14/11/2011 07:37 GMT+7

Chùn bước phát triển xe buýt xanh

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TT - Xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên (xe buýt xanh) tuy có nhiều lợi ích như tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường...nhưng việc mở rộng loại xe này đang vấp phải nhiều rào cản.

7QDJTDgj.jpgPhóng to
Chỉ có một doanh nghiệp cung cấp khí CNG với hai trạm tiếp nhiên liệu sinh học tại TP.HCM khiến việc hoạt động của xe buýt xanh gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Minh Đức

Buýt xanh thân thiện môi trường“Sao” du lịch Sài Gòn bằng xe buýt xanh

Ngoài tuyến xe buýt số 1 (Bến Thành - bến xe Chợ Lớn), dự kiến tháng 1-2012 Liên hiệp các hợp tác xã vận tải TP.HCM sẽ đưa vào hoạt động năm xe buýt xanh trên tuyến số 104 (bến xe An Sương - Đại học Nông lâm). Dù có ý định thay thế toàn bộ 29 xe đã xuống cấp của tuyến 104 bằng xe buýt xanh nhưng Liên hiệp các hợp tác xã vận tải TP đang chùn bước do việc đầu tư có quá nhiều khó khăn và rủi ro.

"TP.HCM có chủ trương nhân rộng số lượng xe buýt xanh lên hàng trăm xe... Để đạt được mục tiêu xe buýt đáp ứng được 12-15% nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2015, Sở Giao thông vận tải sẽ đẩy nhanh việc đưa vào thực hiện đề án 1.680 xe buýt mới, trong đó sẽ xác định định mức hỗ trợ xe buýt xanh để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư loại phương tiện này"

Ông Dương Hồng Thanh (phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) trả lời giám sát của Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP mới đây

Thiếu nguồn cấp khí

Chưa đầy ba tháng sau khi tuyến xe buýt xanh đầu tiên đi vào hoạt động, đầu tháng 11-2011 đại diện Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn (Saigonbus) cho biết đã nhận được thông báo tăng giá bán khí nén thiên nhiên (CNG) từ Công ty cổ phần Kinh doanh dầu khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South). PV Gas South - trực thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - hiện là nhà cung cấp khí CNG duy nhất cho xe buýt xanh tại TP.HCM.

Chưa rõ ý định tăng giá của PV Gas South bắt nguồn từ đâu nhưng các doanh nghiệp vận tải cho rằng nếu giá thay đổi nhanh như vậy sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư xe buýt xanh.

Họ còn lo lắng chỉ với một nguồn cung cấp khí CNG, nếu nguồn này “nhức đầu sổ mũi” sẽ khiến xe buýt xanh có nguy cơ ngưng hoạt động bất cứ lúc nào. Hơn nữa, TP.HCM hiện chỉ có hai trạm tiếp nhiên liệu sinh học, một trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) và một tại đường Phổ Quang (Q.Tân Bình) nên việc tiếp khí của xe buýt xanh gặp nhiều khó khăn hơn so với xe buýt thường.

Ông Nguyễn Hồ Minh - phó tổng giám đốc Saigonbus - cho rằng cần có một sự cam kết ở cấp cao hơn cấp công ty như cấp sở hoặc UBND TP với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam để đảm bảo nguồn cung cấp khí CNG ổn định cho xe buýt xanh.

Chưa có hỗ trợ bình đẳng

Với 21 xe buýt xanh đã đưa vào hoạt động trong giai đoạn 1 (tháng 8-2011) và 29 xe buýt xanh giai đoạn 2 sẽ được nhập khung và lắp ráp trong nước vào cuối năm nay, Saigonbus được miễn thuế nhập khẩu và hỗ trợ lãi vay bằng 0% trong vòng 10 năm. Trong khi đó Liên hiệp các hợp tác xã vận tải TP chỉ đề xuất được hưởng 30% mức chênh lệch giữa khí CNG và dầu diesel - mức hỗ trợ thấp hơn so với Saigonbus - nhưng không được chấp thuận.

Ông Phùng Đăng Hải - tổng giám đốc Liên hiệp các hợp tác xã vận tải TP - cho biết có thể phải dừng việc thay thế toàn bộ 29 xe buýt tuyến 104 vì chi phí đầu tư ban đầu quá lớn. “Với năm xe buýt xanh mà chúng tôi dự kiến đưa vào hoạt động đã tốn 7-8 tỉ đồng, đó là chưa kể chi phí lắp đặt các phụ kiện, nhãn hiệu... Với tình hình như hiện nay, có lẽ dùng số tiền đó gửi ngân hàng lấy lãi sẽ yên tâm hơn.

Hiện chỉ có một thành viên của Liên hiệp các hợp tác xã vận tải TP dám bỏ tiền đầu tư xe buýt xanh cũng chỉ vì tâm huyết với nghề”.

Trong đề án đầu tư 1.680 xe buýt giai đoạn 2011-2013 mà Sở Giao thông vận tải trình UBND TP mới đây có khuyến khích sự phát triển của xe buýt sạch, thân thiện với môi trường. Theo đó, tất cả xe buýt được đầu tư mới phải đảm bảo tiêu chuẩn Euro III trở lên hoặc sử dụng khí CNG. Khi đó doanh nghiệp sẽ được ngân sách TP hỗ trợ 70% vốn vay với mức lãi suất 5%. Thế nhưng, các hợp tác xã vận tải cho rằng nếu chờ đề án 1.680 xe buýt được thông qua, không biết tới bao giờ họ mới đầu tư được xe buýt xanh.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã chấp thuận với đề xuất của Liên hiệp các hợp tác xã vận tải TP và tiếp tục kiến nghị UBND TP cho phép các xe buýt chạy bằng khí CNG được hưởng định mức, đơn giá bằng với xe buýt chạy bằng dầu diesel cùng nhóm xe tương đương (theo sức chứa hoặc số ghế) trong năm năm kể từ ngày đưa xe vào hoạt động trên tuyến. Tuy nhiên, đại diện Sở Tài chính cho rằng chưa có cơ sở để chấp thuận đề xuất trên và yêu cầu Sở Giao thông vận tải xác định định mức, đơn giá của xe buýt xanh làm căn cứ hỗ trợ.

Quá trình phát triển của xe buýt xanh

- Tháng 12-2008: ý tưởng phát triển xe buýt xanh từ hội thảo về khả năng ứng dụng CNG vào hoạt động xe buýt tại TP.HCM.

- Giữa năm 2010: Saigonbus và Liên hiệp các hợp tác xã vận tải TP chạy thí điểm hai xe buýt xanh trên tuyến số 10 (bến xe miền Tây - Đại học Quốc gia) và tuyến số 53 (Lê Hồng Phong - Đại học Quốc gia).

- 26-8-2011: Saigonbus đưa vào hoạt động 21 xe buýt chạy bằng khí CNG được nhập mới 100% từ Hàn Quốc tại tuyến số 1. Đây là tuyến xe buýt xanh đầu tiên của cả nước.

- Tháng 1-2012: Dự kiến các doanh nghiệp sẽ đưa vào hoạt động một số xe buýt xanh mới với 29 xe của Saigonbus và 5 xe của Liên hiệp các hợp tác xã vận tải TP.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên