07/12/2015 06:51 GMT+7

19 triệu gia đình văn hóa ngỡ ngàng vì bệnh hình thức?

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG

TTO - 19 triệu gia đình văn hóa có phải là kết quả của căn bệnh hình thức? Liệu người cho và người nhận danh hiệu này có quan tâm đến danh hiệu?

Cảnh đánh nhau tàn nhẫn xuất hiện ngoài đường và clip quay đưa lên mạng không còn là chuyện lạ - Ảnh tư liệu TT

Cả nước có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 85,03%, tăng 2% so với năm 2014. 

Vấn đề đang được tranh luận sôi nổi hiện nay là liệu việc trao tặng danh hiệu gia đình văn hóa có thật sự quan trọng? Rất nhiều ý kiến nói rằng họ “có danh hiệu này cũng được, không có cũng chẳng sao”. Nhiều gia đình giật mình, ngỡ ngàng khi nhận được danh hiệu gia đình văn hóa. 

Rất nhiều gia đình nhận được danh hiệu gia đình văn hóa cho biết họ không biết họ nhận được danh hiệu này vì tiêu chí gì. Mỗi địa phương xác nhận tùy theo cảm tính của tổ trưởng.

Gia đình văn hóa có được xem trọng?

“Tôi không hiểu tại sao gia đình mình lại có danh hiệu gia đình văn hoá. Nhận được danh hiệu mà cũng thấy... nhột. Gia đình tôi được nhận danh hiệu này vì tiêu chí gì tôi cũng không biết" - anh D. ở Bình Thạnh, TP.HCM cho biết.

Đây là chia sẻ của rất nhiều người khi được hỏi về danh hiệu này. Danh hiệu “gia đình văn hóa” dường như không có bất kỳ tác dụng nào cả về vật chất lẫn tinh thần.  Bạn đọc Thảo Ly nói: “Tôi toàn "bị ép" làm gia đình văn hoá vì không biết họ đã xét những gì”.

Cùng nỗi bức xúc đó, chị Trần Hồng Điệp (Q.9, TP.HCM) kể: “Cứ tới kỳ là tổ trưởng lại gởi giấy chứng nhận gia đình văn hóa cho gia đình tôi. Tôi cũng không hiểu là cấp danh hiệu này dựa vào các tiêu chí gì, tại sao nhà tôi lại được nhận. Nhận thì nhận chứ thực ra tôi thấy được danh hiệu cũng chẳng quan trọng”.

Theo bạn đọc Lê Thanh Trung, các hộ gia đình sẽ được cán bộ tổ dân phố phát một tờ giấy A4 trên đó có in sẵn những chỉ tiêu, chỉ cần ghi đúng theo chỉ đạo là có danh hiệu gọi là gia đình văn hóa.

Chị T.K (Hóc Môn, TP.HCM) cho biết: “Danh hiệu chỉ là hình thức. Hầu như nhà nào trong tổ mình cũng được công nhận “gia đình văn hóa”, tuy nhiên có một số gia đình còn tình trạng cãi vã, đánh bạc, gây mất trật tự khu phố”. 

Có ý kiến chia sẻ gia đình họ nhận được danh hiệu này lúc đầu cũng vui, tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, sau đó không ai trong khu phố nhớ rõ gia đình nào là... “gia đình văn hóa”.

Làm sao để đánh giá toàn diện được là có văn hóa hay không?

Một tổ trưởng tổ dân phố ở quận Tân Phú (TP.HCM) cho biết nhiều hộ gia đình được trao danh hiệu gia đình văn hóa chỉ để địa phương đạt đúng chỉ tiêu chứ họ không thật sự xứng đáng.

“Nhiều tổ trưởng chỉ làm qua loa để đủ chỉ tiêu, để khu phố mình được danh hiệu khu phố văn hóa. Khi trao tặng danh hiệu này chúng tôi cũng nghĩ nhiều hơn tới việc được lòng dân thôi chứ cũng không quan trọng gia đình nào có văn hóa thật sự”- vị tổ trưởng này cho biết.

"Có những tổ dân phố có hơn 60, 70, thậm chí 100 hộ, chắc chắn tổ trưởng không thể nào nắm hết tình hình của từng hộ đó"- một tổ trưởng khác nói.

“Nhiều gia đình kín cổng cao tường, nhìn bên ngoài bóng bẩy là thế nhưng làm sao biết được bên trong họ có bạo hành gia đình, có buôn lậu hay có con bị nghiện ma túy hay không? Ai dám gõ cửa vô để khảo sát liên tục? Họ cũng không phải lúc nào cũng có ở nhà để mình thăm hỏi. Mình còn nhiều việc khác để làm chứ không thể liên tục đi nắm tình hình của họ được. Nếu họ đạt được đầy đủ các tiêu chí thì cứ cho họ là gia đình văn hóa”, tổ trưởng này bộc bạch.

Vị tổ trưởng này nói thêm rằng, chỉ thị cấp trên đưa xuống sao thì làm vậy chứ thực sự người dân cũng không quan tâm tới việc có được “gia đình văn hóa” hay không.

“Điều này thực sự là vô nghĩa. Trao cho người ta cái bằng khen người ta cũng về cất tủ chứ cũng chẳng treo lên. Họ không có quyền lợi hay nghĩa vụ, do đó họ ít quan tâm. Nói tự hào thì cũng không phải vì ai cũng có hết, sao còn tự hào được? Lúc mới phát động phong trào này thì người dân còn hưởng ứng chứ bây giờ thì không ai quan tâm nữa”, tổ trưởng này chia sẻ. 

Một phong trào có mục đích tôn vinh văn hóa và đạo đức xã hội

“Tôi thấy việc được công nhận gia đình văn hóa chẳng quan trọng, nói chung là thừa, có cũng được không có cũng không sao, có cũng chẳng được gì cả”- bà Nguyễn Thị Kim Cương (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết.

Đồng tình với ý kiến trên, chị Nguyễn Thị Bích Trâm (Q.9, TP.HCM) nói: “Để danh hiệu này thật sự là niềm kiêu hãnh và tự hào cho mỗi gia đình có được nó thì nên trao cho ít nhà thôi, khi lựa chọn nhà nào xứng đáng phải khảo sát tình hình thực tế thật kỹ và dựa trên nhiều tiêu chí cụ thể, hoặc phải để cho các hộ dân trong khu phố bình bầu chứ đừng làm đại trà”.

Theo chị Bích Trâm, nếu trong một khu phố chỉ có 1, 2 nhà được nhận danh hiệu gia đình văn hóa thì các nhà khác sẽ nỗ lực hơn để cũng được công nhận. Như thế thì việc trao tặng danh hiệu mới có hiệu quả.

Theo GS.TS Lê Thị Quý, viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, chính vì tiêu chí xét duyệt chung chung, cách thực hiện qua loa, chạy theo thành tích nên danh hiệu này mới bị bình thường hóa, chứ thực chất nó là một ý tưởng tốt, cỗ vũ mọi người có nếp sống văn minh.

“Nếu trao danh hiệu một cách đại trà như vậy, ai cũng là gia đình văn hóa thì cũng tương đương với việc không ai là gia đình văn hóa cả. Danh hiệu phải ít nó mới quý chứ cái gì cũng bình bình như thế thì ai cần gì”, GS.TS Lê Thị Quý nói.

PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, Phó viện trưởng Viện Xã hội học (Viên Hàn lâm Khoa học Xã hội VN) cho biết, việc biểu dương các gia đình là tấm gương của xã hội nên để người dân tự quyết chứ chính quyền cũng không nhất thiết phải can thiệp vào. Công sức, thì giờ, và các nguồn lực công đang dành cho phong trào “gia đình văn hóa” hiện nay nên dồn vào việc hỗ trợ có chọn lọc các cộng đồng tạo dựng nên những hoạt động thực chất khác cần thiết hơn.

“Không nhất thiết tất cả các xã, phường đều được chia phần giống nhau từ cái bánh ngân sách của nhà nước cho “gia đình văn hóa”.

Nhà nước chỉ nên hỗ trợ khi cộng đồng có sáng kiến, và sáng kiến đó phải được luận giải là đáp ứng nhu cầu có thật của nhiều gia đình, khả thi, bền vững. Cộng đồng phải có đóng góp dựa trên sự dồng thuận của các gia đình ở địa phương và nhà nước chỉ hỗ trợ một phần”, PGS.TS Vũ Mạnh Lợi nêu ý kiến.

"Những gia đình văn hóa khi vi phạm pháp luật phải bị xử phạt nặng hơn" - GS.TS Lê Thị Quý nói

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Bà Nguyễn Thị Chang:

>> Chị Nguyễn Thị Bích Trâm:

>> GS.TS Lê Thị Quý: 

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục