Nỗi lòng thầy cô, có cầu nhưng phải đi đò

ĐỨC VỊNH  (ducvinh@tuoitre.com.vn)
ĐỨC VỊNH (ducvinh@tuoitre.com.vn)

TT - Mỗi lần chạy xe máy qua cầu Mỹ Luông - Tấn Mỹ (bắc qua nhánh phụ sông Tiền) phải trả phí 4.000 đồng, nên các thầy cô ở huyện Chợ Mới (An Giang) qua sông bằng đò với nhiều rủi ro để được miễn phí.

Do bị thu phí, nhiều học sinh phải gửi xe đạp đi bộ qua cầu - Ảnh: Đức Vịnh

Cầu Mỹ Luông - Tấn Mỹ dài 580m do Công ty CP Đầu tư xây dựng CNC-BOT (Công ty CNC) đầu tư theo hình thức BOT. Sau khi đưa vào sử dụng từ tháng 10-2014 đến nay, công ty thu phí theo quy định tạm thời của UBND tỉnh An Giang.

Quy định này căn cứ vào thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính, theo đó học sinh, giáo viên qua cầu vẫn nộp phí (xe đạp 1.000 đồng/lượt, xe máy 4.000 đồng/lượt), người đi bộ được miễn.

Để tiết kiệm, hằng ngày nhiều học sinh từ bên Tấn Mỹ thường gửi lại xe đạp, đi bộ qua cầu rồi tiếp tục đi bộ đến trường. Còn giáo viên thì chạy xe máy đến bến đò cách cầu 4km để sang sông, bởi các bến đò không thu tiền đối với giáo viên và học sinh.

“Đi dạy ngày hai buổi, qua lại cầu bốn lượt hết 16.000 đồng, mỗi tháng tốn 400.000 - 500.000 đồng. Đây là khoản tiền lớn so với đồng lương giáo viên. Do đó tuy có cầu nhưng chúng tôi vẫn phải đi đò” - một giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm than thở.

Người dân, chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị miễn phí cho học sinh, giáo viên nhưng không được chấp nhận.

Ông Nguyễn Chí Nhơn, chủ tịch HĐQT Công ty CNC, cho biết cầu có tổng mức đầu tư 109 tỉ đồng, chủ yếu từ vốn vay ngân hàng. Từ khi đưa vào sử dụng tới nay, đơn vị thu phí theo khung quy định tạm thời của UBND tỉnh An Giang, mỗi tháng chỉ thu được 450 triệu đồng, không đủ đóng lãi, trả lương nhân viên, chi phí hoạt động.

“Chúng tôi phải bù lỗ mỗi tháng khoảng 200 triệu đồng nên chỉ miễn phí qua cầu cho các đối tượng theo quy định. Riêng học sinh chúng tôi vẫn thu phí nhưng sau đó sẽ trả lại vào cuối tháng dựa vào danh sách do nhà trường cung cấp” - ông Nhơn giải thích. Trong khi đó, nhiều học sinh nói chưa biết chuyện này nên vẫn đi bộ qua cầu.

Ông Trương Trung Lập, chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết vừa qua Công ty CNC và huyện xây dựng khung thu phí qua cầu Mỹ Luông - Tấn Mỹ. Trong đó có nâng mức thu một số đối tượng, miễn phí cho học sinh, giáo viên và đã đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê chuẩn nhưng chưa được thông qua.

Còn việc lập danh sách học sinh đi học qua cầu để nhận lại tiền phí, ông Lập cho rằng học sinh THPT thường đến trường ngày hai buổi (bốn lượt qua cầu) mà chỉ được trả lại tiền hai lượt, khi lập danh sách phải rà soát đối chiếu từng học sinh đi học từng buổi cụ thể quá phức tạp nên các trường khó thực hiện.

Trong khi đó, UBND tỉnh An Giang vừa ra quyết định ban hành chế độ thu phí qua cầu Bình Thủy, được đơn vị khác đầu tư cũng theo hình thức BOT ở huyện Châu Phú.

Quyết định này quy định các trường hợp miễn thu phí gồm có học sinh, giáo viên chạy xe hai bánh. Việc này khiến người dân địa phương thắc mắc: “Tại sao hai cây cầu cùng hình thức đầu tư, nhưng cầu này miễn phí cho học sinh, giáo viên, còn cầu kia thì không?”.

Nên bàn bạc để đưa ra khung thu phí phù hợp hơn

Ông Hồ Việt Hiệp, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết khung mức thu phí ở cầu Bình Thủy cũng căn cứ quy định tại thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính nói trên nhưng có sự thống nhất giữa UBND huyện Châu Phú với nhà đầu tư về đối tượng miễn phí nên được HĐND tỉnh chấp thuận.

Còn khung thu phí cầu Tấn Mỹ - Mỹ Luông do Công ty CNC và huyện Chợ Mới đưa ra chưa phù hợp nên chưa đủ điều kiện thông qua HĐND tỉnh phê chuẩn.

Vì vậy việc thu phí qua cầu này vẫn áp dụng theo quy định tạm thời của UBND tỉnh ban hành trước đây, chưa thể thực hiện miễn phí qua cầu cho học sinh, giáo viên.

Theo ông Hiệp, nhà đầu tư và địa phương nên bàn bạc, tính toán lại nhằm đưa ra khung thu phí phù hợp hơn để được HĐND tỉnh xem xét, phê chuẩn.

 

ĐỨC VỊNH (ducvinh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên