25/07/2017 08:55 GMT+7

Chiều tối nay bão số 4 vào Hà Tĩnh - Quảng Trị 

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Sáng 25-7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai chủ trì hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 4.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 4 sáng 25-7 - Ảnh: XUÂN LONG

Báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ông Hoàng Đức Cường - giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương - cho biết những giờ gần đây, bão số 4 chủ yếu di chuyển theo hướng Tây. 

Bão đổ bộ sớm vào phía nam Hà Tĩnh - Quảng Trị

Hiện nay đã xác định được tâm, cường độ bão tương đối chính xác. Lúc 7h sáng 25-7 vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Trị khoảng 150km về phía đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 9-10.

Theo ông Cường, so với những dự báo trước, hiện bão số 4 đang di chuyển dịch lên phía Nam, thời gian đổ bộ sớm hơn.

“Thời gian bão đổ bộ sẽ sớm hơn, dự báo chiều và tối nay bão sẽ vào bờ. Khu vực ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 4 là phía nam Hà Tĩnh - Quảng Trị. Còn Thanh Hóa, Nghệ An đã ra ngoài trọng tâm ảnh hưởng của bão số 4 nhưng vẫn bị ảnh hưởng” - ông Cường thông tin.

Ông Cường cũng cho biết cho đến 7h sáng 25-7 bão số 4 cách bờ biển Quảng Bình - Quảng Trị khoảng 150km, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h. Khi bão áp sát bờ biển sẽ có cấp 8, giật cấp 9-10.

Tại các khu vực bão đổ bộ sẽ có mưa sớm. Hiện khu vực Trung bộ đã có mưa và còn mưa đến sau khi bão vào.

“Thời gian mưa dù ngắn nhưng lượng mưa lớn, lượng mưa tới hơn 200mm. Suốt Tây nguyên sau cơn bão này đều có mưa, lượng mưa tới hơn 100mm” - ông Cường cho hay.

Sơ đồ đường đi cơn bão số 4 - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương 

Kiên quyết không để người ở lại trên tàu

Đại tá Lê Thanh Sơn - phó tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng cho biết cho đến sáng 25-7 vẫn còn 520 tàu hoạt động ở khu vực Hoàng Sa. Lực lượng biên phòng đã phối hợp lực lượng kiểm ngư, các địa phương thông tin cho số tàu này vào tránh trú vào khu vực an toàn.

Tuy nhiên, đáng lưu ý nhất vẫn là khu vực ven bờ. Hiện vẫn còn 1.229 tàu từ Thanh Hóa - Bình Bịnh còn hoạt động gần bờ.

“Tôi đề nghị các địa phương cần phải hoàn tất việc kêu gọi, đưa số tàu này vào bờ trước 14h chiều nay. Đặc biệt, khu vực Thanh Hóa vẫn còn số lượng lớn tàu ven bờ chưa vào bờ, tới hơn 500 tàu, Quảng Trị còn 89 tàu. Nếu cần thiết là phải sử dụng biện pháp cưỡng chế để đưa vào bờ” - ông Sơn nói.

Ông Trương Đức Nghĩa - chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng lưu ý dù bão số 4 không mạnh, nhưng có đường đi phức tạp.

“Lần này phải lưu ý với các tàu đã vào lưu trú. Tàu lưu trú phải giữ liên lạc về thông tin, còn người ở lại phải có đủ phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Các khu vực nào có tàu lưu trú đều phải có lực lượng canh trực, khi có sự cố là xử lý ngay, không để sơ sở như vụ lật, chìm tàu chở than ở Nghệ An” - ông Nghĩa lưu ý.

Theo ông Đặng Ngọc Sơn - phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh - toàn tỉnh đã có 6.200 tàu/17.000 lao động vào neo đậu an toàn.

“Với các tàu còn ở khu vực không an toàn, 100% tàu và thuyền viên đã nhận được thông tin vào nơi tránh trú. Còn từ 18h chiều 24-7 tỉnh đã cấm biển, đã di dời bà con tại các lồng bè, chòi canh, đồng thời thông báo và cử cán bộ giám sát các điểm có nguy cơ lũ ống, lũ quét” - ông Sơn nói.

Tuy nhiên, với khu vực Hà Tĩnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý: “Tỉnh đã cấm biển từ chiều 24-7 nhưng phải cấm tuyệt đối, không để xảy để xảy ra trường hợp chủ quan vẫn hoạt động trên biển ven bờ. Đặc biệt phải kiểm tra lại các khu neo đậu, kiên quyết không để người ở trên phương tiện”.

Cũng tại phiên họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh đã chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng kêu gọi các tàu nhỏ vào bờ.

“Tỉnh xác định với những tàu nhỏ cần bờ sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp cần thiết, nếu cần cưỡng chế đưa vào bờ” - lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết.

Tỉnh Quảng Bình cũng cho biết từ chiều 24-7 đã “kích hoạt” việc di dời dân ở những khu vực đã có kế hoạch. Trong chiều 25-7 sẽ kiểm tra các khu vực di dời dân.

Các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hóa cũng báo cáo đang tích cực kêu gọi tàu thuyền vào bờ.

Các khu vực bão số 4 đổ bộ đều bị "tổn thương" do bão số 2

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý tại các khu vực bão số 4 đổ bộ đều đã bị “tổn thương” do bão số 2.

“Chỉ trong 8 ngày đã có hai cơn bão, các khu vực bão số 4 đổ bộ hiện nay đều ảnh hưởng từ bão số 2, tất cả đều đã “no” nước nên cần tập trung ứng phó với mưa lũ” - ông Cường nói.

Theo ông Cường, thời gian tâm bão đổ bộ vào bờ dự báo từ chiều và tối nay, nhưng hoàn lưu bão có thể ảnh hưởng từ trước đó. Vùng tâm bão là nam Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị.

Để đối phó với bão số 4, lưu ý:

Thứ nhất, không chủ quan cho rằng bão cường độ nhỏ, không chủ quan cho rằng lượng mưa không quá lớn, không chủ quan khi đã xác định được vùng tâm bão mà phải chủ động tại tất cả các vùng ảnh hưởng.

Thứ hai, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương liên tục thông tin. Cần thông tin liên tục về các bản tin dự báo, tình hình ứng phó, đối phó với bão số 4 ở các địa phương.

Thứ ba, các thành viên Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai tập trung triển khai phương án, bám sát cơ sở với tất cả các ngành như điện, giao thông, cứu hộ, cứu nạn.

Thứ tư, với các tỉnh phải đảm bảo mục tiêu số 1 là an toàn cho dân. Tiếp tục phải rà soát trong những giờ còn lại, kêu gọi, thông tin đưa tàu thuyền vào vờ. Khi vào bờ rồi thì tổ chức sắp xếp cho khoa học, an toàn.

Thứ năm, cố gắng đảm bảo an toàn tới mức cao nhất cả trên biển và trên đất liền. Kiên quyết di dời người dân ở các khu vực xung yếu, đặc biệt phải cử người canh gác tại các khu vực ngầm tràn, nơi dự báo lũ.

Thứ sáu, với các hồ thủy điện hết sức lưu ý vì dung tích nhỏ, mưa lớn là đe đoạ an toàn, vì vậy các địa phương cần lưu ý trong vận hành, chỉ đạo.

Thứ bảy, cần kiểm tra lại các điểm xung yếu đê, rà soát lại phương châm tại chỗ. Khi xảy ra phải xử lý ngay từ giờ đầu, thời gian đầu theo đúng phương châm bốn tại chỗ.

Thứ tám, cần rà soát lại các phương án sản xuất nông nghiệp, có phương án thoát nước cho 330.000ha lúa khi có mưa cục bộ.

 

 

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục