25/06/2015 11:39 GMT+7

ĐB Quốc hội cảm thấy bất an khi vô mạng xã hội

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 24-6, thảo luận dự án Luật an toàn thông tin mạng, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng chính mạng xã hội đã đẩy một nữ sinh Đồng Nai đến chỗ chết.

Ông Phạm Trọng Nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương - Ảnh: Việt Dũng
Ông Phạm Trọng Nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương - Ảnh: Việt Dũng

Còn đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nói về cảm nhận của ông: mỗi lần truy cập vào mạng đều thấy bất an vì có cảm giác đang bị kiểm soát.

Phải có chế tài

“Xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu” - đại biểu Hải dẫn lại lời khẩn cầu của người thân trong gia đình nữ sinh Đồng Nai, về chuyện cô bé học sinh uống thuốc diệt cỏ tự tử do không chịu được áp lực từ mạng xã hội sau khi bạn trai tung clip sex lên mạng.

Rồi bà Hải đặt vấn đề: “Có thể nói là mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh đến kết cục đau lòng như trên, nhưng câu hỏi đặt ra là có cách nào, có biện pháp nào để ứng cứu khẩn cấp đối với người thân, gia đình của em nữ sinh đó khi phát hiện vấn đề này. Cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp gì khẩn cấp để ứng cứu gia đình này không?”.

Từ câu chuyện đau lòng trên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Quốc hội bổ sung các quy định về bảo vệ thông tin riêng trên mạng Internet, bảo vệ thanh thiếu niên trước những độc hại ở môi trường này.

Là một người tham gia mạng xã hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nói: “Mỗi lần vào mạng tôi có cảm giác như sự truy cập của mình đang bị người khác kiểm soát, theo dõi, thậm chí là họ sử dụng thông tin của mình cho mục đích của riêng họ. Tôi cảm thấy bất an”. Ông Hùng cũng đề nghị quy định chặt chẽ về sự công khai, minh bạch trong cung cấp dịch vụ; các hành vi thu thập, sử dụng, lưu trữ thông tin cá nhân (cả mục đích thương mại và phi thương mại).

Còn theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) thì: “Để bảo vệ thông tin cá nhân, chỉ xét môi trường mạng, trước hết cần phân biệt hai loại thông tin cá nhân: bị động kê khai qua mạng hay chủ động đưa lên mạng để quy định rõ trách nhiệm của những người quản lý trang thông tin về đảm bảo an toàn thông tin mình tiếp nhận và thể hiện. Phải thống kê được các hành vi được coi là nguy hiểm hoặc vi phạm đe dọa an toàn thông tin, đặc biệt đối với các loại thông tin bị động đưa lên mạng để xác định chế tài cụ thể trong luật”.

Ai kiểm soát các thiết bị “nội gián” có chủ đích?

“Thưa Quốc hội, chúng ta không thể làm ngơ trước cảnh báo của các hãng bảo mật khi cho rằng Việt Nam là nước đứng đầu danh sách các quốc gia có người dùng Internet, máy tính dễ bị lây nhiễm phần mềm độc hại cục bộ cao nhất thế giới” - đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lên tiếng.

Đại biểu Nhân cảnh báo: “Ngay trong hội trường này, khi đã được phá sóng, ngắt kết nối tất cả đường truyền Internet thế nhưng nguy cơ bị tấn công cục bộ từ nguồn các máy tính xách tay khi kết nối với mạng nội bộ Văn phòng Quốc hội vẫn có thể diễn ra”.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị: “Ban soạn thảo cần quan tâm và dành một dung lượng phù hợp để chế định thêm các nội dung bảo mật, bảo an một cách đặc biệt cho hệ thống thông tin mạng và các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt là các chế định về người dùng, chuyên gia bảo mật và các thiết bị di động cá nhân được phép sử dụng trong môi trường hiện nay”.

Nhìn ra cuộc sống, ông cho rằng dạo quanh thị trường các thiết bị di động dễ dàng nhận thấy các cửa hàng bày bán công khai những loại điện thoại thông minh, cấu hình vô cùng mạnh, nhưng giá vô cùng rẻ, xuất xứ từ Trung Quốc.

Chưa kể theo thống kê có hơn 200.000 thiết bị mạng ở hộ gia đình, các công sở, các doanh nghiệp và vô số thiết bị thông minh từ lò vi sóng, tủ lạnh, tivi, camera quan sát và các thiết bị điều khiển từ xa, tất cả đều có khả năng kết nối được Internet.

Theo ông, có những lỗi phần cứng và phần mềm dính lỗ hổng bảo mật vô cùng nghiêm trọng. Nhiều mã độc được cài vào một cách có chủ đích, có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ thiết bị nào kết nối với chúng, cũng có nguồn gốc từ quốc gia này đang được lưu hành và bày bán công khai trong cả nước. Trước thực trạng đó, việc đòi hỏi người dùng phải thông minh, phải hiểu biết và có trách nhiệm để tự bảo vệ thông tin cho chính mình khi sử dụng dịch vụ và các thiết bị vừa nêu, xem ra là quy định đánh đố cần phải xem lại.

“Ai kiểm soát cho phép nhập khẩu và bày bán? Ai kiểm định các thiết bị có an toàn, có cài đặt mã độc hay không? Làm sao để kiểm soát, kiểm tra, dán tem hợp chuẩn cho các thiết bị đã và đang lưu hành hiện nay? Hoặc chí ít là đưa ra lời khuyên, khuyến cáo một cách rõ ràng cho người dùng Internet? Làm sao kiểm soát được các thông tin phản động, sai lệch, đồi trụy hay ngăn chặn nguy cơ nghiện các trang mạng xã hội, không chỉ trong giới trẻ mà thậm chí có một tỉ lệ không nhỏ là cán bộ, công chức, cả quan chức cấp cao hiện nay?...”.

Ông Nhân đòi hỏi: Cần có câu trả lời và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, trước khi luật hóa các nội dung này một cách phù hợp.

Đề nghị Quốc hội phê chuẩn 15 thẩm phán TAND tối cao

Chiều 24-6, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đã trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao. Theo tờ trình này, danh sách nhân sự được đề nghị theo quy trình và quy định pháp luật liên quan gồm 15 người. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao. Dự kiến ngày 26-6, Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của chánh án TAND tối cao về việc bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao.

Theo tờ trình của Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, danh sách nêu trên cụ thể như sau:

- Ông Bùi Ngọc Hòa, sinh năm 1955, phó chánh án thường trực TAND tối cao.

- Ông Nguyễn Sơn, sinh năm 1957, phó chánh án TAND tối cao.

- Ông Tống Anh Hào, sinh năm 1956, phó chánh án TAND tối cao.

- Ông Nguyễn Văn Thuân, sinh năm 1958, phó chánh án TAND tối cao.

- Ông Nguyễn Văn Hạnh, sinh năm 1959, phó chánh án TAND tối cao, chánh án Tòa án Quân sự trung ương.

- Ông Nguyễn Trí Tuệ, sinh năm 1963, vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ TAND tối cao.

- Bà Lương Ngọc Trâm, sinh năm 1966, chánh tòa tòa hình sự TAND tối cao.

- Ông Lê Văn Minh, sinh năm 1964, viện trưởng Viện Khoa học xét xử TAND tối cao.

- Ông Nguyễn Văn Du, sinh năm 1963, chánh tòa Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội.

- Ông Chu Xuân Minh, sinh năm 1956, hiệu trưởng Trường Cán bộ tòa án.

- Ông Đặng Xuân Đào, sinh năm 1955, chánh tòa Tòa kinh tế TAND tối cao.

- Ông Trần Văn Cò, sinh năm 1958, chánh tòa Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM.

- Bà Nguyễn Thúy Hiền, sinh năm 1960, thứ trưởng Bộ Tư pháp.

- Bà Đào Thị Xuân Lan, sinh năm 1961, ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp của Quốc hội.

- Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, sinh năm 1960, đại sứ Việt Nam tại Đức.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên