Một chuyến xe buýt chỉ lèo tèo vài khách - Ảnh: Hữu Khoa |
Những chuyến xe buýt tại TP.HCM đang ngày một vắng khách trong khi chủ trương mời gọi người dân tham gia phương tiện giao thông công cộng này là một trong các giải pháp hạn chế xe cá nhân, giảm kẹt xe.
Thông tin trong buổi giám sát của Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM gần đây, ông Phạm Đình Đức - trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết liên tục từ năm 2013 đến nay lượng hành khách đi xe buýt ngày càng giảm.
Riêng năm 2015 ước khoảng 323,8 triệu lượt hành khách đi xe buýt, giảm 11,7% so với năm trước.
Ngán ngẩm vì xe buýt chạy chậm
8g sáng 2-12, suốt tuyến xe buýt số 61 từ bến xe Chợ Lớn (Q.6) đến Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) dài 17,5km, chúng tôi đếm được vỏn vẹn chỉ có 14 hành khách lên và xuống trên chiếc xe rộng rinh có sức chứa 40 người này.
Tương tự, chặng về xe cũng chỉ có 19 khách. Theo bác tài, bình quân mỗi chuyến xe đón khoảng 20 khách, tức lượng khách đi tuyến buýt này chưa đến 50% công suất xe.
Cứ 8 phút tuyến buýt 61 lại có một xe xuất bến rất đúng giờ với thời gian toàn tuyến quy định là 50 phút. Thế nhưng, thực tế chúng tôi ghi nhận thời gian hành trình chuyến đi là 61 phút và chuyến về là 62 phút cho quãng đường 17,5km.
Nguyên nhân xe chạy chậm bởi đường nội đô qua quá nhiều giao lộ có đèn tín hiệu giao thông và một phần xe chạy chậm trên đoạn đường Trần Đại Nghĩa lổn nhổn đất đá do đang thi công lắp đặt cống thoát nước.
Thời gian hành trình xe buýt quá dài khiến nhiều hành khách “ngán ngẩm” xe buýt. Đi trên tuyến buýt 61, bà Nguyễn Thi Hứa - một hành khách - than phiền thường xuyên bị trễ giờ vì xe buýt.
Bà kể mấy chuyến trước bà đi từ cầu Kênh C (huyện Bình Chánh) đến đường Mai Xuân Thưởng (Q.6) dài khoảng 10km mà mất hơn 1 giờ bởi kẹt xe trên đường Trần Đại Nghĩa đang thi công. "Một phần là do lái xe dừng quá lâu ở trạm để đón khách" - bà Hứa bức xúc nói.
Chúng tôi ghi nhận quãng đường từ bến xe Lê Minh Xuân đến cầu Kênh C mặt đường rất rộng nhưng xe vẫn chạy như “rùa bò”.
Trả lời thắc mắc này, bác tài cho biết không thể chạy nhanh do quy định thời gian hành trình từ bến xe Lê Minh Xuân đến cầu Kênh C là 12 phút, nếu phóng nhanh “đụng” (gặp) xe buýt trước sẽ bị tài xế cự.
Không chỉ chuyện chạy chậm, vấn đề an ninh trên xe, thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt cũng là nguyên nhân khiến nhiều người nói chia tay với phương tiện giao thông công cộng này.
Anh Nguyễn Cao Sơn - hành khách thường đi tuyến buýt số 28 - cho biết nhiều tài xế không dừng sát lề để đón trả khách, thậm chí thấy khách đang chạy tới vẫy cũng không dừng mà bỏ đi luôn.
Còn theo một hành khách tên Huy Nguyên, sở dĩ anh không “mặn mà” bởi các tuyến buýt vẫn chưa đảm bảo an ninh, nhiều người đi xe buýt bị móc túi, quấy rối tình dục trong khi nội thất nhiều xe cũ kỹ, nhếch nhác.
Hệ thống máy lạnh trên một xe buýt tuyến 152 bị hư hỏng - Ảnh: Hữu Khoa |
Giải pháp nào để hút khách đi xe buýt?
Theo ông Nguyễn Văn Triệu - chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải 19-5 và ông Trần Trọng Thảo - chủ nhiệm HTX vận tải và dịch vụ Đông Nam, một số lái xe, tiếp viên ý thức kém, quá trình phục vụ không chấp hành những quy định và thường xuyên vi phạm nội qui đã một phần làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách.
Đồng thời theo các đơn vị xe buýt này, bên cạnh nguyên nhân chủ quan còn có nguyên nhân khách quan.
Theo ông Lê Hoàng Minh - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nguyên nhân khách quan là việc thi công, phân luồng giao thông làm cho lộ trình, thời gian đi xe buýt bị kéo dài. Thêm vào đó chuyện kẹt xe trên nhiều tuyến đường hiện gia tăng nên có tình trạng hành khách chuyển sang sử dụng phương tiện cá nhân để đi cho nhanh.
Theo ông Minh, để khắc phục các bất cập trên, Sở GTVT đang thực hiện nhiều giải pháp: hoàn chỉnh đề án quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 làm tiền đề để phát triển mạng lưới xe buýt ổn định, tổ chức sắp xếp lại mạng lưới theo hướng liên thông và phủ khắp...
Cụ thể, sẽ điều chỉnh lộ trình 12 tuyến xe buýt có trợ giá trong năm 2016 để nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút hành khách, phối hợp với các doanh nghiệp vận tải rà soát các phương tiện để đảm bảo an toàn, vệ sinh, mỹ quan trước khi xuất bến...
Cũng theo ông Minh, Sở Giao thông vận tải sẽ đẩy nhanh dự án đầu tư xây dựng hệ thống vé điện tử thông minh và tăng cường tuyên truyền vận động công nhân, học sinh, sinh viên đi làm, đi học bằng xe buýt, tổ chức kiểm tra chuyên đề về thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên xe buýt.
Bảy chiếc xe buýt “chết đứng” trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh vì kẹt xe - Ảnh: Hữu Khoa |
Hàng ngàn nhân viên xe buýt phục vụ kém bị xử lý Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, trong những năm qua đã xử lý hàng ngàn lái xe và nhân viên phục vụ xe buýt vi phạm nội quy. Cụ thể năm 2013 xử lý 12.470 trường hợp vi phạm, năm 2014 là 9.422 trường hợp và 11 tháng đầu năm 2015 xử lý 9.888 trường hợp. Các vi phạm chủ yếu liên quan chất lượng phục vụ như bỏ chuyến, không mở máy lạnh, đón trả khách không đúng trạm, có thái độ thiếu văn minh, thiếu lịch sự với hành khách. |
Người dân quá quen đi xe gắn máy Năm 2010, TP.HCM có 4,9 triệu xe cá nhân (xe gắn máy và ôtô). Năm 2013 lên 6,3 triệu xe, năm 2014 lên 6,9 triệu xe và chỉ tính đến tháng 7-2015, số xe đã tăng lên 7,2 triệu chiếc. Lượng xe gắn máy tiếp tục tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng 10%, chưa kể trên 1 triệu xe gắn máy của các tỉnh lưu thông ở TP đã tăng áp lực lên hạ tầng giao thông, cạnh tranh và làm giảm đáng kể lượng hành khách đi xe buýt. Hầu như người dân TP.HCM đã quá quen sử dụng xe gắn máy như một phương tiện đi lại đặc thù nên khó thu hút hành khách đi xe buýt. |
Hành khách đội nắng chờ xe buýt trên đường quốc lộ 1A vì không có nhà chờ - Ảnh: Hữu Khoa |
Trạm xe buýt trước Khu du lịch Suối Tiên dù có rất nhiều người đi nhưng không có nhà chờ, buôn bán lấn chiếm rất nhếch nhác - Ảnh: Hữu Khoa |
Các của kính xe buýt không còn tấm chắn nên nắng chiếu vào khiến xe nóng hừng hực - Ảnh: Hữu Khoa |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận