29/04/2016 11:09 GMT+7

Đưa hình riêng tư của trẻ em lên mạng phải hỏi ý kiến

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Lý do, theo thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, việc sử dụng hình ảnh trẻ em dù vô tình hay cố ý đưa lên môi trường mạng đều có thể dẫn đến lợi dụng, lạm dụng, xâm hại trẻ em.

Thứ trưởng Đào Hồng Lan trả lời báo chí - Ảnh: V.V.T

Sáng 29-4, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố  một số luật và nghị quyết của Quốc hội.

Tại đây, giới thiệu về Luật trẻ em 2016, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết luật này tạo ra khuôn khổ pháp lý với những quy định đổi mới về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Trả lời câu hỏi về hiện tượng đưa hình ảnh trẻ em lên mạng xã hội, Thứ trưởng LĐ-TB&XH nói phòng chống xâm hại trẻ em là vấn đề nóng hiện nay. Mỗi công dân có quyền về đời sống riêng tư theo Hiến pháp, trẻ em cũng nằm trong số đó.

Thời gian qua, việc sử dụng hình ảnh trẻ em dù vô tình hay cố ý đưa lên môi trường mạng có thể dẫn đến lợi dụng, lạm dụng, xâm hại trẻ em.

Chính vì vậy Luật trẻ em 2016 đã nghiêm cấm công bố tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em (từ 7 tuổi trở lên) hoặc không được sự đồng ý của bố mẹ, người giám hộ.

Tuy nhiên, vì bố mẹ và người giám hộ có thể vô tình trong việc sử dụng hình ảnh trẻ em, đưa lên mạng internet, nên luật đã quy định rõ trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng.

Theo quy định của luật, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm bảo đảm để trẻ em thực hiện được quyền bí mật đời sống riêng tư của mình, trừ trường hợp cần thiết để bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Về vấn đề hiện nay đang triển khai quy hoạch báo chí và Luật báo chí 2016, vậy văn bản nào có giá trị cao hơn, Thứ trưởng Hồng khẳng định quy hoạch báo chí phải tuân thủ theo Luật báo chí.

Hiện có khoảng trên 800 cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, nhiều cơ quan hoạt động không có hiệu quả, vì vậy Bộ Thông tin - truyền thông đã nghiên cứu và đề xuất quy hoạch, sắp xếp lại cho tối ưu, đảm bảo các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và có hiệu quả.

Thông tin việc cá chết chưa đáp ứng mong muốn của công luận

Trả lời câu hỏi về cách thức Bộ Tài nguyên - môi trường tổ chức thông tin tới báo chí hiện tượng cá chết hàng loạt (chiều 27-4) có đúng quy định của Luật báo chí hay không, Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Minh Hồng nói đó không hẳn là một cuộc họp báo, về phía Bộ Tài nguyên - môi trường có thể không chuẩn bị đầy đủ nên tại cuộc gặp báo chí đã thiếu phần trao đổi (hỏi và đáp).

Mọi người đều có thể nhận thấy là chưa đáp ứng yêu cầu của một cuộc họp báo, chưa kể là nội dung thông tin được cung cấp trong thông cáo báo chí chưa đáp ứng được mong muốn của công luận.

 

 

 

 

 

 

 

 

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên