16/03/2016 23:25 GMT+7

Luật này thực ra là dùng để quản lý báo chí

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Đó là ý kiến của ông Đỗ Danh Phương, Tổng biên tập báo Người Lao Động tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Báo chí sửa đổi ngày 16-3, do Đoàn ĐBQH TP.HCM tổ chức.

Đây là lần góp ý cuối cùng để thông qua cho dự thảo luật này trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.

“Tôi thấy, đây là Luật quản lý báo chí!”

Đó là ý kiến của ông Hoàng Chương, Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM.

Ông Chương cho rằng đối tượng của luật này là những tờ báo đang được quản lý, còn rất nhiều trang mạng khác thì không thuộc đối tượng quản lý của luật này.

Từ đầu đến cuối, là sự quản lý “sát sàn sạt”. Trong đó, dự thảo luật có nhiều chế định có vẻ chặt quá, nhưng thực ra là hổng. Vì khi luật phân chia ra báo chí thành các loại hình, phương thức báo in, nói hình, điện tử để quản lý nhưng đó là quản lý về phương thức chứ không phải là quản lý về nội dung.

Điều quan trọng là nội dung có phạm vào những điều mà báo chí không được tuyên truyền không? Rồi nội dung đó có giúp cho đất nước, xã hội, ngành không? Các cơ quan này có thấu hiểu tình cảnh của dân chúng không?

“Vậy nên, theo tôi, thiết kế như dự thảo hiện nay là sai hướng”, ông Chương phát biểu.

Ngoài ra, ông Chương cũng có ý kiến cho rằng, các loại hình thông tin hiện nay phát triển là kinh khủng, chúng ta không biết sau Facebook là gì. Có ý kiến nêu rằng có nên quản lý Facebook không? Quản lý cái gì? Nếu không quản thì chúng ta cấm báo chí tư nhân nhưng nhiều tờ báo xuất bản thông tin trực tiếp trên Facebook, thậm chí cá nhân cũng có quyền xuất bản, lan truyền thông tin, và thực tế là có những cá nhân mà Facebook của họ có lượt truy cập nhiều hơn các báo chính thức. Như vậy, phải có cơ chế quản chứ?

Ngoài nội dung trên, ông Chương cũng nêu quan điểm về việc thẻ nhà báo có phải là thẻ hành nghề không.

Ông Chương cũng nêu ý kiến phản đối điều khoản Tổng giám đốc trùm quyền lên Tổng biên tập các tờ báo, vì theo quy định, thì người chịu trách nhiệm về nội dung là Tổng biên tập. Vậy thì Tổng giám đốc thực sự không có quyền gì, thêm chức danh đó là không cần thiết.

Không cần thiết phải có luật báo chí!

Đồng ý với nhiều quan điểm của ông Hoàng Chương, ông Đỗ Danh Phương, Tổng biên tập báo Người Lao Động, cho rằng luật báo chí hiện nay thực ra là luật dùng để quản lý và siết các cơ quan báo chí.

Ông Phương kể một câu chuyện về việc trước khi xây dựng Luật Báo chí: có nhà làm luật hỏi ông là có cần thiết có một bộ luật dành cho báo chí không?, ông Phương đã trả lời rằng cần, bởi cần có hành lang để xã hội cung cấp thông tin và bảo vệ công việc của báo chí.

Tuy nhiên, trải qua thời gian áp dụng và bây giờ thì ông Phương lại thấy băn khoăn: “Vì ngay sau khi nó ra đời nó đã lạc hậu với thời cuộc. Và chúng ta hoạt động đã có các luật khác điều chỉnh”.

Lấy ví dụ về việc dự thảo luật quy định rằng điều kiện để ra báo hình là phải có phương tiện truyền dẫn phát sóng nhưng giờ thì truyền hình được truyền tải trên mạng xã hội, internet rồi. Vậy nên yêu cầu có phương tiện truyền dẫn có còn phù hợp nữa không? Ông Phương đặt câu hỏi.

“Chúng ta không thể hình dung ngày mai thế nào, vì mỗi công dân đều có thể trở thành nhà báo, vì họ có quyền chụp hình quay  phim đưa lên mạng. Còn Luật này để quản lý các tờ báo đang trực thuộc, còn những thứ mênh mông kia thì không không định hướng được”, ông Phương nêu.

Báo chí cần được chia sẻ khó khăn!

Ngoài các nội dung trên, các đại biểu tham dự cũng cho rằng nên kiểm soát báo chí bằng nội dung chứ không nên kiểm soát cơ quan thành lập báo chí.

Theo đó, nhà báo Hồng Lam, Phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng cho rằng nên có cách để quản lý cơ quan báo chí chứ không nên gom về một mối.

Đồng thời, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng báo chí trong thời gian tới phát triển sẽ rất khó khăn từ phát hành đến thu nhập của nhà báo.

Đây cũng là ý kiến của ông Đỗ Văn Dũng, Phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ, bởi hiện nay báo chí đối mặt với nhiều khó khăn, báo chí thi bị cạnh tranh bởi báo mạng, báo mạng bị mạng xã hội cạnh tranh.

Hiện nay các  tờ báo đều tìm kiếm quảng cáo và tăng nguồn thu rất cực khổ. Vậy nhà nước tiếp sức gì cho báo chí? Ông Dũng mong rằng cần phải có sự thấu hiểu để tạo sự thông thoáng, năng động và tự chủ cho các cơ quan báo chí.

Về việc, báo chí có phải là doanh nghiệp không? Thực sự thì báo chí phải xoay xở, vậy báo chí liên kết dịch vụ liên quan đến công việc để tạo nguồn thu về báo chí có được không?

“Tôi sợ rằng khi Luật có hiệu lực thì báo chí có tăng thêm nhiều loại hình khác. Ví như chúng ta bán báo, quảng cáo, rồi xuất hiện hình thức kinh doanh trên Youtube chẳng hạn. Vậy nên cần phải xem xét các yếu tố này”, ông Dũng nói.

Kiến nghị bỏ quy định báo chí phải đăng lại thông tin phản hồi

Về khoản 2 điều 44 dự thảo Luật Báo chí sửa đổi có quy định báo chí phải đăng lại thông tin phản hồi của các cơ quan tổ chức, ông Đỗ Danh Phương, Tổng biên tập báo Người Lao động, đề nghị bỏ điều khoản này, bởi thực tế kinh nghiệm làm báo của ông Phương cho thấy 90% phản hồi của các cơ quan tổ chức liên quan là không đúng.

“Báo chí cần phải được bàn bạc và xác minh đối với những ý kiến đó chứ không thể bắt đăng ngay. Bởi báo chí còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những điều mình đăng, và chịu trách nhiệm trước tòa nữa. Do đó, điều khoản này có hiệu lực thì không thể thực hiện được”, ông Phương nói.

Đồng tình với việc loại bỏ khoản 2 điều 44, ông Hồng Lam, Phó tổng biên tập báo SGGP, cho rằng bắt đăng ý kiến phản hồi vô tình lại đi PR cho các cá nhân, cơ quan tổ chức.

“Ví như đăng bài gì về giới showbiz, đăng xong người ta cứ đưa ý kiến phản hồi, cứ đăng miết thì thành PR cho họ à”, ông Lam giả thiết.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên