29/11/2016 10:14 GMT+7

Bạn đọc hiến kế tự bảo vệ mình khi đi xe buýt

ĐỖ NGÔ TRẦN - NGUYỄN THÙY LIÊN
ĐỖ NGÔ TRẦN - NGUYỄN THÙY LIÊN

TTO - Cùng với câu chuyện Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM vừa có kiến nghị xử lý triệt để các băng nhóm tội phạm trên xe buýt, bạn đọc ĐỖ NGÔ TRẦN (TP.HCM) và NGUYỄN THÙY LIÊN (Hà Nội) hiến kế cần chung tay để ngăn cái xấu.

*** Error ***
Xe buýt số 8 chạy tuyến bến xe Q.8 - ĐH Quốc gia dán giấy nhắc nhở hành khách cảnh giác “Cẩn thận móc túi” - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Đừng thờ ơ, phải ngăn cái xấu

Vì sợ rắc rối, sợ bị trả thù nên không ít hành khách thấy cái xấu trên xe buýt như trấn lột, móc túi... nhưng không dám phản ứng hoặc lên tiếng tố giác.

Thiết nghĩ, nếu không làm ngơ, ai cũng lên tiếng trước cái xấu, một người lên tiếng, nhiều người khác cùng tham gia hỗ trợ thì kẻ xấu sẽ bị cô lập, tự động rút lui.

Tôi thấy có lần trên xe buýt, một thanh niên phát hiện người đàn ông khoảng 40 tuổi ngồi phía trước đang rạch túi xách của một nữ sinh viên. Nam thanh niên này đã la lên: “Sao lại rạch túi người ta?”. Người đàn ông không thực hiện được mục đích, quay ra sau đòi đánh nam thanh niên.

Lúc đó, có vài thanh niên trên xe lên tiếng hỗ trợ nam thanh niên nên người đàn ông đó đã phân bua là mình không rạch túi xách và vội vã xuống xe khi tới trạm dừng.

Lần khác cũng trên xe buýt, một chị công nhân khóc nức nở vì bị rạch túi xách lấy mất tiền dành dụm cả năm để về quê trả nợ. Tôi ấn tượng với cách xử lý khôn khéo của nhà xe, phụ xe thông báo trên loa và đóng hết các cửa trên xe buýt, rồi tài xế lái thẳng xe vào trụ sở công an gần đó.

Ngay sau đó, có người phát hiện cọc tiền nằm lẻ loi ở góc khuất, tất nhiên không biết thủ phạm là ai, nhưng chị công nhân đã nhận lại cọc tiền và mừng rỡ không thể tả xiết.

Bên cạnh việc mỗi người không thờ ơ trước cái xấu, ngành xe buýt cũng phải tính toán đến việc ngăn cái xấu bằng việc trang bị camera trên tất cả các xe để ghi lại hình ảnh làm chứng cứ khi cần thiết. Các tài xế và phụ xe phải được huấn luyện tinh thần bảo vệ hành khách và phải có kỹ năng xử lý tình huống để hỗ trợ nạn nhân bị trấn lột, móc túi trên xe.

Cần công khai trên xe buýt các cảnh báo và dùng loa tuyên truyền mọi người cùng lên tiếng phản ứng khi phát hiện cái xấu cũng như khen thưởng kịp thời người dám tố giác khi phát hiện tình trạng lừa đảo, móc túi, trộm cắp...

Ngành thanh tra ngành giao thông, công an, lực lượng thực thi pháp luật cần có cơ chế theo dõi và giám sát thường xuyên, xử lý dứt điểm tình trạng lừa đảo, móc túi hay đe dọa và trấn lột trên xe buýt.

Vào dịp cuối năm, ngành chức năng cần cử người đi trên những tuyến xe buýt mà báo chí đã phản ánh để nắm bắt tình hình thực tế, kịp thời có biện pháp bảo vệ hành khách và tài sản của họ. Đừng xử lý qua loa tình trạng này bởi người dân bất an thì sẽ không còn ai dám đi xe buýt nữa.

ĐỖ NGÔ TRẦN (TP.HCM)

Biết cách tự bảo vệ tài sản

Sinh sống mãi tận huyện ngoại thành Đông Anh, nhưng lại học tại một trường đại học trên địa bàn Q.Thanh Xuân, Hà Nội, vì vậy hằng ngày tôi phải chuyển qua hai tuyến xe buýt mới tới được trường.

Hơn hai năm đi lại bằng xe buýt, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu vụ hành khách bị móc túi lấy tiền bạc, tài sản... và nạn nhân chủ yếu là các em sinh viên năm nhất mới lên TP hoặc những người ở quê lên TP, chưa có nhiều kinh nghiệm đi xe buýt.

Tôi thấy, thường thì những người chuyên móc túi này hoạt động ngay tại điểm dừng xe buýt để tìm sự sơ hở của khách chờ xe và ra tay trộm cắp. Thời điểm khách vội vàng lên xe buýt cũng là lúc bọn gian lên xe cùng và ra tay, bởi khi đó khách đều ít chú ý tới những sự va chạm do chen lấn, xô đẩy.

Với những kẻ gian thường “đi tour” theo xe buýt vào các khung giờ cao điểm, họ luôn đứng ở chỗ cửa lên xuống để dễ móc đồ của khách. Chính vì vậy mà chỗ cửa lên xuống của xe buýt luôn là “điểm đen nguy hiểm” khiến những ai có kinh nghiệm đi xe buýt đều nằm lòng để tránh, để nâng cao tinh thần cảnh giác mỗi khi lên, xuống xe.

Để ngăn chặn tình trạng bọn gian sống bám vào các trạm trung chuyển và điểm dừng xe buýt để móc túi trộm cắp tiền bạc, tài sản của hành khách thì công an cần phải thường xuyên ra quân, và làm thật mạnh tay để truy quét loại hình tệ nạn này.

Với hành khách đi xe buýt còn thiếu kinh nghiệm, cần lưu ý là tuyệt đối không mang theo nhiều tiền bạc, tài sản quý giá và tuyệt đối không nên đứng ở lối cửa lên xuống của xe buýt.

Nên để điện thoại, ví tiền... trong ngăn giữa của balô, túi xách, hoặc túi áo phía trong; khi chuẩn bị lên xe hay xuống xe cũng phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, luôn chú tâm tới những chỗ mình có tiền bạc, tài sản...

Khi mỗi hành khách tự giác bảo vệ tài sản của mình như vậy thì chắc kẻ gian khó lòng làm ăn được.

NGUYỄN THÙY LIÊN (Hà Nội)

ĐỖ NGÔ TRẦN - NGUYỄN THÙY LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên