22/09/2014 00:01 GMT+7

Chỉ dẫn địa lý - “số nhân” cho giá trị nông sản

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cần biết - Cùng với việc phát triển các chỉ dẫn địa lý cho nông sản thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng chế biến sâu sẽ tạo được giá trị gia tăng theo cấp số nhân cho sản phẩm.

Chỉ dẫn địa lý được hiểu như việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, nhưng chứng nhận này còn cụ thể hơn vì sau khi sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý, người tiêu dùng còn có thể biết rõ nguồn gốc sản phẩm từ vùng lãnh thổ, quốc gia, địa phương, thậm chí là từ hộ sản xuất nào...

Việt Nam có hàng ngàn sản phẩm đặc sản của vùng miền, chủ yếu là nông sản nhưng đến nay chúng ta mới đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý được 38 sản phẩm trong nước. Tuy số lượng sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý không nhiều nhưng sự “hấp dẫn” từ những sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý là rất lớn đối với các doanh nghiệp nhạy bén với thị trường.

Không phải tự nhiên các nông sản trên thị trường được gắn mác đặc sản địa phương như: nước mắm Phú Quốc, chè San Tuyết Mộc Châu, chè Tân Cương, vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận, quýt Bắc Kạn… lại có giá trị cao hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Chất lượng đã làm nên thương hiệu các vật phẩm này và quan trọng hơn, đây là các sản phẩm đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý trong nước để sẵn sàng xuất khẩu ra thế giới.

Việc các thương lái ồ ạt “mượn” các nhãn mác này gắn cho sản phẩm của mình đã chứng tỏ sự hấp dẫn về thương mại của những thương hiệu này. Nhưng những doanh nghiệp, cá nhân tự ý gắn nhãn mác những thương hiệu được chứng nhận chỉ dẫn địa lý có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (tịch thu sản phẩm vi phạm, tiêu hủy sản phẩm và phạt tiền).

OtCxorjj.jpg

Mức xử phạt cao nhất với doanh nghiệp vi phạm là 500 triệu đồng, với cá nhân là 250 triệu đồng (Căn cứ vào Nghị định 99/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp). Hiệp hội ngành hàng có thể kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người tiêu dùng mua nhầm sản phẩm “nhái” thương hiệu được chỉ dẫn địa lý có thể áp dụng Luật Bảo vệ người tiêu dùng để đòi lại quyền lợi chính đáng.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ với giá trị giao dịch thương mại hàng năm ước đạt 50 tỷ USD. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, trung bình giá trị tạo ra ở nơi xuất xứ sản phẩm chỉ nhỏ hơn 10%, trên 65% giá trị nằm ở công đoạn chế biến, phân phối tại các thị trường tiêu thụ. Do vậy, việc xác lập chỉ dẫn địa lý ngày càng trở nên có ý nghĩa hơn.

Đồng thời, cùng với việc phát triển các chỉ dẫn địa lý cho nông sản thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng chế biến sâu sẽ tạo được giá trị gia tăng theo cấp số nhân cho sản phẩm.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên