹ thuật, hoàn toàn có thể thay đổi. Khó có quy định nào phù hợp với tất cả các trường hợp. Bộ máy thực thi là con người, không phải là máy móc, đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu chung, nhưng phải đảm bảo được yêu cầu, cán bộ không thể “vô cảm” trước nghèo khó, túng quẫn thật sự của người dân cần được hỗ trợ.

Tiêu chí hộ nghèo không ổn

Hơn một năm sau khi đưa tin về những trường hợp được địa phương loại khỏi danh sách hộ nghèo (Tuổi Trẻ, ngày 17-1-2012), chúng tôi trở lại nhà anh Lê Văn Phúc, nằm lọt thỏm giữa vùng đất sình ấp Bình Đông A, xã Châu Bình, Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre).

Ông Lê Văn Ban (cha của anh Phúc) cũng ở trong ấp này nói sau khi báo đưa tin về việc Phúc thoát nghèo thì địa phương có tới thăm hỏi rồi thôi. Hiện anh Phúc vẫn kiếm sống bằng đủ thứ nghề: lột vỏ dừa, hái cacao, đào mương được khoảng 100.000 đồng/ngày. Vợ anh cũng phải đi làm bất cứ việc đồng áng nào người ta thuê. Căng sức và may mắn không đau ốm, vợ chồng anh kiếm được khoảng 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên những tháng không thu hoạch trái cây hay dừa bị “treo” thì may lắm cũng chỉ được vài trăm ngàn đồng/tháng. Quan sát căn nhà của vợ chồng anh Phúc một vòng, vẫn như năm trước, trống hoác từ trước ra sau.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, nguyên phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, là một trong số ít lãnh đạo đã đi hết 163 xã, phường của Tiền Giang khi còn đương chức. Bà cho rằng tiêu chí dựa vào thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/tháng trở xuống mới gọi là hộ nghèo, từ 401.000-500.000 đồng/tháng gọi là hộ cận nghèo thì chưa thỏa đáng. “Gần như các hộ cận nghèo đều thê thảm như hộ nghèo, nhưng quyền lợi thì chênh lệch lớn. Tiêu chí xét hộ cận nghèo lại do địa phương xét nên có không ít tiêu cực. Thực tế có nhiều trường hợp cán bộ xã, ấp đưa người thân vào danh sách hộ nghèo và bỏ những hộ nghèo thật ra” - bà Hồng Hà nói.

“Giá cả tăng trong thời gian qua nên tiêu chí hộ nghèo đã lạc hậu. Cần nâng chuẩn nghèo lên thêm vài trăm nghìn đồng nữa chứ như hiện nay thì những hộ không nằm trong diện nghèo cũng không sống nổi mà họ không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước” - bà Hà kiến nghị.

S.LÂM

HOÀNG TRÍ DŨNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên