19/09/2016 08:24 GMT+7

Cán bộ kê khống, ém tiền hỗ trợ nông dân

KHOA NAM
KHOA NAM

TTO - Một cán bộ trong đoàn thanh tra cho biết những sai phạm nêu trên mới chỉ của một trong tổng số 15 huyện, thị xã, TP của tỉnh Kiên Giang.

Nông dân Kiên Giang rất khó khăn sau cơn đại hạn vừa qua - Ảnh: K.NAM
Nông dân Kiên Giang rất khó khăn sau cơn đại hạn vừa qua - Ảnh: K.NAM

Kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh Kiên Giang về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong sử dụng vốn theo nghị định 42 về “quản lý, sử dụng đất trồng lúa” trên địa bàn huyện Hòn Đất từ năm 2012 đến nay cho thấy 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có sai phạm.

Hòn Đất là huyện có diện tích tự nhiên và diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh Kiên Giang. Từ năm 2012 đến hết năm 2015, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành năm quyết định cấp kinh phí hỗ trợ người sản xuất lúa theo nghị định 42 cho huyện Hòn Đất với tổng số tiền trên 142 tỉ đồng.

Nông dân là “chùm khế ngọt”

Theo kết luận thanh tra, UBND huyện Hòn Đất ban hành 70 quyết định phân bổ kinh phí cho 14 xã, thị trấn để hỗ trợ các hộ nông dân và tổ chức kinh tế trồng lúa.

Đến thời điểm kết thúc thanh tra vào cuối tháng 8-2016, 14 xã, thị trấn thực hiện chi hỗ trợ trên 134,8 tỉ đồng. Hiện còn tồn đọng tại Kho bạc huyện Hòn Đất số tiền trên 7,47 tỉ đồng chưa chi hết cho dân.

Không chỉ chi hỗ trợ chậm theo quy định, cơ quan thanh tra còn phát hiện một loạt sai phạm tại tất cả các xã, thị trấn ở Hòn Đất.

Cụ thể, xã Bình Giang quyết toán không đúng thực tế số tiền 18,55 triệu đồng hỗ trợ cho 16 hộ dân. Trong số 12 hộ dân, chỉ có 4 hộ nhận tiền, 4 hộ chưa nhận do xã... quên thông báo, một hộ hoàn toàn không có thật và 7 hộ bị trùng danh sách.

Trong hai năm 2012 và 2013, xã Mỹ Hiệp Sơn quyết toán nhưng chưa chi tiền hỗ trợ cho 202 hộ dân với số tiền hỗ trợ bị ém lại xã lên tới trên 75 triệu đồng.

Năm 2014, UBND huyện Hòn Đất tổ chức kiểm tra tại xã này và phát hiện sai phạm nhưng lại không ra quyết định thu hồi mà chỉ ra lệnh miệng yêu cầu xã phải nộp trả số tiền vào kho bạc huyện, đến nay việc này vẫn chưa thực hiện.

Còn lại 12 xã, thị trấn thì lập dự toán đề nghị số hộ và diện tích cao hơn thực tế, dẫn đến cấp thừa kinh phí, không có đối tượng chi. Khi quyết toán hằng năm, các xã, thị trấn không nộp trả ngân sách mà giữ lại xã với tổng số tiền trên 3,69 tỉ đồng.

Trong đó, xã Bình Sơn “ém” trên 319 triệu đồng, Nam Thái Sơn trên 459 triệu đồng, Sơn Kiên trên 927 triệu đồng, Mỹ Hiệp Sơn trên 927 triệu đồng...

Không chỉ chính quyền kê khống, ém tiền hỗ trợ nông dân mà các doanh nghiệp trồng lúa cũng tham gia. Công ty TNHH một thành viên Nông lâm nghiệp Kiên Giang nhận tiền, hạch toán vào nguồn thu nhưng không chi cho 91 hộ trực tiếp nhận khoán trồng lúa.

Đến lúc bị thanh tra, doanh nghiệp nhà nước này mới lật đật mời 91 hộ dân đến nhận số tiền trên 370 triệu đồng. Cá nhân ông Lê Văn Nhiên, chủ nhiệm Hợp tác xã lâm ngư Rừng Xanh, nhận tiền của xã Nam Thái Sơn cấp nhưng lại để ngoài sổ sách không chi cho 69 hộ xã viên tổng số tiền 318 triệu đồng.

Chỉ xử lý hình sự 1 trường hợp

Với những sai phạm nêu trên, đoàn thanh tra kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo UBND huyện Hòn Đất kiểm điểm rút kinh nghiệm các tập thể có sai phạm.

Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và phải có hình thức kỷ luật đối với các ông: Nguyễn Văn Phát - chủ tịch UBND xã Bình Giang - với số tiền sai phạm 18,55 triệu đồng; ông Châu Thiện Vân - phó chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp Sơn - với sai phạm quyết toán khống số tiền hỗ trợ dân trên 75 triệu đồng; ông Phạm Văn Trực - chủ tịch UBND xã Nam Thái Sơn - chỉ đạo để chủ nhiệm Hợp tác xã lâm ngư Rừng Xanh chiếm dụng của xã viên 318 triệu đồng.

Đoàn thanh tra còn kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo UBND huyện Hòn Đất kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với hàng chục cán bộ ở các xã, thị trấn có liên quan tới sai phạm như đã nêu.

Trường hợp duy nhất bị đề nghị chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Kiên Giang để làm rõ sai phạm xử lý hình sự là ông Lê Văn Nhiên do có hành vi chiếm dụng tiền hỗ trợ của các hộ xã viên.

Đoàn thanh tra còn kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách nhà nước trên 3,75 tỉ đồng sai phạm, đồng thời chỉ đạo huyện Hòn Đất phải khẩn trương chi tiền hỗ trợ cho 4.743 hộ dân đến nay chưa được nhận.

Điều đáng nói, dù sai phạm như vậy nhưng nhiều cán bộ lãnh đạo xã lại được đề bạt chức vụ cao hơn ở cấp huyện.

Chẳng hạn như ông Dương Duy Bình trước đây là chủ tịch UBND xã Sơn Kiên, hiện lên chức phó phòng nông nghiệp huyện; ông Nguyễn Văn Phước từ phó chủ tịch xã Bình Sơn lên làm phó ban dân tộc huyện; ông Tạ Văn Cầu trước là chủ tịch xã Mỹ Thái, hiện giữ chức chánh văn phòng UBND huyện Hòn Đất...

Sẽ tổng kiểm tra cả tỉnh

Một cán bộ trong đoàn thanh tra cho biết những sai phạm nêu trên mới chỉ của một trong tổng số 15 huyện, thị xã, TP của tỉnh Kiên Giang. Các địa phương trong tỉnh đều ít nhiều có trồng lúa, tức là thuộc diện được hỗ trợ theo nghị định 42.

Kết luận thanh tra này sẽ được công bố rộng rãi cho cả tỉnh, sau đó 14 huyện, thị xã, TP còn lại sẽ phải tự kiểm tra, báo cáo kết quả về Thanh tra Nhà nước tỉnh Kiên Giang để tổng hợp báo cáo chủ tịch UBND tỉnh.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên