16/10/2016 08:11 GMT+7

Tình yêu Trường Sa nên hình nên vóc

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - “Dẫu cho có hơi muộn, nhưng tôi thật mừng khi được tham dự sự kiện khẳng định chủ quyền này ở điểm hẹn văn hóa của chúng ta” - ông Nguyễn Văn Ích, 90 tuổi, vuốt chòm râu bạc trắng cười mãn nguyện.

Các bạn trẻ trò chuyện bên ngọn hải đăng chủ quyền Việt Nam giữa lòng TP.HCM, khánh thành sáng 15-10-2016 - Ảnh: TỰ TRUNG
Các bạn trẻ trò chuyện bên ngọn hải đăng chủ quyền Việt Nam giữa lòng TP.HCM, khánh thành sáng 15-10-2016 - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông cầm chiếc máy ảnh nhỏ dạo quanh đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM), ngắm chụp các góc cạnh của ngọn hải đăng vừa được khánh thành, bấm lại vài tấm ảnh Trường Sa đang được triển lãm, hào hứng không khác gì các bạn trẻ xung quanh.

Nếu biết ông đã có thời gian dài công tác ở Văn phòng Chính phủ qua mấy đời thủ tướng, biết ông ngày nào cũng có mặt ở đường sách để mạn đàm với giới trí thức, mới hiểu vì sao ông trách “hơi muộn”.

Việc khẳng định chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa thật mạnh mẽ, việc nhắc nhớ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền thật thường xuyên là mong muốn, thôi thúc của bao nhiêu người, như ông...

Thôi thúc của hạt cát Trường Sa

Dự lễ khánh thành, ông Nguyễn Thế Kỷ, tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nói về nỗi thôi thúc trong lòng mình:

“Vùng đất nào cũng thiêng liêng, hạt cát nào cũng là quê hương, huống chi Hoàng Sa đang bị chiếm đóng, Trường Sa đang bị vây bủa, tình cảm với biển, với đảo luôn thổn thức trong lòng. Tôi được biết chất liệu xây dựng ngọn hải đăng trên đường sách chúng ta khánh thành hôm nay có pha trộn cát lấy từ đảo Trường Sa. Sự hiện diện của hải đăng vì thế mà thêm ý nghĩa, thêm thiêng liêng”.

Còn ông Nguyễn Thái Hỷ, giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, nói: “Tôi cảm ơn những người đã dùng cái tâm của mình để tạo ra sự kiện, hoạt động ý nghĩa này. Hôm nay, ở đây có những bức ảnh Trường Sa đầy cảm xúc, những cuốn sách giúp người đọc trau dồi kiến thức chủ quyền, có biểu tượng hải đăng nhắc nhở cuộc đấu tranh của chúng ta vẫn đang tiếp diễn từng ngày ngoài đầu sóng...”.

Ý tưởng về ngọn hải đăng của ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc First News, cũng bắt nguồn từ thôi thúc ấy.

Mấy năm dành tâm huyết cho tập sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử, ông đã trở thành người thân của những người lính trở về từ Gạc Ma.

Muốn tình cảm ấy được hiển hiện cụ thể, được truyền sang cho nhiều người khác một cách ấn tượng, ông Phước nghĩ đến một ngọn hải đăng trên đất liền, mang trên thân lời khẳng định chủ quyền và trên ngọn con mắt thao thức đau đáu nhìn về Biển Đông.

Ông Lê Viết Hải, giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (đơn vị tài trợ, thiết kế, thi công ngọn hải đăng), gửi gắm:

“Ánh sáng từ ngọn hải đăng trên đất liền tượng trưng cho ánh sáng của chân lý, soi tỏ đường cho công lý vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc được thực thi”.

Không chỉ là nỗi nhớ, không chỉ là hình ảnh, chữ nghĩa, âm nhạc, hôm nay, những hạt cát Trường Sa đã nên hình nên vóc trong ngọn hải đăng tỏa sáng giữa lòng đô thị Sài Gòn như vậy.

Trường Sa trong tim

Đường sách sáng thứ bảy khi nào cũng đông đúc các bạn trẻ vui cười hớn hở, điện thoại, máy ảnh trên tay tìm bắt những khung hình đẹp. Buổi sáng, sau cơn mưa trời nắng đẹp và cột hải đăng lấp lánh ngay lập tức trở thành tiêu điểm chụp ảnh của các chàng trai, cô gái.

Nhiều bạn chậm rãi đi từ đầu tới cuối dãy ảnh Trường Sa đang được triển lãm, chăm chú canh góc để chụp lại một khoảnh khắc ấn tượng: chiếc cầu vồng nối giữa con tàu và hòn đảo như thần thoại trên biển, chiếc canô dập dềnh dưới chân nhà giàn...

Giữa những tiếng trầm trồ, bỗng nghe tiếng hai cô gái trò chuyện với nhau: “Các anh đứng chào ở cầu tàu này, đây là Trường Sa Lớn. Ở đây có ngọn hải đăng tách ra bên ngoài, là đảo Đá Lát. Hình ngôi nhà mới này thấy không, chính là Đá Tây C...”.

Tôi nhìn sang, hai cô gái trẻ, một áo dài, một áo ngắn, đều là áo trắng, cổ xanh sọc trắng đặc trưng lính thủy. “Hai bạn đến Trường Sa rồi sao?”. Hai cô gái nhìn nhau cười: “Dạ không, vì tụi em yêu Trường Sa lắm nên tìm hiểu...”.

Những thông tin của các cô chứng minh ngay tình yêu ấy: Nguyễn Thị Kim Diên, 19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Thái Bình Dương (Nha Trang), địa chỉ email mang tên bangkhuangtruongsa@...; Đinh Thị Mỹ Chi, 24 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, địa chỉ emai: noiaylatruongsa@....

Đêm qua Diên lên xe khách từ Nha Trang vào Sài Gòn. 5 giờ sáng, Mỹ Chi đi từ nhà ở Củ Chi tới bến xe để đón Diên đến đường sách.

Diên say sưa kể về tình yêu của mình: từ khi lên cấp II, bắt đầu biết quan tâm đến câu chuyện biển đảo, mỗi năm hai đợt, cô ngồi viết 21 lá thư gửi đến các anh bộ đội ở 21 đảo nổi đảo chìm Trường Sa, mỗi thư kèm theo một con hạc giấy, mấy bài thơ tự sáng tác.

Từ ngày rời quê hương Ninh Thuận vào Nha Trang học đại học, mỗi khi nghe tin có tàu đưa quân về, Diên lại đón xe vào Cam Ranh đợi.

“Em yêu biển đảo, yêu các anh ấy và bây giờ thì các bạn ở cùng phòng ký túc xá với em đều đã lây tình yêu này” - Diên nói.

Diên mở trang Facebook của cô. Ngập tràn là những hình ảnh cô gái chụp trong chiếc áo lính thủy với những người lính, với bạn bè; ngập tràn là những vần thơ thô mộc mà cô viết trong nhiều vai khác nhau: người yêu của lính, anh bộ đội trên đảo nhớ nhà... Mỹ Chi ngồi bên cạnh mỉm cười.

Cô lặng lẽ tìm trong điện thoại của mình vài bức ảnh.

“Đây là Trường Sa ở nhà em”, trong ảnh là những lọ thủy tinh đựng cát đá xếp chồng lên nhau. Dưới bức ảnh, Chi viết: “Cát ở đâu mà không có, nó không có giá trị với bạn nhưng với tôi nó là vô giá. Vô giá vì nó được mang về từ Trường Sa, quần đảo thân thương, là chủ quyền đất nước”.

Chi chỉ một tấm ảnh vẽ con tàu đang vượt sóng, xa xa là hòn đảo nhỏ đợi chờ, mắt thoáng buồn: “Em có một người bạn đã đến, đã canh giữ Trường Sa và nằm lại ở đó. Mơ ước của em là được thăm đảo một lần”.

Hai cô gái đứng lên tung tăng hòa vào đám đông bạn trẻ, háo hức tự chụp ảnh: nghiêng đầu bên dãy ảnh triển lãm, tư lự bên cột hải đăng, loay hoay chụp cho trọn những hàng chữ mạnh mẽ: “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”, “Đường lưỡi bò chưa bao giờ tồn tại”…

Sáng 15-10, tại đường sách TP.HCM, ngọn hải đăng chủ quyền đã được khánh thành. Ngọn hải đăng được thu nhỏ theo nguyên mẫu hải đăng trên đảo Song Tử Tây, cao 7,4m, đường kính 1,4m, được đúc và xây dựng từ bêtông cốt sợi thủy tinh màu trắng pha cát hạt đen và cát đảo Trường Sa.

Trên thân hải đăng đúc chìm các sợi quang kết thành hình bản đồ Việt Nam và lá cờ đỏ sao vàng tỏa sáng.

Dòng chữ “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” bằng ba ngôn ngữ Việt - Anh - Trung được khắc nổi trên thân hải đăng. Phía sau là bức phù điêu hình sóng biển với hình ảnh chim bồ câu được kết bằng chữ “Hòa bình” viết bằng 43 thứ tiếng.

Cùng lúc, triển lãm ảnh “Trường Sa, nơi ta đến” của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà (Đài Tiếng nói Việt Nam) cũng được khai mạc.

Những tấm ảnh được tác giả đặt cả trái tim vào ống kính đã vẽ nên một Trường Sa đầy thử thách và lãng mạn. Triển lãm kéo dài đến ngày 29-10.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên