21/11/2016 07:19 GMT+7

Ngộp thở với chung cư do quy hoạch đường trên giấy?

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - MẠNH KHANG

TTO - Người dân khổ sở vì chung cư phát triển ồ ạt nhưng thiếu không gian sinh hoạt chung, thiếu chỗ để xe, không đồng bộ với hạ tầng giao thông, thiếu mảng xanh,...

Thiếu chỗ để xe, ôtô đỗ tràn lan, ùn ứ tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Thiếu chỗ để xe, ôtô đỗ tràn lan, ùn ứ tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

"Hệ thống quy hoạch chung của thành phố đều đã tính toán đến vấn đề giao thông, năng lượng, điều cơ bản nhất là các chung cư phải xây dựng tuân thủ theo quy hoạch chung này".

KTS Khương Văn Mười

Theo các chuyên gia, nhiều TP lớn ở VN đang rơi vào tình trạng  quy hoạch chung cư dày đặc. Thực tế, tại nhiều khu vực, tốc độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không bắt kịp tốc độ phát triển các dự án chung cư. Người dân chỉ biết “kêu trời” vì mệt mỏi, điều kiện ăn ở, sinh sống không được như mong muốn.

Quảng cáo một đường, thực tế một nẻo

Nhiều bạn đọc ngán ngẩm: Lúc mua chung cư thì nghe quảng cáo chất lượng sống tuyệt vời nhưng khi vào ở rồi mới biết khổ trăm bề: ngập nước, kẹt xe, ồn ào, phí dịch vụ cao…

Hầu hết bạn đọc cho rằng tốc độ mở rộng đường, trường học, bệnh viện, hệ thống cây xanh quá kém trong khi tốc độ phát triển chung cư tăng gấp hàng chục lần. Chung cư bây giờ mọc cứ san sát nhau, nhiều chung cư không có khoảng không cây xanh, sân chơi cho trẻ em, người già.

Theo anh Hoàng Lâm (Q.7, TP.HCM), cao ốc và chung cư cũng là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông. Đâu đâu cũng cho xây dựng chung cư, cao ốc. Nếu cấp phép xây dựng chung cư nhưng việc mở rộng mặt đường không theo kịp thì tất yếu dẫn đến tình trạng kẹt xe.

Anh Lâm cho rằng, quy hoạch đường xá và khu dân cư cần tính toán kỹ lưỡng số lượng người dân sẽ vào sống, dân vãng lai đến làm việc, liên hệ công việc và dân đi lại ngang các tuyến đường.

Cơ sở hạ tầng phải đi trước công trình xây dựng

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, hiện nay các quy định của Bộ Xây dựng về cấp phép công trình, dự án còn nhiều lỗ hổng, chưa đưa ra tiêu chuẩn cụ thể về cơ sở vật chất hạ tầng trong khu vực có công trình xây dựng.

Chính điều này là áp lực đối với các cơ quan cấp phép, không thể không cho phép xây dựng khi chưa có quy định cụ thể.

“Nhiều trường hợp cấp phép công trình xây dựng lại dựa vào quy hoạch trong tương lai. Chẳng hạn, con đường này trong vài năm tới sẽ được mở rộng cho nên sẽ vẫn cấp phép xây dựng cho các công trình trong khu vực đó dù hiện tại đường vẫn chưa mở.

Điều này là không được phép bởi khi cấp phép phải dựa trên cơ sở hạ tầng hiện hữu, chứ không phải trong tương lai”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Giao thông bên các tòa chung cư khu vực Trung Hòa- Nhân Chính (Hà Nội). Ảnh: Nam Trần

Giao thông bên các tòa chung cư khu vực Trung Hòa- Nhân Chính (Hà Nội). Ảnh: Nam Trần

KTS Nam Sơn nêu ví dụ, nếu có chuyện bất trắc, xảy ra cháy nổ nhưng  xe chữa cháy không vào được do đường quá nhỏ thì phải làm sao, nhà đầu tư hoặc cơ quan cấp phép xây dựng có chịu trách nhiệm?

Tiếp theo nữa là vấn đề điện nước, thu gom rác thải, khu vực ấy liệu có đảm bảo khả năng cung cấp cho một công trình đông dân cư hay không? Địa phương phải đảm bảo vấn đề này thì công trình mới được cấp phép. 

Theo ông Nam Sơn, đây là vấn đề thuộc về cách quản lý, chúng ta thường dựa trên giấy tờ chứ không dựa vào thực trạng. Cần ngay lập tức đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng để ngăn chặn tình trạng nhiều công trình mọc lên vô tội vạ nhưng không được đảm bảo về an toàn phòng chống cháy nổ, cơ sở vật chất cũng như môi trường đô thị.

“Nguyên tắc là cơ sở hạ tầng phải đi trước công trình, dự án. Nếu hạ tầng chưa xây dựng xong thì nhà đầu tư buộc phải chờ, còn nếu muốn việc xây dựng nhanh chóng hơn thì có thể góp vốn, sau này nhà nước sẽ trừ vào tiền thuế”, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết.

Người dân đóng vai trò quyết định

Hà Nội đã yêu cầu không đặt trụ sở doanh nghiệp tại chung cư. Ảnh minh họa: tại một chung cư ở Tp.HCM. Ảnh tư liệu Tuổi trẻ

Hà Nội đã yêu cầu không đặt trụ sở doanh nghiệp tại chung cư. Ảnh minh họa: tại một chung cư ở Tp.HCM. Ảnh tư liệu Tuổi trẻ

Ở một khía cạnh khác, theo KTS Khương Văn Mười- phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN - hiện trạng chung cư mọc “dày đặc” nhưng thiếu thốn đủ bề ngoài lý do bị yếu tố lợi nhuận chi phối còn do nhu cầu nhà ở của người dân cao.

KTS Khương Văn Mười khuyên người dân khi mua nhà nên để ý đến những yếu tố về cơ sở hạ tầng, môi trường, giao thông và an toàn phòng chống cháy nổ, an ninh đô thị. Đừng chỉ xem xét ở khía cạnh căn hộ có tiện nghi, có đẹp hay không, đến khi sinh sống mới phát hiện nhiều điều bất tiện.

“Quyền lựa chọn nằm ở người mua, nên chọn những chung cư đảm bảo các yếu tố trên. Nếu có thể, hãy chọn những khu chung cư ở xa trung tâm đô thị, giá vừa rẻ, lại vừa có quỹ đất để xây dựng nhiều công trình như công viên, khu sinh hoạt, trường học,…”, ông Khương Văn Mười nói.

Theo ông Mười, trong một cộng đồng phát triển, người với người phải cùng chia sẻ lẫn nhau. Nhà đầu tư bên cạnh chuyện tính toán lợi nhuận phải có trách nhiệm xã hội. Người dân cũng phải có nhận thức, họ cũng có vai trò quyết định trong việc giữ gìn môi trường chung cư sạch đẹp.

Phòng cháy chữa cháy phải chuẩn

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, ở các đô thị phát triển trên thế giới, bất kỳ công trình xây dựng nào cũng phải đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Nếu đường vào công trình quá nhỏ, xe chữa cháy không vào được, lối thoát hiểm không có thì công trình sẽ không được phép xây dựng hoặc buộc phải lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động cho toàn công trình. Ở VN vấn đề này còn lỏng lẻo, quy định về phòng cháy chưa chặt chẽ.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> KTS Khương Văn Mười: 

>> KTS Ngô Viết Nam Sơn: 

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục