11/11/2011 06:18 GMT+7

Con đường trà Việt - Kỳ 1: Nơi "thủy tổ" của chè rừng Việt

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Từ những gốc chè cổ thụ ở miền quê Yên Bái cho tới những đồng chè bát ngát của trung du Thái Nguyên, hay tận miền cao nguyên Bảo Lộc của phương Nam... Người Việt đã hình thành một “văn hóa trà” mang đậm tính đặc trưng trong suốt hành trình khai phá, trưởng thành và phát triển.

3pj8VXnD.jpgPhóng to
Để hái chè cổ thụ, những người phụ nữ này phải trèo lên cây - Ảnh: Ngọc Quang

Dù đã từng nhìn thấy những cây chè (trà, theo cách gọi trong Nam) ấy trên ảnh, trong phim, nhưng khi tới xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, Yên Bái) áp tay lên lớp địa y phủ mốc thếch trên thân cây chè cổ thụ gân guốc chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ. Xưa nay nói đến cây chè, ai cũng hình dung những đồi chè lúp xúp trên những bình nguyên, không thể tin có những cây chè cao hàng chục mét và thân rộng cả vòng tay ôm như thế này..

Báu vật ở “miền trời”...

Sổng A Nủ, chủ tịch xã Suối Giàng, cẩn thận tráng ấm, cho vào một vốc chè móc câu anh ánh bạc và nói với chúng tôi: “Muốn viết về chè Suối Giàng thì phải uống chè Suối Giàng đã mới có cảm xúc mà viết!”.

Chiết chè ra chiếc chén nhỏ trên khay, màu nước óng vàng và hương thơm dậy theo chén chè bốc khói, dù là người không sành về chè nhưng quả thật, đến với Suối Giàng - “đệ nhất kỳ quan trà Việt” - vẫn thấy trong mình lâng lâng khinh khoái như một đệ tử của trà đạo. Chủ tịch xã Sổng A Nủ nheo mắt cười cười: “Nhìn rồi, ngửi rồi, giờ nếm thử đi...”. Nhấp ngụm trà sóng sánh, một cảm giác tê đắng, chan chát đầu lưỡi vừa lan ra đã biến thành vị ngọt rất hậu. Nhưng câu chuyện về hương và vị của chè Suối Giàng chúng tôi sẽ nói thêm ở phần sau.

Giờ thì chúng tôi đang đi trong miên man bạt ngàn của rừng chè cổ thụ. Đang là tháng mười miền Tây Bắc, mây trắng vẫn giăng giăng qua những đồi chè. Từ độ cao trung bình 1.371m của Suối Giàng nhìn xuống thung lũng Nghĩa Lộ - Văn Chấn kéo dài hàng chục cây số đang ửng vàng sắc lúa, rồi nhìn lên đỉnh Chông Páo Mùa chìm trong mây, càng thấm thía cái tên Suối Giàng - miền thượng giới, bởi trong tiếng Mông, Giàng chính là Trời. Và những cây chè cổ thụ này chính là báu vật của miền trời ban tặng riêng cho Suối Giàng

Những cây chè ở “miền trời” cứ mê hoặc dẫn dụ chúng tôi đi, từ bản Giàng A đến Giàng B qua Pang Cáng, đến Tập Lăng. Hơn 8 vạn cây chè cổ tập trung thành một quần thể rộng lớn chưa từng có ở bất cứ đâu. Nếu nói về những cây chè có thân to, chúng tôi đã gặp ở Sín Chải, Lao Chải, Cao Bồ... (thuộc huyện Vị Xuyên, Hà Giang) nhưng tập trung quần tụ sum vầy làm nên một miền chè cổ thụ kỳ thú như thế này có lẽ Suối Giàng là nơi duy nhất.

Đưa chúng tôi ra hội trường ủy ban xã, treo trang trọng phía góc phải của hội trường là tấm hình một cây chè “thủy tổ” với thân chè to bằng hai vòng tay ôm. Và hai người ôm cây chè trong tấm hình lịch sử này là Phó thủ tướng Phạm Hùng và Bộ trưởng Bộ Nội thương Nguyễn Thanh Bình chụp vào ngày 9-9-1962.

Trong tấm hình đen trắng được chụp từ nửa thế kỷ trước là hình ảnh một “lão trà” đại cổ thụ cao hơn 10m và tầm phủ tán rộng hàng chục mét vuông. Khi chúng tôi đề nghị được đến thăm cây chè trong ảnh, anh Sổng A Nủ nói rằng cây chè đó đã chết vì bị mối đục thân từ mấy năm trước và chủ nhân cây chè đã bổ nó ra làm củi! Cây chè trong tấm hình đã bị đốn thì giờ đây người Suối Giàng vẫn có một cây chè khác để tôn làm cây chè tổ, hằng năm có lễ cúng nghiêm cẩn với thần chè, như người miền xuôi cúng thần lúa vậy!

Từ cây chè tổ đến... thủy tổ cây chè

Dẫn đường cho chúng tôi vào thăm cây chè tổ của Suối Giàng là anh Giàng A Tủa. Phăm phăm len lỏi qua những thân chè phủ đầy địa y rêu mốc, chúng tôi dừng lại trước một cây chè với thân được hợp thành từ ba gốc, tán cây vươn dài ra hai phía, những cành chè mang dáng dấp của một bonsai khổng lồ, đẹp mê hoặc. Đây chưa phải là cây chè to nhất, bởi cây chè cổ to nhất, từng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm và chụp ảnh chung với cán bộ và người dân trong xã nằm ở bản Pang Cáng, sau đó cũng bị chết vì mối đục (và cây chè tổ này cũng đang bị mối đục!).

Chính rừng chè shan tuyết cổ thụ này đã mê hoặc một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu chè của thế giới, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), ông M.K Djemukhatze từ những năm 1960. Hình ảnh rừng chè cổ thụ mênh mông độc nhất vô nhị trên thế giới đã khiến ông dành nhiều tâm sức với cây chè Suối Giàng để cho ra đời một chuyên khảo công phu về chè Việt sau cả chục năm trời đi đi về về với Suối Giàng.

Trong sổ lưu niệm ở xã Suối Giàng còn ghi lại cảm tưởng của Djemukhatze về cây chè và vị chè kỳ diệu ở đây: “Tôi đã đi qua 120 nước có cây chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là nơi phát tích của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới”.

Không dừng lại ở những cảm xúc nồng nhiệt ban đầu dành cho cây chè Suối Giàng, bằng những thực nghiệm khoa học, dựa trên “thuyết tiến hóa” của nhà bác học Darwin, Djemukhatze đã có các kết quả thực nghiệm về sự hình thành và tích lũy catechin (tinh chất chè xanh) trong cây chè hoang dã ở Suối Giàng, đối chiếu với các vùng chè khác trên thế giới để cho ra một kết quả bất ngờ và đầy thuyết phục.

Sơ đồ tiến hóa hóa sinh của cây chè thế giới được M.K. Djemukhatze đưa ra là: Camelia Thea wetnamica (chè VN)- Thea fuinamica (chè Vân Nam lá to)- Thea sinensis (chè Trung Quốc lá nhỏ)- Thea assamica (chè Assam Ấn Độ). Với chiết xuất catechin từ các mẫu chè cổ của VN (mà cụ thể là ở Suối Giàng) viện sĩ Djemukhatze đã đề xuất tên khoa học mới cho cây chè là Thea wetnamica (chè gốc VN) thay cho tên khoa học Thea sinensis (chè gốc Trung Hoa).

Công trình khoa học về cây chè Việt của viện sĩ M.K. Djemukhatze đã được Nhà xuất bản khoa học Matxcơva đưa in vào năm 1976 dưới tên gọi “Cây chè ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” và đã được dịch ra tiếng Việt. Dĩ nhiên khẳng định được gốc tích VN là “khởi thủy” của cây chè thế giới sẽ chỉ thuần là một giá trị tinh thần, nếu cây chè Việt hôm nay không tạo ra thương hiệu lớn để thu hút hàng trăm triệu người dùng trà trên thế giới.

Ngay tại Suối Giàng, thương hiệu chè Suối Giàng dù đã có một khởi đầu tốt đẹp, được cộng hưởng bởi nhiều giá trị độc đáo riêng có, tuy nhiên đến nay nó vẫn chưa là một thương hiệu mạnh. Thậm chí tiệm trà nào ở Yên Bái cũng trưng biển “chè Suối Giàng”, trong khi số lượng chè của Suối Giàng chỉ có thể sản xuất chừng 100 tấn chè khô. Dù sao thì cũng phải ghi nhận người Suối Giàng vẫn đang có những nỗ lực thầm lặng để gìn giữ hương vị chè “báu vật của trời” này.

------------------------------------------------

Trên hành trình từ Hoàng Liên Sơn đến Tây Côn Lĩnh, chúng tôi ngỡ ngàng về huyền thoại của loại chè shan tuyết riêng có nơi miền Tây Bắc.

Kỳ tới:Huyền thoại chè “shan tuyết”

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên