30/05/2016 08:16 GMT+7

Đại biểu phải có tiếng nói mạnh mẽ

LÊ KIÊN - THÂN HOÀNG (thực hiện)
LÊ KIÊN - THÂN HOÀNG (thực hiện)

TTO - Khi một doanh nghiệp phát ngôn thách thức kiểu “chọn cá hay chọn nhà máy?” thì các cơ quan dân cử phải có câu trả lời xác đáng là chúng ta chọn gì.

TS Hoàng Ngọc Giao - Ảnh: Lê Kiên

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về cuộc bầu cử vừa kết thúc, TS Hoàng Ngọc Giao - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển - nói:

- Theo tôi, cuộc bầu cử của chúng ta vẫn thiếu cái không khí sôi động nếu so sánh với cuộc bầu cử đầu tiên trong trong lịch sử có từ năm 1946 do Hồ Chí Minh chỉ đạo.

Tôi mong muốn tới đây Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ có tổng kết, đánh giá và kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bầu cử để chúng ta có một cuộc bầu cử “hội nhập” hơn với thế giới.

* Việt Nam chúng ta có 14 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, các nhà nghiên cứu thường nhắc đến cuộc bầu cử đầu tiên được chỉ đạo bởi Hồ Chí Minh, vào năm 1946. Cuộc bầu cử ấy rất thành công, có sự tranh cử quyết liệt của các ứng cử viên, ở Hà Nội có tới 74 ứng cử viên để cử tri bầu ra chỉ có 6 đại biểu Quốc hội, trong đó đại biểu Hồ Chí Minh đã trúng cử với tỉ lệ tín nhiệm rất cao. Ông nói gì về cuộc bầu cử này?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn. Đó là cuộc bầu cử rất thành công, lịch sử ghi lại cho thấy những người ứng cử tranh cử rất quyết liệt, họ diễn thuyết ở quảng trường, ở công viên, ở chợ, họ tranh luận với nhau trước đông đảo nhân dân.

Trong cuộc bầu cử lần đầu tiên ấy, tuy còn bỡ ngỡ nhưng nhân dân rất chủ động, bầu chọn được những nhân tài, hiền sĩ xứng đáng đại diện cho mình ở Quốc hội.

Từ kinh nghiệm quý báu của lịch sử, tôi cho rằng trong hoàn cảnh mới hiện nay, khi Việt Nam đã hội nhập với thế giới thì Quốc hội cần nghiên cứu sửa đổi toàn diện pháp luật về bầu cử, theo hướng mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cử tri đối với người ứng cử, mở rộng quyền của người ứng cử, tạo điều kiện cho họ được sử dụng bất cứ phương tiện thông tin nào để đến gần hơn với người dân, để cam kết của mình được đưa ra công chúng rộng rãi hơn.

Thiết chế hiệp thương cũng phải được tổ chức thật là dân chủ và công khai để nhân dân thấy rõ rằng việc hiệp thương đưa vào danh sách bầu cử hoàn toàn là ý chí nguyện vọng của nhân dân.

* Cử tri cả nước đã bầu chọn ra khoảng 323.000 vị dân biểu ở các cấp, ông kỳ vọng gì vào những người đại diện cho mình trong nhiệm kỳ tới đây?

- Dù cần phải sửa đổi luật pháp như đã kiến nghị nêu trên, tôi vẫn lạc quan kỳ vọng kỳ tới sẽ có thêm nhiều đại biểu có tiếng nói mạnh mẽ, được nhân dân tín nhiệm như chúng ta từng biết với các ông nghị Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông, Dương Trung Quốc, Trương Trọng Nghĩa, Lê Như Tiến...

Chúng ta đang ở vào bối cảnh khá đặc biệt, khi đã bước chân vào hội nhập và không có đường lùi, với rất nhiều vấn đề bức xúc, nóng bỏng cần phải xử lý như tình trạng nợ công, vấn nạn môi trường, biến đổi khí hậu..., đòi hỏi các cơ quan dân cử phải hoạt động chuyên nghiệp, đưa ra các quyết định kịp thời, chính xác, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Ví dụ, khi một doanh nghiệp phát ngôn thách thức kiểu “chọn cá hay chọn nhà máy?” thì các cơ quan dân cử phải có câu trả lời xác đáng là chúng ta chọn gì. Tôi hi vọng trong bối cảnh đó, các cơ quan dân cử mà đặc biệt là Quốc hội sẽ phải mạnh mẽ hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa đối với những vấn đề lớn của đất nước.

* Theo dõi quá trình vận động bầu cử thì điều dễ nhận ra nhất là nhiều ứng cử viên đưa ra chương trình hành động, lời hứa rất hay, rất “kêu”, theo ông thì làm thế nào để buộc họ thực hiện đúng lời hứa?

- Hứa là một quyết tâm chính trị của người ứng cử. Có những người còn đề nghị cử tri giám sát lời hứa của họ. Nhưng nếu họ không thực hiện lời hứa hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn lời hứa của mình thì sao?

Thực tế cho thấy không có ai bị làm sao cả, trừ một vài vị dân biểu bị loại vì phạm tội, bị xử lý hình sự.

Tôi chưa thấy ai nói là xin bà con cử tri giám sát lời hứa của tôi, nếu không thực hiện được thì tôi sẽ từ chức. Luật pháp của chúng ta cũng có quy định cử tri có quyền bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, vậy họ thực hiện quyền này theo quy trình, thủ tục nào? Đến nay không có hướng dẫn nào để thực hiện quy định này nên nó vẫn là điều luật treo.

Tính cơ cấu và tổ chức, hoạt động chưa chuyên nghiệp của hệ thống cơ quan dân cử hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến trách nhiệm của từng vị dân biểu.

Chúng ta thấy các cơ quan dân cử thì cứ xuân thu nhị kỳ họp, tỉ lệ đại biểu hăng hái phát biểu nêu lên đúng thực trạng bức xúc của dân và theo đến cùng việc giải quyết bức xúc chiếm tỉ lệ không nhiều.

Thậm chí có ông đại biểu dân cử nào nhiệt tình quá thì nhiệm kỳ sau có thể không được cơ cấu vào nữa.

Tôi nhớ mươi năm trước ở TP.HCM có ông “hội đồng Khoa” rất nổi tiếng, ông ấy rất xông xáo. Bây giờ ông Khoa đâu rồi và có bao nhiêu người như ông Khoa được nhân lên?

Ảnh: V.Dũng
Ảnh: V.Dũng

Ông Dương Trung Quốc: Phải thúc đẩy quá trình chuyên nghiệp

Tôi ứng cử đại biểu Quốc hội bốn lần tại cùng một nơi. Có lẽ đây là thuận lợi để bà con cử tri hiểu biết về mình nhiều và được trúng cử lần này. Nhưng điều đó cũng tạo áp lực không nhỏ đối với một người tham gia Quốc hội đến nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ thứ tư.

Điều quan trọng đối với một đại biểu Quốc hội được tái cử là phải nhận ra được những thay đổi tích cực và những hạn chế của chính mình.

Hạn chế của chính mình cũng như hạn chế chung mà nhiều ý kiến đã nói về Quốc hội, đó là còn thiếu tính chuyên nghiệp. Có thể nói đây là vấn đề lớn và tôi rất mong Quốc hội khóa XIV có thể nhìn nhận để sớm khắc phục.

Theo tôi, Quốc hội khóa mới chắc chắn sẽ chịu áp lực rất lớn từ phía người dân. Có thể thấy cả quá trình dân chủ hóa đang thể hiện trong hoạt động của Quốc hội, tiến trình này gần như không thể đảo ngược được và thể hiện rất rõ ràng qua từng kỳ họp, qua từng cách thức hoạt động của Quốc hội.

Nhưng điều đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân. Chúng ta đang sống trong thời đại hội nhập với thế giới, trong đó hội nhập rất nhiều giá trị phổ quát, điều này thể hiện được một cách căn bản trong Hiến pháp năm 2013.

Đó là những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân... Đây cũng là những áp lực rất chính đáng, Quốc hội cần làm sớm để niềm tin của người dân trở nên sâu sắc hơn.

Tôi cho rằng Quốc hội phải thực hiện đầy đủ quyền giám sát của mình. Những câu chuyện liên quan đến ô nhiễm môi trường gần đây, an toàn thực phẩm... có vai trò của Quốc hội là không giám sát chặt. Lúc nào cũng nghe câu chế tài chưa đủ mạnh.

Chế tài là ai - là con người. Mà con người cụ thể là ai - chính là các đại biểu Quốc hội quyết định những chuyện này. Tôi cho rằng ở đây có điều gì đó chưa nhạy bén, chưa theo kịp với đời sống.

QUỐC THANH ghi

LÊ KIÊN - THÂN HOÀNG (thực hiện)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên