29/08/2011 03:33 GMT+7

Nhức nhối nước thải dệt nhuộm

NGUYỄN TRIỀU - SƠN BÌNH
NGUYỄN TRIỀU - SƠN BÌNH

TT - Sự kiện Công ty cổ phần Thái Tuấn bị cảnh sát môi trường lập biên bản vì xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh Tham Lương mới đây một lần nữa khuấy lên sự bức xúc của người dân về tình trạng nước thải dệt nhuộm vẫn ngày đêm đổ ra các con kênh trên địa bàn TP.HCM.

QORMLafl.jpgPhóng to

Nước thải hấp, nhuộm vải từ một cơ sở xả ra kênh 19-5 (Q.Bình Tân) - Ảnh: Sơn Bình

Dệt Thái Tuấn xả "nước bẩn: “Đây là sai sót của chúng tôi!”Dệt Thái Tuấn xả “nước bẩn”

Trưa 28-8, chúng tôi trở lại khu vực cuối con kênh 19-5, gần đoạn hợp lưu với kênh Tham Lương và kênh Nước Đen thuộc Q.Bình Tân. Tại đây, một cụm các cơ sở dệt nhuộm vẫn hoạt động rầm rộ, những cuộn vải vừa qua xử lý còn ướt nước được chất phơi ngay trên bờ kênh. Ngay bên dưới, xuyên từ bờ kênh ra là một miệng cống ximăng phi 400 đang xả thứ nước màu đỏ tía, sủi bọt. Người dân gần đó cho biết việc xả nước thải có màu, bốc mùi ra kênh là chuyện thường ngày.

Riết thành quen

Trước đó, vào giữa trưa nắng ngày 25-8, chúng tôi dừng xe trên cầu Tham Lương (nối Q.Tân Bình và Q.12), bên dưới dòng kênh đen ngòm mùi hôi thối bốc lên khiến những người chạy xe qua cầu phải đưa tay bịt mũi. Men theo chân cầu xuống khu dân cư phía đường Phan Huy Ích, nhiều người dân cho biết: “Ngày nào chẳng hôi chẳng thối, bao nhiêu năm rồi dân tình ở vậy cũng quen, mà không quen thì đi đâu”.

Khu nhà cho thuê của ông Trương Văn Gieo (48 tuổi, ngụ P.15, Q.Tân Bình) luôn đóng cửa im ỉm, chỉ tay lên mái nhà lợp tôn chưa được bao lâu đã bị gỉ sét và rách lỗ chỗ, ông Gieo than thở: “Không phải tôn hay thiếc, nhiều vật dụng bằng kim loại như nồi, xoong, chảo của người dân quanh đây cũng mau bị ăn mòn do ảnh hưởng nhiều khí thải độc hại”.

Từ chân cầu Tham Lương, chúng tôi đi vào con đường Nguyễn Văn Quá (P.Đông Hưng Thuận, Q.12), dù con đường nằm song song với dòng kênh và cách xa hàng trăm mét nhưng mùi hăng nồng, hôi thối vẫn ngây ngấy. Dọc hai bên bờ kênh đoạn từ cầu Tham Lương ngược lên cầu Chợ Cầu (nối Q.12 và Q.Gò Vấp) đặc kín nhà xưởng với đủ loại ngành nghề hoạt động, trong đó có hàng chục cơ sở dệt, hấp, nhuộm vải. Vì thế người dân xung quanh ngày ngày chịu đựng mùi nước thải hôi thối nhưng không thể xác quyết cơ sở nào là thủ phạm.

Một cán bộ trinh sát của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) cho biết phải dùng xuồng ba lá mới tiếp cận và ghi nhận quy trình xả thải của các doanh nghiệp dọc tuyến kênh này.

Xử phạt như “bắt cóc bỏ đĩa”

Theo ghi nhận, hiện dọc tuyến kênh Tham Lương thuộc địa bàn các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân có hàng chục cơ sở dệt, nhuộm đang hoạt động. Có cơ sở thủ công với quy mô nhỏ lẻ, cơ sở công nghiệp với quy mô lớn cũng có, thậm chí có cả những cơ sở hoạt động không phép. Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng mấy năm gần đây cho thấy hầu như cơ sở nào cũng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Trong đó vi phạm chủ yếu là không có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có hệ thống xử lý nhưng không vận hành mà xả thẳng nước thải ra kênh. Dù bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu khắc phục nhưng các lần tái kiểm, cơ quan chức năng vẫn phát hiện các vi phạm lặp lại.

Điều đáng lưu ý, theo các cán bộ cảnh sát môi trường và thanh tra môi trường, một số chủ cơ sở khi bị kiểm tra đã tìm cách lánh mặt, bất hợp tác. Thậm chí có trường hợp khi đoàn kiểm tra gần đến, từ bên ngoài vẫn nghe tiếng máy, ống khói vẫn nhả khói nhưng khi gõ cửa thì cửa khóa từ bên trong, các tiếng động im bặt, bên ngoài treo sẵn biển “bán nhà”.

“Chúng tôi trinh sát và điều tra cơ bản một cụm các cơ sở dệt nhuộm trên địa bàn Q.Bình Tân thấy thường xuyên có một nhóm thanh niên cởi trần mình xăm vằn vện ngồi ngay đầu hẻm quan sát nhất cử nhất động của người lạ. Chúng tôi là công an không nói làm gì, với những cán bộ chuyên môn khác liệu có đủ bình tĩnh để kiểm tra đến nơi đến chốn?” - một trinh sát C49 nói.

Thực tế một số cơ sở dệt nhuộm nằm ngay trong khu dân cư dọc các tuyến kênh Tân Hóa, Nước Đen xả thải thẳng xuống hệ thống cống thoát nước công cộng rồi đổ ra kênh. Nhiều lần người dân phát hiện nước thải dệt nhuộm đổ ra kênh đỏ quạch và báo công an, cán bộ môi trường nhưng không xử lý được vì không thể lần ra cơ sở nào là thủ phạm.

Đại tá Phan Hữu Vinh, phó cục trưởng C49, cho rằng lực lượng công an vào cuộc kiểm tra một số cơ sở như vừa qua tuy có tác dụng răn đe nhưng cũng chỉ xử lý được phần ngọn. Theo ông Vinh, cái gốc của vấn đề nước thải dệt nhuộm là ở công tác quản lý, nếu cứ chấp nhận để các cơ sở không phép, không đảm bảo các quy định về xử lý nước thải tiếp tục hoạt động thì việc xử lý sẽ mãi như “bắt cóc bỏ đĩa”.

“Ngay như trường hợp của Công ty dệt Thái Tuấn, theo tôi, có trách nhiệm của cơ quan quản lý về môi trường của địa phương, vì đã bao nhiêu lần kiểm tra trước đó mà không chỉ ra cho doanh nghiệp lỗi của họ” - ông Vinh nhận xét.

NGUYỄN TRIỀU - SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên