09/12/2004 00:52 GMT+7

Gặp một tỉ phú... nuôi heo!

LÊ ĐỨC DỤC - VIỆT HÙNG
LÊ ĐỨC DỤC - VIỆT HÙNG

TT - Trên đường từ Sakon Nakhon về Nakhon Phanom, bên phải đường, phía ngoại ô Nakhon có một tòa biệt thự to đẹp nằm trên khoảng đất rộng lớn chừng vài hecta, rất ấn tượng.

PF81HXfQ.jpgPhóng to
Ngôi biệt thự của gia đình anh Xốm được xây từ thu nhập nuôi heo!

Anh Hải, người đưa chúng tôi đi trong những ngày ở Thái Lan, bảo: “Biệt thự này của một Việt kiều làm nghề nuôi heo đấy!”. Chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên.

Hôm sau, anh Hanh - một học viên của lớp sinh viên đi học tiếng Thái ở Nakhon, đồng thời cũng là đại diện của Công ty Du lịch Quảng Trị tại vùng đông bắc Thái - dẫn chúng tôi vào thăm cơ ngơi của ông chủ trang trại chăn nuôi heo. Anh tên là Xốm, Phan Văn Xốm. Giới kinh doanh trong nghề chăn nuôi ở Thái hầu như đều biết đến anh.

Lập nghiệp trên đất hoang...

Tôi thắc mắc: “Sao tên tiếng Việt của anh nghe như tên... Thái?”. Anh Xốm cười: “Bố tôi ngày xưa đặt tên cho con để gọi tiếng Thái cũng dễ mà đọc tiếng Việt cũng được. Tôi họ Phan, nhưng họ để nhập tịch Thái là Buntaphan - nghĩa là phúc đức của họ Phan!... Phan Văn Xốm hay Buntaphan Xômthat cũng là thế...”.

Giọng nói anh còn nặng âm sắc vùng Ba Đồn, Quảng Trạch (Quảng Bình) dù gia đình anh sang đây từ những năm 1930. Trước khi đưa chúng tôi đi thăm hệ thống chuồng trại tọa lạc trên khu đất rộng 60 ha, anh Xốm bảo: “Tôi cũng không ngờ cái vùng đất đông bắc này lại trở thành nơi mình gầy dựng cơ nghiệp được như thế này”.

Năm 19 tuổi gia đình cho đi học sửa chữa điện tử ở Bangkok, ra làm nghề sửa tivi đen trắng và các loại máy móc. Năm 1977 anh lấy vợ, vợ anh người gốc Hà Tĩnh, gia đình qua đây cũng đã lâu, tên chị là Nguyễn Thị Tình, một phụ nữ trẻ đẹp. Rồi năm 1978, hai vợ chồng từ Bangkok về thăm người bà con bên vợ ở vùng Nakhon này, nhìn đàn gà con ở nhà người chú vợ , anh... mê mẩn và bàn với vợ hay về đây nuôi gà!

Chị Tình kể lại khi nghe chồng nói vậy chị ngạc nhiên vô cùng. Đang yên ấm ở Bangkok, cửa tiệm đàng hoàng, nay lại về chốn xa xôi hẻo lánh thế này nuôi gà (!)... Nhưng rồi chị cũng đồng ý vì thấy chồng quá mê chăn nuôi.

Khởi nghiệp của vợ chồng anh là một chuồng gà công nghiệp qui mô 300 con, rồi tăng dần lên 6.000 con. Được năm năm như thế, anh Xốm thấy nuôi gà cũng không bằng nuôi heo, vậy là chuyển sang nuôi heo nái. Bây giờ đi giữa một hệ thống chuồng trại trên diện tích 60 ha được thiết kế hiện đại và đẹp như... công viên, không ai ngờ 20 năm qua anh Xốm đã trải những truân chuyên như thế nào để trụ lại được đến giờ.

“Năm 1983 tôi bắt đầu chuyển sang nuôi heo với khởi nghiệp 12 heo nái bình thường và một heo đực - anh Xốm kể lại - đến năm 1988 nâng lên thành 200 heo nái trong một trại khoảng 8 ha. Rồi cứ thế vừa làm ăn vừa tích lũy cơ sở vật chất, trang trại cũ quá chật chội thì tôi tiến ra ngoại ô xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi theo công nghệ hiện đại nhất”.

Số lượng heo nái của trang trại anh đã đạt 4.000 con. Cầm cuốn tạp chí tiếng Anh Feed & Live Stock số tháng 8, 9-2004 đặt trên bàn, anh Xốm chỉ vào bài viết về Công ty Đồng Hiệp (ở TP.HCM) bảo:

“Bài báo nói công ty này đang phấn đấu để heo cai sữa lúc 28 ngày đạt hơn 7kg, còn công ty chúng tôi đã cai sữa cho heo khi ba tuần tuổi (21 ngày) nhưng trọng lượng heo con đạt 7,68kg/con. Số heo con sau khi cai sữa được chuyển giao cho các hộ dân nhận hợp đồng nuôi gia công tại gia đình.

Công ty có 40 hộ dân nuôi vệ tinh với mỗi hộ khoảng 700 con. Lượng heo thịt này tôi xuất mỗi đợt hơn 20.000 con, khoảng ba tháng rưỡi thì xuất chuồng (đạt trọng lượng trên 100kg/con)”.

Hiện mỗi ngày Công ty Buntaphan xuất bán hơn 200 heo thịt (hơn 20 tấn). Công ty cung cấp heo giống, thức ăn, qui trình nuôi, thú y... và chỉ trả công nuôi cho họ. Để có nguồn giống tốt, đích thân anh sang tận Đan Mạch, Ireland... mua heo giống với giá 5.000 - 6.000 USD/con. Mỗi đợt mua 20-30 con, có hồ sơ từng con hẳn hoi.

Bây giờ nếu tính theo cách của những nhà đầu tư chăn nuôi, mỗi heo nái phải đầu tư 50.000 baht thì riêng đầu tư cho đàn heo và trang trại này đã 20 triệu baht (gần 80 tỉ VND).

Có được thành công ấy, anh Xốm nói là nhờ ở Thái Lan nhà nước giúp đỡ rất nhiều cho ngành nông nghiệp, từ thuế, giá đất đai đến chuyển giao công nghệ. Chẳng hạn như công nghệ nuôi heo của công ty được sự giúp đỡ rất nhiều từ phía nhà nước nên giá rất rẻ.

Chỉ muốn khẳng định mình là người Việt...

vSj3QgrX.jpgPhóng to
Anh Phan Văn Xốm và trang trại chăn nuôi của mình - Ảnh: L.Đ.Dục
Hôm chúng tôi đến, gặp đoàn công nhân bên Hà Tĩnh đang sang tiếp thu công nghệ chăn nuôi từ trang trại của anh Xốm. Hiện nay Hà Tĩnh cũng đang xây dựng mô hình chăn nuôi như thế này và đề nghị anh Xốm chuyển giao công nghệ cho bà con quê... vợ!

Lái xe đưa chúng tôi đi một vòng tham quan trang trại, 16 dãy chuồng có cả hệ thống điều hòa nhiệt độ, theo dõi độ ẩm, hệ thống vận hành thức ăn tự động cho đến máy phát điện chạy bằng khí biogas (gas được sản xuất từ nguồn phân heo của trang trại) đảm bảo vệ sinh môi trường, tất cả đều liên hoàn và khép kín.

Vây quanh trang trại là những thảm cỏ xanh ngút, bao bọc ngoài là một vành đai với hơn 8 ha trồng bưởi mà theo anh Xốm đây là giống bưởi đặc biệt của Thái, tuyệt ngon và năng suất rất cao. Vui chuyện anh Xốm bảo:

“Cách đây tám năm tôi đã trải qua những ngày kinh hoàng. Hai năm 1996-1997, công cuộc kinh doanh rơi vào điểm tối đen nhất, không thấy tương lai. Hồi đó mỗi tháng công ty lỗ khoảng 40.000 USD. Phải vay nợ ngân hàng lẫn người thân tổng cộng khoảng 35 triệu baht để cầm cự trang trại của mình trước sự sụt giá ghê gớm của heo.

Khi đó tìm đến cái chết thật là dễ dàng, không đáng sợ nữa, nhưng tôi không chịu được cảm giác sống nhục nhã, thất bại. Mình là dân Việt, tay trắng gầy dựng lên như thế này, không thể thất bại, cái niềm tự hào dân tộc cứ như một thứ “doping” tiếp sinh lực cho tôi vượt qua từng ngày. Nhiều ngày có khi tính chuyện cùng quẫn, nhưng rồi gượng dậy mà tin rằng mình phải vượt qua.

Trong tôi vẫn le lói niềm tin rằng nếu gắng gượng cầm cự đến tháng tư (tháng diễn ra lễ hội té nước) năm sau, giá sẽ tăng lên trở lại bởi thời điểm hội hè, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng cao”.

Tin thế nhưng anh vẫn tính đến khả năng xấu nhất, giá thịt heo không lên sẽ bán hết tài sản trả nợ, còn thừa khoảng 7 triệu baht, hai vợ chồng sẽ dắt díu về Vinh (Nghệ An) kinh doanh, dù sao vợ chồng anh cũng có một số bạn bè, người quen ở đó. Anh Xốm cười: “Tôi an ủi vợ, ở Vinh những năm đó mà còn 7 triệu baht thì mình là người giàu có rồi”.

Tháng 4-1997, khủng hoảng tài chính, kinh tế Thái bị ảnh hưởng nặng nề nhưng ngành nông nghiệp lại không ảnh hưởng, giá thịt heo nhích lên dần và cao giá nhất so với thời điểm trước đó. Anh Xốm trả món nợ 35 triệu baht chỉ trong một năm và làm tiếp căn nhà 1,3 triệu USD. Năm ngoái, thời điểm bị cúm gà, người dân chuyển sang ăn thịt heo, bình quân mỗi tháng công ty lãi hơn 150.000 USD.

Đưa chúng tôi đi thăm ngôi biệt thự, anh bảo: “Năm trước thấy mình sắp vỡ nợ, năm sau tự nhiên trả xong nợ rồi xây ngôi nhà “hơi bị to”, nhiều người nghi tôi buôn... ma túy! Và tôi được chính quyền sở tại mời tham gia hội đồng an ninh của tỉnh Nakhon Phanom này. Hôm xong nhà, anh em trong hội đồng có tổ chức một cuộc họp tại đây, dân trong vùng thấy tự nhiên nhiều xe an ninh Thái đậu trong khu nhà tôi ai cũng nghĩ là cảnh sát đến bắt... ”. Kể đến đây anh Xốm cười sảng khoái.

Nhiều người Việt xa xứ vẫn nhắc đến những người đồng hương của mình thành đạt trong các lĩnh vực nơi đất khách quê người như một niềm tự hào rất riêng. Và sự thành đạt ấy không chỉ riêng mình ai hưởng. Sự nhiệt tình của anh Xốm để chuyển giao công nghệ chăn nuôi hiện đại cho Hà Tĩnh là một minh chứng cụ thể. Hơn thế, tôi còn được biết anh vẫn lặng lẽ góp phần phụng dưỡng nhiều bà mẹ ở VN, nhưng điều ấy anh không bao giờ nói...

--------------

* Kỳ cuối: Quốc tịch và giấc mơ cố hương...

----------------

Tin, bài liên quan:

* Kỳ 3: Trăm năm giữ một nếp nhà...* Kỳ 2: Ngôi nhà Bác Hồ ở bản Nachock* Kỳ 1: Tổ quốc phía mặt trời

LÊ ĐỨC DỤC - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên