05/09/2016 16:17 GMT+7

Học trước nửa tháng thì khai trường còn ý nghĩa gì

VÕ HƯƠNG - HOÀNG HƯƠNG - MẠNH KHANG - ĐOÀN CƯỜNG - THANH TRÚC
VÕ HƯƠNG - HOÀNG HƯƠNG - MẠNH KHANG - ĐOÀN CƯỜNG - THANH TRÚC

TTO - Học sinh tham gia lễ khai trường khi đã đi học trước đó hai tuần. Nhiều em ngáp ngắn ngáp dài, có em đòi phụ huynh xin phép nghỉ vì lễ khai trường không ... háo hức. Tại sao vậy?

Một em học sinh ngáp khi tham dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM sáng 5-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các em học sinh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM sáng 5-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại Đà Nẵng, sau nhiều năm học sinh phải tập trung học 2 tuần trước rồi mới khai giảng, năm học 2016-2017 là năm đầu tiên Đà Nẵng cho học sinh được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè, không tổ chức dạy trước cho các em. Học sinh Đà Nẵng tựu trường ngày 1-9, ngày 5-9 khai giảng.

Nói về việc cho học sinh được nghỉ đủ 3 tháng hè, thầy Đặng Nhứt - hiệu trưởng trường tiểu học Trần Văn Ơn, Hải Châu, Đà Nẵng, cho rằng đây là một chủ trương hoàn toàn hợp lý. 

Học rồi mới khai trường để làm gì?

Nhiều phụ huynh cho rằng để ngày lễ khai trường có ý nghĩa, ngày khai trường phải là ngày đầu tiên học sinh đi học hoặc quay lại học, được gặp lại thầy cô, bạn bè.

Anh Trọng Hoàng (Q.7, TP.HCM) nói: “Bao năm nay, học sinh phải đi học từ 15-8, vậy ngày lễ khai trường 5-9 còn gì ý nghĩa gì? Đã học từ trước thì việc khai trường sớm hay muộn có còn quan trọng nữa không? Người ta khai trường rồi mới bắt đầu đi học, như vậy mới gọi là ngày khai trường - ngày bắt đầu của một năm học mới”.

Bạn Tuấn Anh (ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Lúc trước, khi còn học tiểu học thì ngày khai trường cũng chính là ngày đầu tiên chúng tôi đến trường. Lúc đó tôi cảm thấy rất vui, rất háo hức và hạnh phúc vì mình được gặp lại bạn bè, thầy cô, trường lớp. Ai qua những tháng hè cũng nhớ trường, nhớ lớp lắm".

Rất nhiều phụ huynh bức xúc: “Học cả tháng rồi mới khai trường thì quá hình thức. Lễ khai trường không còn ý nghĩa như ngày xưa..."

Đâu cần học sớm?

Năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có chủ trương đúng khiến đông đảo phụ huynh đồng tình là các trường tổ chức lễ khai giảng năm học vào ngày 5-9, không mời lãnh đạo phát biểu trong lễ khai giảng. 

Trước đó học sinh các trường đã bước vào chương trình học của học kỳ 1 từ ngày 15-8.

Ông Đỗ Minh Hoàng - chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết theo quy định của Bộ GD-ĐT, các địa phương có thể ấn định ngày tựu trường từ ngày 1-8 nhưng TP.HCM chọn ngày 15-8.

Nguyên nhân của việc tựu trường rồi mới khai giảng - theo Bộ GD-ĐT - là để giảm tải cho học sinh. Tức là trong bối cảnh chưa thể thay đổi chương trình ngay thì Bộ điều chỉnh về thời gian năm học để các trường có điều kiện thuận lợi chuyển tải kiến thức cho học sinh. Ví dụ: bài A trước đây chỉ dạy 1 tiết nhưng bây giờ có thêm thời gian các trường có thể kéo dài thành 1,5 hoặc 2 tiết.

Tuy nhiên, việc tựu trường sớm rồi mới khai giảng theo nhiều phụ huynh là chưa hợp lý. "Mấy năm nay tôi theo dõi hai con học, năm nào cũng thấy hai cháu ở hai khối lớp khác nhau thi xong học kỳ 2 vào cuối tháng 4. Cả một tháng 5 các cháu vẫn đến trường đi học tiếp nhưng học rất ít, chủ yếu là vô chơi, đến gần cuối tháng 5 mới được nghỉ hè. Vậy có lý do gì mà không tịnh tiến thời gian học bắt đầu học vào đầu tháng 9 và giãn ra trong tháng 5?" - bạn đọc Đức Duy nói.

Khai giảng không phải là ngày tựu trường, một số phụ huynh cho rằng như vậy sẽ làm mất cảm xúc của học sinh và mất đi ý nghĩa của ngày khai giảng.

Rất nhiều học trò ngáp như thế này trong ngày khai giảng. Trong ảnh: học sinh vào lớp 1 sáng 5-9 tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Huế - Ảnh: Xuân ĐạtHọc sinh vào lớp 1 sáng 5-9 tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Huế - Ảnh: Xuân Đạt

Nhiều trường dạy trước

Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh - viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người - cho rằng ngày trước, lễ khai trường là thời điểm học sinh bắt đầu đi học nên để lại ấn tượng đặc biệt với các em, nhất là các em vừa chuyển cấp.

Ngày nay, các trường phải tranh thủ tổ chức học sớm là vì muốn ổn định sĩ số học sinh, muốn học sinh và phụ huynh làm quen với các nội quy và nắm các khoản đóng góp trong năm học.

Nhiều trường tạm thời giảng dạy một số tiết để học sinh được làm quen và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào lớp học, số khác lại cho học sinh tập văn nghệ, đội hình đội ngũ để chuẩn bị cho ngày khai trường. “Do vậy, chúng ta có cảm giác học sinh không còn hứng khởi trong ngày tựu trường”, ông Kỳ Anh khẳng định.

Theo ông Kỳ Anh, tốt nhất là khai trường xong thì học sinh mới bắt đầu học nội quy, chấn chỉnh mọi việc và vào học chính thức. Tuy nhiên, do chương trình học nếu để đến ngày khai trường mới bắt đầu thì sẽ mất rất nhiều thời gian, do đó nhiều trường đối phó, thậm chí các sở, phòng giáo dục cũng đối phó để các trường tổ chức dạy và học trước dù chưa làm lễ khai trường.

PGS.TS Nguyễn Thành Vinh - trưởng khoa quản lý Học viện Quản lý giáo dục - cho rằng một số trường vì điều kiện đặc thù tập trung học sinh sớm để tránh lũ, tránh đông hay ôn tập cho các em là tố, nhưng đa số các trường lại tổ chức tập trung quá sớm. Nhiều em học sinh thắc mắc “Học mãi rồi mới khai trường”, thậm chí có trường dạy trước chương trình rất nhiều.

Ông Vinh nhận định: “Nhiều hiệu trưởng đã làm mất ý nghĩa ngày khai trường. Lẽ ra ngày 5-9 phải đầy phấn khởi, hào hứng nhưng nay, đến chính mình mình còn không vui chứ nói gì đến trẻ".

Mong muốn có ngày khai trường đúng nghĩa

Ngày 5-9, sau lễ khai giảng ở các trường trong tỉnh, ông Lê Tuấn Tứ  - giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa - cho rằng việc cho học sinh đi học trước ngày khai giảng như những năm trước ở tỉnh này là điều không nên. “Năm nay, ngành giáo dục Khánh Hòa đã đưa ra kế hoạch và quán triệt việc không cho học sinh đi học trước ngành khai giảng nhằm tạo điều kiện cho các thầy cô giáo nghỉ đúng hai tháng hè, các em học sinh nghỉ đúng ba tháng hè. Đồng thời, chúng tôi mong muốn mang đến cho các em cảm nhận ngày khai trường đúng nghĩa khi vào năm học mới ”- ông Tứ nói.

Ông Lê Đức Sỹ - hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng - cho biết, đối với chủ trương không cho học sinh đi học trước ngày 5-9 theo quy định của Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa đưa ra thì nhà trường hoàn toàn đồng ý. Kế hoạch này cũng tạo điều kiện cho các thầy cô giáo và các em học có thời gian nghỉ hè dài hơn. “Việc học trước ngày 5-9 là không cần thiết”- ông Sỹ nói.

Nên khai trường rồi học

Cô Bùi Thị Kim Duyên - tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu (Đồng Tháp) - cho rằng thời gian tuần đầu tập trung chủ yếu là sinh hoạt tập thể và công tác tổ chức lớp học, tuần còn lại nên củng cố nội dung đã học để chuẩn bị cho chương trình năm học mới, khi các em có sự chuẩn bị thì sẽ bắt nhịp thuận lợi hơn.

Dù vậy, cô Duyên cho rằng khai trường rồi mới bắt đầu năm học sẽ tạo được cảm xúc thật sự, để lại dấu ấn trong học sinh.

Thầy Trần Văn Tám - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Lập Hạ (Củ Chi, TP.HCM) - cho rằng nếu học hai tuần rồi mới khai trường thì các học sinh đã quen thầy, quen bạn, quen trường lớp, sự háo hức cũng bớt đi phần nào. Học sớm thì đến giữa tháng 5 đã kết thúc chương trình nhưng nhà trường vẫn phải kéo dài đến cuối tháng để tổng kết. Giáo viên phải dạy, phải quản lý học sinh trong khi các em lại nô nức được nghỉ hè.

Ông Tám gợi ý: “Thay vào đó, nếu khai trường rồi vào học những tiết đầu tiên sẽ tạo cảm giác phấn khởi, mới lạ cho học sinh. Ngày khai trường cũng nên được tổ chức gọn gàng, tiết kiệm, dành nhiều thời gian hướng đến học sinh”.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cũng cho rằng ngày khai trường nên là ngày đầu tiên của năm học, dù khi đó thầy cô có vất vả hơn trong việc ổn định và quản lý các em nhưng bù lại mọi người đều có những ấn tượng về ngày khai trường.

Đồng quan điểm, TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) nói: “Nếu khai trường sau khi đã đi học thì ý nghĩa khởi đầu năm học không còn nữa, sự háo hức giảm đi rất nhiều. Ngày khai trường đúng nghĩa phải là ngày các em được gặp thầy cô bạn bè, tò mò về lớp mới, được kể về những ngày hè của mình với niềm vui và sự háo hức”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc nhiều địa phương cho học sinh tựu trường quá sớm, lạm vào kỳ nghỉ hè, làm giảm ý nghĩa của lễ khai giảng năm học mới, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - nói đây cũng là ý kiến mà lãnh đạo bộ sẽ tiếp thu, lưu ý để có thể điều chỉnh ở năm học sau.

Ông Nhạ bày tỏ sự ủng hộ cách làm của Sở GD-ĐT Đà Nẵng khi lùi ngày tựu trường sang tháng 9 để học sinh phổ thông được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> GS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh

>> PGS.TS Nguyễn Thành Vinh

>> TS Bùi Hồng Quân

>> ThS Nguyễn Ngọc Tuấn

>> Thầy Trần Văn Tám

>> Cô Bùi Thị Kim Duyên

>> Ông Đỗ Minh Hoàng

[AUDIO id=1473062974643 alt="Ông Đỗ Minh Hoàng"]//static.tuoitre.vn/tto/r/2016/09/05/do-minh-hoang-mp3-1473062889.mp3[/AUDIO]

 

VÕ HƯƠNG - HOÀNG HƯƠNG - MẠNH KHANG - ĐOÀN CƯỜNG - THANH TRÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục