09/06/2015 08:02 GMT+7

Hồi phục nhờ... uống thuốc khỏe

VÕ VĂN THÀNH - LÊ KIÊN
VÕ VĂN THÀNH - LÊ KIÊN

TT - Sự phục hồi kinh tế  hiện nay chủ yếu vẫn chỉ là tăng trưởng về số lượng, chưa thay đổi về chất lượng và sức cạnh tranh...

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 8-6, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao những chủ trương, chính sách cũng như nỗ lực điều hành đã giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng. 

Tuy nhiên, trước những khó khăn tồn tại, đại biểu hối thúc Quốc hội, Chính phủ phải tiến hành cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa.

“Sự phục hồi kinh tế hiện nay nhờ... uống thuốc khỏe, còn ứng phó thụ động tình huống suy thoái xảy ra, chưa vận hành lành mạnh theo một lộ trình với những biện pháp chủ động, đồng bộ. 

Phục hồi chủ yếu vẫn chỉ là tăng trưởng về số lượng, chưa thay đổi về chất lượng và sức cạnh tranh, cơ cấu và mô hình tăng trưởng cũ, sau hai năm tái cơ cấu hầu như vẫn chưa có chuyển biến căn bản” - đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhận định.

Vực dậy doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ông Nghĩa chỉ ra tình trạng mất cân đối giữa khu vực sản xuất nội địa và khu vực FDI ngày càng sâu sắc. Cơ cấu xuất nhập khẩu vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lạc hậu. Điểm bất cập lớn nhất của chất lượng xuất khẩu là tập trung hàng nông sản sơ chế, trong khi đó lại nhập hàng trung gian nhiều, chủ yếu là linh kiện lắp ráp phụ tùng, gia công và đầu vào cơ bản cho nông nghiệp.

“Cơ cấu nhập khẩu như vậy chỉ phục vụ cho một nền kinh tế thụ động, việc tham gia chuỗi giá trị mới của thế giới rất hạn chế, trình độ công nghệ sản xuất vẫn dưới mức trung bình của các nước” - ông Nghĩa bình luận.

Hiến kế cho Quốc hội và Chính phủ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng cần có giải pháp cụ thể để vực dậy khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, sớm có gói hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp ổn định từ 5 - 10 năm, để qua đó doanh nghiệp mua sắm thiết bị, trang bị công nghệ hiện đại mới mong đứng vững được trong hội nhập.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nêu đề xuất Quốc hội cần có nghị quyết về nông nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho nông nghiệp VN hội nhập sâu thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đổi mới cách viết báo cáo, bao quát hơn, đầy đủ hơn và hài hòa giữa các lĩnh vực. Nhiệm vụ, giải pháp thì cần có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể, rõ ràng, có phân công và lộ trình thực hiện để có cơ sở theo dõi, so sánh và đánh giá trách nhiệm

Phó chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN
Trạm thu phí số 2 đường Hồ Chí Minh

Căn cứ nào quy định trạm thu phí cách nhau 70km là phù hợp?

Đề cập các trạm thu phí BOT, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) một mặt cho rằng một số tuyến đường BOT đã phát huy tác dụng tốt, mặt khác cho biết cũng là BOT mà người dân đã phản ứng như với các tuyến đường BOT qua quốc lộ 1, quốc lộ 14. Cử tri phản ứng vì sao? Vì phí chồng lên phí và làm tăng giá thành sản xuất, công dân bị hạn chế một phần quyền tự do đi lại đã được Hiến pháp ghi nhận và đảm bảo.

“Tôi đề nghị Chính phủ cần lắng nghe và nghiên cứu vấn đề này” - ông Bùi Mạnh Hùng nói.

Theo ông Hùng, cần xác định tiêu chí để các tuyến đường có được đầu tư BOT hay không. Một trong những tiêu chí là không được mở BOT ở các tuyến đường giao thông độc đạo, chỉ mở BOT khi người dân có quyền chọn một trong hai phương án: một là đóng phí để đi nhanh, thuận lợi; hai là không đóng phí thì vẫn có đường khác để đi.

Ví dụ như tuyến đường TP.HCM - Trung Lương, ai đóng phí thì được đi đường cao tốc, còn ai có thời gian thì đi theo hướng quốc lộ 1 không phải thu phí.

Ông Hùng cũng đề nghị xem xét lại hiệu quả và tính hợp lý của các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, nên có lộ trình mua lại các trạm thu phí này. “Tôi không hiểu vì sao, căn cứ khoa học nào mà Chính phủ lại đề ra tiêu chí các trạm thu phí chỉ cần cách nhau 70km là phù hợp?” - ông Hùng đặt câu hỏi.

VÕ VĂN THÀNH - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên