05/03/2017 14:34 GMT+7

Dọn dẹp vỉa hè: phải hài hòa quyền lợi người dân

Nhóm PV
Nhóm PV

TTO - Đó là quan điểm của ông Lê Anh - chủ tịch UBND quận Hải Châu, Đà Nẵng khi nói về quyết tâm của nhiều địa phương tại TP lớn vừa qua.

Một hộ kinh doanh trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận lấn chiếm vỉa hè để buôn bán tối 2-3 - Ảnh: Hữu Thuận
Một hộ kinh doanh trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận lấn chiếm vỉa hè để buôn bán tối 2-3 - Ảnh: Hữu Thuận

Theo ông Lê Anh - chủ tịch UBND quận Hải Châu, Đà Nẵng, Hải Châu là quận trung tâm của Đà Nẵng, việc giữ gìn văn minh đô thị, trật tự vỉa hè là bộ mặt chung của thành phố đối với khách du lịch. 

Để đảm bảo trật tự vỉa hè, lực lượng quy tắc đô thị của quận Hải Châu làm theo hình thức cuốn chiếu, từng tuyến đường, sau đó bàn giao lại cho UBND các phường quản lý, ký cam kết không để bị lấn chiếm trở lại. 

Đồng thời quận cũng tiến hành kẻ vạch trên các tuyến phố quy định rõ ràng vị trí được để xe, vị trí dành cho người đi bộ.

Cách làm của chúng tôi là thực hiện phương châm chính quyền làm, dân ủng hộ, không đối đầu với dân. Muốn cho văn minh đô thị, sạch đẹp vỉa hè, có chỗ cho người đi bộ... nhưng cũng phải hài hòa với câu chuyện kinh tế vỉa hè của người dân. 

Những người dân ở nơi khác đến thì được vận động trở về địa phương, người dân trên địa bàn quận được sắp xếp lại ở các khu phố chuyên doanh hoặc giải quyết cho công việc khác phù hợp. 

Hiện quận đã triển khai các phố chuyên doanh như phố thời trang trên đường Lê Duẩn, phố ẩm thực đường Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Hồng Thái...

Vận động cán bộ, viên chức làm gương

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, TS. Đinh Phương Duy cho biết: tình trạng buôn bán, lấn chiếm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó xuất phát từ tính tùy tiện của không ít người, muốn mua bó rau, con cá, gói thuốc lá cứ dong xe máy ra các hàng quán trên lề đường, góp phần tạo nên tình trạng lấn chiếm.

Ngoài ra, việc tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt tại các quán lấn chiếm, tràn ra đường cũng làm cho vỉa hè chật chội hơn.

"Tôi cho rằng việc ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè cũng là dịp chúng ta nhìn lại những hành động cụ thể của mình.

Chỉ cần mỗi người không ngồi cà phê, ăn uống trên vỉa hè lấn chiếm hay tìm chỗ gửi xe khi đi chợ búa, không chạy xe trên vỉa hè... đã góp phần đáng kể trong việc lập lại trật tự lòng lề đường", ông Duy nói.

Trước tiên mỗi cán bộ công chức phải làm gương, người đứng đầu các cơ quan nhà nước cần vận động, khuyến khích công nhân viên, cán bộ mình nói không với hành vi lấn chiếm vỉa hè sẽ tạo sự lan tỏa, tác động rất lớn.

Ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch UBND Q.1 yêu cầu xử lý xe biển xanh đậu trên lề đường - Ảnh: Q.Khải
Ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch UBND Q.1 yêu cầu xử lý xe biển xanh đậu trên lề đường - Ảnh: Q.Khải

Phải công bằng với người kinh doanh

Anh Nguyễn Trung Tĩnh (cửa hàng thời trang X70, P.1, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết cách đây hơn một tuần, chính quyền địa phương có thông báo yêu cầu các hộ kinh doanh không để hàng hóa, xe cộ lấn chiếm vỉa hè.

Anh Tĩnh đã quyết định lùi phạm vi trưng bày hàng hóa vào sâu bên trong, dành khoảng trống gần 2m từ mép cửa trở vào nhằm làm chỗ để xe cho nhân viên và khách hàng.

"Đúng là nếu chịu khó lùi vào bên trong tự thân mặt tiền cửa hiệu cũng thông thoáng hơn. Nói 'trả lại vỉa hè cho người đi bộ' thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, cần có sự công bằng cho tất cả mọi người, nếu chỉ một cửa hàng lùi vào trong, trong khi hai bên vẫn như cũ thì việc kinh doanh bị ảnh hưởng", anh Tĩnh nói.

Theo anh Tĩnh, chưa kể khi đường đông, thấy vỉa hè chỗ nào trống là xe máy lại tràn lên, rốt cuộc không phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ mà hóa thành nhường chỗ cho người đi xe máy.

Anh Tĩnh đề nghị cơ quan chức năng đã vận động người dân trả lại vỉa hè phải có trách nhiệm giám sát, xử phạt người đi xe máy trên vỉa hè, giữ cho vỉa hè được sử dụng đúng chức năng của nó.

“Tôi không cãi, nhưng...”

Bà N.T.N. (một người bán hàng rong đường Nguyễn Hữu Cầu, P.Tân Định, Q.1, TP.HCM) cho biết chị ở dưới quê lên, thuê nhà trong hẻm rồi hằng ngày quẩy gánh đi bán rong các loại bánh tự gói, tự làm.

Theo bà N., muốn bán được nhanh phải lựa mấy con đường đông người, gần chợ rồi tìm chỗ trống trên vỉa hè ngồi tạm. Có chỗ chủ nhà thương cho ngồi một lát, có chỗ người ta đuổi như đuổi tà.

"Mấy hôm nay ban bệ của quận 1 đi dọn dẹp lòng lề đường dữ quá, những người bán hàng rong như tôi khó khăn lắm. Tôi lớn tuổi đâu biết làm gì khác ngoài buôn gánh bán bưng.

Nhà nước không cho buôn bán trên vỉa hè tôi không cãi, nhưng nếu có chỗ nào ổn định cho những người bán hàng rong như tôi tập trung tới đó, phải nộp thuế chút ít tui cũng chịu", bà N. nói.

Nhắn tin nhắc nhở người dân

Trong quá trình đi kiểm tra, xử phạt các trường hợp lấn chiếm vỉa hè tại quận Bình Tân (TP.HCM), lực lượng quản lý trật tự đô thị quận lấy số điện thoại của người dân rồi gửi tin nhắn đến từng người để nhắc nhở chấp hành không lấn chiếm vỉa hè như cam kết trước đó.

Có gần 700 số điện thoại của người dân đã nhận được tin nhắn với nội dung nhắc nhở không được để bàn ghế, đồ đạc lấn chiếm vỉa hè, tháo dỡ các công trình vi phạm.

“Tin nhắn nhắc nhở được chúng tôi gửi cho các hộ dân tại khu vực các đường Kinh Dương Vương, Hồ Học Lãm, Vành đai trong, Tên Lửa, Võ Văn Kiệt... Việc gửi tin nhắn giúp người dân ý thức hơn việc giữ gìn vỉa hè thông thoáng.

Nếu hộ dân nào không chấp hành chúng tôi sẽ xử phạt nghiêm khắc” - ông Nguyễn Kiên Giang, đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân, cho biết.

Nhóm PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên