10/05/2017 14:36 GMT+7

Từ 'cô dâu Việt' đến 'cư dân mới'

HÀ BÌNH thực hiện
HÀ BÌNH thực hiện

TTO - Đài Loan dùng cụm từ “cư dân mới” thay cho “cô dâu ngoại quốc”, và từ 2018, chính thức đưa tiếng Việt vào dạy trong các trường phổ thông như ngoại ngữ thứ hai cho học sinh lựa chọn.

Nhóm phụ nữ Việt ở TP Cao Hùng tập văn nghệ để biểu diễn ở các chương trình giao lưu văn hóa của địa phương - Ảnh: Hà Bình
Nhóm phụ nữ Việt ở TP Cao Hùng tập văn nghệ để biểu diễn ở các chương trình giao lưu văn hóa của địa phương - Ảnh: Hà Bình

Đó là kết quả của một hành trình nỗ lực rất dài của nhiều người - bà PHẠM TỐN LỤC, nguyên lãnh đạo ngành giáo dục Đài Loan giai đoạn 2000-2006, hiện là lãnh đạo ngành giáo dục TP Cao Hùng, nói khi chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ về những thăng trầm của “cô dâu Việt” hơn 20 năm qua.

“Chúng ta là người một nhà”

* Thưa bà, xin bà chia sẻ thật rằng cách đây hơn 20 năm, thấy “cô dâu Việt Nam” theo chồng đến Đài Loan, bà đã nghĩ gì?

- Tôi vẫn nhớ khi ấy đến Đài Loan, họ hết sức cực khổ. Lúc đó, người Đài Loan chưa hiểu “cô dâu ngoại quốc” như bây giờ. Nhất là đa số “cô dâu” đến Đài Loan lại từ các tỉnh nghèo của miền Nam Việt Nam.

Nhiều cuộc hôn nhân trong số đó có động cơ về kinh tế như “mua bán” thông qua các công ty môi giới... Đa số “cô dâu” nước ngoài lại được gả cho các chú rể ở gia đình nghèo, nên chúng tôi càng phải có trách nhiệm hỗ trợ họ.

* Lịch sử hôn nhân giữa “cô dâu Việt” và người Đài Loan đã hơn 20 năm. Trải qua thời gian đó, Đài Loan thay đổi cách gọi từ “cô dâu ngoại quốc”, “người di dân” và hiện là “cư dân mới”. Theo bà, đâu là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến những thay đổi trong cách gọi đó?

- Lúc trước, xã hội Đài Loan gọi những “cô dâu” lấy chồng Đài Loan là “hôn phối ngoại tịch”. Dần dần, chúng tôi coi những người đến Đài Loan lấy chồng là một phần của mình nên dùng cụm từ “cư dân mới”.

Nguyên nhân quan trọng nhất trong sự thay đổi đó là hiện người Đài Loan đã coi cư dân mới là một phần của Đài Loan. Đài Loan hiện coi cư dân mới như là người một nhà. Chúng tôi có khẩu hiệu “Chúng ta là người một nhà” để giúp những thành viên này hòa nhập gia đình.

* Khẩu hiệu đó rất ấn tượng. Nhưng liệu người Đài Loan có chấp nhận khẩu hiệu ấy không, thưa bà?

- Người Đài Loan hiện đa số chấp nhận khẩu hiệu này và số chấp nhận ngày càng nhiều hơn. Xã hội Đài Loan dần dần thấy rằng có những cư dân mới hết sức ưu tú.

Người Đài Loan hầu hết có bạn bè là cư dân mới và bắt đầu học hỏi, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của cư dân mới, trong đó có Việt Nam.

* Cư dân mới người Việt để lại trong bà những ấn tượng gì?

- Họ là những người chăm chỉ, chịu khó, đàng hoàng và năng lực học tập rất tốt.

Bà Phạm Tốn Lục
Bà Phạm Tốn Lục

Tôn trọng và bình đẳng

* Từ trước đến nay, Đài Loan đã có những hoạt động nào giúp cư dân mới hòa nhập đời sống, thưa bà?

- Khi thấy những “cô dâu” đầu tiên đến Đài Loan, tôi nghĩ đây là hiện tượng xã hội và tìm hiểu cách để thích ứng với hoàn cảnh mới. Để họ hòa nhập đời sống, chúng tôi phải phổ cập tiếng Hoa cho họ. Năm 2004, khi còn lãnh đạo ngành giáo dục Đài Loan, tôi đã cho thành lập trung tâm giáo dục cư dân mới đầu tiên tại TP Đào Viên.

Hiện tại TP Cao Hùng cũng có hai trung tâm học tập dành cho cư dân mới và một trung tâm tài nguyên giáo dục cư dân mới. Ở đó dạy tiếng Trung, nấu ăn, tổ chức các hoạt động văn hóa, nơi gặp gỡ giao lưu... cho chị em.

* Hiệu quả những lớp học này ra sao?

- Chỉ riêng TP Cao Hùng, trong năm 2016 chúng tôi đã mở 97 lớp dạy tiếng Trung cho cư dân mới. Sau khi biết những câu đàm thoại thông thường, nhiều người có nguyện vọng học tiếp lên cao. Trong số cư dân mới ở đây có người học hết chương trình phổ thông, đại học và cũng có người đang học thạc sĩ.

20 năm trước, thế hệ thứ nhất không biết tiếng Trung đã ảnh hưởng đến việc học tập của con cái. Chúng tôi phát hiện vấn đề và bồi dưỡng ngôn ngữ cho người mẹ. Các bà mẹ Việt Nam vì con mình nên nỗ lực học tiếng Hoa và tình hình được cải thiện.

* Có bà mẹ người Việt tâm sự rằng họ rất thích đi học nhưng gia đình chồng không cho phép.

- Khó khăn nhất là lúc đầu nhà chồng không cho con dâu ra khỏi nhà để học tập. Chúng tôi đã từ từ tác động đến gia đình chồng, thay đổi quan niệm xã hội về “cô dâu nước ngoài” rằng phải tôn trọng và bình đẳng với nhau.

Càng về sau tình hình càng thay đổi vì cống hiến của người vợ với gia đình ngày càng lớn. Gia đình chồng chấp nhận cho họ ra ngoài học tập, thậm chí làm ăn để góp phần xây dựng kinh tế gia đình.

Đừng quên cội nguồn

Thống kê của Văn phòng Kinh tế - văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM cho thấy năm 1995 có 1.467 người lấy chồng Đài Loan, con số này tăng dần qua từng năm.

* Bà đánh giá thế nào về đóng góp của cư dân mới người Việt cho cộng đồng Đài Loan hơn 20 năm qua?

- Có nhiều cống hiến. Họ làm phong phú văn hóa địa phương và thúc đẩy việc hợp tác giữa hai bên. Họ cũng giúp ích được nhiều cho doanh nhân người Đài Loan tại Việt Nam. Doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam rất mong người Đài Loan biết tiếng Việt đến Việt Nam công tác và làm cán bộ quản lý cho họ.

Bên cạnh đó, cư dân mới người Việt cũng tích cực tham gia quảng bá văn hóa. Thông qua biểu diễn của họ, chúng tôi đã thấy được những nét đẹp của văn hóa Việt Nam. Chúng tôi hi vọng thế hệ thứ nhất thích ứng tốt với môi trường sống và làm cho thế hệ thứ hai tự tin phát huy năng lực của mình.

* Thưa bà, là phụ nữ, bà chia sẻ gì với những người phụ nữ lấy chồng xa xứ?

- Chúng tôi gọi họ là chị em. Tôi mong chị em nhanh chóng thích nghi và phát triển năng lực của mình tại Đài Loan. Trong lúc giáo dục con cái, chị em cũng đừng quên cội nguồn của mình. Phải làm sao để thông qua cầu nối là các chị em người Việt, người Đài Loan hiểu thêm Việt Nam hơn.

Mâu thuẫn trong hôn nhân ở đâu cũng có. Người Đài Loan lúc trước vì cuộc sống phải di dân sang các nước khác cũng gặp những hoàn cảnh tương tự, nên chúng tôi rất hiểu nỗi khổ của chị em.

* Con của những cha mẹ Việt - Đài hiện có 80.000 em độ tuổi từ mầm non đến đại học. Bà đánh giá thế nào về năng lực học tập và hướng phát triển của thế hệ thứ hai này?

- Tôi thấy năng lực học sinh gốc Việt không thua kém người bản địa. Hiện đa số con cái của vợ chồng Việt - Đài đã học đến lớp 7 và lớp 8. Có nhiều em đã vào những trường đại học lý tưởng ở Đài Loan.

Tháng 5 này, chúng tôi sẽ tổ chức gặp gỡ cư dân mới ưu tú. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho cư dân mới thế hệ thứ hai về quê ngoại để thấy và yêu thương quê mẹ mình. Khi thấy được sự phát triển mạnh của Việt Nam, họ càng có niềm tin vào việc học tiếng Việt.

Tôi cũng mong người thân của những đứa trẻ thế hệ thứ hai đến Đài Loan nhiều hơn để tìm hiểu cuộc sống con cái họ.

Tôi muốn nói chúng tôi hết sức coi trọng con em thế hệ thứ hai. Chúng tôi muốn các em này có niềm tự tin và cảm thấy mình rất đặc sắc vì mang hai nền văn hóa Đài Loan và Việt Nam.

Các em có những ưu thế của cư dân thế hệ thứ hai mà không phải cư dân nào cũng có được. Chỉ cần các em tự tin, hiểu rõ về cội nguồn của mình và người Đài Loan rất tôn trọng các em.

Giáo dục thay đổi để phù hợp đa văn hóa
Học sinh là con của những cặp vợ chồng Việt - Đài trong giờ học tiếng Việt ở trường - Ảnh: Hà Bình
Học sinh là con của những cặp vợ chồng Việt - Đài trong giờ học tiếng Việt ở trường - Ảnh: Hà Bình

“Với việc đưa tiếng Việt vào giảng dạy, chúng tôi hi vọng con em của các cặp vợ Việt chồng Đài Loan có thể hòa nhập tốt hơn với môi trường giáo dục Đài Loan, bình đẳng, cũng như có quyền được học như những đứa trẻ khác” - bà Âu Quý Hi, bí thư giáo dục phòng giáo dục thuộc Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM.

“Ở Đài Loan hiện có 1.507 cô dâu các nước Đông Nam Á học làm giáo viên dạy tiếng mẹ đẻ của họ. 68% (1.024) trong số đó là người Việt” - cô Tống Tú Trân, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP Tân Đài Bắc.

"Các học viên đến lớp học rất chăm chỉ, nghiêm túc. Có người ở xa phải đi 3-4 giờ mới đến lớp, về nhà học đến 2h-3h sáng. Có cô đến lớp mang theo con và để ngồi chờ. Khi con khóc quấy, các chị dỗ: Để mẹ học, mẹ muốn làm giáo viên” - Thạc sĩ Nguyễn Liên Hương, giảng viên tiếng Việt ĐH Chính trị Đài Loan (NCCU).

HÀ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên