02/09/2004 20:37 GMT+7

Đội quân từ lòng đất

ĐẶNG ĐẠI
ĐẶNG ĐẠI

TT - Đánh bao nhiêu trận, những người du kích năm xưa giờ này không nhớ hết. “Bom đạn Mỹ xối xuống Củ Chi và đế giày giặc giày xéo mỗi ngày, đánh trận nhiều hơn ăn cơm thì nhớ trận này trận nọ làm gì!”, ông Chín Ảnh nói.

yFyY8VE5.jpgPhóng to
Đào địa đạo
TT - Đánh bao nhiêu trận, những người du kích năm xưa giờ này không nhớ hết. “Bom đạn Mỹ xối xuống Củ Chi và đế giày giặc giày xéo mỗi ngày, đánh trận nhiều hơn ăn cơm thì nhớ trận này trận nọ làm gì!”, ông Chín Ảnh nói.

Nhưng những chiến tích anh hùng thì vẫn còn nguyên đó. Lần tìm trong ký ức của những anh hùng du kích thầm lặng còn sống hôm nay, chúng ta trở về với những trang sử oai hùng.

Súng… ống nước, lôcôt… tầm vông!

Từ năm 1961-1965, cuộc chiến tranh du kích của nhân dân Củ Chi phát triển mạnh gây cho địch những tổn thất nặng, góp phần làm thất bại cuộc “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Giai đoạn này, toàn bộ hệ thống địa đạo ở các xã phía bắc Củ Chi đã hoàn thành mạng “xương sống” và nối thông với nhau.

Những năm 1961-1962, vũ khí của du kích lúc này vẫn chủ yếu là mã tấu, tầm vông, lựu đạn Pháp… Ông Nguyễn Văn Tập, một du kích từ thời chống Pháp, cha đẻ của du kích Chín Ảnh, trở thành người rèn dao, mã tấu nổi tiếng cho du kích quân. Về sau ông chiêu tập được thêm nhiều anh em, mở quân binh xưởng ngay giữa lòng địa đạo.

Ông Út Kang nhớ lại súng hồi đó rất hiếm. “Ngon” lắm là được cấp súng tự tạo. Nòng súng bằng sắt ống nước hoặc tuýp xe đạp, bắn vài viên là cong hoặc toác nòng, vì thế phải bắn thật gần, chính xác. Với cây súng không có tên trong từ điển vũ khí thế giới này, du kích Phạm Văn Chệ lần đầu tiên bắn chết một tên địch tại ấp Bàu Tròn ở khoảng cách… 3m khiến quân ta nức lòng, còn bọn Mỹ-ngụy thêm kinh hồn bạt vía.

Vì súng… ống nước phải bắn tầm gần nên ngay giữa lòng địa đạo, du kích phải bố trí tạo những ổ châu mai nhô lên khỏi mặt đất, ngụy trang là ụ đất, ổ gò mối hoặc hốc cây… Không có ximăng và các vật liệu khác, ổ châu mai được thiết kế là một hầm âm dưới đất, hình chóp nón, vật liệu chính là thân tầm vông dày nhiều lớp được trét dày bởi đất trộn rơm.

Ông Út Kang cười ha hả: “Bà con mình đi làm vườn làm đồng qua lại mỗi ngày mà còn không phát hiện được, huống hồ thằng địch lúc dớn da dớn dác…”. Xung quanh ổ chiến đấu được bố trí dày đặc các kiểu hầm chông, hố chông. Nhiều loại chông sắt bằng ngón tay được chặt ngạnh trê như lưỡi câu, khi giặc đạp phải thì chỉ còn nước bê nguyên bàn chông về Sài Gòn giải phẫu. Nhưng đó là những thằng giặc may mắn.

Gặp các loại chông hầm dày đặc lao tầm vông là coi như bị xăm nhừ; chông treo như quả cầu gai sắt thì bị băm toác đầu hoặc nát ngực; chông bàn, chông thọt… thì có nước cưa chân… Thường dưới mỗi hầm chông đều có chiến hào hoặc địa đạo liên thông để khi địch dính đòn thì du kích nhanh tay thu chiến lợi phẩm.

Ông Chín Ảnh nhớ lại lần đầu tiên “chơi” với lính Mỹ. Đó là khoảng cuối năm 1963. Lúc này ông chiến đấu ở ấp Bàu Cạp, chung ấp với anh hùng du kích Phạm Văn Cội. Tờ mờ sáng, địch đổ quân trên toàn tuyến. Một mũi bộ binh Mỹ có trên 10 xe tăng yểm hộ từ Bến Cát (Bình Dương) vượt sông Sài Gòn đánh thẳng vào Bàu Cạp.

Tổ chiến đấu của Phạm Văn Cội không nao núng, vừa lẩn giặc vừa tìm thế đánh trả. Với những quả lựu đạn tự tạo, tổ của Phạm Văn Cội đã đánh bứt xích một chiếc xe tăng khiến địch bối rối làm mồi cho các tay bắn tỉa xuất quỉ nhập thần. Du kích rút êm xuống lòng đất. Địch bỏ lại một xe tăng. Đây là trận đầu tiên đi vào lịch sử khi quân dân Củ Chi buộc xe tăng địch bỏ xác tại chiến trường bằng… lựu đạn.

Bẻ gãy hai chiến dịch “Cái bẫy” và “Bóc vỏ trái đất”

efr3rxpD.jpgPhóng to
Nữ du kích Củ Chi
Toàn bộ lực lượng du kích Củ Chi những năm 1966-1969 gần như phải ở dưới địa đạo nhiều hơn trên mặt đất. Mùa khô còn dễ chịu. Mùa mưa bùn nước lầy lội, lắm khi rắn rết cũng chen ở với người. Muỗi mòng thì nhiều vô kể. Sốt rét, bệnh tật cũng tràn về…

Đầu năm 1966, Mỹ đưa sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” thiện chiến và nổi tiếng tàn bạo đến lập căn cứ Đồng Dù, sát nách hệ thống địa đạo Bến Đình và phối hợp với đồn bót xung quanh, đặc biệt là huyện lỵ Củ Chi, tạo thế bao vây khống chế toàn bộ căn cứ.

Cũng thời điểm này, chúng tung sư đoàn 1 bộ binh “Anh Cả Đỏ” thực hiện cuộc hành quân mang tên Crimp (cái bẫy), càn quét đánh phá ác liệt với mục tiêu hủy diệt toàn bộ lực lượng Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn (địa đạo Bến Dược) và Huyện ủy Củ Chi (địa đạo Bến Đình).

Rạng sáng 8-1-1966, đất trời Củ Chi rung chuyển bởi cuộc đổ bộ của 12.000 bộ binh Mỹ phối hợp không quân, xe tăng, pháo binh ồ ạt tấn công. Quân du kích vừa đánh vừa lui trước thế tấn công biển người của địch. Cả vùng rộng lớn bắc Củ Chi thành một chiến trường khổng lồ.

Ở từng ngóc ngách địa đạo, dưới mỗi gốc cây, ụ đất, bìa rừng, bất cứ chỗ nào cũng là một ổ đề kháng. Lối đánh thoắt ẩn thoắt hiện xuất quỉ nhập thần bắt đầu từ lòng đất được nhân rộng ra trên toàn chiến trường khiến quân Mỹ hoang mang tột độ. Chúng dùng bom rải thảm nhưng hệ thống địa đạo như sợi tơ trong lòng đất, không tài nào biết đâu mà đánh phá.

Núng thế, chúng bèn dùng máy bơm nước vào lòng địa đạo với niềm hoan hỉ là du kích quân sẽ… chết ngạt! Chúng không hề biết rằng một số cửa ngõ của địa đạo được thông ra lòng sông Sài Gòn. Vậy là nước lại về với sông. “Anh em tụi tui được Mỹ nó tắm cho, sướng quá !”, ông Út, ông Tư, ông Chín nhe hàm răng rơi rụng cười ló lợi!

Tổn thất nặng nề, sau 11 ngày giơ lưng cho quân du kích nện, ngày 19-1 địch quyết định dừng chiến dịch Cái bẫy. Toàn bộ chiến dịch, quân địch chỉ phá hủy được 70m địa đạo trong khi có 1.600 tên bỏ mạng và thương vong, 77 xe tăng và thiết giáp bị phá hủy, 84 máy bay bị bắn rơi. Cái bẫy “sập lại” và chính bọn Mỹ đã đưa mình vào rọ.

Đúng một năm sau đó, tháng 1-1967, địch mở cuộc hành quân mang tên Cedar Fall (bóc vỏ trái đất), không giấu ý đồ xới tung đất Củ Chi, lật từng ngọn cỏ để truy diệt hết quân du kích. Lần này chúng huy động 30.000 quân, gấp 2,5 lần chiến dịch Cái bẫy, được trang bị tận răng và sự yểm trợ của máy bay, xe tăng, thiết giáp, pháo binh, đánh phá khốc liệt vào vùng “tam giác sắt”.

Trong chiến dịch này, chúng dùng “đội quân chuột cống” lùng sục tìm địa đạo và bơm khí độc vào; dùng chất nổ phá hủy từng đoạn địa đạo… Tuy nhiên, thành lũy trong lòng đất càng vững vàng hơn bao giờ hết. Những túi gạo rang trộn đường đã được tập kết trong những kho bí mật dưới địa đạo giúp quân ta có thể ung dung sống cả chục ngày và thỉnh thoảng tổ chức phản kích lẻ tẻ ở bất kỳ đâu đó.

Đêm, đội quân từ mặt đất tỏa lên đặt mìn gạt, gài chông. Những quả mìn gạt của anh hùng Tô Văn Đực chế tạo được cài khắp nơi trên chiến trường khiến quân địch tổn thất nặng nề. Chỉ sau 20 ngày càn quét, địch buộc phải kết thúc sớm chiến dịch với số thương vong gấp đôi chiến dịch Cái Bẫy: 3.500 tên chết và bị thương, 130 xe tăng, 28 máy bay bị phá hủy.

Những anh hùng trên đất thép

5AIDhAYl.jpgPhóng to
1/- Điểm chiến đấu, 2/- Nắp hầm, 3/- Điểm cứu thương, 4/- Hầm chông, 5/- Phòng ngủ, 6/- Tường chống chấn động do tiếng nổ, 7/- Giếng nước, 8/- Phòng họp, 9/- Kho chứa vũ khí và lương thực.

Người du kích năm xưa Võ Văn Cậm (Tư Cậm) chỉ tay về phía sau hè nhà ông Ba Rô đối diện UBND xã Nhuận Đức: “Mới năm kia (2002) anh em mình mới quy tập được hài cốt của mấy ông bạn tụi tui về nghĩa trang liệt sĩ thành phố…”.

Đó là trận đánh năm 1972. Khi đang cố thủ trong địa đạo sau khi hất lui nhiều đợt tấn công của địch thì ổ chiến đấu của ba du kích và một bộ đội chủ lực bị vùi bởi một loạt bom. Anh em dùng dao lê, cuốc thuổng đào bới ròng rã suốt ngày, đến tối chỉ lôi lên được du kích Út Lắm đang thoi thóp.

Suốt cuộc chiến 21 năm trời ròng rã, quân dân Củ Chi tiêu diệt trên 20.000 tên địch nhưng tổn thất của quân dân ở đây cũng không phải nhỏ. Máu nhuộm từng đoạn hào, từng khúc địa đạo. Các chiến sĩ du kích già như Chín Ảnh, Út Kang, Tư Cậm lâu lâu ngồi lại buồn thiu: “Tuổi của tụi tui anh em hi sinh hết rồi…”. Các ông may mắn hơn nhưng trên người cũng đầy thương tích, lần đâu trên người cũng lỗ chỗ vết thương.

Chỉ riêng xã Nhuận Đức có trên 600 anh hùng liệt sĩ; toàn Củ Chi có trên 10.000 liệt sĩ. Đền Bến Dược lưu danh trên 44.000 anh hùng liệt sĩ trên các miền đất nước đã hi sinh trên chiến trường này. Ông Chín Ảnh nói trong nỗi buồn vô hạn: “Căm thù giặc quá mà đánh chí chết mới thôi. Thấy bạn bè ngã xuống thì mình tiến lên. Cứ vài ba ngày thấy thiếu đi một đứa…”.

Trên chiến trường này, anh hùng du kích Phạm Văn Cội với lòng gan dạ dũng cảm đã sáng ngời như lửa đỏ: trong chiến dịch Crimp 8-1-1966, ông chỉ huy tổ du kích bám thắt lưng địch, tám ngày diệt 111 tên Mỹ, bắn rơi bảy máy bay lên thẳng, một phản lực và phá hỏng nhiều xe cơ giới. Tháng 2-1966, ông năm lần chỉ huy du kích tập kích căn cứ Mỹ; một mình ông phá hủy sáu xe bọc thép. Tháng 4-1966 ông đột kích vào tận căn cứ Đồng Dù, gài mìn diệt hai xe, thu nhiều chiến lợi phẩm…

Năm 1967, trong một trận chống càn Phạm Văn Cội đã anh dũng hy sinh. Ông được tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967. Kết thúc cuộc chiến tranh, Củ Chi có 13 xã anh hùng, 28 anh hùng lực lượng vũ trang, 715 bà mẹ VN anh hùng, 1.800 người được phong dũng sĩ.

oOo

Củ Chi trong con mắt những người sau chiến tranh như chúng tôi là một làng quê thanh bình. Đâu cũng thấy màu xanh. Giờ đây phía bắc Củ Chi còn là khu công nghiệp. Nhiều nhà máy đã mọc lên trên những đoạn hầm hào, địa đạo ngày xưa. Những chiến sĩ du kích năm xưa giờ chỉ toàn nói chuyện vườn tược, cây trái.

Bà Chín Lan giới thiệu tất cả tài sản trong nhà rồi nói: “Giải phóng xong, nhìn lại mới thấy mình không có gì ngoài mấy bụi tre với đoạn địa đạo dưới nền nhà. Vậy mà giờ sống cũng đủ. Đẻ bốn đứa con, nuôi đứa nào cũng mạnh khù!”.

Hỏi ra mới biết ở Củ Chi, nhất là ở xã Nhuận Đức, ai tuổi đời quãng 50 trở lên đều đã từng đào địa đạo, sống trong lòng địa đạo và hầu hết đều là du kích. Họ không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn là những người làm nên lịch sử. Đến Củ Chi là gặp sự bình dị, sự bình dị lấp lánh lịch sử oai hùng.

ĐẶNG ĐẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên