11/11/2015 06:00 GMT+7

Bác sĩ Trung Quốc “chặt chém” do quản lý lỏng lẻo?

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG - MAI NGUYỄN
ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG - MAI NGUYỄN

TTO - Việc người bệnh bị “chặt chém” ở các phòng mạch tư có bác sĩ nước ngoài (thường gặp nhất là bác sĩ Trung Quốc) không phải chuyện hiếm.

Phòng khám đa khoa Hồng Bàng trên đường Hồng Bàng, P.9, Q.6, TP.HCM - Ảnh: Thanh Tùng

Trường hợp bệnh nhân khám một buổi tốn 37 triệu đồng Tuổi Trẻ đã đưa tin làm nhiều bạn đọc bức xúc. 

Bạn đọc Tam Nông nhận định những phòng khám này quảng cáo rất rầm rộ trên mạng để “dụ” bệnh nhân. Những nơi này chuyên trị những bệnh da liễu “tế nhị”, còn người dân thì rất ngại đến các cơ sở y tế công nên mới vào đây.

“Tôi cũng bị “chặt chém” 3 triệu đồng ở phòng khám tư nhưng bệnh thì thêm nặng”, Tam Nông bức xúc.

Cũng đang điều trị tại phòng khám đa khoa Hồng Bàng, sau khi biết tin về vụ việc, một bạn đọc đã chia sẻ với TTO rằng mình đang rất hoang mang vì đã mất hơn 20 triệu đồng mà bệnh vẫn chưa khỏi.

Lợi dụng tâm lý người bệnh

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong - giảng viên khoa Bác sĩ gia đình ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng tâm lý người đi khám bệnh là phòng khám mắc tiền hơn thì sẽ đảm bảo hơn. Tuy nhiên điều này chưa chắc đúng.

“Người bệnh nên đến những bệnh viện để khám, còn nếu muốn thì sau đó có thể đến bệnh viện tư có uy tín để chữa. Hiện nay, có nhiều người tự chẩn đoán bệnh thông qua những thông tin trên Internet hoặc báo đài. Chính điều này có thể bị các nhân viên y tế ở phòng mạch tư lợi dụng để chuộc lợi”, BS Phong cho biết.

Mở rộng vấn đề, BS Phong cho rằng người bệnh đi khám tại các phòng khám có bác sĩ nước ngoài nên cẩn thận với vấn đề phiên dịch.

“Vì dịch thuật trong y khoa khác với dịch thuật thông thường, người phiên dịch cho các bác sĩ nước ngoài cũng cần giấy chứng nhận. Nếu đến các cơ sở y tế không đảm bảo được vấn đề này có thể rơi vào tình trạng tiền mất tật mang”, BS Phong lưu ý.

Theo BS Hồ Mạnh Tường - tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, cách đây vài tháng ông cũng gặp hai trường hợp bệnh nhân xem quảng cáo trên TV rồi đến phòng khám BS Trung Quốc nhưng khi nghe BS ở đây nói phải điều trị nhiều thứ, họ sợ tốn tiền nên đã xin về.

“Nhiều bệnh nhân tôi gặp thường kể khi vào phòng khám BS Trung Quốc, họ được yêu cầu làm nhiều xét nghiệm. Căn cứ vào kết quả, BS thông báo các vấn đề mà họ gặp phải. Tuy nhiên, người bệnh không thể hiểu được những gì BS nói (BS nói tiếng Trung Quốc). Họ chỉ được phiên dịch viên nói là đang gặp rất nhiều vấn đề cần điều trị”, ông Tường nói.

Quản lý phòng khám tư nhân còn lỏng lẻo

Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, luật về phòng khám tư nhân đã có nhiều nhưng chính vì các cơ quan quản lý lỏng lẻo, không thường xuyên kiểm tra các cơ sở y tế này nên mới xảy ra trường hợp họ đội giá trên trời, lừa đảo người bệnh.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cùng chung nhận định luật khám bệnh chữa bệnh năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định, hướng dẫn thủ tục thành lập, cơ chế hoạt động của các phòng khám tư, tuy nhiên còn chung chung, chưa chặt chẽ.

Ông Trạch cho biết khoản 5, điều 88 Luật khám bệnh chữa bệnh năm 2009 nêu rõ cơ sở khám bệnh chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh. Dù vậy, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về cơ sở đưa ra giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các phòng khám tư nhân nên chi phí khám chữa bệnh phần lớn do chủ cơ sở tự quyết định.

Khoản 3, điều 53 quy định các cơ sở khám bệnh chữa bệnh có trách nhiệm công khai, niêm yết giá dịch vụ và thu theo đúng giá niêm yết căn cứ vào cơ sở vật chất và dịch vụ phục vụ khách hàng. Điều này đảm bảo người bệnh có thể xác định rõ chi phí và xem xét có tiếp tục chữa bệnh hay không.

Đối với hành vi không niêm yết bảng giá dịch vụ, ông Trạch cho biết căn cứ khoản 1 điều 29 nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì cơ sở có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng nếu không niêm yết bảng giá và phạt từ 3-5 triệu đồng nếu thu giá dịch vụ cao hơn giá niêm yết.

Ông Trạch khẳng định bác sĩ, cơ sở khám bệnh không hề bắt buộc ai vào khám. Vì vậy, quan trọng là nhận thức của người bệnh trong việc xác định phòng khám nào là uy tín, có cơ sở vật chất tốt, dịch vụ phải chăng. Đồng thời Nhà nước phải giải quyết tình trạng quá tải của các bệnh viện để người dân không phải tìm các phòng khám tư.

Luật sư Hậu góp ý: “Nên nhớ là luật quy định các phòng khám tư nhân phải niêm yết giá công khai. Nếu thấy cơ sở đó không thực hiện điều này thì đừng nên khám chữa ở đó”.

Đừng quá tin vào quảng cáo

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho rằng bên cạnh việc cơ quan y tế tăng cường công tác quản lý các phòng khám tư nhân, đặc biệt là phòng khám có bác sĩ nước ngoài, bác sĩ Trung Quốc, các nhà đài cũng nên thận trọng khi đăng tải các quảng cáo. Về phía người dân, đừng quá tin tưởng vào quảng cáo, phải thận trọng, hỏi thăm người thân bạn bè về hiệu quả, chất lượng phòng khám trước khi đến khám.

Ông Tường nhận định: “Các phòng khám loại này thường đánh vào tâm lý những người dân có trình độ thấp. Họ quảng cáo trên TV nhiều nên phải thu tiền của bệnh nhân nhiều để bù lại. Nhiều bệnh nhân chấp nhận đón xe từ quê lên khám nhưng rồi phải quay về trong lo lắng vì được thông báo đang mắc rất nhiều bệnh”.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nhấn mạnh theo quy định pháp luật, quảng cáo lĩnh vực khám chữa bệnh là quảng cáo có điều kiện. Cơ sở khám chữa bệnh muốn quảng cáo phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp. Nội dung quảng cáo phù hợp với giấy phép hoạt động, không thể đưa thêm các quảng cáo vượt quá chức năng hành nghề của mình.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong

>> BS Hồ Mạnh Tường

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

>> Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

 

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục