04/11/2016 20:40 GMT+7

Hôi của là một dạng lệch lạc trong nhân cách

NGUYỄN VĂN CÔNG
NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - Xung quanh vụ việc chiếc xe tải chở hàng bốc cháy, hàng chục người dân lao vào hôi của, ThS tâm lý Nguyễn Văn Công đã gởi đến Tuổi Trẻ Online bài viết nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ tâm lý.

Phụ xe bất lực khóc khi hàng chục người dân lao vào lấy hàng hóa trên xe - Ảnh cắt từ clip

Những ngày qua, không chỉ riêng tôi mà tất cả ai có lòng tự trọng khi xem clip ghi lại hình ảnh hàng chục người lao vào hôi của chiếc xe tải gặp nạn trên quốc lộ 1D đều không khỏi tức giận cho hành vi “bản năng” và vô cảm đến nhẫn tâm này. 

Muốn lấp đầy khoảng trống về sự vô cảm của mỗi người thì cần phải được hướng dẫn, giáo dục, tuyên truyền một cách thường xuyên, liên tục, bài bản. Những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc VN như “thương người như thể thương thân”, hay “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” được khơi gợi thường xuyên chắc chắn sẽ phát huy giá trị, góp phần đẩy lùi cái xấu.

Đây không phải là hiện tượng mới. Trước đó, vào năm 2013, báo chí đã lên tiếng và dư luận xã hội đã phê phán hành động vô cảm khi một số người dân lợi dụng vụ ôtô bị nạn rồi lao vào cướp bia ở vòng xoay Tam Hiệp (Đồng Nai). 

Dưới góc độ tâm lý - giáo dục chúng tôi xin đề cập hiện tượng hôi của ở một số khía cạnh sau đây:

Do nhận thức lệch lạc

Có thể nói hành vi “hôi của” của một bộ phận người dân phần lớn do họ suy nghĩ một cách giản đơn. Đó là sai lệch về đạo lý của dân tộc VN, đồng thời còn là biểu hiện tâm lý đám đông thường “ăn theo”, “tát nước theo mưa”.

Hơn nữa, vì thiếu hiểu biết về pháp luật nên họ thực hiện một cách không ý thức. Bởi hành vi “hôi của” này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác và tùy mức độ của hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Nhưng thực tế, bản thân những người hôi của này không biết mình đang có những việc làm sai trái (sai cả mặt chuẩn mực đạo đức cũng như quy định của pháp luật)

Thái độ vô cảm

Đây cũng là thể hiện sự vô cảm đến mức nhẫn tâm của một số ít người.

Có hai dạng vô cảm. Dạng thứ nhất là biểu hiện sự dửng dưng, thờ ơ, lạnh lùng trước nỗi đau của người khác (đứng nhìn, cười đùa, vô tư trước người bị nạn…).

Dạng thứ hai thể hiện bằng hành vi tự mang lại khoái cảm cho bản thân như quay clip để tung lên mạng cho vui hoặc bản thân thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác (lao vào tranh giành, cướp giật) mà ta thường gọi là hôi của.

Lẽ ra trong trường hợp này, khi thấy người bị nạn thì cần nhanh chóng tham gia hỗ trợ để bảo vệ tài sản của chủ xe như can ngăn người khác không được lấy tài sản, trực tiếp thu dọn hàng hóa cho chủ xe nhằm giảm thiểu thiệt hại cho chủ xe sau tai nạn.

Tuy nhiên, trường hợp này thì ngược lại, người hôi của còn hoan hỉ, vui vẻ mà không nghĩ đến nỗi khổ, sự mất mát của chủ xe. Thật là vô cảm đến tàn nhẫn, mất hết cả tính người.

Hành động đó đi ngược với đạo lý truyền thống của dân tộc như lá lành đùm lá rách, người trong một nước phải thương nhau cùng.

Những người hành động hôi của thử nghĩ xem nếu như đó là tình huống của bản thân hay của chính người thân trong gia đình mình bị người khác hôi của như thế họ có động lòng trắc ẩn hay không?

Ứng xử thiếu văn hóa

Ứng xử thiếu văn hóa là một biểu hiện rõ của một bộ phận người đã hôi của và bị xã hội lên án mạnh mẽ. Hôi của cũng là một biểu hiện thường thấy nhất trong chuỗi hành vi thiếu văn hóa như dửng dưng vô cảm, tùy tiện vô nguyên tắc, nói tục chửi thề, vứt rác bừa bãi…

Đồng thời hành vi này cũng chính là hệ quả của việc thiếu sự giáo dục kỷ luật một cách tự giác ngay khi còn nhỏ. Do đó, dễ dẫn đến họ tùy tiện trong hành vi.

Hôi của hay ăn cắp vặt thường chỉ bị lên án mạnh mẽ bởi đạo đức xã hội, chứ chưa bị xử lý nghiêm bằng pháp luật. Cho nên, khi gặp điều kiện là hành vi “vô tổ chức” này của một bộ phận lại được trỗi dậy.

Đặc biệt, đối với những người nông dân thì cần phát huy sức mạnh của dư luận xã hội tích cực ở địa phương nhằm uốn nắn, điều chỉnh những hành vi sai trái “hôi của” của cá nhân cá biệt. Tăng cường đoàn kết thống nhất trong làng xã cũng là một cách làm hay để khắc phục tính vô cảm, thờ ơ, dửng dưng không đáng có.

Khai thác thế mạnh của các phương tiện truyền thông để giúp mọi người hiểu rõ, có thái độ phù hợp cũng như có những hành vi ứng xử đúng đắn, hợp với chuẩn mực xã hội.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bạn có đồng ý với cách nhìn nhận và một số giải pháp mà ThS Nguyễn Văn Công đưa ra về hiện tượng hôi của? Mời bạn chia sẻ ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi đến địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên