Đại biểu Dương Trung Quốc - Ảnh: Việt Dũng |
Ông Dương Trung Quốc nói: Tôi nghĩ khi tham gia vào bầu cử Quốc hội thì điều quan trọng là các ứng cử viên phải có chính kiến của mình, không thể nói chung chung là tôi muốn tham gia và hãy bầu cho tôi. Nghĩa là ứng cử viên phải có năng lực thuyết phục các cử tri về cái lợi mà mình sẽ mang lại khi tham gia vào Quốc hội.
Đây chính là chỗ liên quan đến vận động bầu cử, chương trình hành động của mỗi ứng cử viên mà trong Luật bầu cử đã có quy định. Vận động bầu cử như thế nào, sử dụng công cụ nào, diễn đàn nào, đây là vấn đề mà tôi cho rằng phải tạo ra được môi trường bình đẳng.
- Ông vừa đề cập đến bình đẳng, nhưmg thực tế đây đó vẫn còn tiếng nói phân biệt người tự ứng cử và người được giới thiệu?
+ Đó là điều khó tránh, vì “quan điểm chính thống” là một thực tế trong đời sống xã hội hiện nay. Ví dụ như tôi là ứng cử viên được giới thiệu đại diện cho một tổ chức xã hội – nghề nghiệp. Nhiều ứng cử viên khác cũng là đại diện cho một tổ chức nào đó.
Còn đối với những người tự ứng cử thì họ dựa vào đâu? Rõ ràng đó là khó khăn của họ và gần như họ phải tự mình xoay xở.
Vấn đề này phải có quá trình, và trong quá trình hiện nay tôi nghĩ rằng những người tự ứng cử phải đặt mình vào hoàn cảnh chung. Lúc này so sánh bầu cử của ta với các nước thì hơi khó, vì chúng ta có đặc thù thể chế chính trị một Đảng lãnh đạo.
- Đồng ý là có những đặc thù, nhưng cũng có những giá trị chung mà ta có thể nghiên cứu. Ví dụ như trong tranh cử thì nhiều nước tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các ứng cử viên, qua đó cử tri trực tiếp quan sát để làm cơ sở cho lá phiếu của mình, thưa ông?
+ Câu chuyện ta đang bàn là văn hoá chính trị. Có những vấn đề phải từng bước theo tập quán xã hội, nhận thức xã hội. Chắc chắn là cùng với quá trình đẩy mạnh hội nhập thì chúng ta sẽ xem xét những giá trị chung, nhưng phải gắn với hoàn cảnh Việt Nam.
- Gần đây, một vị đại diện MTTQ VN phát biểu rằng trong vận động bầu cử thì bộ trưởng cũng như dân thường, tuy nhiên chỉ có hai hình thức vận động bầu cử. Ông thấy sao?
+ Theo Luật định thì việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng hai hình thức. Một là gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử. Hai là thông qua phương tiện thông tin đại chúng.
Chúng ta không có truyền thông tư nhân nên phải có chủ trương của Nhà nước. Ví dụ chúng tôi tham gia vận động bầu cử ở địa phương thì được xuất hiện trên truyền hình Đồng Nai 10 phút, những người khác cũng vậy. Quy định như vậy ít nhiều tạo ra bình đẳng tương đối và tạo ra diễn đàn.
Đương nhiên khi ứng cử viên công bố chương trình hành động của mình thì phải có tính chuẩn mực, đảm bảo những yếu tố về mặt văn hoá, chính trị, tác động xã hội, không phải muốn nói gì thì nói theo kiểu “chém gió” cho vui.
- Hiện nay hàng chục triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội, nhưng theo quy định nêu trên thì ứng cử viên lại chưa được vận động bầu cử trên mạng xã hội. Có bất hợp lý không, thưa ông?
+ Mạng xã hội là vấn đề thời đại, cũng là vấn đề rất khó, ngay như vừa rồi sửa đổi Luật báo chí thì cũng có ý kiến khác nhau.
Dù sao, theo tôi phải coi đây là một hiện thực đang diễn ra và phải quan tâm đến nó. Chính ở đây thể hiện bản lĩnh người làm chính trị. Ai đó có thể sử dụng mạng xã hội, còn hiệu ứng như thế nào là vấn đề khác.
Vấn đề quan trọng là ý thức của cử tri. Cử tri có thể bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhưng quyết định cuối cùng là ở trách nhiệm và ý thức của cử tri.
- Ông muốn nói đến vai trò của cử tri trong bầu cử Quốc hội?
+ Là người đã ba lần ứng cử rồi, tôi nghĩ các ứng cử viên cho dù được giới thiệu hay ứng cử tự do đều phải tạo cho mình tâm thế khi tham gia ứng cử.
Tâm thế đó là gì? Đương nhiên đã tham gia ứng cử ai cũng muốn đi đến đích, muốn trúng cử, không thể nói là trúng cũng được mà không trúng cũng được. Nhưng cũng phải chuẩn bị cho trường hợp mình không trúng cử, ít nhất điều đó cũng phản ánh một sự thật là có những người giỏi hơn mình, uy tín hơn mình, được lòng dân hơn mình.
Để ứng cử viên thoải mái với tâm thế đó, có hai vấn đề quan trọng. Một là quá trình vận hành bầu cử ở các cơ quan có trách nhiệm phải tạo ra hành lang pháp lý bình đẳng, minh bạch, nghiêm túc, đúng luật.
Hai là người dân phải thực sự quan tâm và tham dự vào công việc này. Người dân phải ý thức rằng kết quả bầu cử sẽ tác động vào chính lợi ích của họ. Nếu sau này họ cảm thấy không hài lòng, thì trong cái không hài lòng đó có một phần trách nhiệm của họ.
Như vậy, điều quan trọng lúc này chính là làm sao để người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến cuộc bầu cử, từ khâu vận động bầu cử cho đến ngày đi bỏ phiếu, sao cho không còn hiện tượng bỏ phiếu hộ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận