12/11/2011 09:00 GMT+7

Con đường trà Việt - Kỳ 2: Huyền thoại chè "shan tuyết"

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Đến với Suối Giàng, chắc chắn bạn sẽ được những người Mông kể cho nghe câu chuyện về đàn khỉ hái chè, rằng trước đây để khỏi leo lên cây chè hái, người dân nơi đây đã huấn luyện cho khỉ hái chè.

tBcZ1rxk.jpgPhóng to

Cây chè “tổ” cổ thụ ở Suối Giàng hiện nay- Ảnh: Việt Dũng

Kỳ 1: Nơi “thủy tổ” của chè rừng Việt

Những chồi chè trên chót vót cành cao, chênh vênh rìa núi mép vực đã được bầy khỉ hái và ném gọn gàng vào quẩy tấu (gùi), rồi dân cứ thế gùi về nhà sao chế. Câu chuyện ít nhiều mang màu sắc huyền thoại về đàn khỉ hái chè ấy nay không còn gặp, nhưng hình ảnh những gốc chè cổ thụ với thân nhánh vạm vỡ thì vẫn còn nhìn thấy.

Những cây chè qua hàng chục đời người...

Anh Giàng A Đằng đang sở hữu một vườn chè với những gốc chè cổ thụ trong khu vườn nằm ngay trên lối vào trụ sở UBND xã Suối Giàng. Gia đình anh cũng đang sở hữu một thương hiệu khá tiếng tăm của Suối Giàng là “Đằng Trà”. “Đằng Trà” cũng có nghĩa là trà của nhà ông Đằng, nhưng Trà cũng là tên người vợ của anh, tên “Chà” đọc chệch từ chữ “trà”. Khu vườn với sáu gốc chè “huyền thoại Suối Giàng” của anh Đằng nay được giao cho con gái và người con rể trông nom. Sừng sững trong sương giá, những gốc chè có tuổi gần 300 năm ấy vẫn cứ đâm chồi xanh mướt mát hết lứa này đến lứa khác. Bố của anh Giàng A Đằng là cụ Giàng A Lữ, năm nay 78 tuổi. Cụ Lữ cũng là người chủ tế trong buổi lễ cúng cây chè tổ vào mỗi dịp đầu năm sau Tết âm lịch. Cứ bình quân mỗi thế hệ là 20 năm, với tuổi đời hơn 300 năm, dễ thường những cây chè trong vườn anh Đằng đã đi qua hơn chục đời người và tiếp tục xanh cùng bao nhiêu đời cháu con trong tộc hệ.

Từ đời cụ kỵ xa xưa đến đời cụ Lữ, rồi đến anh Đằng, và nay là con và cháu của anh đã thấy những cây chè ấy mọc ngay bên hè nhà. Chỉ cần với tay qua ô cửa là có thể bứt được nắm chè thả vào nồi nước thơm ngan ngát mỗi bình minh trong căn nhà lợp bằng những mảnh gỗ pơ mu, bốn mùa mây phủ sương giăng. Từ trụ sở ủy ban xã, theo con đường bêtông đi một vòng quanh rừng chè, lúc chìm trong mù mây vây bọc dáng vẻ cổ thụ của thân chè, sự tinh khiết của núi rừng, hương thơm của hoa chè đang trổ ngan ngát, những đám mây luồn lách qua cung đường núi, lòng chợt thầm tiếc là Suối Giàng đã không trở thành một Sa Pa hay Tam Đảo, nhưng rồi chợt mừng là may mà Suối Giàng chưa bị cơn lốc du lịch kéo đến.

Nhưng không chỉ là những thân cây chè to, điều làm nên huyền thoại Suối Giàng chính là tên gọi “shan tuyết” riêng có. Shan, theo nhiều người chỉ là cách đọc của “Sơn” - tức là núi, nhưng chè shan tuyết không phải là chè trên núi tuyết. Thoạt đầu, nghe đến shan tuyết chúng tôi cũng ngỡ đấy là vùng chè trên những núi tuyết. Mà Việt Nam làm gì có núi tuyết? Hóa ra không phải thế. Những ngày theo dấu hành trình cây chè Việt ở vùng Tây Bắc, Việt Bắc, chúng tôi thật sự bất ngờ khi nhìn thấy những búp “tuyết trà” với một vẻ đẹp không thể hình dung nổi nếu không tận mắt nhìn thấy.

Bí mật của “tuyết” và chè “5 cực”

Chị Triệu Thị Oanh, chủ nhân của một cơ ngơi bán chè và đá cảnh lớn nhất Suối Giàng, đã mời chúng tôi ghé thăm và thưởng thức những ấm trà shan tuyết siêu hạng chỉ riêng nhà chị mới làm ra được. Và công lao sáng tạo chè “5 cực” chính là chồng chị, anh Lê Quang Tùng. Vốn từ một nhân viên bảo vệ của Nhà máy chè Vạn Hưng, nhưng tình yêu với hai đặc sản của Suối Giàng là chè và đá cảnh, sau mấy chục năm gắn bó nay anh Lê Quang Tùng xứng danh là một “đại gia” của Suối Giàng.

Đó là những búp chè thay vì nhặt ra “một tôm - hai lá” như bình thường, chị chỉ chọn lấy một tôm (búp non duy nhất trên chồi cây) mà cũng không phải là loại tôm bình thường, đó phải là những búp chè được ngậm sương, trên bề mặt búp phủ một lớp óng ánh bạc như tuyết. Gói chè chị mang ra là những búp khô có màu vàng kiêu sa được phủ một lớp bạc. Chỉ vào lớp bạc như nhũ trên tôm chè, chị Oanh giải thích: cái lớp nhũ bạc phủ trên tôm này mới đích thị là “tuyết chè”, chè ngon nhiều hay ít phụ thuộc vào lớp tuyết này. Để hái được chè với lớp tuyết đẹp như thế này cũng là một kỳ công, không phải cứ hái là được “tuyết chè”.

Thường cây chè vùng Suối Giàng mỗi năm thu hái được ba vụ. Vụ xuân vào tầm tháng 2-3 âm lịch, đây là vụ cho chè chất lượng tuyệt hảo nhất. Chịu đựng giá buốt suốt mùa đông núi cao, rồi ngậm từng hạt sương sớm lúc giao mùa, ủ từng khối mù mây mỗi sớm, cây chè shan tuyết Suối Giàng bừng thức khi mùa xuân tràn về. Những chồi non của chè lúc này hội tụ trong nó tất cả tinh túy của trời đất thiên nhiên, sương gió, mù mưa của miền rẻo cao, mùa xuân đẹp viên mãn trong lớp tuyết bạc lấp lánh dát trên mỗi lá chè, mỗi búp chè.

Từ nguồn nguyên liệu thượng hạng này, vợ chồng chị Oanh đã thêm một lần nữa biến nó thành “siêu hạng” để cho ra đời loại chè shan tuyết “5 cực”.

Gọi là “5 cực” bởi đó là loại chè “cực khổ”, để hái được là một kỳ công, do chỉ có thể hái nó được một vụ trong năm và mỗi vụ chỉ được hái trong vài ngày viên mãn nhất của mùa thu hoạch thay vì hái 3-4 vụ như các loại chè khác. Người hái phải thức dậy lúc tinh mơ, trước khi ánh nắng rọi lên lá kích thích quá trình quang hợp làm tăng vị chát, mất mùi hương, giảm chất lượng chè. Đó là loại chè “cực ngon” bởi được tuyển lựa cực kỳ kỹ lưỡng, chỉ chọn búp non duy nhất (gọi là một tôm), búp phải mẩy, căng, đậm tuyết, và gọi là “cực sạch” bởi trên độ cao gần 1.400m, chè shan tuyết Suối Giàng không hề biết đến thế nào là thuốc trừ sâu hay phân hóa học. Vẻ đẹp lão trượng dạn dày sương gió của cây chè núi cao dị ứng với tất cả những can thiệp của con người, chỉ có đất trời sương giá “miền thượng giới” nuôi búp chè bừng thức.

Chưa hết, chè còn được gọi là cực đẹp chính là hệ quả của một quá trình từ thu hái, chọn lựa, sao chế, bởi để chế biến ra, vợ chồng chị Oanh có riêng một công thức sao chế loại chè này từ thứ than củi bằng gỗ sến. Chỉ với loại than này nhiệt lượng cung cấp cho quá trình sao chế đạt tới độ cần thiết để chè dậy hương. Nhìn búp chè dày tuyết được ủ gọn trong túi bóng được xử lý chân không đã mê chứ chưa nói đến chuyện pha uống. Và chính vì cực khổ, cực ngon, cực sạch, cực đẹp nên giá nó là cực đắt. Giá hiện nay của một cân chè “5 cực” bán ngay tại nhà chị Oanh là 2 triệu đồng. Mà cũng không phải khi nào cũng có để bán. Chị Oanh hài hước “Người ta gọi chè này là chè “5 cực” nhưng cũng có thể gọi nó là chè... “2 không”, vì người mua thường không được uống, và người uống lại thường không phải mất tiền mua (!)”.

______________

Nếu chè cổ thụ Suối Giàng là tặng vật của dãy Hoàng Liên Sơn thì những vùng chè cổ ở Hà Giang gắn liền với dãy Tây Côn Lĩnh vòi vọi miền cực Bắc. Chè cổ thụ Suối Giàng mang màu sắc của miền thượng giới thì chè cổ thụ Hà Giang có dáng dấp can trường của những hiệp khách biên ải...

Kỳ tới: Nghĩ về một “thánh địa” trà Việt

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên