23/08/2017 16:04 GMT+7

Quảng Ngãi: 51 tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Năm 2015 có 14 tàu với 202 thuyền viên bị bắt vì xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Năm 2016 có 24 tàu cá với 336 thuyền viên, 6 tháng đầu năm 2017 có 13 tàu cá bị bắt giữ với 191 thuyền viên.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám (giữa) trao đổi với ông Dương Văn Tô (trái) giám đốc sở NN&PTNT Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI
Thứ trưởng Vũ Văn Tám (giữa) trao đổi với ông Dương Văn Tô (trái) giám đốc sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI

Sáng 23-8, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc làm việc với chính quyền và ngư dân xã Bình Châu. Đây là xã “dẫn đầu” cả nước về số lượng tàu cá xâm phạm lãnh hải các nước bị bắt giữ.

Tàu nước ngoài tấn công ngay tại ngư trường

Từ năm 2012, xã Bình Châu phát hiện trường hợp tàu cá trong xã vi phạm chủ quyền bị các nước bắt. Số tàu bị bắt tăng dần theo các năm.

Ông Nguyễn Quang Trung, phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn thừa nhận so với cả nước, Quảng Ngãi có số lượng tàu vi phạm nhiều nhất, nói đến tỉnh Quảng Ngãi thì huyện Bình Sơn nhiều nhất. 

Trong đó, có trường hợp ngư dân đánh cá ở các vùng lãnh hải chồng lấn, bị bắt giữ trong vùng biển Việt Nam rồi đưa về nước bạn xử lý.

Nhiều tàu bị tấn công ở ngư trường Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trong vòng chưa đầy một tháng qua có 14 tàu cá với hàng trăm ngư dân về cảng trình báo bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá tài sản, trong đó có hai tàu cá bị đâm chìm.

Nhưng chủ yếu là ngư trường trong nước đang cạn kiệt về tài nguyên biển. Ngư dân đánh bắt không hiệu quả nên đã xâm phạm lãnh hải các nước. 

Vi phạm lãnh hải ảnh hưởng đến ngoại giao

Trả lời với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, lãnh đạo huyện Bình Sơn và xã Bình Châu cam kết giữa năm 2019 sẽ không còn tình trạng ngư dân xâm phạm lãnh hải các nước.

Bàn về các giải pháp giảm thiểu tình trạng này, nhiều ngư dân và lãnh đạo huyện, xã cho rằng cần phải có lực lượng chấp pháp như kiểm ngư, cảnh sát biển bảo vệ ngư trường truyền thồng Trường Sa, Hoàng Sa để ngư dân an tâm đánh bắt.

“Kiến nghị, chính phủ, các bộ ngành trung ương phản bác hành động của Trung Quốc tấn công ngư dân trên vùng biển hợp pháp của Việt Nam”, ông Trung nói.

Ngoài ra, cần phải có những “biện pháp mạnh” để xử lý các chủ tàu cố tình vi phạm. Quy định xử lý hiện tại ở mức phạt hành chính từ 50-70 triệu đồng, tạm giữ bằng thuyền trưởng máy trưởng, cấm tàu hoạt động khai thác từ 3 đến 6 tháng, không cho hưởng các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển của chính phủ đối với tàu vi phạm lãnh hải các nước là quá nhẹ.

Không chỉ xử lý ngư dân, nhiều ý kiến còn đề nghị củng cố hồ sơ, xử lý các chủ tàu cố tình đầu tư tàu cho ngư dân thuê lại rồi đặt vấn đề ngư dân đến vùng biển nước ngoài đánh bắt các loài hải sản quý hiếm như hải sâm, sò tai tương bán lại cho chủ tàu.

Ngư dân Lê Văn Quang, bị lực lượng chấp pháp Indonesia bắt giữ năm 2015 kiến nghị với đoàn công tác tạo điều kiện cho người vị phạm ăn năn hối cải được hưởng các chính sách và cam kết không xâm phạm lãnh hải nước ngoài.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chia sẻ những khó khăn mà ngư dân gặp phải. Thứ trưởng đề nghị các ngư dân cần chấm dứt việc tiếp tục đưa tàu ra nước ngoài đánh bắt trái phép theo đúng chỉ đạo tại công điện 732 của thủ tướng chính phủ.

Xã, huyện cần lập, thống kê danh sách những trường hợp tàu cá, ngư dân đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài cũng như gặp nạn ở nước ngoài, có báo cáo cụ thể để giải quyết kịp thời.

Riêng với các trường hợp gặp nạn, bị ức hiếp trong quá trình đánh bắt, đề nghị bà con có cách kết nối thường xuyên với các cơ quan chức năng, kịp thời ghi lại hình ảnh để được được hỗ trợ, giúp đỡ thêm.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên