28/07/2017 11:04 GMT+7

Dạy con không tham của rơi, gương mẫu là cách dạy tốt nhất?

PHAN TUYẾT
PHAN TUYẾT

TTO - Trong cuộc sống, các bậc cha mẹ thường hay dạy con không tham của rơi, tuy nhiên không phải lúc nào cũng làm được. Kể lại câu chuyện của mình, bạn đọc Phan Tuyết tự hỏi: "Chính tôi cũng không biết mình hay con mình đã đúng?".

Nhằm góp thêm một góc nhìn về chủ đề này, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Phan Tuyết. 

"Đọc bài viết Đã từ tâm sao không từ tâm cho trót của tác giả Lê Công Sĩ đăng trên báo Tuổi Trẻ Online, bản thân tôi vô cùng tâm đắc với suy nghĩ và sự lý giải của tác giả rằng “trước vật đánh rơi của ai đó nếu mình không nhặt thì cơ hội để khổ chủ tìm lại vật rơi là rất cao”, "Thấy của rơi không nhặt, tức là mình dành cơ hội cho khổ chủ”.

Điều tác giả vừa nói chẳng sai, tôi cũng đã nhiều lần đánh rơi một vài thứ, khi xác định được nơi mình vừa đánh rơi, lập tức quay lại tìm cũng chỉ mươi phút sau nhưng chẳng thấy nữa. Nhiều vật đánh rơi chắc chắn chẳng có tác dụng gì với người nhặt nhưng lại vô cùng quan trọng với người đánh mất.

Còn nhớ, ngày trước gia đình chúng tôi còn nghèo lắm, thời khốn khó ăn còn chưa no nói gì đến việc mua sắm chưng diện. Tết năm ấy, tôi cũng quyết định mua cho cô con gái lớp 1 đôi giày rất đẹp làm phần thưởng khi con thi đạt “Vở sạch chữ đẹp” cấp thị.

Cầm đôi giày cô bé thích lắm, suốt ngày ngắm nghía mà không dám đi vì sợ bị dơ. Tối tối đi ngủ cũng ấp vào lòng. Sáng mùng 1 tết cả nhà về ngoại, không biết vô ý thế nào mà một chiếc giày rơi xuống đường con không biết. Mãi khi vào đến cổng, con mới phát hiện và la toáng lên “con đánh rơi chiếc giày rồi” và ngồi khóc tức tưởi.

Thương con, tôi đã quay lại con đường ấy, đi đi lại lại không biết bao nhiêu lần mà chẳng tìm ra. Nghĩ bụng chắc ai thấy chiếc giày đẹp quá nên lượm về nhưng chỉ có một chiếc cũng chẳng thể làm gì.

Lần khác, do vô ý nên tôi để rơi cả một chùm chìa khóa hơn chục cái. Chỉ mươi phút sau quay lại tìm suốt con đường ấy nhưng vẫn không tìm ra. Ai đó nhặt về cũng chỉ ném vào xó trong khi người làm mất phải thay hàng loạt khóa cửa, khóa xe…

Có lẽ ngay từ nhỏ chứng kiến những điều khốn đốn khi gia đình đánh rơi vật gì đã có tác động rất lớn đến nhận thức và suy nghĩ của con tôi sau này.

Một lần, đang chở con đi, tôi bỗng thấy chiếc bóp của ai đánh rơi trên đường. Đoạn đường vắng người qua lại nên tôi đã vòng xe xuống định lượm nhưng cô bé lớp 2 nhất quyết không cho mẹ nhặt lên.

Nó vùng vằng khóc thét lên phản đối “Mẹ dạy con không được lấy của ai, sao mẹ lại muốn lấy của người khác? Lấy như thế là người xấu”. Tôi đã cố gắng giải thích: “Đây là đồ của ai đó đánh rơi mà họ không biết. Mẹ sẽ mở ra xem có địa chỉ của họ thì đi tìm mà trả lại”.

Nhưng khi mở bóp ra chỉ có hơn trăm ngàn và không có giấy tờ gì cả. Con bé nhất quyết bắt tôi bỏ xuống đường vì “họ đánh rơi họ sẽ đi tìm. Mẹ cầm rồi họ biết tìm ở đâu?”.

Cho đến bây giờ khi con gái đã là sinh viên năm 3 nhưng nó vẫn giữ cái suy nghĩ ấy. Hôm trước gọi điện về buồn buồn kể cho mẹ nghe bị một số bạn gọi là “hâm, là tẩm, có bạn nặng lời nói con rằng ngu chỉ vì trên đường đi học về con thấy 200 ngàn mà không nhặt”.

Khi nghe tôi nói: “Con không nhặt nhưng chưa chắc người đánh rơi đã nhặt được mà một ai đó sẽ lượm mất”. Nó vẫn cương quyết: “Con cũng biết thế nhưng con sợ của thiên trả địa. Không phải của mình thì tốt nhất không nên lấy làm gì mẹ ạ”.

Trong chuyện này, chính tôi cũng không biết mình hay con mình đã đúng?".

Bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Còn bạn, bạn có ý kiến gì về điều này? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô BÌNH LUẬN dưới bài hoặc gửi qua email: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
PHAN TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên