28/04/2015 09:00 GMT+7

“Bò giống giúp người nghèo biên giới”: Chung tay cùng “Miền đá xám”

KD (Nguồn: Viettel)
KD (Nguồn: Viettel)

Trên đá, dưới đá, đâu đâu cũng là đá, đá bao đời vây hãm, đưa Hà Giang vào nghèo túng triền miên. Người Hà Giang cần lắm sự chung tay để bớt khó khăn.

Đã có nhiều chương trình đầu tư, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tìm đến vùng đất này, trong đó có Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel với chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”. Cái tên chương trình đã nói lên tất cả, họ đến, không với mục đích gì ngoài người nghèo biên giới và sự vững chãi của biên cương – phên dậu Tổ quốc!    

Biên cương - Những cột mốc sống

Nói đến Hà Giang, ai cũng biết, đấy là miền phên dậu Tổ quốc, nơi được mệnh danh là “Miền đá xám”. Từ dốc Bắc Sum, vốn được mệnh danh là “Đại hùng quan về dốc” dẫn lên 4 huyện vùng cao là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, trùng trùng điệp điệp là đá. Người ta nói, ở Hà Giang mùa nào cũng khổ, Hạ có khổ của Hạ, Đông có nỗi khổ của mùa Đông. 

Với 277,934 km đường biên giới, Hà Giang là nơi cư ngụ của 23 dân tộc anh em. Nói như ông Vù Mí Kẻ, một nhân vật hết sức nổi tiếng, một thời là cận vệ uy tín của vua Mông Vương Chí Sình, được Đảng giác ngộ, sau đó trở thành Phó Chủ tịch Tỉnh và Đại biểu Quốc hội thì: Mỗi người dân, mỗi dân tộc trên đây được ví như một cột mốc sống của miền biên ải. Có họ, phên dậu quốc gia mới vững, mới khẳng định được chủ quyền, tuy nhiên cuộc sống bao đời nay của họ lại hết sức khốn khó. Vậy nên, cần có những chủ trương, những tấm lòng và sự quan tâm đến họ để họ vượt khó mà ở lại!

Để người dân vùng cao Hà Giang tồn tại được và bám trụ, nhiều vấn đề “Quốc kế dân sinh” cũng đã được đưa ra; cùng với đó, là sự tăng cường của rất nhiều cán bộ từ Trung ương. Cách đây gần 10 năm về trước, sau khi “nắm đũa mà so cột cờ”, Trung ương đã điều lên Hà Giang một cán bộ được coi là “nói được, làm được”. Vị cán bộ này lên, sau nhiều đêm gác tay chau mày cùng gió núi, cái đầu tiên ông nghĩ đến, đưa ra và quán triệt ấy là phải tạo sinh kế và điều kiện cho dân bám bản, bám đất, bám biên giới. “Mái nhà, bể nước, con bò” là chiến lược được xác định ngày ấy ở cao nguyên đá Hà Giang và nhận được rất nhiều ủng hộ, người dân vùng cao thì đồng tình!

Bằng sự kêu gọi, bằng việc ròng rã nối nhịp gần 400km từ Hà Giang về Hà Nội, với 12 tiếng đồng hồ “chi phí” để đi lại, tính đến nay, mái nhà, bể nước đã được Chính phủ đầu tư, dần đến với dân và “phủ sóng” hầu như trọn vùng cao nguyên đá này. Nhưng “chiến lược” về con bò, tạo sinh kế, để lấy sức cày, lấy phân bón và thu nhập lớn cho người dân trên đây sau 10 năm vẫn là bài toán khó.

Trao đổi về vấn đề này, gần đây, trong một cuộc trò chuyện, ông Đàm Văn Bông, Chủ tịch tỉnh Hà Giang đã chau mày cho biết: “Hiện tại việc đầu tư cho dân, trong đó có cả con bò của chiến lược “Mái nhà, bể nước, con bò” đang gặp khó khăn. Tính đến thời điểm này, ngân sách tỉnh Hà Giang tổng thu mới được 1.500 tỷ/năm, trong khi đó để chi thường xuyên đã lên đến 9.000 tỷ. Cái khó bó cái khôn là ở chỗ đó”.

Viettel chung tay cùng miền đá xám

“Mái nhà, bể nước, con bò” để tạo điều kiện, sinh kế cho dân mới thực hiện được 2 phần. Phần quan trọng nhất để trợ sức cho sản xuất và tạo nguồn thu lớn cho các hộ dân là con bò, hiện nay Hà Giang đang phải tự lực cánh sinh. Cũng vì cái chuyện “đi mắc núi, ở lại mắc sông” giữa con bò và nguồn tiền này mà hơn 10 năm thực hiện, đến nay, số bò của chương trình “Mái nhà, bể nước, con bò” của Hà Giang “mới phủ” được cho 6.661 hộ nghèo của Mèo Vạc và 1 phần nhỏ số hộ nghèo ở Đồng Văn. Theo lộ trình, nếu để “phủ kín” bò cho 43.800 các hộ nghèo hiện nay trong toàn tỉnh thì sẽ khó có ai ấn định được thời mốc ở cái tỉnh mà khó khăn được ví… nhiều như đá núi này!

Đang lúc khó khăn niềm vui đã đến cùng người dân vùng phên dậu Hà Giang. Ấy là khi chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” được triển khai tại 11 tỉnh biên giới phía Bắc và Tây Bắc, trong đó có Hà Giang.

Viettel trao tặng bò

Theo ông Triệu Quốc Lương, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang thì chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đến với miền phên dậu này thực sự trở thành cơ hội cho các hộ dân nghèo trong 10 huyện trên tổng số 12 huyện thị hiện có của Hà Giang. Đây là việc làm có ý nghĩa, giúp nhanh chóng xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân các huyện, đặc biệt là những huyện đặc biệt khó khăn như Mèo Vạc, Đồng Văn… Giúp người dân nơi đây có động lực để từng bước thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi như chủ trương của Đảng và Nhà nước!

Niềm vui của người dân khi nhận được bò giống

Một ngày tháng Tư, nắng bất thường như dội lửa xuống miền biên ải Hà Giang cũng không làm ông Cao Văn Kho, Giám đốc Trung tâm Viettel huyện Vị Xuyên giảm đi những phấn chấn với công việc trao bò trong chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” mà Viettel là đơn vị đảm bảo kinh phí thực hiện chương trình. 

20 con bò khỏe mạnh đã được trao tận tay cho người dân Minh Tân – vùng chiến địa một thời của chiến tranh biên giới. Đánh giá về chương trình, ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch huyện Vị Xuyên khẳng định, việc trao tặng bò của chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” này cũng là một nghĩa cử cao đẹp!

Đồng chí Sùng Mí Lình ở Đồn biên phòng Săm Pun (Mèo Vạc, Hà Giang) đang hướng dẫn bà con chăm sóc bò 

Không chỉ có Minh Tân, sẽ có 65 con bò của chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” được trao ngay trong tháng Tư cho bà con ở Thanh Thủy, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải (huyện Vị Xuyên) đem lại sinh kế cho những hộ nghèo.

KD (Nguồn: Viettel)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên