28/10/2003 06:31 GMT+7

Gian nan nghề đục đá xứ Hòn

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TT - Tiếng kẻng báo động khua liên hồi, hàng trăm công nhân vội vàng chui vào các hang đá ẩn nấp. Một loạt tiếng nổ lớn phát ra từ các hầm đá công nghiệp, đất đá bay tung lên, khói thuốc nổ ngột ngạt bao trùm cả vùng núi rừng Hòn Sóc. Dứt tiếng nổ, mọi người lại tủa ra, trở về chỗ làm việc. Những âm thanh khô khốc từ tiếng đục, tiếng búa va vào đá lại vang lên...

Z72ZAH03.jpgPhóng to
Thợ đục đá Đỗ Phi Sơn đang làm việc trên vách núi cao chơi vơi nhưng không hề có dây đeo bảo vệ
TT - Tiếng kẻng báo động khua liên hồi, hàng trăm công nhân vội vàng chui vào các hang đá ẩn nấp. Một loạt tiếng nổ lớn phát ra từ các hầm đá công nghiệp, đất đá bay tung lên, khói thuốc nổ ngột ngạt bao trùm cả vùng núi rừng Hòn Sóc. Dứt tiếng nổ, mọi người lại tủa ra, trở về chỗ làm việc. Những âm thanh khô khốc từ tiếng đục, tiếng búa va vào đá lại vang lên...

Men theo con đường độc đạo cao dựng đứng, gập ghềnh đầy những đá và đá, tôi leo lên đỉnh núi Hòn Sóc. Trước mặt tôi là một công trường ngổn ngang, bụi mịt mù, hàng chục hố sâu hoắm được che chắn bởi những tấm bạt cao su đủ màu sắc.

Ông Lê Văn Chiến, chủ doanh nghiệp tư nhân khai thác đá Quang Tuyến, đi cùng cho hay đấy là những lều tạm che nắng của thợ đục đá. Cứ mỗi tấm bạt kia là một hầm đá và do một gia đình nhận khoán. Cả Hòn Sóc có đến hàng trăm gia đình như thế...

Ghé vào một hầm nằm cheo leo lưng chừng núi, chủ hầm tên Năm Chia tay đục, tay búa đang cố sức đẽo tách tảng đá to đùng nặng hàng tấn ra từng khối đá nhỏ hơn, tạo thành các thanh đà dài 1-3m, đá lát... cung cấp cho nhu cầu xây dựng của các tỉnh khu vực ĐBSCL.

eulYE5Jc.jpgPhóng to
Bữa cơm trưa đạm bạc tại một hầm đá trên đỉnh Hòn Sóc
Gia đình ông Chia gồm 11 người (hai vợ chồng, sáu người con và ba người em trai) dắt díu nhau từ miệt Vọng Thê, An Giang qua Hòn Sóc làm nghề đục đá từ hơn 15 năm nay. Nước da đen cháy, bàn tay chai sần đầy những vết sẹo do miểng đá đục văng trúng.

Ông kể: “15 tuổi tui theo cha lên núi đục đá kiếm cơm. Cha tui đã giải nghệ nghề đục đá gần 10 năm rồi, ông kiệt sức bởi chứng bệnh lao phổi. Sáu đứa con tui thì hết bốn đứa đã phải bỏ học giữa chừng”. Ông được ông chủ doanh nghiệp tư nhân Quang Tuyến cho vào nhận khoán một hầm đá, làm được nhiều thì hưởng nhiều. Làm nhiều là quần quật từ mờ sáng đến tối mịt và mỗi ngày kiếm được chừng 50.000 đồng.

Cách đó hơn 100m là hầm của cha con anh Đỗ Phi Sơn cũng đến từ An Giang. Lúc tôi ghé vào hầm thì hai cha con anh Sơn (người con trai 14 tuổi) đang uốn gập người lại “treo” lơ lửng chênh vênh trên lưng chừng tảng đá to đùng cao gần 40m, hai chân đứng trên một cái thang gỗ tạm yếu ớt. Anh cho biết: “Phải chẻ đá ra từng khối vuông, việc này phải tỉ mỉ, kiên nhẫn dữ lắm”.

Mỏ đá granite Hòn Sóc thuộc huyện Hòn Đất (Kiên Giang), nằm cách thị xã Rạch Giá trên 40km, cách mộ anh hùng Phan Thị Ràng (chị Sứ) và di tích lịch sử hang Hòn Đất chưa đầy 3km.

Mỏ đá Hòn Sóc được đánh giá là nguồn tài nguyên quí giá và dồi dào vào loại nhất nhì khu vực ĐBSCL, với trữ lượng khoảng trên 35 triệu m3, được phân bố trên diện tích rộng 117ha; hàng năm cho các tỉnh trong khu vực ĐBSCL khoảng trên 575.000m3 đá xây dựng các loại, khoảng 1,7 triệu viên đá thềm, 1 triệu cây đá đà, 1,2 triệu cây đá ống...

Đã gần 12 giờ trưa nắng như thiêu như đốt nhưng anh vẫn cần mẫn đục từng lỗ lên tảng đá. Đục hết tảng đá này phải mất một năm, vì thế gia đình anh đã dựng lều sống ngay tại đây. Con lớn của anh tên Phi, 14 tuổi, vừa lên lớp 5 đã phải bỏ học, theo cha đi đục đá, lượm đá vụn. Đứa út 12 tuổi cũng vừa nghỉ học năm nay theo cha vào hầm nấu cơm vì thiếu tiền đóng học phí.

Không chỉ riêng gia đình anh Sơn, ông Chia mà trên mỏ đá Hòn Sóc có hàng trăm gia đình sống bám vào từng hang đá từ hàng chục năm nay, cứ thế năm này qua năm khác con cái, cháu chắt của họ lần lượt bỏ học... tham gia nghề đục đá.

Chưa có con số thống kê chính xác trong suốt gần 20 năm qua ở mỏ đá Hòn Sóc đã xảy ra bao nhiêu vụ tai nạn. Thế nhưng có điều chắc chắn rằng gần như ngày nào ở mỏ Hòn Sóc cũng đều xảy ra vài vụ do đục, búa, đá văng trúng người, tay, chân... gây chấn thương.

Nhiều người vẫn còn nhớ cái chết của anh N.T.H., công nhân thuộc Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Kiên Giang, khi đang làm việc tại công trường thì một tảng đá lớn rơi... Mới đây, vào trung tuần tháng 9-2003, lại một tảng đá khác rơi xuống và thợ đục đá Phạm Đình Tuân đang làm việc ở dưới hầm đã bị gãy chân, hiện vẫn chưa lành.

Ấy vậy nhưng gần 20 năm qua, Hòn Sóc đã trở thành vùng đất hứa của hàng trăm hộ dân không đất, thất nghiệp từ hai huyện Vọng Thê và Thoại Sơn, tỉnh An Giang đổ về (trước đây cũng nổi tiếng với nghề khai thác đá).

Ông Lương Trọng Toàn, phó ban lãnh đạo ấp Hòn Sóc, xã Thổ Sơn, Hòn Đất (Kiên Giang), cho biết toàn ấp Hòn Sóc có 30 đơn vị tập thể, hô cá thể hành nghề khai thác, chế biến và kinh doanh đá. Có trên 500 gia đình với khoảng gần 1.000 thợ làm đá thủ công sống tạm bợ rải rác ven núi Hòn Sóc.

Đa số công nhân lao động đều làm việc trong tình trạng không đảm bảo an toàn, không thực hiện tốt bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động. Sống trong môi trường ô nhiễm bởi tiếng ồn và hít bụi đá như thế nên 10 thợ đục đá thì hết tám bị mắc bệnh phổi. Ban ngày họ đi làm thì không hề gì, nhưng tối đến tình hình an ninh trật tự cực kỳ phức tạp: đàn bà vùi đầu vào sòng bài, đàn ông nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng.

Cứ thế kiếp nghèo đời thợ cứ bám níu suốt từ đời cha rồi đến đời con. Nhiều hộ gia đình hai, ba đời làm thợ đục đá, nhưng hiện tại vẫn ba không (không đất, không nhà, không hộ khẩu)...

Trước thực trạng này, mới đây một đề án qui hoạch phát triển làng nghề truyền thống đã được Sở Công nghiệp Kiên Giang xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, dự kiến nghề khai thác đá thủ công Hòn Sóc sẽ được qui hoạch lại và phát triển thành một trong những làng nghề mạnh của tỉnh, vừa cung cấp đá xây dựng, vừa tham gia làm mỹ nghệ tạc tượng đá, những thợ đục đá sẽ được đào tạo nghề, được vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm duy trì phát triển nghề đục đá thủ công.

Hi vọng thoát khỏi kiếp nghèo của hàng trăm người thợ đục đá ở xóm núi Hòn Sóc cũng đã hé mở. Nhưng tất cả hãy còn quá sớm để có thể nói một điều gì!

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên