31/03/2015 10:17 GMT+7

​Dựa vào luật pháp quốc tế để xử lý xung đột

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Đó là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”.

Phiên họp Ủy ban thường trực về dân chủ và nhân quyền. Trong ảnh: đại biểu Cuba biểu quyết tại phiên họp - Ảnh: TTXVN

Dự thảo được Ủy ban thường trực về dân chủ và nhân quyền IPU-132 thông qua ngày 30-3 tại Hà Nội.

Điều đáng chú ý là dự thảo nghị quyết này từng được đưa ra tại Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 131 (IPU-131) nhưng không được thông qua.

“Lý do là các quốc gia có nhiều quan điểm khác nhau, có quốc gia đề cao luật pháp quốc tế, có nước đề cao chủ quyền quốc gia, có quốc gia đề cao quyền con người, có quốc gia lại không đặt trong quan hệ tương hỗ giữa ba yếu tố luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người nên có những quan điểm khó dung hòa” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội VN Lê Minh Thông giải thích.

Tuy nhiên sau khi thảo luận, dự thảo nghị quyết được Ủy ban thường trực về dân chủ và nhân quyền IPU-132 thông qua (với 38 phiếu thuận, 3 phiếu chống, 10 phiếu trắng) để trình lên đại hội đồng.

Nghị quyết nhấn mạnh các quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế và xem luật pháp quốc tế là một công cụ để điều chỉnh và xử lý các xung đột; nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền quốc gia, các quốc gia không được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

Nghị quyết còn nêu rõ luật pháp quốc tế và quốc gia phải luôn lấy quyền con người làm trung tâm, xem quyền con người phải là yếu tố căn bản của cuộc sống ngày nay.

Tại phiên thảo luận chung IPU-132, các đại biểu tập trung vào công tác chống khủng bố và coi đây là công việc cấp bách mang tính toàn cầu.

Đại diện đoàn Trinidad và Tobago, ông Kwwasi Mutema kêu gọi cộng đồng quốc tế có phản ứng mạnh mẽ hơn nữa và không được làm ngơ trước các hành động khủng bố tàn bạo gieo rắc đau thương và cướp đi mạng sống của nhiều người ở nhiều quốc gia.

“Chúng ta phải duy trì bền bỉ cuộc chiến chống khủng bố. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang là một tổ chức khủng bố nguy hiểm hàng đầu thế giới, nhưng lại thu hút không ít thanh niên ở nhiều nước tham gia.

Tại sao chúng có thể tuyển được thanh niên ở châu Âu, châu Á, châu Phi? Có những thanh niên đã vượt qua hàng nghìn cây số để gia nhập tổ chức của IS. Các quốc gia cần phải xem xét lại chính sách của mình” - ông Kwwasi nói.

Bên cạnh các hoạt động chung của IPU-132, hôm qua hoạt động đối ngoại song phương giữa các lãnh đạo nước chủ nhà VN và nhiều đoàn quốc tế cũng diễn ra cấp tập.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đoàn đại biểu cấp cao Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các quan chức cấp cao của Quốc hội Hungary và Indonesia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hội đàm với chủ tịch Quốc hội Lào, tiếp chủ tịch Hạ viện Indonesia, chủ tịch Hạ viện Pakistan, chủ tịch Thượng viện Vương quốc Morocco, chủ tịch Hạ viện Algeria, chủ tịch Hạ viện Sudan...

Các hoạt động trong khuôn khổ IPU-132 tiếp tục trong hôm nay (31-3).

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên