29/04/2012 09:03 GMT+7

Những đoàn xe "quá cảnh"

LÊ ĐỨC DỤC - PHẠM XUÂN DŨNG
LÊ ĐỨC DỤC - PHẠM XUÂN DŨNG

TT - Niềm vui của ngày thống nhất năm 1975 chưa kịp trọn thì biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc “có vấn đề”, các tuyến đường bộ từ Việt Nam thông ra thế giới chỉ còn có các con đường nối từ miền Trung sang Lào bởi đường bộ qua Trung Quốc hay Campuchia đã bị khóa cửa.

Kỳ 1: Phòng tuyến “thắt lưng” của Đông Dương Kỳ 2: Đường 9 - dâu bể trăm năm

dkfMySjz.jpgPhóng to
Sông Mekong giáp biên giới Thái - Lào - nơi khởi phát cho cơn lốc hàng lậu trên tuyến đường 9 thập niên 1970-1980 - Ảnh: L.Đ.Dục

Miền Trung có nhiều tuyến đường nối thông sang Lào như đường 7 (Nghệ An), đường 8 (Hà Tĩnh), đường 12 (Quảng Bình), tuy nhiên vào thời điểm những năm cuối thập niên 1970 chỉ có tuyến đường 9 là con đường tốt nhất để sang nước bạn Lào, còn các tuyến quốc lộ 7, 8, 12 do quá xuống cấp nên không thể sử dụng vận chuyển hàng hóa. Đường 9 nghiễm nhiên gánh vác sứ mệnh là tuyến đường bộ duy nhất sử dụng để thông thương với quốc tế. Và trong bối cảnh chính trị lúc bấy giờ, đường 9 trở thành huyết mạch giúp nước bạn Lào vận chuyển hàng hóa từ bên ngoài vào nội địa. Những năm thập niên 1970-1980, đường 9 “khét tiếng” với những đoàn xe “quá cảnh”, câu chuyện của đường 9 những năm đó gắn liền với hai từ “hàng lậu”.

Con đường... hàng lậu

Ai đã chứng kiến giai đoạn những năm sau 1975, giờ nhớ lại thật khó hình dung vì sao mình có thể vượt qua được những năm tháng tận cùng khó khăn đó. Lúc ấy mỗi ký gạo, mỗi mét vải, mỗi lạng đường đều rất khó khăn để có với định mức tem phiếu. Và cũng lúc ấy, trên những chuyến xe Zil vận tải chạy từ cảng Đà Nẵng chở hàng viện trợ của các nước khối XHCN sang đến nước bạn Lào, khi chở hàng về (phần lớn là thạch cao) luôn có những thứ hàng của hiếm như bột ngọt, đường hóa học, thuốc lá Samit, 555, vải vóc, áo “mút”, quần bò Levi’s... cho đến tân dược, mỹ phẩm...

Những mặt hàng ấy ngay cả ở TP.HCM hay Hà Nội vào thời điểm sau ngày thống nhất vẫn là của hiếm, đơn giản bởi xuất phát của nó là từ Thái Lan. Những món hàng “tư bản” ấy từ biên giới Thái Lan, vượt sông Mekong vào đất Lào rồi từ đất Lào về Việt Nam theo những chuyến xe quá cảnh.

Để mang được những món hàng ấy về tới Việt Nam là điều không dễ. Không chỉ vì sự kiểm soát gắt gao ở cửa khẩu mà ngay cả trên tuyến đường chạy từ Savannakhet về theo quốc lộ 9, vẫn luôn xảy ra những trận đọ súng của những nhóm phỉ Vàng Pao. Trên cabin những chiếc xe Zil vận tải ngày đó luôn có một khẩu AK-47 được đặt chéo trước kính lái, vừa là vũ khí phòng thân, vừa là “thông điệp” ngầm báo với phỉ là... “xe này có súng”.

Sau này, khi qua Savannakhet gặp bà con Việt kiều ở đây, hỏi về những nguồn hàng từ Thái Lan đã thâm nhập như thế nào, hầu như ai cũng bảo: sông Mekong mênh mông làm sao kiểm soát hết? Và cũng tương tự như thế, khi hàng về tới biên giới Việt - Lào, với một chặng dài sông Sê Pôn làm biên giới tự nhiên giữa hai nước, hàng lậu được qua sông bằng những đội quân như “xuất quỷ nhập thần”. Hàng lậu những năm tháng ấy trên quốc lộ 9 thật sự như một cơn lũ cuốn theo hàng vạn phận người quay cuồng trong dòng xoáy.

aiPwVKeC.jpgPhóng to
Hàng lậu tuy không còn là “cơn lốc” nhưng vẫn không lúc nào dứt trên quốc lộ 9. Trong ảnh: Công an Quảng Trị bắt giữ Nguyễn Đình Hoành trong vụ án vận chuyển ma túy lên đến 180 bánh heroin và chín chiếc sừng tê giác vào tháng 6-2003 trên quốc lộ 9 - Ảnh: L.Đ.Dục

Từ “khổ tận” đến “cam lai”...

Nếu những tài xế của tuyến vận tải quá cảnh đánh những mẻ hàng lớn kiểu “cơ giới” thì dọc theo đường 9 ngày ấy cũng có hàng ngàn nông dân đã liều mạng đổi đời với những chuyến hàng lậu, gùi cõng đi hàng tuần liền vượt suối sâu rừng thẳm.

Làng tôi là một xóm nhỏ ven đường 9. Những nông dân tráng đinh khỏe mạnh trong xóm bỗng chốc bỏ hết ruộng đồng, biến mất mỗi đợt chừng nửa tháng hay vài tuần. Rồi sau mỗi đợt đi vắng như thế, có người lại mua về một hai con trâu bò làm “đầu cơ nghiệp”. Chú B., một người hàng xóm của tôi được tiếng là gùi khỏe nhất, có thể đi bộ hàng tuần liền trong rừng, để gùi được hàng về phải vượt qua tận những bản làng bên đất Lào, những chuyến đi gần như đánh đổi sinh mạng bởi không chỉ vì núi cao rừng thẳm mà còn có cả cướp và phỉ giữa đại ngàn. Chỉ cần lên tới bản Lào, lận lưng một số chỉ vàng làm bản vị thanh toán. Mỗi cân bột ngọt, mỗi mét vải, mỗi hộp tân dược... đều được quy ra vàng.

Đi gùi hàng lậu mất cả vài tuần lễ, chỉ cõng theo số gạo để ăn dọc đường đã là nặng, bởi thế nên không mấy ai gùi được nhiều. Đi cả chục ngày đường, hàng về tới nơi trót lọt, có thể một vốn mấy lời, nhưng gặp công an, thuế vụ coi như mất trắng, nếu gặp cướp giữa rừng có khi mất mạng. Đã có người bị chém trọng thương, tha được mạng sống về nhà đã là may mắn. Hình như nông dân trai tráng nhiều tỉnh miền Trung dạo đó rùng rùng kéo về ngược theo đường 9 để lao theo cơn sốt hàng lậu. Sau này, vì lý do nghề nghiệp, đi lang thang đây đó, gặp nhiều người ở tận Quảng Nam hay Quảng Bình khi biết quê tôi ở cạnh đường 9, hầu như ai cũng nhắc về cái thời đi gùi hàng lậu của cuối thập niên 1970-1980.

Đội quân buôn lậu ấy càng đông đảo hơn bởi những người dân vùng đồng bằng đi kinh tế mới lên vùng Lao Bảo sau ngày giải phóng. Buổi đầu rừng thiêng nước độc, ruộng nương chưa có, đồi núi hoang vu, nên đi gùi hàng lậu là phương cách sinh tồn khả dĩ nhất.

Ký ức của tôi sau hơn 30 năm vẫn khó mà quên về “đoàn quân buôn lậu nghèo khó” mà gọi theo tiếng lóng là dân “cua rạm” (rạm là từ địa phương chỉ loài cua đồng bé nhỏ - ám chỉ dân nghèo đi buôn). Một lần trên đường đi học, tôi thấy mấy anh công an và thuế vụ “tó” ngay một bác nông dân vừa khoác chiếc balô chui từ một cái khe cạn bên đường 9 lên mặt đường. Chiếc balô lính cũ kỹ bị cắt dây, những gói bột ngọt có in hình cái muỗng của Thái Lan được ném ra. Người nông dân ấy đã quỳ sụp xuống, nước mắt giàn giụa, vái lia lịa xin đừng thu hàng, dù biết điều đó gần như không thể.

Những gói bột ngọt ấy có thể là cả cơ nghiệp mà bác đã đi vay mượn, và nếu mất số hàng này có thể sẽ phải trốn nợ, bỏ xứ mà đi. Dường như van lạy không ăn thua, bác nông dân xòe hai bàn tay ra rồi vỗ bôm bốp vào nhau: “Các chú coi bàn tay tui đi, coi sần chai trên bàn tay tui thì biết, tui không đi buôn, chỉ vay người ta để liều đi kiếm chút lời về nuôi con”. Bàn tay đen đúa thô ráp ấy không hiểu sao hơn 30 năm rồi cứ thỉnh thoảng hiện về từ ký ức thơ dại của tôi. Ngày ấy, một chỉ vàng đổi một cân bột ngọt, 30 năm sau gói bột ngọt ấy nay chỉ ngang giá một tô phở! Vậy mà bao nhiêu phận người đã đắm chìm trong cơn lốc ngày ấy ở hai bên cánh gà đường 9.

___________

“Khổ tận cam lai”, dù vẫn chưa hết khó khăn, nhưng những gì đang diễn ra dọc theo quốc lộ số 9 này đang là một thông điệp của niềm hi vọng...

Kỳ tới: Vận hội mới với hành lang xuyên Á

LÊ ĐỨC DỤC - PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên