26/04/2013 12:50 GMT+7

Bên trong Trại Davis - Kỳ 1: Đường đến Davis

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - “Đó là cuộc hành quân đặc biệt. Cuộc hành quân không phải để tiến vào vùng lửa đạn chiến đấu như bao cuộc hành quân khác mà chỉ có tay không đi vào giữa lòng đối phương”. 40 năm đã trôi qua kể từ khi rời khỏi trại Davis, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn nhớ mãi con đường vào Sài Gòn của mình.

MGDqeaYU.jpgPhóng to
Xe chở tướng Trần Văn Trà đi trên đường phố Sài Gòn năm 1973 - Ảnh: vnmilitaryhistory

Vượt rừng vào Davis

Vị tướng, trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN ở lâu nhất và cho đến ngày cuối cùng của trại Davis Hoàng Anh Tuấn nay tóc đã bạc trắng ở tuổi 88, nhưng vẫn nhớ tường tận từng chi tiết đường vào cuộc chiến đặc biệt của mình. Ông kể đầu tháng 2-1973, đang công tác ở Cục tham mưu Quân khu 5 thì Bộ tư lệnh quân khu thông báo Hiệp định Paris đã được ký kết, chuyển sang giai đoạn đấu tranh với hình thức mới. Ban đầu ông được cử đến đoàn đại biểu quân sự ở Pleiku, nhưng nằm chờ mãi ở căn cứ Trà My, Quảng Nam vẫn không thấy lệnh. Đến gần cuối tháng 3-1973, ông lại nhận chỉ thị nhanh chóng chuyển hướng sang đường dây 559, đi vào Lộc Ninh. Ông đi liên tục gần một tuần mới đến binh trạm 34, vui mừng gặp lại bạn chiến đấu từ thời kháng Pháp là đại tá Nguyễn Lang.

Từ đây tướng Hoàng Anh Tuấn chuyển hướng vào quốc lộ 13 trên đất Campuchia để đi tiếp. 3 giờ sáng một ngày, ông đặt chân đến trạm 559 đặt tại Stung Treng. Chưa kịp nghỉ ngơi, bảo vệ đã đưa ngay ông vào phòng khách để gặp cấp trên, vì đã có lệnh phải báo liền cho lãnh đạo bất cứ khi nào Hoàng Anh Tuấn đến. Gần như ngay sau đó, cả hai ông Sáu Dân, tức Võ Văn Kiệt, và Mười Khang, tức trung tướng Hoàng Văn Thái, vui vẻ vào phòng. Ông Mười Khang nói nhanh quân Mỹ sắp rút hết, ban liên hợp quân sự bốn bên cũng sắp hết hạn, trên chỉ đạo rút tướng Trần Văn Trà đang ở trại Davis về chỉ huy lại chiến trường, Hoàng Anh Tuấn vào thay. Thời gian rất gấp, cần đi suốt ngày đêm cho sớm...

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhận lệnh, lên đường ngay. Từ đây, ông được đi chuyến xe “ôm” đầu đời do Cục Hậu cần Miền sắp xếp. Ông cùng một cần vụ và quân y sĩ đi với tổ dẫn đường, bảo vệ trên sáu chiếc Honda. Tại đây, ông đành luyến tiếc gửi lại cây gậy chiến trường đã theo sát cuộc đời binh nghiệp của mình. Đến gần biên giới VN, một tổ Honda khác lại được thay. Xe băng rừng, vượt biên giới đến Lộc Ninh. Ông đến căn cứ Miền ở Tà Thiết thì gặp tham mưu phó Miền Lương Văn Nho và Chín Vinh là phó chính ủy Miền.

Nhiều năm đã trôi qua, tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn cười nhớ lại mình từ một tướng trận bạc màu bom đạn và bụi đường đã được anh em khẩn cấp “tút” lại thành một nhà ngoại giao. Cặp kính mát che con mắt bị thương, rồi quần áo, giày vớ, cặp táp, khăn mùi xoa, cái gì cũng phải chạy vạy vì cái có cái không, đồ cũ đồ mới. Không có quân phục vừa sẵn, Lương Văn Nho phải tặng luôn bạn hai bộ quân phục mới may của mình. Cũng may là nó chỉ phải sửa bóp lại một chút ở bụng cho vừa người. 9 giờ sáng 23-3-1973, ông lên trực thăng UH1 của quân đội Sài Gòn bay ra Lộc Ninh để đón về trại Davis. Cả đời trận mạc, tướng Hoàng Anh Tuấn chưa bao giờ nghĩ có ngày những kẻ hai bên chiến tuyến lại ngồi chung một chuyến bay. Đến Tân Sơn Nhất, cả rừng phóng viên lẫn mật vụ đã chờ sẵn ông - vị tướng trận độc nhãn đã lẫy lừng từ thời đánh Pháp.

Wme3rGnC.jpgPhóng to
Tướng Hoàng Anh Tuấn tiếp đại sứ Indonesia và đại sứ Ba Lan tại trại Davis - Ảnh: vnmilitaryhistory

Thoát hiểm

Đoàn VN Dân chủ Cộng hòa đến trại Davis: từ hội nghị Paris do đại tá Lưu Văn Lợi phụ trách, từ Hà Nội do thiếu tướng Lê Quang Hòa dẫn đầu.

Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN đến trại Davis: từ Paris do đại tá Đặng Văn Thu phụ trách, đến từ Hà Nội do đại tá Võ Đông Giang và trung tá Nguyễn Đôn Tự (sau là thiếu tướng) dẫn đầu, đoàn từ khu căn cứ ra do trung tướng Trần Văn Trà làm trưởng đoàn và về sau là thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn.

Vào trại Davis sớm từ ngày 1-2-1973, nhưng con đường đến Sài Gòn của trung tướng Trần Văn Trà cũng đầy trắc trở. Ông giờ không còn nữa nhưng sĩ quan trợ lý theo sát ông từ chiến khu ra là đại tá Nguyễn Bạch Vân vẫn không quên kỷ niệm đặc biệt này.

“Tướng Trà rất nhạy cảm chiến trận. Ông như có giác quan đặc biệt phán đoán được trước tình hình ...”- đại tá Vân kể ông đang làm nhiệm vụ nghiên cứu địch tình ở Bộ chỉ huy Miền thì được gọi sang làm trợ lý cho trung tướng Trà giai đoạn ở Davis vì biết tiếng Anh. Lẽ ra từ sân bay Thiện Ngôn, Tây Ninh đoàn đã đến Davis từ cuối tháng 1-1973 nhưng phải trễ lại một vài ngày vì tình huống mà chính tướng Trà đã dự đoán trước.

Điểm hẹn theo quy định để máy bay quân đội Sài Gòn đón đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN được chọn là Thiện Ngôn nằm bên quốc lộ 22, bắc Tây Ninh. Nhưng sáng hôm đó, thay vì là những chiếc trực thăng không vận thì lại bất ngờ xuất hiện các máy bay chiến đấu giội bom xuống Thiện Ngôn. Nhưng lúc đó ông cùng đoàn của mình không đến Thiện Ngôn như hẹn mà vẫn ém lại ở cánh rừng nằm giữa Lộc Ninh và Thiện Ngôn.

Hôm sau, đoàn đại biểu của tướng Trà bình thản chuyển đến Lộc Ninh để đợi máy bay Sài Gòn ra đón ở địa điểm mới. Một cuộc mittinh đông đảo được công khai tổ chức để tiễn đoàn. Khoảng 14 giờ chiều, các tốp trực thăng UH1 xuất hiện ở Lộc Ninh để đón đoàn.

Đại tá Vân cùng bác sĩ Liễn và cận vệ lên ngồi chung chuyến bay với tướng Trà. Người hai bên chiến tuyến ngồi chung một chuyến bay không ai nói với ai một lời nào. Tướng Trà và đại tá Vân chỉ lặng lẽ nhìn xuống mặt đất đỏ chi chít lỗ bom đạn như vết thương tứa máu. Hai tháng sau, con đường vị tướng này trở lại chiến trường cũng đầy thử thách. Phía Sài Gòn không muốn “hổ về rừng”.

_______________________

Kỳ tới: “Tổng hành dinh” bất khả xâm phạm

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên